27/11/2024

ĐTC Phanxicô cử hành Thánh lễ Chúa Nhật Phục Sinh 2019

Lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật 21-4, ĐTC Phanxicô đã chủ sự Thánh lễ tại Quảng trường Thánh Phêrô mừng kính Chúa Phục Sinh, trước sự tham dự của hàng chục ngàn tín hữu. Hiện diện gần bàn thờ có hơn 20 hồng y, đông đảo các giám mục, các giám chức và hàng trăm linh mục.

 ĐTC Phanxicô cử hành Thánh lễ Chúa Nhật Phục Sinh 2019

 

 

 

Lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật 21-4, ĐTC Phanxicô đã chủ sự Thánh lễ tại Quảng trường Thánh Phêrô mừng kính Chúa Phục Sinh, trước sự tham dự của hàng chục ngàn tín hữu.

Hiện diện gần bàn thờ có hơn 20 hồng y, đông đảo các giám mục, các giám chức và hàng trăm linh mục.

Giống như từ hơn 30 năm nay, khu vực bàn thánh và thềm Đền thờ nơi Đức Thánh Cha cử hành Thánh lễ được các nhà trồng hoa tại Hà Lan trang trí thành một vườn hoa rộng lớn. Năm nay hơn 55.500 bông hoa và cây cảnh được mang trực tiếp từ Hà Lan sang để trang trí cho dịp Lễ Phục Sinh. Công việc trang trí được giao cho 30 nghệ nhân chuyên về hoa người Hà Lan.

Những búp hoa được trồng thành những hàng dài nối liền quảng trường và bàn thờ, với 25.000 hoa tulip các màu, 7.000 hoa thuỷ tiên vàng, trắng 2.000 hoa muscari, 6.000 hoa dạ lý hương, 1.000 cây phi yến xanh da trời và trắng, 3.600 hoa hồng trắng và đào, 500 hoa lan Cymbidium xanh nhạt và vàng, 1.500 cành hoa phi điểu, 1.000 cành lá phi điểu, 2.500 cành hoa sơn thù du, 10 cây bạch dương cao 4-7m, 16 cây liễu cao đến 3m, 90 cây lan huyết huệ, tạo thành những thảm hoa. Nổi bật là hai sắc vàng trắng, màu cờ của Vatican. 


Năm nay, việc chọn lựa và bố trí các bông hoa và cây hoa nhắm làm nổi bật Sứ điệp Phục sinh của Đức Thánh Cha Phanxicô và mang nhiều ý nghĩa biểu tượng. Đặc biệt, năm nay có một loài hoa mới được các nghệ nhân Hà Lan mang đến Vatican, đó là 1.500 hoa Thiên Điểu và 1.000 lá của loại hoa này. Tên gọi Thiển Điểu hay nôm na là “chim thiên đường” là loại hoa có xuất xứ từ Nam Phi và được đưa đến châu Âu vào cuối thế kỷ 18. Hoa có hình tượng như một chú chim đang lượn trên bầu trời. Theo ông Paul Deckers, loại hoa này diễn tả “sức mạnh ban sơ”, vì hoa thiên điểu vốn mạnh mẽ, những cánh hoa cứng cáp vươn lên khỏi cây đón ánh nắng mặt trời.

Các bông hoa và cây hoa là biểu tượng cho sự nối kết của các dân tộc và giữ vai trò quan trọng trong mọi giai đoạn của cuộc sống. Một điểm nổi bật trong việc trang trí hoa năm nay nữa là những quả cầu khổng lồ làm từ 3.600 hoa hồng tuyết trắng, hồng phấn và hồng đào, diễn tả sự hợp nhất của các dân tộc thông qua các bông hoa. Những quả cầu hoa này nổi bật trên một tấm thảm màu của 35.000 bông hoa mùa xuân, bao gồm cả hoa tulip, thủy tiên, lục bình và muscari.

Các bậc thang dẫn đến bàn thờ được trang điểm với những đường viền bán nguyệt hoa thủy tiên vàng, là những bông hoa báo hiệu mùa xuân. Khi Đức Thánh Cha tiến đến bàn thờ thì giống như ngài đang ở một cánh đồng hoa đặc trưng của Hà Lan.

Dịp lễ Phục Sinh năm 2017, có một đám chim hải âu tràn tới phá hoại các bông hoa chỉ vài giờ trước khi Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ và công bố sứ điệp Phục Sinh, khiến các nhà trồng hoa phải cấp tốc can thiệp sửa chữa. Rút kinh nghiệm đó, các nhà trồng hoa Hà Lan đã dùng các tia laser và cả những con ác điểu giả như người bù nhìn để đuổi xa các đám chim mòng biển và các loại chim khác.

ĐTC đã từ cuối Đền thờ Thánh Phêrô tiến ra bàn thờ ở Quảng trường.

Đầu Thánh lễ, hai thầy phó tế đã mở hai cánh cửa của bức ảnh Chúa Cứu Thế cực thánh cổ kính từ Đông phương, bản chính hiện giữ tại Đền thờ Thang Thánh ở Roma, để ĐTC và mọi người hát mừng kính.

Sau khi Lời Chúa được công bố, Đức Thánh Cha và cộng đoàn đã thinh lặng trong giây lát trước khi các lời nguyện được xướng lên bằng các thứ tiếng khác nhau.

Cộng đoàn đã lần lượt cầu nguyện cho Giáo Hội hoàn cầu, cho các chính quyền, cho các bệnh nhân và những người đang hấp hối, cho người nghèo và người đau khổ, và cho tất cả những người đã được rửa tội.

Sau khi kết thúc Thánh lễ, vào đúng 12 giờ trưa, Đức Thánh Cha bắt đầu phần thứ 2 của buổi lễ, tức là nghi thức công bố Sứ điệp Phục sinh và ban phép lành với ơn toàn xá cho Roma và toàn thế giới, gọi là “Urbi et Orbi”.

 
 
 

Trần Đỉnh, SJ