Ngày 19.4, dự báo tia UV ở TP.HCM đạt cực đại, đặc biệt nguy hiểm cho da và mắt
Chỉ số tia UV ở TP.HCM ngày 19.4 dự báo đạt đỉnh cực đại; báo động đặc biệt gây nguy hiểm cho da và mắt.
Ngày 19.4, dự báo tia UV ở TP.HCM đạt cực đại, đặc biệt nguy hiểm cho da và mắt
Chỉ số tia UV ở TP.HCM ngày 19.4 dự báo đạt đỉnh cực đại; báo động đặc biệt gây nguy hiểm cho da và mắt.
Chỉ số tia UV tại TP.HCM đạt đỉnh cực đại 12, đặc biệt gây nguy hiểm cho da và mắt ẢNH: ĐỘC LẬP
Bảng đo chỉ số tia UV của trang thời tiết quốc tế Weather Online cho thấy chỉ số tia UV ở TP.HCM ngày 18.4 là 10, dự báo ngày 19.4 đạt đỉnh cực đại với chỉ số 12 và hai ngày tiếp theo (20 và 21.4) là 11. Đây là những chỉ số tia UV báo động, đặc biệt gây nguy hiểm cho da và mắt.
Theo bảng đánh giá về mức độ tổn hại của tia UV lên da, mắt của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đối với người sống ở vùng nhiệt đới thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời (da vàng, nâu) thì tia UV ở mức 6 có nguy cơ gây hại cho da ở mức trung bình; tia UV ở mức 10 đã có nguy cơ gây tổn hại cao cho da.
Khi chỉ số tia UV ở mức 6, ánh nắng mặt trời không nguy hiểm, nhưng bạn nên tránh ở dưới ánh sáng mặt trời trực tiếp trong hơn 1 – 2 giờ, WHO khuyến cáo. Nếu phơi da trực tiếp ra nắng lúc này sau 1 – 2 giờ, da sẽ đỏ rát. Trong trường hợp ra ngoài trời, theo WHO người dân nên thoa kem chống nắng SPF 15. Tất cả mọi người nên đeo kính râm UV-A + B
Khi tia UV ở mức 10 (nguy cơ cao gây tổn hại da, mắt), bạn có thể bị bỏng sau 30 – 60 phút nếu để da trực tiếp dưới nắng mặt trời. Trong trường hợp này, mọi người nên cố gắng tránh ánh nắng trực tiếp, che hoặc thoa kem chống nắng SPF 15+. Sử dụng quần áo chống nắng khi ra ngoài trời và đeo kính râm bảo vệ mắt.
Bảng đo chỉ số tia UV tại TP.HCM của Weather Online CHỤP MÀN HÌNH |
Tia UV ở mức 11, 12 có “nguy cơ rất cao” gây tổn thương da, mắt, theo WHO.
Ở mức UV 11, 12, WHO đánh giá, bạn có thể bị bỏng nặng sau 20 – 30 phút khi da tiếp xúc trực tiếp dưới ánh nắng gay gắt này. Vì vậy, người dân cần tránh ánh nắng trực tiếp, che chắn và sử dụng kem dưỡng da chống nắng SPF 15+.
Đặc biệt, da trẻ em, trẻ sơ sinh lại càng dễ tổn thương dưới nắng có tia UV cao như thế này.
Theo thạc sĩ – bác sĩ Lê Thái Vân Thanh, Phòng khám Chăm sóc da, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM: Tiếp xúc với tia UV là yếu tố quan trọng gây ra các vấn đề trên da, đặc biệt là rối loạn tăng sắc tố da và lão hóa da, sốc nhiệt, bỏng da.
“Việc bảo vệ da, chống nắng đúng cách rất quan trọng. Nên bôi kem chống nắng phổ rộng (SPF trên 30).
Ngoài ra, khi ra ngoài trời, cần mặc quần áo dài che tay, chân, đội nón, đeo khẩu trang che da mặt và đeo kính râm bảo vệ mắt. Quần áo sậm màu sẽ giúp chống lại tia UV tốt hơn sáng màu.
Nên hạn chế ra nắng từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều – là thời điểm chỉ số tia UV đạt mức cao nhất trong ngày”, bác sĩ Vân khuyên.
Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Hoàng Văn Minh, Trưởng phòng khám Da liễu, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM: Cường độ ánh sáng mặt trời càng cao thì cường độ tia cực tím (tia UV) trong ánh sáng mặt trời cũng cao tương ứng.
Tia UV được chia thành 3 loại và có những tác hại khác nhau đối với sức khỏe con người.
Tia UVA (có bước sóng 315 nm÷380 nm), có thể xuyên qua mây mù, không khí, gây lão hoá da.
Tia UVB (có bước sóng 280 nm÷315 nm), gây say nắng, tổn thương làm đen da.
Tia UVC (có bước sóng 100 nm÷280nm), gây ung thư da nhưng đã có tầng Ozone chặn lại.
Con người thường tiếp xúc với tia UVA (90%) và UVB (10%).
|
VIÊN AN