23/12/2024

Chúa Nhật II PS C – 2019: Chúa Phục Sinh biểu lộ lòng thương xót vô biên

Chúa Nhật về Lòng Thương xót của Thiên Chúa mời gọi ta tìm hiểu những lần hiện ra của Đức Giêsu như là bằng chứng trực tiếp cho việc Chúa sống lại, đồng thời cũng là dấu hiệu đo lường lòng tin của chúng ta vào Đức Giêsu.

 

 

Chúa Nhật II PS C – 2019
Chúa Phục Sinh biểu lộ lòng thương xót vô biên

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

 

Lời mở

Chúa Nhật Phục Sinh tuần trước chúng ta đã suy niệm về ngôi mộ trống như bằng chứng gián tiếp về việc Chúa sống lại, đồng thời ngôi mộ đó cũng là nơi đo lường mức độ tình yêu của người tín hữu đối với Đức Giêsu.

Hôm nay, tuần thứ II của mùa Phục Sinh – Chúa Nhật về Lòng Thương xót của Thiên Chúa – chúng ta sẽ tìm hiểu những lần hiện ra của Đức Giêsu như là bằng chứng trực tiếp cho việc Chúa sống lại, đồng thời cũng là dấu hiệu đo lường lòng tin của chúng ta vào Đức Giêsu.

1. Những lần hiện ra của Đức Giêsu là bằng chứng trực tiếp

1.1. Chúa Giêsu hiện ra bao nhiêu lần?

Khi nghiên cứu về Kitô học, chúng tôi tìm thấy Chúa Giêsu hiện ra 14 lần như thánh Ignatiô Loyola đã xác định cách đây gần 500 năm, trong đó có 13 lần Thánh Kinh Tân Ước trực tiếp ghi lại (x. Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Cẩm nang Tân Phúc Âm hoá, NXB Tôn Giáo, 2014, tr. 217-235). Chỉ có một lần duy nhất không được Thánh Kinh ghi lại, nhưng được Thánh Truyền, tức là các giáo phụ, xác nhận rằng Chúa Giêsu hiện ra đầu tiên với Đức Maria, Mẹ Thánh của Người, vì các giáo phụ tin rằng Đức Maria đã cộng tác mật thiết với Chúa Giêsu trong công trình cứu độ, đã đứng vững dưới chân Thánh giá và luôn luôn tin rằng Con mình sẽ trỗi dậy từ cõi chết theo lời Thánh Kinh. Do đó chắc chắn Đức Giêsu phải hiện ra với người Mẹ Thánh của mình trước nhất.

Bài Phúc Âm hôm nay (x. Ga 20,19-31) kể lại 2 lần hiện ra của Đức Giêsu với các môn đệ: lần trước vào sáng ngày Người sống lại, lần sau vào 1 tuần sau đó. Trong lần hiện ra đầu, Người thổi hơi trên các môn đệ, ban Thánh Thần cho các ông như một dấu hiệu tái sinh các ông vào sự sống mới. Lần đó không có ông Tôma. Tám ngày sau, tức là ngày Chúa Nhật hôm nay, Chúa Giêsu cũng hiện ra với các môn đệ và có cả Tôma, Người xin Tôma hãy xỏ ngón tay vào lỗ đinh, hãy thọc bàn tay vào cạnh sườn Người để cảm nghiệm được Đức Giêsu chịu đóng đinh đã thật sự sống lại. Người nhắc cho Tôma cũng như chúng ta rằng “phúc cho những ai không thấy mà tin” (Ga 20,29).

Trong các lần hiện ra ấy, như thánh Phaolô kể lại trong thư thứ I gửi giáo đoàn Corintô (15,5-7) rằng Chúa Giêsu đã “hiện ra với hơn 500 anh em cùng một lúc” và nhất là hiện ra với “tất cả các tông đồ”. Điều này như nhắc nhở chúng ta rằng bất cứ ai muốn làm tông đồ, muốn được Chúa sai đi loan báo Tin Mừng, chắc chắn Chúa sẽ hiện ra để cho họ cảm nghiệm được sự hiện diện sống động của Người rồi mới có thể làm chứng thật sự cho Người. Vì thế khó mà xác định được có bao nhiêu lần Chúa Phục Sinh hiện ra trong dòng lịch sử con người!

1.2. Chúa Giêsu hiện ra để làm gì?

Có lẽ có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng chúng tôi nghĩ rằng Chúa Giêsu hiện ra để giúp chúng ta cảm nghiệm được lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa. Vì thế, Chúa Nhật hôm nay được gọi là Chúa Nhật về Lòng thương xót của Thiên Chúa.

Lòng thương xót ấy bắt đầu từ việc Chúa dựng nên ta, ban cho ta được sống mãi mãi, xinh đẹp, khôn ngoan, dồi dào ơn sủng dù vẫn là những thụ tạo của Đấng Tạo Hoá. Nhưng vì tội của Nguyên tổ Ađam-Eva cũng như tội riêng của từng người, chúng ta đã cắt đứt nguồn sống tốt đẹp vĩnh hằng ấy. Vì thế, Cha Trên Trời đã cho Con Một Ngài trở thành người, chia sẻ kiếp người với chúng ta, sẵn sàng đón nhận cái chết để đền bù tội bất trung của ta, và sống lại để chia sẻ cho ta sự sống kỳ diệu, phi thường của Thiên Chúa. Vì thế, những ai tin vào Đức Giêsu Kitô thì không phải chỉ đón nhận sự sống siêu nhiên của Thiên Chúa mà còn trở thành chính Thiên Chúa nhờ kết hợp thành một thân thể nhiệm mầu với Chúa Giêsu.

Khi nhìn vào bức ảnh Lòng Thương Xót của Thiên Chúa đã được mạc khải cho Thánh Faustina Kowalska (1905-1938), chúng ta thấy Chúa Giêsu chỉ tay vào trái tim mình với ánh sáng màu trắng phía bên trái nhắc nhở ta dòng nước đã thanh tẩy tội lỗi, và luồng ánh sáng màu đỏ tượng trưng máu thánh ban sự sống cho ta. Nhất là luồng Thần Khí, mà Chúa Giêsu thổi trên các môn đệ như một cuộc tạo dựng con người mới, làm cho chúng ta trở thành người con yêu dấu của Chúa (x. Lời nguyện Nhập lễ). Tất cả như muốn nhắc nhở ta lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa và yêu cầu ta thể hiện lòng thương xót đó cho mọi người mọi vật quanh mình.

Sự sống mới kỳ diệu của con cái Chúa còn được diễn tả qua việc: dù cửa nhà đóng kín, Chúa Giêsu vẫn hiện đến để chứng tỏ sự sống mới ấy không còn lệ thuộc vào không gian, thời gian và vật chất nữa. Chúa Giêsu luôn luôn lắng nghe tất cả những gì mà chúng ta đang thắc mắc: những đau khổ, những thử thách trong cuộc đời của mỗi người. Khi Tôma nói rằng: “Nếu tôi không nhìn thấy những dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người thì tôi không tin”. Chúa Giêsu nghe hết. Điều đó muốn nhắc nhở ta rằng Người luôn luôn sống động trong cuộc đời của chúng ta, Người luôn luôn lắng nghe những ưu tư, thắc mắc, cảm thông những thử thách về đức tin trong cuộc đời của ta, vì Người thương xót và yêu thương chúng ta.

2. Những lần hiện ra của Đấng Phục Sinh còn là thước đo lường lòng tin của tín hữu đối với Đức Giêsu

2.1.Muốn gặp được Chúa, ta cần phải tin

Chúng ta đã định nghĩa rất nhiều lần: đức tin là cuộc gặp gỡ giữa chúng ta với Đức Giêsu, giữa con người cụ thể với một Thiên Chúa cụ thể. Một bên là con người cố gắng vươn tới Thiên Chúa, bên kia là Thiên Chúa luôn có mặt bên cạnh con người, để con người cảm nghiệm được sự hiện diện sống động của Người, khi biết mở lòng ra tiếp nhận ơn thánh. Chính lúc đó con người như cảm thấy Chúa hiện ra với mình để mình hoà nhập vào sự sống kỳ diệu của Thiên Chúa (x. Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Cẩm nang Tân Phúc Âm hoá, NXB Tôn Giáo, 2014, tr. 59-81).

Nhiều tín hữu hiểu rằng mình đã nhận được ơn làm con cái Chúa khi chịu phép Thánh Tẩy, được trở thành chi thể trong Thân Thể nhiệm mầu của Chúa Kitô, được Mình Máu Chúa bổ dưỡng trong Thánh lễ và nhiều ơn lành khác nữa. Nhưng nếu chúng ta dám nhìn thẳng vào đời sống đức tin của mình, chúng ta phải thú nhận rằng chúng ta chưa gặp được Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta cũng giống như ôngTôma: chỉ nghe kể về Đức Giêsu Phục Sinh chứ chưa tận mắt thấy Người. Đức tin từ phía con người chúng ta chưa đủ mạnh mẽ để cảm nghiệm được sự sống kỳ diệu của Thiên Chúa. Chúng ta vẫn cảm thấy dường như Chúa muốn lánh mặt chúng ta, không nghe tiếng ta kêu cầu, thờ ơ trước những đau khổ, thử thách của ta. Chúng ta đòi hỏi những điêu kiện để tin như Tôma : “Nếu tôi không được điều này, điều nọ,.. thì tôi chẳng có tin”, trong khi đức tin luôn luôn là một sự phó thác trọn vẹn cho Chúa mà không đòi hỏi bất cứ điều kiện nào. Vì Thế Chúa Giêsu mới nhắc nhở ta rằng phúc cho những ai không thấy mà tin.

2.2. Muốn cảm nghiệm được lòng Chúa xót thương ta phải biết thể hiện lòng thương xót

Cuộc hiện ra luôn luôn là dịp để đo lường lòng tin của chúng ta: chỉ khi lòng tin của ta đủ mạnh ta mới gặp được Chúa và chỉ khi ta thể hiện lòng thương xót đối với con người, ta mới gặp được vị Thiên Chúa xót thương. Đây có thể là định luật cho những ai muốn cảm nghiệm được Chúa hiện ra với mình.

Chúa Giêsu mời gọi Tôma: “Hãy đặt ngón tay vào đây và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy”. Xỏ tay vào lỗ đinh là chúng ta được mời gọi đụng chạm vào những vết thương do bất công, áp bức, nghèo đói, bệnh tật gây nên trên những con người mang hình ảnh Giêsu đang sống quanh ta. Thọc bàn tay vào cạnh sườn bị lưỡi đòng mở ra là chúng ta cần đưa tay chạm vào những con người bị đẩy ra ngoài lề xã hội, những người nghèo khổ, bệnh tật, khốn cùng, nghiện ngập, bị bóc lột mà chúng ta thường ghê tởm, đuổi xua, xa tránh. Nhận ra Chúa Giêsu qua những dấu hiệu đó đòi hỏi một đức tin mạnh mẽ, dám chấp nhận mọi thử thách, đau thương, thiệt thòi cho mình để phục vụ Chúa Kitô như thánh Phêrô diễn tả trong bài đọc II: “Những thử thách đó nhằm tinh luyện đức tin của anh em là thứ quý hơn vàng gấp bội…” (x. 1Pr 1,7-8).

Đó không phải chỉ là những con người khốn khổ mà đó là Chúa của chúng ta. Khi tin tưởng và phục vụ họ như thế, chúng ta mới nhận ra rằng Chúa Giêsu đang có mặt bên ta, chúng ta mới nói lên được như Tôma: “Lạy Chúa của con! Lạy Thiên Chúa của con!”. Lúc đó ta sẽ cảm nghiệm được lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa.

Lời kết

Chúng ta hãy nguyện cầu hai vị thánh Giáo hoàng Gioan 23 và Gioan Phao lô 2 mới được tôn phong , nhất là thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô, đã sáng lập ra lễ Lòng Thương xót của Thiên Chúa, chuyển cầu cho mỗi người chúng ta cảm nghiệm được lòng thương xót của Chúa và trở thành biểu tượng của lòng thương xót đó cho mọi người.