27/11/2024

Tuyên bố cuối Hội nghị Thượng đỉnh các Thẩm phán Liên Mỹ châu

Không thể sống trong hoà bình và dân chủ khi các tiến trình chính trị và xã hội lại tước đi quyền của người dân và huỷ hoại môi trường.

 Tuyên bố cuối Hội nghị Thượng đỉnh các Thẩm phán Liên Mỹ châu

 

 

Hội nghị Thượng đỉnh các Thẩm phán Liên Mỹ châu – Gustavo Moreno và Antonio Herman Benjamin

Không thể sống trong hoà bình và dân chủ khi các tiến trình chính trị và xã hội lại tước đi quyền của người dân và huỷ hoại môi trường.

Từ ngày 3-4/6 vừa qua tại diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh của các Thẩm phán Liên Mỹ châu về các quyền xã hội và học thuyết Phanxicô. Hội nghị tập trung vào các quyền xã hội, kinh tế và văn hoá. Kết thúc, Hội nghị đã ra một tuyên bố được ký bởi ĐTC Phanxicô và những người tham dự.

Nội dung của tuyên bố ghi nhận trước hết về tình trạng xuống cấp của các hệ thống lập quy quốc gia và quốc tế, đặc biệt là sự xuống cấp trong việc thực thi toàn cầu các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá.

Do quá trình toàn cầu của sự phân hoá xã hội làm kéo theo sự bất công và bạo lực mang tính cơ cấu. Theo một cách thức chưa từng có, một nhóm thiểu số ngày càng ít lại đang tích luỹ của cải của thế giới, làm giảm đi phúc lợi và nhân phẩm của hàng triệu con người.

Đồng thời, hệ thống kinh tế toàn cầu hiện tại làm ít hoặc không làm gì để giữ cho môi trường ổn định, do đó góp phần gây nên sự suy thoái toàn diện đến hiện hữu con người.

Tuyên bố của các Thẩm phán tối cao ghi: 
 
“Những giáo huấn và gương sáng của Đức Thánh Cha Phanxicô khiến chúng ta phải tự hỏi và khuyến khích chúng ta xem xét lại cách chúng ta tiếp cận với sứ mạng tư pháp, bất kể niềm tin tôn giáo cá nhân.

Bối cảnh hiện tại của nhân loại giao cho chúng ta trách nhiệm to lớn là giám sát pháp lý trong việc thực thi quyền con người, thi hành một lập trường kiên định và can đảm, hạn chế những hành động phá huỷ và suy thoái đối với nhân loại và hành tinh của chúng ta.”

Các thẩm phán tối cao Liên Mỹ châu tuyên bố: “Chúng tôi coi điều trên là thiết yếu đối với các nước, phải công nhận hiệu lực vô điều kiện của các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa; đồng thời sửa đổi các chính sách về ngân sách nhằm làm cho các hoạt động được công bằng và hợp lý, làm sao để các mục đích phải được tuân thủ một cách nghiêm ngặt.

Chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia hoàn thành các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc, đó là các cam kết cụ thể và có thời hạn của thế hệ chúng ta trong việc thực hiện Tuyên ngôn quốc tế về Nhân quyền và các thỏa thuận nhân quyền liên quan.

Chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia thực hiện các hành động quyết liệt để hoàn thành các mục tiêu của Thỏa thuận Khí hậu Paris, vốn rất quan trọng đối với sự sống và phúc lợi của con người, đặc biệt là vì người nghèo và các thế hệ kế tiếp.”

Tuyên ngôn cũng ghi nhận: “Không thể sống trong hoà bình và dân chủ khi các tiến trình chính trị và xã hội lại tước đi quyền của người dân và huỷ hoại môi trường.” Do đó, cần phải “chống lại mọi nỗ lực khai thác tư pháp nhằm hạn chế Nhân quyền trong các kịch bản chính trị và kinh tế, làm mất đi chức năng tư pháp và phá hủy nền dân chủ”.

Tuyên bố cũng đề cập đến ảnh hưởng của các hệ thống truyền thông trong việc gây sức ép trên tiếng nói của công chúng. Như thế, truyền thông làm mất đi bản chất của mình.

Tuyên bố kết thúc với lời yêu cầu các đồng nghiệp thẩm phán của Châu Mỹ nỗ lực dấn thân vì phẩm giá con người, vì hoà bình toàn cầu và hiện thực hóa quyền con người trong mọi khía cạnh. (CSR_3384_2019)
 
 
 

Văn Yên, SJ