Cải thiện chất lượng không khí: Hãy sử dụng năng lượng tái tạo
Ông Minwoo Son – nhà vận động, bộ phận ô nhiễm không khí toàn cầu, Tổ chức Hòa bình xanh Tây Á – chia sẻ những kinh nghiệm từ Hàn Quốc về vấn nạn ô nhiễm không khí do bụi siêu mịn PM2,5 đang khiến người dân Việt Nam lo lắng.
Cải thiện chất lượng không khí: Hãy sử dụng năng lượng tái tạo
Ông Minwoo Son – nhà vận động, bộ phận ô nhiễm không khí toàn cầu, Tổ chức Hòa bình xanh Tây Á – chia sẻ những kinh nghiệm từ Hàn Quốc về vấn nạn ô nhiễm không khí do bụi siêu mịn PM2,5 đang khiến người dân Việt Nam lo lắng.
Theo chuyên gia, Việt Nam cần áp dụng các tiêu chuẩn cao về mức độ khí thải đối với các nhà máy điện, các ngành công nghiệp và phương tiện giao thông. Trong ảnh: xe máy xả khói ở TP.HCM – Ảnh: Q.ĐỊNH
Hàn Quốc đã có hơn 7 năm kinh nghiệm hành động chống ô nhiễm bụi siêu mịn PM2,5.
Biện pháp tổng thể
Ô nhiễm bụi siêu mịn PM2,5 ở Hàn Quốc trở thành một vấn đề môi trường lớn vào khoảng năm 2013.
Thời điểm đó, người dân bắt đầu thấy lo ngại về chất lượng không khí xấu. Tuy nhiên, lúc đó ở Hàn Quốc có rất nhiều vấn đề còn bị hiểu nhầm về ô nhiễm do bụi siêu mịn và còn tồn tại nhiều lỗ hổng chính sách do thiếu thông tin.
Từ năm 2015, Văn phòng Greenpeace Seoul tập trung vào việc nâng cao nhận thức của cộng đồng và xã hội để vận động Chính phủ Hàn Quốc thực hiện các biện pháp đúng đắn về ô nhiễm PM2,5 ở trong nước.
Đồng thời, Greenpeace thực hiện một nghiên cứu chung với Đại học Harvard (Mỹ) về các tác động đến sức khỏe cộng đồng của bụi siêu mịn PM2,5 ở Hàn Quốc, để cho thấy tầm quan trọng của việc phải hành động nhằm làm giảm bụi siêu mịn PM2,5 trong nước.
“Ô nhiễm không khí là vấn đề môi trường toàn cầu. Không khí có thể di chuyển qua biên giới hành chính và phát tán đi hàng ngàn kilômet nhờ gió. Vì vậy cần hợp tác với các nước láng giềng về mặt chính sách và chia sẻ thông tin để giảm ô nhiễm không khí xuyên biên giới.
1. Tích cực truyền thông với công chúng những thông tin chính xác và cập nhật tình trạng ô nhiễm không khí do bụi siêu mịn PM2,5 tại Hàn Quốc.
2. Giảm lượng tiêu thụ than, quản lý chặt các nguồn gây ô nhiễm bụi siêu mịn PM2,5 – chủ yếu là sản xuất điện và lĩnh vực công nghiệp.
3. Áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về PM2,5 như dựa trên hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
4. Đặt thêm nhiều hệ thống giám sát bụi siêu mịn PM2,5 theo thời gian thực trong nước.
Đối với Việt Nam, theo Báo cáo tình trạng không khí toàn cầu 2019 công bố ngày 3-4 của Viện Hiệu ứng sức khỏe (HEI, Mỹ), tiếp xúc với ô nhiễm bụi siêu mịn PM2,5 là nguyên nhân gây ra 27.500 ca tử vong sớm ở Việt Nam trong năm 2017.
Từ số liệu này, chúng ta có thể đặt vấn đề ngược lại rằng Việt Nam có thể cứu sống được rất nhiều người nếu hành động quyết liệt chống lại ô nhiễm không khí.
Điều cấp thiết đầu tiên là các bạn cần hiểu được tình trạng ô nhiễm và xác định nguồn ô nhiễm PM2,5 trong nước đến từ đâu. Việt Nam mới chỉ có một vài trạm quan trắc PM2,5 trong cả nước. Để xác định được tình trạng và nguyên nhân của ô nhiễm, việc lắp đặt các trạm giám sát bụi siêu mịn PM2,5 trên toàn quốc là cần thiết.
Tiếp theo là có hành động cụ thể. Tiêu chuẩn về PM2,5 nên được tăng cường dựa trên các hướng dẫn của WHO. Ngoài ra, cần áp dụng các tiêu chuẩn cao về mức độ khí thải đối với các nhà máy điện, các ngành công nghiệp và phương tiện giao thông.
Tuy nhiên, thay đổi quan trọng nhất để cải thiện chất lượng không khí là chuyển sang năng lượng tái tạo bằng cách giảm dần mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch. Sử dụng nhiên liệu hóa thạch là nguồn đóng góp đáng kể vào tình trạng ô nhiễm không khí trên thế giới.
Hàn Quốc cũng đang trong lộ trình giảm tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch và chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo: năng lượng mặt trời và điện gió. Điện tái tạo không chỉ có lợi cho môi trường mà còn hữu ích cho tăng trưởng kinh tế và công nghiệp trong tương lai.
Để giảm ô nhiễm bụi siêu mịn PM2,5, cần đồng thời giảm sự có mặt của các chất ô nhiễm khác trong không khí.
Bụi siêu mịn PM2,5 không chỉ được phát ra trực tiếp từ ống khói các cơ sở điện và nhà máy (hoặc phương tiện giao thông) mà còn được tạo ra do tương tác hóa học của các thành phần NOx, SOx, NH3, VOC với không khí.
Như vậy, để có chất lượng không khí tốt hơn, chúng ta phải đưa ra các biện pháp tổng thể và hành động đồng thời đối với các nguồn ô nhiễm không khí khác nhau gồm các nhà máy điện than, nhà xưởng, giao thông, nông nghiệp…
Không thỏa hiệp với nhu cầu phát triển khác
Những người tiếp xúc với ô nhiễm không khí bị tăng nguy cơ tử vong đối với các bệnh ung thư phổi, đột quỵ, bệnh tim, bệnh hô hấp và các bệnh nghiêm trọng khác. Dữ liệu của WHO cho thấy cứ 10 người thì có đến 9 người trên trái đất bị hít thở không khí có chứa chất gây ô nhiễm cao.
Ô nhiễm không khí ngoài trời là nguyên nhân lớn thứ 4 đối với các trường hợp tử vong trên thế giới. Những thiệt hại này được ước tính sẽ gây ra gánh nặng cho nền kinh tế toàn cầu với chi phí hằng năm lên đến 225 tỉ USD!
Vì những tác hại của ô nhiễm không khí nói trên, việc giảm ô nhiễm không khí không bao giờ có thể được mang ra thỏa hiệp với các nhu cầu phát triển khác. Một số người lo lắng rằng chúng ta có thể sẽ phải từ bỏ sự tiện lợi hoặc tăng trưởng nếu muốn cải thiện chất lượng không khí.
Tuy nhiên, chúng ta không cần từ bỏ những điều này vì có một giải pháp trong tầm tay. Đó là năng lượng tái tạo. Năng lượng tái tạo không tạo ra ô nhiễm không khí hay phát thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính. Nó cũng sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và xã hội trong tương lai.
Thị trường năng lượng tái tạo đang phát triển nhanh chóng trên toàn cầu. Sự phát triển về công nghệ đã đủ để thay thế nhiên liệu hóa thạch chúng ta đang sử dụng. Hiện đã có hơn 170 công ty toàn cầu, trong đó có Samsung và Apple…, đã công bố mục tiêu sử dụng 100% năng lượng tái tạo trong sản xuất.
Trên toàn cầu và cả ở Hàn Quốc, những ngành công nghiệp sử dụng nhiên liệu hóa thạch vì lợi ích của mình đã phản ứng lại nỗ lực toàn cầu nhằm cải thiện chất lượng không khí.
Tuy nhiên, chính phủ cần có quan điểm đúng đắn đối với vấn đề sức khỏe cộng đồng, thông tin đầy đủ với công chúng để loại bỏ vấn đề ô nhiễm không khí chủ yếu xuất phát từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Anh RYAN PATEY (người Canada):
Tôi mệt mỏi vì ba tháng sống với ô nhiễm không khí
Anh RYAN PATEY
Tôi vừa đến TP.HCM vào ngày 9-4 vừa qua và từng sống ở đây nhiều lần. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên tôi thấy không khí TP.HCM khá ổn. Lý do là 3 tháng qua tôi sống ở Chiang Mai, Thái Lan. Có thời điểm không khí ở Chiang Mai ô nhiễm nhất thế giới do tập quán đốt đồng và nương rẫy của người dân.
Những ngày chất lượng không khí được xem là độc hại (mọi người có thể gặp các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng), học sinh ở Chiang Mai được nghỉ học và mọi người được khuyên chỉ nên làm việc trong nhà.
Tất cả những gì chúng tôi có thể làm là ngồi trong nhà chờ cho không khí tốt hơn.
Đến từ Canada, tôi chưa bao giờ trải qua điều tương tự, đặc biệt là khi không khí ô nhiễm kéo dài liên tục hơn hai tháng. Ở nước tôi, vài năm gần đây tình hình cháy rừng hằng năm ở British Columbia diễn biến xấu, người dân ở
Vancouver gặp vấn đề với khói và bụi trong nhiều ngày.
Giữa lúc ô nhiễm không khí ở Chiang Mai đứng đầu thế giới, rất nhiều người vẫn phải làm việc ngoài trời.
Riêng tôi, tôi cảm thấy mệt mỏi và muốn bệnh, nhiều ngày bị đau rát họng, ho khan, nói chuyện khó khăn dù chỉ ngồi trong nhà làm việc trên máy tính. Tôi cảm thấy rất lo lắng cho những người phải lao động vất vả ngoài trời.
Tình trạng ô nhiễm không khí trong khu vực có những tác động ngắn hạn và lâu dài. Tại Thái Lan, bệnh viện ở Chiang Mai bị quá tải với người đến khám bệnh về hô hấp theo mùa. Biện pháp đeo khẩu trang tuy đơn giản có thể tạm thời bảo vệ được bạn.
Về lâu dài, một nghiên cứu vừa công bố cho thấy sống với ô nhiễm không khí trong nhà và ngoài trời thời gian dài có nguy cơ dẫn đến những cái chết vì đột quỵ, đau tim, đái tháo đường, ung thư phổi và bệnh phổi mãn tính cho con người trên thế giới.
Không cần phải nói tôi mừng thế nào khi rời Chiang Mai đến TP.HCM. Tuy nhiên, nếu không hành động, ô nhiễm không khí sẽ là vấn đề của nhiều người ở nhiều nơi trên trái đất, chứ không chỉ là tình trạng xảy ra theo mùa.
Chúng ta cần nỗ lực nhiều hơn để ngăn chặn ô nhiễm không khí. Các giải pháp như khuyến khích di chuyển bằng phương tiện công cộng, nâng cao tiêu chuẩn an toàn với các cơ sở gây ô nhiễm cần được thực thi trước khi quá muộn.
H.V. ghi