22/12/2024

Thứ Năm Tuần Thánh – năm C 2019: Bữa ăn Thánh Thể giúp ta hoà nhập vào sự sống và tình yêu

Mỗi ngày dùng bữa, mỗi tuần tham dự tiệc Mình Máu Thánh Chúa, nhưng có lẽ nhiều người chưa phát huy được hiệu quả của những thức ăn chúng ta dùng, cũng như của chính Mình Máu Chúa Kitô, chỉ vì chưa hiểu bữa ăn chính là dịp ta hoà nhập vào sự sống và tình yêu Thiên Chúa.

 

Thứ Năm Tuần Thánh – năm C 2019

Bữa ăn Thánh Thể giúp ta hoà nhập

vào sự sống và tình yêu

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

Lời mở

Mỗi ngày chúng ta dùng bữa, mỗi tuần chúng ta đều tham dự Thánh lễ và tiệc Mình Máu Thánh Chúa, nhưng có lẽ nhiều người chúng ta chưa phát huy được hiệu quả của những thức ăn chúng ta dùng, cũng như của chính Mình Máu Chúa Kitô, chỉ vì chúng ta chưa hiểu bữa ăn chính là để giúp ta hoà nhập vào sự sống và tình yêu của chính Thiên Chúa. Vì thế, trong ngày Thứ Năm Tuần Thánh này, chúng ta sẽ dành ít phút để suy niệm về vấn đề đó.

1. Bữa ăn giúp ta hoà nhập vào sự sống và tình yêu

Cha ông chúng ta vẫn thường nhắc nhở: “Người ta ăn để sống chứ không phải sống để ăn”. Trong thời buổi hiện nay, chúng ta thấy hàng quán ăn uống mọc lên ở khắp nơi, giới thiệu những món ngon vật lạ, những đặc sản của mỗi miền. Người ta tốn nhiều thời giờ, tiền bạc để tìm ăn những món ấy và hô hào cả một nền văn hoá ẩm thực của mỗi dân tộc!

Tuy nhiên, nếu xét cho cùng, ta thấy rằng những món ăn ấy chỉ khác biệt ở bên ngoài, khi mũi ta ngửi, lưỡi ta nếm các đồ ăn và cảm nhận được những mùi vị khác nhau. Khi chúng lọt xuống dạ dày rồi, thì tất cả đều được nghiền tán, hoà trộn với các men tiêu hoá tiết ra từ dạ dày, gan mật, tuỵ tạng để biến thành các chất đơn giản cho ruột non với hàng trăm triệu lông mao hấp thu các chất bổ vào máu. Riêng 4 chất đầu C-H-O-N (Carbon, Hydro, Oxy, Nitơ) đã chiếm đến 96% trọng lượng cơ thể của con người. Điều này nhắc nhở chúng ta cần ăn uống theo khoa học, đừng tốn quá nhiều thời giờ cho việc tìm món ngon vật lạ, ăn con này, uống cây kia để chữa bệnh, giảm cân… đang được đăng tải đầy trên các mạng xã hội hiện nay. Nhiều người bị bệnh nặng hơn và nguy hiểm tính mạng vì ăn uống liều lĩnh như vậy.

Chúng ta ăn để sống, nhưng một đời sống tươi đẹp, dồi dào, phát triển trọn vẹn và mang tính vĩnh hằng, chứ không phải một đời sống tạm bợ, nhất thời, chiều theo những tham vọng, dục vọng để kết thúc bằng cái chết vô nghĩa như một số người hiện nay.

Thật sự bữa ăn luôn dẫn ta hoà nhập vào sự sống của muôn vật muôn người. Trong bữa ăn, bao nhiêu tôm cá, rau củ đã hy sinh sự sống để góp vào sự sống của ta vì mỗi người chúng ta, nhờ khả năng tinh thần, có thể kết hợp với Chúa Giêsu để giúp cho tất cả vạn vật ấy sống mãi với ta, chia sẻ sự sống vĩnh hằng với ta. Nên ăn cũng là dịp để cứu độ vạn vật.

Rồi cha mẹ, anh chị em lao động vất vả kiếm cho ta miếng cơm, manh áo, góp phần cho ta được sống. Người nông dân vất vả trên ruộng đồng, người ngư phủ cực nhọc trên biển cả để kéo về cho ta con tôm, con cá. Bao chiến sĩ hy sinh mạng sống để bảo vệ miền đất của quê hương. Tất cả đều góp phần vào sự sống của ta. Cuối cùng muôn loài đều được Thiên Chúa là nguồn sống ban ơn để tạo dựng nên tất cả và chia sẻ cho tất cả sự sống vĩnh hằng.

Hơn nữa, bữa ăn còn là dịp giúp ta hội nhập vào tình yêu của muôn vật muôn loài. Muôn loài vì yêu ta nên mới dám hy sinh sự sống cho ta. Muôn người vì yêu ta mới làm việc, hy sinh để giúp ta có của ăn để sống. Tình yêu ấy rất trong sáng, quảng đại, vì vạn vật hy sinh mà không cần biết ta là người tốt hay kẻ xấu. Nhiều nông dân, ngư dân, cha mẹ hy sinh mà chẳng cần biết hạt gạo, con cá họ mang về cho người lương thiện hay kẻ bất lương. Tất cả yêu thương ta chỉ vì Thiên Chúa là nguồn tình yêu đã đưa tình yêu diệu kỳ của Ngài làm thành bản chất của vạn vật. Chỉ khi nào ta cảm nhận được tình yêu đó và yêu thương cách trong sáng, quảng đại như thế, ta mới phát huy những hiệu quả phi thường của đồ ăn thức uống và nhất là của bữa tiệc Thánh Thể mà Chúa Giêsu đã để lại cho ta hôm nay.

2. Làm gì để phát huy được hiệu quả tốt đẹp của bữa ăn

Nhiều người vì thiếu chuẩn bị nên đồ ăn đưa vào trong mình không được hấp thu vào máu, chúng biến thành phân rồi bị đẩy ra ngoài. Ăn rất nhiều mà không tiêu hoá được bao nhiêu, nên thân thể vẫn gầy còm, suy nhược. Đối với Mình Máu Chúa cũng tương tự như vậy. Chúng ta dự lễ, rước lễ hằng tuần, thậm chí hằng ngày, ta được chia sẻ sự sống kỳ diệu của Chúa Giêsu, nhưng ta vẫn thấy mình tầm thường, yếu đuối. Đáng lẽ chúng ta phải cảm nhận được mình tràn đầy sự sống, tình yêu, quyền năng của Chúa Giêsu để ta đụng đến ai thì người đó được chữa lành; tiếp xúc với ai thì người đó được giải thoát khỏi quyền lực của ma quỷ; gặp gỡ ai thì người đó được niềm vui, hạnh phúc và ơn cứu độ.

Nhưng rước lễ xong rồi ta chẳng thấy đổi khác gì! Tại sao?

Điểm trước tiên là cần thanh tẩy chính mình. Chúng ta nhớ rằng trước khi lập bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ. Người muốn mời gọi chúng ta chuẩn bị con người của ta, tâm hồn của ta cho trong sáng, cho xứng đáng tiếp nhận Người. Phêrô cũng như chúng ta ngại ngùng không dám để cho Chúa rửa chân cho mình. Nhưng nếu ta không để Người rửa sạch, ta sẽ không được dự phần với Người trong bữa tiệc phi thường này. Chúng ta phải nhìn lại mình trước khi tham dự Thánh Thể, xem mình đã xứng đáng chưa.

Nhiều người rước lễ như một hành động khoe mình. Người ta lên rước lễ để chứng tỏ mình là người đạo đức, thánh thiện trước mặt mọi người, chứ không phải vì thật sự muốn kết hợp với Chúa Giêsu. Có người rước lễ để dùng bí tích Thánh Thể như một thứ lá chắn khiến người khác không khinh thường mình hay gây khổ cho mình. Ngồi giải tội, linh mục chúng tôi nghe rất nhiều người xưng tội phạm sự thánh vì vẫn lên rước lễ khi biết rõ mình đang có tội trọng: “Thưa cha, nếu con không lên rước lễ thì người vợ / người chồng / hay gia đình cùng đi với con sẽ nghĩ rằng tối qua con đi chơi bậy bạ ở đâu đó. Con lên rước lễ để tránh cho gia đình xào xáo, có được không ạ!?”. Vì thế, chúng ta được mời gọi để thanh tẩy và nếu ta thấy chưa sạch tội trọng và có ý ngay lành thì hãy rước lễ thiêng liêng.

Hơn nữa, việc rước lễ thiêng liêng không thua kém việc rước lễ thật, khi ta nói với Chúa: “Lạy Chúa, bây giờ con chưa thể rước Chúa thật được, nên xin Chúa ngự vào lòng con cách thiêng liêng”. Việc rước lễ này, vì lòng yêu mến Chúa, sẽ làm cho ta muốn mau chóng thoát ra khỏi tình trạng tội lỗi. Điều này còn tốt hơn việc ta lên rước lễ mà phạm sự thánh. Ta có thể rước lễ thiêng liêng ở bất cứ đâu, vào bất cứ lúc nào. Việc đạo đức này sẽ khiến Chúa Giêsu Thánh Thể luôn hiện diện trong ta và biến đổi ta thành con người kỳ diệu như Người.

Điểm thứ hai, đó là biểu lộ một tình yêu trọn vẹn dành cho Chúa Giêsu. Người đã “yêu ta cho đến cùng”. Khi yêu trọn vẹn, ta dâng hiến cho Chúa Giêsu tất cả những gì thuộc về mình, linh hồn, thân xác, mọi phương tiện vật chất và tinh thần, mọi hoạt động, tình cảm, tâm tư thì chúng ta sẽ cảm nhận được sự sống, tình yêu, quyền năng của Chúa Giêsu ùa vào trong ta, tràn ngập đời ta, thay thế những gì yếu đuối, tầm thường của ta. Vì Thánh Thể chính là phương tiện giúp ta hoà nhập vào sự sống thần linh và tình yêu vô tận của Chúa Giêsu.

Điểm thứ ba ta cần làm để phát huy hiệu quả của bí tích Thánh Thể là ta phải kết hợp với Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần  biến đổi, thánh hoá tấm bánh và chén rượu thành Mình và Máu Chúa Giêsu. Thánh Thể chỉ thành hình nhờ Thánh Thần, chính Thánh Thần tình yêu nối kết chúng ta với Chúa Giêsu và biến đổi mọi sự ta có trở thành thân thể mầu nhiệm của Chúa Giêsu. Cuộc sống của ta chỉ có hiệu quả tốt đẹp nhờ sự thánh hoá của Chúa Thánh Thần.

Lời kết

Như thế, nếu bữa ăn hằng ngày đưa ta hoà nhập vào sự sống và tình yêu của Thiên Chúa với muôn vật muôn loài, thì bữa ăn tiệc Thánh Thể làm cho ta cảm nghiệm được sự sống và tình yêu cụ thể của Thiên Chúa qua Đức Giêsu. Cầu chúc anh chị em luôn cảm nghiệm được điều đó để mỗi người chúng ta thể hiện được lệnh truyền của Chúa Giêsu: “Các con hãy làm việc này để tưởng nhớ đến Thầy” (1Cr 11,24).