27/11/2024

Đừng là những người trẻ thiếu hiểu biết pháp luật: ‘Tôi đã đánh mất tuổi trẻ của mình!’

Tôi đến nhà ông Toàn tìm hiểu về câu chuyện mà những gì ông đã trải qua và phải gánh chịu hậu quả, ông sẽ là nhân chứng sống để thức tỉnh người trẻ.

 

Đừng là những người trẻ thiếu hiểu biết pháp luật: ‘Tôi đã đánh mất tuổi trẻ của mình!’

Tôi đến nhà ông Toàn tìm hiểu về câu chuyện mà những gì ông đã trải qua và phải gánh chịu hậu quả, ông sẽ là nhân chứng sống để thức tỉnh người trẻ.
 
 
 
Dù một tay nhưng những việc nặng nhọc, khó khăn ông đều làm được /// Nữ Vương

Dù một tay nhưng những việc nặng nhọc, khó khăn ông đều làm được  NỮ VƯƠNG

 
Trong lúc trò chuyện, người đàn ông 64 tuổi khóc nghẹn khi nhớ lại những năm tháng trai trẻ lầm lỡ. Trong tiếng nấc nghẹn ấy, ông nói: “Buồn và hối hận lắm con ơi”.
 
Đấy là câu chuyện của ông Đỗ Hoàng Toàn (TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương) sớm vướng vào con đường nghiện ngập, nhiều lần vào tù ra tội, hơn 30 tuổi ông mới hoàn lương làm lại cuộc đời, nhưng cuộc đời đó với ông đã không còn nguyên vẹn.
 
“Có làm lại cuộc đời nhưng tuổi trẻ ấy thì không bao giờ lấy lại được”, nhìn xuống cánh tay bị cụt do một lần trốn tù bị bắn nát, mắt ông lại ngấn đỏ.

Vòng luẩn quẩn tù – nghiện

Tiếp chuyện với ông, sau ít phút chạnh lòng và không kìm được nước mắt, ông lại miên man kể về thời trai trẻ lầm lỡ ấy.
 
Sinh ra trong gia đình có 9 anh chị em, học hết lớp 5 Toàn ở nhà phụ gia đình bán vé số. Nhờ gom góp và 1 năm trúng 2 lần giải đặc biệt, từ đó Toàn có tiền và bắt đầu rơi vào sa đọa cùng bạn bè.
 

“Thời đó còn nhỏ quá, 15 tuổi mà cầm trên tay số tiền quá lớn. Có tiền nên sinh ra con người mình hư theo, tụ tập bạn bè và bắt đầu tìm cảm giác lạ từ ma túy. Lúc đầu thử từ những thứ nhẹ rồi lên hàng trắng, hàng đen và bắt đầu nghiện”, ông Toàn nhớ lại.

 
Rồi ông kể tiếp: “Nhưng mà lạ lắm, nghiện vào rồi thấy mình không còn là con người nữa, lười biếng, dơ dáy và đặc biệt là tìm mọi cách kiếm tiền để có ma túy dùng, dẫn đến con đường trộm cướp. Mà lúc đó ma túy làm cho mình có máu liều, chứ từ lúc cai nghiện được rồi thì thấy gì cũng sợ, đâu có dám làm điều gì”.
 
Kể đến máu liều, ông lại nghẹn ngào nhìn xuống cánh tay của mình, nói: “Ngày đó biết sẽ bị bắn nhưng mà vẫn cứ trốn trại, và cuối cùng bị bắn nát luôn cánh tay. Nhưng sau thời gian được trả về nhà lại tiếp tục nghiện. Cái con ma nghiện này nó lạ lắm, bỏ thì khó mà quay lại với nó chẳng mấy hồi. Rồi đi tù, ra rồi lại vào. Nghiện, bỏ rồi lại nghiện”.
 
Vòng luẩn quẩn tù tội rồi nghiện ngập đó cứ lặp đi lặp lại, đến năm 31 tuổi, nhìn xung quanh những đứa bạn nghiện lần lượt bệnh rồi chết. Từ đó ông thức tỉnh và quý trọng mạng sống của mình.
 
“Tôi giam mình trong phòng và bắt đầu cai nghiện. Lúc đó tôi còn gì nữa đâu, trở nên tàn tật, vợ con bỏ, tôi chỉ còn thân xác gầy gò không sức sống. Nhưng tôi quý mạng sống của mình, không muốn chết như những đứa bạn nghiện kia, thế là tôi quyết tâm làm lại cuộc đời”, ông kể.
 
“Tôi đã đánh mất tuổi trẻ của mình !”1
Ông Toàn khổ luyện mỗi ngày để lấy lại sức khỏe mà tuổi trẻ đã hoang phí

Vết nhơ không dễ xoá

Nhớ lại những ngày đầu tự giam mình trong phòng, ông Toàn cho rằng: “Thật sự rất kinh khủng, đã rất nhiều lần muốn nhảy luôn xuống lầu để tự tử vì quá giới hạn chịu đựng. Nhưng rồi ý chí lại trỗi lên mà quyết tâm đến cùng”.

 
Thế nhưng, khoảng thời gian khiến ông Toàn cảm thấy bất lực nhất không phải là lúc nghiện hay lúc cai nghiện, mà là khi đã cai nghiện được rồi nhưng xã hội vẫn không ai tin.
 
Từ đó, lòng tự trọng của một người đàn ông đã thoát khỏi nghiện ngập thúc giục ông luyện tập sức khoẻ mỗi ngày. Ông tập ngồi thiền, tập khí công, trồng cây chuối bằng đầu, hít đất bằng 2 ngón tay…
 
“Thật sự đó là cả một quá trình khổ luyện. Tập đến nỗi phần giữa đầu không mọc được tóc vì suốt ngày chống đầu dưới đất. Tất cả chỉ để chứng minh cho người khác thấy thằng Toàn này đã cai nghiện được. Thậm chí lúc đi gánh nước thuê, người bình thường gánh một lúc hai thùng nước, còn thằng tật này lại gánh một lần 5 thùng. Để mọi người tin là tôi không còn nghiện nữa, vì có thằng nghiện nào mà có sức khỏe làm được những điều đấy”, ông kể bằng giọng rất quyết tâm.

Ai cũng chỉ có một lần tuổi trẻ

Sau tất cả những lầm lỡ của tuổi trẻ và quay lại hoàn lương, ông đã tìm được người bạn đời cùng mình xây tổ ấm…
 
Giờ hai vợ chồng ông đã có 1 cậu con trai 18 tuổi và cô con gái đang học lớp 5. Dù cuộc sống vất vả, cả hai vợ chồng sống nhờ vào việc cho thuê bàn ghế đám tiệc, rồi có chiếc xe ba gác tự chế, ai thuê chở gì thì ông chở để kiếm tiền. Nhưng giờ cả TP.Thủ Dầu Một đều biết đến vợ chồng ông vì tấm lòng từ thiện. Ông Toàn và vợ đã đầu tư tiền mua xe nước mía để mỗi năm đến dịp lễ hội chùa Bà xay và phát miễn phí cho mọi người.
 
Khi nhắc đến chiếc xe ba gác tự chế, ông nói: “Thế đó, ngày xưa còn trai trẻ, lành lặn và có đầy đủ năng lượng thì không làm được gì, lại phá hoại cả cuộc đời. Còn giờ tàn tật thì cái gì cũng làm, cũng cố gắng để làm được. Giá mà lúc còn lành lặn…”.
 
Nói rồi ông thở dài: “Ngày xưa mình đâu có biết gì là luật pháp, cứ sa vào nghiện ngập rồi chẳng còn biết được gì nữa. Nhìn lớp trẻ bây giờ có đầy đủ điều kiện, phương tiện để tiếp cận thông tin, nhưng sao lại có một bộ phận thanh niên cái tốt không học, học toàn cái xấu rồi coi thường pháp luật”.
 
“Mỗi lần tập luyện ngoài công viên, thấy mấy đứa học sinh trốn học ra hút thuốc, tôi đều can ngăn và khuyên còn nhỏ mà đã biết hút thuốc thì sẽ dễ tìm đến những cảm giác lạ hơn. Tôi lấy minh chứng của chính mình để nói với tụi nhỏ, vì ai cũng chỉ có một lần tuổi trẻ, đừng để đánh mất rồi mới hối tiếc như tôi thì đã muộn. Và cuộc đời dù có làm lại cũng chẳng còn được nguyên vẹn”, điều mà ông Toàn sợ nhất là nhìn thấy ai đó lại giẫm lên vết xe đổ của mình ngày xưa.
 
 
NỮ VƯƠNG