24/01/2025

Chúa Nhật V PS C 2019: Sống và yêu như Con người mới Giêsu

Các bài Kinh Thánh trong tuần thứ V mùa Phục Sinh mời gọi chúng ta suy nghĩ về con người mới là Đức Giêsu để ta có thể sống và yêu như Người.

 

Chúa Nhật V PS C 2019

Sống và yêu như Con người mới Giêsu

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

 

Lời mở

Các bài Kinh Thánh trong tuần thứ V mùa Phục Sinh mời gọi chúng ta suy nghĩ về con người mới là Đức Giêsu để ta có thể sống và yêu như Người.

1. Sống như con người mới Giêsu

Biết bao nhà khoa học, trong suốt dòng lịch sử nhân loại, đã cố gắng tìm hiểu sự sống bắt nguồn từ đâu và cho đến nay vẫn chưa tìm ra. Chúng ta biết rằng cách đây 14 tỷ năm, từ vụ nổ Big Bang, tất cả vũ trụ chỉ là một khối vật chất, gồm những nguyên tố đơn giản như carbon, hydro, oxy, nitơ, sắt, đồng, chì, kẽm… Chúng phối hợp với nhau càng ngày phức tạp hơn, cho đến lúc (cách đây 1 tỷ năm) một tế bào sống đầu tiên xuất hiện. Những tế bào sống này lại kết hợp với nhau để sinh ra những đa bào, rồi đến các sinh vật hạ đẳng, thượng đẳng và cho đến nay là những con người biết suy tư như chúng ta mới chỉ xuất hiện khoảng 40 ngàn năm trước.

Nhà khoa học Darwin đã dựa vào hiện tượng đó để lập ra giả thuyết tiến hoá. Có rất nhiều nhà khoa học xem giả thuyết này như một sự thật hiển nhiên để quả quyết rằng sự sống tự nhiên mà có, không cần có một nguồn phát xuất hay một chủ thể nào sáng tạo ra. Nhiều nhà khoa học ngày nay đã chứng minh cho thấy giả thuyết của Darwin là sai lầm, đi ngược với chính khoa học vì vật chất không có sự sống không thể tự cho mình cái mà chúng không có.

Ngày nay, với khoa học tiến bộ, người ta làm ra những robot, đưa vào những dữ liệu và những chương trình làm thành “trí thông minh nhân tạo” để chúng có thể tự động làm những công việc phức tạp như giải phẫu cho bệnh nhân. Tuy nhiên những robot này cũng không thể làm cho tay chân tự nhiên dài ra, trí thông minh tự cho thêm các dữ liệu nếu không có con người đưa vào.

Con người chúng ta có khoảng 75 ngàn tỷ tế bào thuộc khoảng 200 loại tế bào khác nhau trong một cơ thể bình thường. Chúng được tổ chức chính xác, giữ vị trí riêng trong một cấu trúc có trật tự. Mỗi ngày có hàng triệu tế bào cũ chết đi và hàng triệu tế bào mới phát sinh để thay thế, các nhà khoa học vẫn không thể nào tưởng tượng được tại sao lại có sự sống kỳ diệu như vậy (x. Bs Alice Roberts, Atlas Giải phẫu cơ thể người, NXB Y học,  2015tr. 20-22). Chỉ có Chúa Giêsu mới giải thích cho chúng ta hiểu rằng: Thiên Chúa là người cha dựng nên muôn loài trong trời đất nhờ Ngôi Lời Thiên Chúa. Người chính là nguồn của sự sống và tất cả được dựng nên nhờ Người và cho Người. Đó là sự sống tự nhiên được xác định bởi vật chất, không gian và thời gian.

Hơn nữa, chúng ta còn có sự sống siêu nhiên, sự sống mới mẻ mà Chúa Giêsu chia sẻ cho chúng ta qua mầu nhiệm Phục Sinh của Người. Sự sống đó bao nhiêu con người mơ ước mà bây giờ đang thực hiện ở nơi rất nhiều người chúng ta. Người đã làm nên một “trời mới, đất mới” như Bài đọc II (x. Kh 21, 1-5) công bố, với những con người mới như Phaolô, Barnaba, và các môn đệ của Đức Giêsu như trong Bài đọc I (x. Cv 14,21-27): các ngài đi đến đâu là làm phép lạ đến đó, cho cả người chết sống lại. Bao nhiêu dân tộc ngay từ thời đế quốc Rôma đã tin theo Đức Giêsu.

Sư sống mới mẻ này không còn bị lệ thuộc vào vật chất, không còn bị giới hạn bởi không gian và thời gian như Đức Giêsu Phục Sinh đã chứng tỏ khi Người ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế và có mặt ở bất cứ nơi đâu, vào bất cứ lúc nào. “Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết, chẳng còn tang tóc, kêu than, đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất”. Đức Giêsu đã mời gọi chúng ta gắn bó với Người để cảm nghiệm được sự sống mới mẻ, kỳ diệu, siêu nhiên mà Người chia sẻ cho chúng ta.

2. Yêu như con người mới Giêsu

Tình yêu còn kỳ diệu hơn sự sống. Con người đã biết yêu ngay từ khi bắt đầu sống, ngay từ khi biết suy tư.

Nhiều người nghĩ rằng tình yêu nằm trong trái tim nên vẽ hình trái tim tượng trưng cho tình yêu. Người ta mổ trái tim nhưng không tìm thấy tình yêu ở đó. Người ta nghĩ rằng tình yêu nằm trong bộ não của con người, nhưng mổ bộ não ra cũng chỉ thấy những tế bào thần kinh. Hàng trăm tỉ tế bào thần kinh trong bộ não liên tục chuyển những tín hiệu điện qua một cuống dài gọi là sợi trục thần kinh, đến gần cuối sợi trục gợi là khớp thần kinh (synap), chúng phóng ra những hoá chất tác động vào tế bào thần kinh mới. Không nơi nào trong bộ não chứa tư tưởng, tình yêu, tự do, hạnh phúc…. Vậy mà con người vẫn đang yêu: yêu theo kiểu tự nhiên của mình: thích người này người kia vì xinh đẹp, vì nhà giàu, vì học giỏi. Có người yêu theo những dục vọng, tham vọng, theo tính toán của mình. Đó là tình yêu tự nhiên của con người cũ.

Đức Giêsu hôm nay mời gọi chúng ta hãy yêu như Người: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34). Người là tình yêu cụ thể của Thiên Chúa vì Thiên Chúa là tình yêu. Người đã diễn tả tình yêu cụ thể đó bằng hành động: đó là một Thiên Chúa cao cả tự nguyện trở thành một con người giống như chúng ta mọi đàng. Người đó yêu cho đến chết và chết nhục nhã trên thập giá để chứng tỏ con người mới phải yêu như thế nào. Thánh Phaolô cảm nghiệm được tình yêu đó nên nhắc nhở chúng ta: “yêu là tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1Cr 13,7), dù người ta yêu có phản bội, xúc phạm, đóng đinh ta thì ta vẫn yêu cho đến cùng.

Đó là tình yêu mới trong “điều răn mới” vì điều răn cũ trong Cựu Ước cũng đã từng nói: “Hãy yêu tha nhân như chính mình”. Nhưng tình yêu cũ chỉ là tình yêu tự nhiên cho sự sống tự nhiên. Nó không thể cứu độ con người. Chỉ có tình yêu mới của Đức Giêsu mới giải thoát con người khỏi mọi giới hạn để đưa con người vào đời sống vĩnh hằng, kỳ diệu, phi thường của Thiên Chúa và Đức Giêsu đã chứng minh bằng sự sống lại của Người.

Tôi xin chia sẻ về sự sống mới và tình yêu mới mà tôi cảm nghiệm được đôi chút trong 3 tuần hoạt động bên Hoa Kỳ vừa qua, từ 26/4 đến 17/5/2019, nhờ lời cầu nguyện của anh chị em. Tôi được mời sang phục vụ anh chị em tín hữu trong dịp Đại hội Đức Mẹ La Vang ở Phoenix, bang Arizona. Tôi ở Los Angeles bang California 5 ngày, sang Phoenix bang Arizona 9 ngày, rồi ở Houston bang Texas 7 ngày. Trong suốt 21 ngày ở Hoa Kỳ, ngày nào cũng có người bệnh đến nhờ tôi cầu nguyện và giúp đỡ. Đức Giêsu đã chữa lành  họ, và thay đổi cuộc sống của họ. Có một số ngày, tôi phải làm việc suốt từ 8 giờ sáng đến 12 giờ đêm.Tổng cộng số người đến với tôi khoảng 120 người.

Ngày thứ Năm, 16/5/2019, có một phụ nữ khoảng hơn sáu mươi tuổi dẫn người chồng 76 tuổi đến nói với tôi rằng: “Thưa cha, 6 tháng nay chồng con không thể nào đi vững được, chân tay tê cứng và run, chúng con đã chữa rất nhiều ở bên Mỹ và Việt Nam mà cũng không hết, giờ xin cha giúp”. Bà là một Phật tử rất sùng đạo, cho con cái quy y. Sau khi tôi cầu nguyện và xoa bóp,  người chồng khỏi bệnh, đi được vững vàng, tay chân không còn tê nữa thì bà xin phép cho được dự thánh lễ để tạ ơn Chúa và chia sẻ cho tôi những lọ thuốc để mang về Việt Nam giúp cho người kém may mắn.

Lời kết

Tôi cảm nghiệm được rằng Thiên Chúa đang ở giữa chúng ta. Khi chúng ta gắn bó với Đức Giêsu Phục Sinh, Người chuyển thông cho chúng ta sự sống kỳ diệu và tình yêu phi thường của Người để những người trong xã hội hôm nay đang quá lệ thuộc vào vật chất và tin tưởng vào khoa khọc, nhận biết chúng ta là môn đệ của Người.