28/11/2024

Mất rừng, gấu Koala sát bờ vực tuyệt chủng

Gấu Koala – biểu tượng nước Úc – đứng trước nguy cơ tuyệt chủng khi chỉ còn dưới 80.000 cá thể trên khắp thế giới và bị Úc tuyên bố đã ‘tuyệt chủng về mặt chức năng’.

 

Mất rừng, gấu Koala sát bờ vực tuyệt chủng

Gấu Koala – biểu tượng nước Úc – đứng trước nguy cơ tuyệt chủng khi chỉ còn dưới 80.000 cá thể trên khắp thế giới và bị Úc tuyên bố đã ‘tuyệt chủng về mặt chức năng’.
 
 
 

Mất rừng, gấu Koala sát bờ vực tuyệt chủng - Ảnh 1.

Theo đó, khi số lượng gấu Koala tụt giảm một cách nghiêm trọng, chúng sẽ không còn đóng vai trò quan trọng đối với hệ sinh thái, ví dụ vai trò động vật ăn thịt nhằm cân bằng số lượng cá thể các loài khác. “Tuyệt chủng về mặt chức năng” cũng có nghĩa là giống loài này đang mất dần khả năng sinh sản do quá ít cá thể.

Theo trang tin The Conversation, nguyên nhân chính là do hoạt động của con người làm mất đi môi trường sống tự nhiên của gấu Koala – rừng bạch đàn (hay còn gọi là rừng khuynh diệp). Trong đó nổi bật nhất là chặt phá rừng, hoạt động nông lâm ngư nghiệp, đô thị hóa và ô nhiễm môi trường.

Hiện 80% môi trường sống tự nhiên của loài động vật này đã bị mất đi, chưa kể tính mạng chúng bị đe doạ bởi chó và ôtô đi đường. Theo Quỹ tài trợ gấu Koala của Úc (AKF), có đến 4.000 con chết mỗi năm vì bị xe tông hoặc chó cắn.

Mất rừng, gấu Koala sát bờ vực tuyệt chủng - Ảnh 2.

Chú gấu Koala uống nước từ bồn tắm chim tại một khu dân cư ở vùng ngoại ô của Úc – Ảnh: Reuters

Tốc độ suy giảm cá thể của gấu Koala cũng là vấn đề đáng lo ngại. Năm 2011, một nghiên cứu về gấu Koala ở bang Queensland, phía Đông Bắc nước Úc, và bang New South Wales, phía Tây Nam nước Úc, cho thấy trong vòng 14 năm (từ năm 1995 đến năm 2009), có đến 80% cá thể gấu Koala mất đi do biến đổi khí hậu làm thời tiết trở nên khắc nghiệt.

Mất rừng, gấu Koala sát bờ vực tuyệt chủng - Ảnh 3.

Nhân viên trong vườn bách thú đưa lá bạch đàn cho một chú gấu Koala tại Vườn bách thú Động vật hoang dã ở thành phố Sydney, Úc – Ảnh: Reuters

Khi kích thước quần thể quá nhỏ, hiện tượng phối giống cận huyết sẽ ngày càng phổ biến, để lại dị tật, sức khỏe yếu, khả năng sinh sản thấp ở thế hệ sau. Điều này đặc biệt phổ biến đối với những quần thể sống gần các khu đô thị – nơi mạng sống của chúng liên tục bị đe dọa.

Gấu Koala đóng vai trò quan trọng đối với hệ sinh thái nhờ chế độ ăn của chúng. Chúng chủ yếu ăn lá ngọn của cây bạch đàn, nên chúng “tỉa” ngọn cho những cây này để các khu rừng trở nên thoáng mát và hứng nắng hơn. 

Như vậy, không có gấu Koala, ít nắng sẽ lọt vào các khu rừng này, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái dưới lòng mặt đất ở các khu rừng. Bên cạnh đó, khi gấu Koala không còn ăn lá, mật độ lá dày đặc cũng tăng xác suất cháy rừng.

Mất rừng, gấu Koala sát bờ vực tuyệt chủng - Ảnh 4.

Gấu Koala là một phần không thể thiếu của rừng bạch đàn – Ảnh: Flickr

AKF kêu gọi Thủ tướng Úc thông qua Đạo luật Bảo tồn Koala nhằm cấm việc sở hữu, giết, và buôn bán gấu Koala, cũng như bảo vệ các khu rừng cây bạch đàn còn sót lại. 

Hiện nay gấu Koala đã được Liên hiệp Bảo tồn Tự nhiên Quốc tế xếp là loài động vật dễ bị tổn thương, nhưng đến 80% rừng bạch đàn hiện nằm trong khu đất tư nhân, tức chúng sẽ sớm bị đốn đi vì mục đích thương mại.

Business Insider dẫn lại lời Deborah Tabart – đại diện AKF: “Tôi biết chắc rằng người Úc quan tâm đến sự an toàn của gấu Koala và đã chán ngấy việc chứng kiến những con gấu Koala chết trên đường. Đã đến lúc chính phủ bắt đầu thể hiện sự tôn trọng với chúng và bảo vệ môi trường sống tự nhiên của chúng”.

HÀ MY