Cả nước nắng nóng gay gắt, nhiều nơi trên 40 độ C
Đề phòng giông mạnh kèm theo sấm sét, lốc xoáy, gió giật.
Cả nước nắng nóng gay gắt, nhiều nơi trên 40 độ C
Đề phòng giông mạnh kèm theo sấm sét, lốc xoáy, gió giật.Cả nước nắng nóng do chịu ảnh hưởng bởi áp thấp nóng phía tây hoạt động mạnh bao trùm trên phạm vi rộng, nóng nhất là vùng núi tây bắc và bắc miền Trung từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh với nhiệt độ cao nhất hầu hết trên 37 – 39oC, có nơi trên 40oC. Từ chiều tối và đêm chủ nhật (21.4), do phía bắc có một đợt không khí lạnh yếu đẩy rãnh áp thấp xuống miền bắc nước ta gây thời tiết xấu có mưa và giông, đặc biệt sau nhiều ngày nóng bức, có khả năng giông mạnh kèm theo sấm sét, lốc xoáy, gió giật và có nơi mưa to; trong khi ban ngày vẫn có nơi nắng nóng khá gay gắt.
Từ gần cuối tuần sau, áp thấp nóng tiếp tục phát triển và mở rộng về phía tây nước ta nên sẽ bắt đầu một đợt nắng nóng khác kéo dài ít nhất 3 – 4 ngày. Đối với miền Trung, do hiệu ứng phơn nên nắng nóng và thời tiết rất hanh khô, nguy cơ cháy rất cao, nhiều nơi hạn hán và nước bị nhiễm mặn ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất vụ hè thu do thiếu nước ngọt.
Đối với các tỉnh phía nam đang trong giai đoạn cao điểm nắng nóng trong mùa khô năm nay, trời oi bức từ sáng đến chiều tối với nhiệt độ cao nhất hầu hết 35 – 37oC, miền Đông trong đó có TP.Biên Hòa (Đồng Nai), TP.HCM có nơi xấp xỉ 38oC trong lều quan trắc khí tượng, ngoài trời có nơi trên 40oC tùy vào mặt đệm. Ngay cả vào buổi tối tuy nhiệt độ giảm nhưng trời vẫn hầm hập nóng, đem đến cảm giác khó chịu.
Tuần sau, gió tây nam hoạt động yếu ở tầng thấp nên sẽ có mưa chuyển mùa, ban ngày nắng nóng, chiều tối trời sẽ chuyển nhiều mây và có mưa giông trên diện rộng hơn trong các ngày từ 24 – 26.4. Các tỉnh Lâm Đồng, Bình Phước, Đồng Nai, TP.HCM, vùng phía nam sông Hậu đến Cà Mau, Kiên Giang có nơi giông mạnh và mưa vừa hoặc mưa to.
Những cơn giông đầu mùa sau thời kỳ nắng nóng đỉnh điểm thường kèm theo các hiện tượng nguy hiểm như sấm sét, có nơi xuất hiện lốc xoáy, mưa đá, vòi rồng. Khi thấy có dấu hiệu cơn giông kéo đến như bầu trời chuyển mây đen vần vũ, tiếng gió rít, tiếng sấm từ xa, mọi người cần tìm nơi trú ẩn an toàn.
Nhìn chung, miền Nam còn vài đợt nắng nóng nữa rồi sẽ bắt đầu vào mùa mưa ở khoảng 10 ngày giữa tháng 5; trong khi miền Trung chỉ mới bắt đầu mùa khô, nắng nóng sẽ còn gay gắt hơn từ tháng 5 đến tháng 8, sau đó mới chuyển mùa và nắng nóng giảm dần.
Do mùa mưa ở Nam bộ hơi muộn so với trung bình (khoảng 5 – 7 ngày, vùng ven biển phía đông có nơi 10 ngày), cần tranh thủ thời kỳ chuyển mùa khi mưa chưa đều, làm vệ sinh ruộng đồng thật kỹ, cày ải vùi rơm rạ. Trong tháng 5 khi mùa mưa đến thì bắt đầu xuống giống vụ hè thu, theo dõi diễn biến rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá có khả năng phát sinh trên trà lúa hè thu sớm và xuống giống không đúng lịch thời vụ tập trung né rầy.
Hàng trăm héc ta lúa, lạc chết khô vì nắng nóng
Nắng nóng kéo dài trong suốt hai tháng qua đã làm gần 500 ha lạc trên địa bàn TX.Hương Trà (Thừa Thiên-Huế) bị khô héo (ảnh). Tại xã Hương Văn (TX.Hương Trà) đến nay đã có hơn 60 ha lạc trồng bị khô héo và chết cháy. Nông dân đã dùng máy bơm, nước máy để tưới nhưng nỗ lực đó dường như chẳng thấm tháp vào đâu, vì thời tiết quá nắng nóng, khô hạn.
Cùng với cây lạc, trên địa bàn Thừa Thiên-Huế có khoảng 57 ha lúa bị hạn không có khả năng phục hồi, kèm theo tình trạng sinh vật gây hại trên lúa phát triển mạnh, đặc biệt là chuột, sâu cuốn lá, diện tích nhiễm trên 1.263 ha. Mặc dù các địa phương đã nỗ lực, chủ động các biện pháp để chống hạn, nhưng với nguồn nước trữ hiện tại và xu hướng thời tiết thì trên địa bàn còn khoảng 600 ha lúa cuối vụ đông xuân và 69,5 ha rau màu… nguy cơ thiệt hại do khô hạn.
Tin, ảnh: Bùi Ngọc Long
|
Chuyên gia Lê Thị Xuân Lan