Những cô gái định nghĩa lại vẻ đẹp
Isabelle Weall cụt tứ chi, Nikki Lilly và Marimar Quiroa bị biến dạng gương mặt, nhưng họ là những cô gái nổi tiếng với cách nhìn thấu đáo về cái đẹp và lối sống tích cực truyền cảm hứng cho nhiều người.
Những cô gái định nghĩa lại vẻ đẹp
Isabelle Weall cụt tứ chi, Nikki Lilly và Marimar Quiroa bị biến dạng gương mặt, nhưng họ là những cô gái nổi tiếng với cách nhìn thấu đáo về cái đẹp và lối sống tích cực truyền cảm hứng cho nhiều người.Đầu tháng 4-2019, cô bé người Anh 14 tuổi Nikki Lilly vỡ òa khi biết tin bộ phim tài liệu My Life: Born To Vlog về cuộc đời mình được trao giải International Emmy Kids Awards – giải thưởng vinh danh những chương trình hay nhất dành cho trẻ em trên toàn thế giới.
Từ “quái vật” trở thành niềm tự hào nước Anh
“Cô bé Nikki Lilly không phải là một vlogger thường thấy trên mạng xã hội. Từng bị gọi là “quái vật” và “kinh tởm” vì một căn bệnh hiểm nghèo hiếm gặp, Nikki đã vượt qua những kẻ bắt nạt và căn bệnh của mình. Trong phim, Nikki đã cho thấy vì sao em được cả thế giới dõi theo, cũng như cách em truyền cảm hứng cho mọi người như thế nào”, website giải thưởng viết về bộ phim.
Nikki Lilly tên thật là Nikki Christou, đã trải qua hàng chục cuộc phẫu thuật và hàng trăm lần đi bệnh viện. Năm 6 tuổi, Nikki được chẩn đoán mắc chứng dị tật động mạch AVM, khiến mặt cô bị sưng phồng lên một bên và lộ gân máu, đồng thời căn bệnh cũng có thể gây chảy máu cam đến mức de dọa tính mạng.
Từ một cô bé tham gia nhiều câu lạc bộ ở trường như ballet, bóng đá, Nikki bỗng chốc phải ở nhà vì những đợt chảy máu thường xuyên. Thêm vào đó, bạn bè cô cũng còn quá nhỏ để hiểu được chuyện gì xảy ra với bạn mình, nên cô dần trở nên bơ vơ.
Một ngày nọ, ba của Nikki quay video cô hát bài Somewhere over the rainbowrồi đăng lên YouTube, thận trọng khóa phần bình luận lại, theo tờ Mirror. Sau đó, ba mẹ cô phát hiện rằng cô bé đang bắt chước quay video như vậy. Biết đâu, đây có thể là cách giúp Nikki giao tiếp với bên ngoài? Từ đó, ba mẹ Nikki bắt đầu đăng tải nhiều video hơn, hầu hết là các video hướng dẫn trang điểm.
“Việc đó về sau trở thành sở thích của con bé, rồi chúng tôi quyết định kích hoạt phần bình luận. Không ai nói bất cứ điều gì khó chịu về ngoại hình của Nikki, chỉ một số người hỏi tại sao con bé trông khác biệt”, mẹ Nikki chia sẻ trong một bài viết của tờ Mirror.
Năm 8 tuổi, trong lúc bạn bè vui chơi bên ngoài, Nikki ngồi trong nhà và nghĩ về việc mở kênh YouTube riêng. Đến nay, cô bé đã có hơn 723.000 người theo dõi trên kênh của mình, nơi Nikki vui vẻ đăng các video chia sẻ cuộc sống đời thường, bí quyết làm đẹp, cover các bài hát nổi tiếng, hướng dẫn làm bánh… Điểm chung của những video đó là tinh thần vui vẻ, lạc quan sống, mặc kệ căn bệnh quái ác của Nikki.
“Mọi người liên hệ với tôi, những người bị AVM và các dị tật khuôn mặt khác, tôi muốn kênh của mình trở thành một cộng đồng, nơi mọi người có thể hoàn hảo một cách không hoàn hảo theo cách đặc biệt của riêng họ”, Nikki khẳng định.
“Tôi thực sự được truyền cảm hứng từ em! Em đã tạo ra một thay đổi lớn trong cuộc đời tôi! Tôi bắt đầu chống chọi với bệnh suy thận từ năm 22 tuổi, sau khi có con. Tôi luôn phàn nàn về việc mình còn quá trẻ để phải đối mặt với những điều như thế, và em khiến tôi nhận ra mình cần phải tích cực hơn về cuộc sống!”, một người để lại bình luận trên kênh của Nikki.
Năm 2016, Nikki được trao giải Pride of Britain (Niềm tự hào nước Anh) – giải thưởng tôn vinh những người Anh có hành động dũng cảm hoặc phi thường trong các tình huống khó khăn.
Trong khi đó, cô gái người Mỹ có hơn 89.000 người theo dõi trên Instagram Marimar Quiroa bị người ta gọi là “khỉ đột” vì gương mặt biến dạng của mình. Cô cũng từng có lúc sợ ra đường vì sợ người ta thấy mặt mình.
Marimar, năm nay 24 tuổi, sinh ra với một khối u khiến mặt và miệng cô biến dạng dữ dội. Cô thậm chí còn không thể nói, thở và ăn uống bình thường mà phải đặt ống trong cổ họng và dạ dày. Trong suốt nhiều năm, Marimar đã phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật để giảm kích thước khối u.
Năm 2014, Marimar bắt đầu mở kênh YouTube với mong muốn lan truyền thông điệp yêu thương bản thân mình qua những video chia sẻ bí kíp trang điểm, làm đẹp.
“Với tôi, đẹp là khi bạn chấp nhận bản thân mình, và đừng để tâm đến những gì người khác nói. Nếu bạn có một gương mặt khác lạ cũng không quan trọng, hãy chấp nhận bản thân mình”, tờ Mirror trích lời Marimar Quiroa. Đến nay, kênh YouTube của cô đã có hơn 600.000 người theo dõi.
Đừng để khuyết tật định nghĩa bạn, đó chỉ là một phần nhỏ mà bạn phải trải qua, khiến bạn mạnh mẽ hơn.
ISABELLE
Isabelle kiên cường
Nếu chỉ nghe nói, chắc khó ai có thể tưởng tượng được một cô gái mất tứ chi do viêm màng não năm 7 tuổi, chỉ có ít hơn 1% sống sót, lại trở thành một vlogger làm đẹp có hơn 133.000 người theo dõi trên YouTube.
Trong một video hướng dẫn trang điểm, Isabelle Weall, năm nay 15 tuổi, đến từ thành phố Derby (Anh) dùng phần còn sót lại của cánh tay mình để tán kem nền, sau đó kẹp cọ vào giữa hai cánh tay rồi vẽ mắt một cách thuần thục và dễ dàng.
“Tôi biết các bạn nghĩ gì. Khi các bạn nhìn tôi, các bạn thấy thương cảm cho tôi. Các bạn tự hỏi rằng liệu tôi có tự lập được hay không, cuộc sống hằng ngày của tôi như thế nào, nhưng mà tôi có thể làm nhiều chuyện.
Tôi vẫn là Isabelle, tôi hoàn toàn tự lập từ lúc thức dậy vào buổi sáng đến khi đi ngủ vào buổi tối. Tôi chạy, đi bộ, tắm, tự trang điểm và đi chơi với bạn bè. Tôi quay, dựng và đăng tất cả các video lên kênh YouTube của mình để nói về cuộc sống của một người cụt chi như tôi”, Isabelle chia sẻ trong một chương trình TEDx Talks năm 2018.
Cô gái trẻ mong muốn những người xem video của mình có thể hiểu được thông điệp “bạn có thể làm được bất kỳ việc gì mình muốn, chỉ cần nỗ lực thật nhiều”.
Isabelle kể lúc mới từ bệnh viện về, cô đã cảm thấy rất tức giận, nhưng tự gọi mình là một người có quyết tâm cao, cô nhất định muốn trở lại là mình của ngày xưa. Ngày nhận được đôi chân giả, cô vui mừng khôn xiết vì có thể đứng lại trên đôi chân của mình mà không cần phải ngồi xe lăn. Vào trung học, cô bắt đầu làm quen với môn trampolining (nhào lộn trên đệm lò xo) và giành hết giải thưởng này đến giải thưởng khác, trong đó có một giải toàn quốc năm 2016.
“Tôi nghĩ trong cuộc sống này, ai cũng vất vả, cả người khuyết tật lẫn người lành lặn, tôi hi vọng những video của mình có thể giúp mọi người vượt qua được khoảng thời gian khó khăn”, Isabelle bày tỏ.
Isabelle rất lạc quan khi nói về chuyện của mình. Thay vì đau khổ vì những gì mà bệnh tật đã cướp đi của mình, khiến cô đến cả cây bút cũng cầm hết sức khó khăn vào những ngày đầu, Isabelle nhìn thấy những cơ hội mà cô có được. “Tôi được lên TV, gặp nhiều người nổi tiếng, được mời đến Mỹ để chia sẻ câu chuyện của mình”, cô vui vẻ chia sẻ.
Trong tương lai, Isabelle muốn được độc lập hoàn toàn, muốn có một căn nhà, xe hơi do cô tự lái, không dựa vào bất cứ ai cả.