24/01/2025

Chúa Nhật VI Phục Sinh – C – 2019: Cộng đồng Phục Sinh

Cộng đồng Phục Sinh là kết quả của người tín hữu sống mầu nhiệm vượt qua với Đấng Phục Sinh. Vậy cộng đồng này là gì, có những đặc tính nào và được hình thành ra sao?

 

Chúa Nhật VI Phục Sinh – C – 2019

Cộng đồng Phục Sinh

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Các bài Thánh Kinh trong tuần này mô tả Giáo Hội gồm những cộng đồng Phục Sinh như là kết quả của người tín hữu sống mầu nhiệm vượt qua với Đấng Phục Sinh. Vậy cộng đồng này là gì, có những đặc tính nào và được hình thành ra sao?

1. Cộng đồng Phục Sinh

1.1. Cộng đồng, theo định nghĩa, là toàn thể những người cùng sống, có những điểm giống nhau, gắn bó thành một khối trong sinh hoạt xã hội (x. Viện Ngôn ngữ, Từ điển tiếng Việt 2013, NXB Đà Nẵng, mục từ Cộng đồng, tr.289).

Như thế, cộng đồng Phục Sinh là tập thể những người cùng sống mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa Giêsu. Họ là những con người mới, biết sống hy sinh và yêu cách trong sáng, quảng đại như Đức Giêsu Phục Sinh mà chúng ta vừa tìm hiểu trong Chúa Nhật V Phục Sinh.

1.2. Cộng đồng này được miêu tả cách biểu tượng trong Bài đọc I của sách Khải Huyền (x. Kh 21,10-23). Đó là “thành thánh Giêrusalem mới, từ trời mà xuống, chói loà vinh quang Thiên Chúa”. Thành rất rộng để có thể chứa muôn người từ khắp tứ phương thiên hạ đổ về. Mỗi phương không phải chỉ có 1 cửa, nhưng có tới 3 cửa mở rộng cho muôn dân. Trong thành không có đền thờ vì Thiên Chúa và Con Chiên là đền thờ của thành: nghĩa là cộng đồng này gắn bó trực tiếp với Thiên Chúa, vượt qua những lễ nghi và phụng tự trần thế. Họ được trực tiếp chiêm ngưỡng Thiên Chúa và hoà nhập trọn vẹn với Đức Giêsu. Thành cũng không cần mặt trời mặt trăng chiếu sáng, vì cộng đồng những con người này đã sống thánh thiện, toả chiếu ánh quang của Thiên Chúa mà chúng ta đã suy niệm trong Mùa Chay vừa qua theo đề tài của ĐTC Phanxicô.

Hơn nữa, cộng đồng phục sinh được biểu lộ cách cụ thể qua những Giáo Hội đầu tiên được sách Công vụ Tông đồ mô tả trong Bài đọc II (x. Cv 15,1-29). Đó các tính hữu Do Thái ở miền Giuđê và lương dân ở Antiôkia, Syria, Kilikia. Họ tin mạnh mẽ vào Đấng Phục Sinh, vượt qua những luật buộc của tôn giáo Do Thái cũ với nghi thức phụng tự và phép cắt bì, để sống theo điều răn yêu thương của Đức Giêsu. Họ đầy ân sủng kỳ diệu của Chúa Thánh Thần nên thực hiện được các phép lạ để biểu lộ cho mọi người thấy sự sống phi thường của Thiên Chúa, như thánh Phaolô và Barnaba diễn tả trong cuộc đời của mình.

1.3. Những đặc điểm của cộng đồng phục sinh

Qua bài Tin Mừng (x. Ga 14,23-29), Đức Giêsu mô tả cho chúng ta ba đặc điểm của cộng đồng phục sinh.

– Đặc điểm đầu tiên chính là tình yêu và sự hoà nhập trọn vẹn với Thiên Chúa và với Đức Giêsu: “ ”.

– Đặc điểm thứ hai, đó là những người được Chúa Thánh Thần bảo trợ và hướng dẫn để luôn sống theo sự thật là Chúa Giêsu Kitô. Sự thật toàn diện này giúp ta hiểu đúng về Thiên Chúa, về con người, về vạn vật và hành động hiệu quả nhất.

– Đặc điểm thứ ba, đó là những con người này được hưởng sự bình an thật sự của Đức Giêsu. Sự bình an này vượt lên trên mọi xung đột, căng thẳng vì đã được Chúa Giêsu giải hoà trong mối tương quan với Thiên Chúa, với anh chị em mình và với vạn vật.

Tóm lại, cộng đồng phục sinh là toàn thể những tín hữu cảm nhận được niềm vui, hạnh phúc và ơn cứu độ qua việc chết đi và sống lại với Chúa Kitô Phục Sinh.

2. Làm thế nào để hình thành được các cộng đồng đó cho Giáo Hội và cho xã hội hiện nay?

2.1. Cho Giáo Hội

Nếu xét theo các tiêu chuẩn và các đặc điểm trên đây, chúng ta cần khiêm tốn thú nhận rằng: rất nhiều cộng đồng Giáo hội địa phương hiện nay chưa phải là các cộng đồng phục sinh.

Dù các tín hữu vẫn sốt sắng giữ các nghi lễ phụng vụ, các bí tích và một số hoạt động đạo đức như kinh nguyện, ăn chay, hành hương, làm việc bác ái, nhưng họ vẫn chưa biểu lộ cho người khác thấy sự hoà nhập với Thiên Chúa trong tình yêu, đời sống siêu nhiên với các ân huệ của Chúa Thánh Thần và sự bình an trọn vẹn. Những xung đột tranh chấp giữa các cá nhân với nhau hay giữa tổ chức này với hội đoàn nọ không thiếu, xảy ra ngay trong lòng mỗi Giáo hội địa phương. Do đó, họ vẫn chưa thuyết phục được lương dân theo Chúa Kitô.

Những sân bóng đá chật kín người hâm mộ, những sân khấu, bãi biển tràn ngập người tìm đến giải trí vào những ngày cuối tuần, trong khi các nhà thờ vắng bóng người, đủ cho ta thấy sức lôi cuốn của cộng đồng tín hữu Công giáo chưa cao – vì họ chưa phải là cộng đồng phục sinh.

2.2. Cho xã hội hôm nay

Xã hội hôm nay tin vào vật chất, vào khoa học để phục vụ cho đời sống trần thế thì những người môn đệ của Đức Giêsu Phục Sinh phải làm chứng cho sự trổi vượt của tinh thần, của mạc khải Kinh Thánh, của ân sủng Thánh Thần với những phép lạ và của tình yêu mang lại sự bình an thật sự trong gia đình hay trong cộng đồng mình sống.

Yêu cầu này mời gọi mỗi người chúng ta nhìn lại đời sống của mình xem mình đã thật sự gắn bó với Chúa Giêsu Phục Sinh và giữ điều răn yêu thương của Người chưa. Khi kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu Phục Sinh, ta sẽ cảm nhận ngay được sự hiện diện của Chúa Cha và được tuôn đổ muôn vàn ơn lành của Chúa Thánh Thần để đời sống của mỗi người chúng ta tràn đầy ánh vinh quang của Thiên Chúa với những hoạt động lạ lùng.

Lời kết

Lúc đó chúng ta sẽ trở thành chứng nhân sống động cho Đức Giêsu Phục Sinh và trở thành người làm chứng cho một cộng đồng phục sinh thật sự cho Giáo Hội.