27/01/2025

ĐTC gặp gỡ các vị lãnh đạo Chính thống Rumani

ĐTC Phanxicô đã được Đức Thượng phụ Daniel cùng với các thành viên Thánh Hội đồng của Chính thống Rumani đón tiếp ngay ở cổng vào, và sau khi chụp hình lưu niệm cũng như giới thiệu các thành phần của hai phái đoàn, ĐTC và Đức Thượng phụ đã hội kiến riêng với nhau tại phòng Dignitas.

 ĐTC gặp gỡ các vị lãnh đạo Chính thống Rumani

 

 

 

Trong cuộc gặp gỡ các vị lãnh đạo Chính thống Rumani, ĐTC đề cao và mong ước sự đồng hành giữa các tín hữu Công giáo và Chính thống trong việc lắng nghe Lời Chúa, đồng hành để tiến tới một Lễ Hiện Xuống mới.

Lúc 3 giờ 30 chiều thứ sáu 31-5-2019, ĐTC đã bắt đầu các hoạt động thuần tuý tôn giáo với cuộc viếng thăm Toà Thượng phụ Chính thống Rumani, chỉ cách Toà Sứ thần 3 cây số. Toà này có từ năm 1925 và trong 41 năm dưới thời cộng sản, đã được dùng làm trụ sở quốc hội cộng hoà xã hội chủ nghĩa Rumani. Năm 1996, Toà Thượng phụ được Nhà nước cấp quyền sử dụng toà nhà này rồi sau đó được tặng luôn quyền sở hữu. Tại sảnh đường tên là “Conventus” trong toà nhà này, có một tấm biển nhắc nhớ cuộc gặp gỡ hồi năm 1999 giữa Đức Thượng phụ Teoctist, Giáo chủ Chính thống Rumani, với Thánh Gioan Phaolô II.

Đến Toà Thượng phụ lúc gần 4 giờ chiều, ĐTC Phanxicô đã được Đức Thượng phụ Daniel cùng với các thành viên Thánh Hội đồng của Chính thống Rumani đón tiếp ngay ở cổng vào, và sau khi chụp hình lưu niệm cũng như giới thiệu các thành phần của hai phái đoàn, ĐTC và Đức Thượng phụ đã hội kiến riêng với nhau tại phòng Dignitas.

Đức Thượng phụ Daniel năm nay 68 tuổi (1951), từng làm giáo sư thần học tại Học viện Đại kết Bossey gần Genève, Thuỵ Sĩ, trong 8 năm, từ năm 1980 đến 1988. Sau đó ngài trở thành đan sĩ với tên là Daniel, rồi 3 năm sau được bầu làm TGM Giáo phận Iasi, Moldavia và Bucovina. Sau khi Đức Thượng phụ Teoctist qua đời năm 2007, ngài được bầu làm người kế vị. Ngài đã xuất bản nhiều tác phẩm về thần học và văn hoá bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau.

Sau cuộc hội kiến riêng, ĐTC đã gặp chung Đức Thượng phụ và Thánh Hội đồng của Chính thống Rumani. Cùng với Hội đồng toàn quốc của Giáo Hội, Thánh Hội đồng là cơ quan quyết định cao nhất của Chính thống Rumani: ngoài Đức Thượng phụ còn có 9 vị TGM gồm 5 vị trong nước và 4 vị ở nước ngoài, cùng một vị TGM khác và 2 GM. Thánh Hội đồng được chia thành 4 ban đặc trách về các vấn đề mục vụ, đan viện và xã hội; tiếp đến là ban thần học, phụng vụ và giáo huấn, thứ ba là ban giáo luật, pháp lý và kỷ luật, sau cùng là ban đặc trách các cộng đoàn nước ngoài, tương quan liên Chính thống giáo, đại kết và liên tôn.

Diễn văn ĐTC trong cuộc gặp gỡ Chính thống Rumani

Lên tiếng sau lời chào mừng của Đức Thượng phụ Daniel, ĐTC cho biết nối tiếp cuộc viếng thăm của Thánh Gioan Phaolô II cách đây 20 năm tại Rumani, ngài cũng muốn đến đây như người lữ hành, mong được thấy tôn nhan Chúa nơi khuôn mặt của những người anh chị em.

Mối liên hệ Chính thống và Công giáo

Ngài cũng nhắc đến mối liên hệ giữa Công giáo và Chính thống bắt nguồn từ mối liên hệ máu mủ giữa hai Thánh Tông đồ anh em, Phêrô và Anrê, và đặc biệt hai cộng đoàn có một gia sản chung, cùng chịu đau khổ đến độ đã chịu đau khổ cho đến mức dâng hiến cuộc sống, một gia sản rất quí giá không thể bị quên lãng hoặc bị khinh rẻ. Gia sản chung ấy kêu gọi chúng ta đừng xa cách người anh em cùng chia sẻ gia sản ấy. Hiệp nhất với Chúa Kitô trong đau khổ, hiệp nhất nhờ Chúa Kitô trong cuộc Phục sinh để “cả chúng ta cũng có thể tiến bước trong một đời sống mới” như lời Thánh Phaolô đã nói (Rm 6,4).

Kêu gọi đồng hành

ĐTC nói tiếp:

“Đồng hành cùng nhau nhờ sức mạnh của ký ức. Không phải ký ức về những thiệt hại và sai trái đã phải chịu, những phán đoán và các thành kiến, khép kín chúng ta trong cái vòng lẩn quẩn và đưa tới những thái độ vô ích, nhưng là ký ức về những căn cội: các thế kỷ đầu tiên, trong đó Tin Mừng được loan báo với tất cả sự thẳng thắn, tự do và với tinh thần ngôn sứ, đã gặp gỡ và soi sáng cho các dân tộc và các nền văn hóa; ký ức về những thế kỷ đầu tiên của các vị tử đạo, các Giáo Phụ và các vị hiển tu tuyên xưng đức tin, sự thánh thiện thường nhật, được sống và làm chứng nhờ bao nhiêu người đơn sơ chia sẻ cùng Trời Cao…”

Hướng về tương lai


“Việc nhớ lại những bước đường đã cùng nhau thực hiện như thế khích lệ chúng ta tiếp tục tiến bước về tương lai, với ý thức về những khác biệt tuy có, nhưng với tinh thần biết ơn vì bầu không khí gia đình cần tái khám phá, trong ký ức về tình hiệp thông cần khơi dậy, như ngọn đèn chiếu sáng cho những bước đi của chúng ta.”

Đồng hành trong việc lắng nghe Lời Chúa

ĐTC cũng đề cao và mong ước sự đồng hành giữa các tín hữu Công giáo và Chính thống trong việc lắng nghe Lời Chúa, đồng hành để tiến tới một Lễ Hiện Xuống mới.

Ngài nói: “Đối với các môn đệ, Lễ Phục Sinh đánh dấu khởi đầu một con đường mới, trong đó, những lo sợ và sự hoang mang không chắc chắn không biến mất. Tình trạng ấy kéo dài cho đến khi Chúa Thánh Thần hiện xuống… Cũng vậy, hành trình của chúng ta khởi hành từ sự chắc chắn có một người anh em ở bên cạnh, chia sẻ niềm tin dựa trên sự phục sinh của Chúa.”

Nguyện xin ơn phù trợ của Chúa

ĐTC kết luận với lời nguyện ước:

“Xin Chúa Thánh Linh đổi mới chúng con, Chúa không đề cao sự đồng nhất, nhưng thích nhào nặn hiệp nhất trong sự khác biệt đẹp đẽ và hoà hợp. Xin Lửa Thánh Linh thiêu huỷ những nghi kỵ giữa chúng con, xin luồng gió Thánh Linh quét sạch những do dự cản trở chúng con cùng nhau làm chứng về cuộc sống mới được ban tặng chúng con. Chúa là Đấng kiến tạo tình huynh đệ, xin Ngài ban cho chúng con ơn đồng hành với nhau. Chúa là Đấng tạo nên sự mới mẻ, xin Chúa làm cho chúng con trở nên can đảm thử nghiệm những con đường mới chưa từng có để chia sẻ và chu toàn sứ mạng truyền giáo. Chúa là Sức mạnh của các vị tử đạo, xin Chúa giúp chúng con đừng làm cho hy sinh của các vị trở nên vô ích.”
 
 
 

G. Trần Đức Anh OP