24/01/2025

Chúa nhật Lễ Lá C: Thập giá-Đường cứu độ khác biệt và đầy yêu thương của Thiên Chúa

Chúa Giêsu tiến vào Giêrusalem và cuối cùng dừng chân tại Đền thờ. Không như trước kia, khi Người như đứa trẻ bước vào Đền thờ và được các ngôn sứ chứng nhận; giờ đây đã bắt đầu bước sang cuộc xung đột, nhưng với đầy đủ uy quyền trong hành động của Người.

   Chúa nhật Lễ Lá C

(Is 50,4-7; Tv 22; Pl 2,6-11; Lc 22,14-23,56

 

THẬP GIÁ – ĐƯỜNG CỨU ĐỘ KHÁC BIỆT VÀ ĐẦY YÊU THƯƠNG CỦA THIÊN CHÚA

“Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!” (Lc 23,42)

 

Đấng Mêssia tiến vào Giêrusalem

    Chúa nhật Lễ Lá dẫn chúng ta vào tuần Thương khó của Chúa Giêsu. Tuy vậy, khung cảnh phụng vụ lại không diễn tả cách chính xác theo bối cảnh của bài Tin mừng (Lc 19,28-40). Với thánh Luca, việc tiến vào thành thánh Giêrusalem không phải là sự khởi của trình thuật Thương khó. Sau khi vào thành thánh, ta thấy toàn bộ sứ vụ của Đức Giêsu tại Giêrusalem. Dĩ nhiên, mối tương quan là có, nhưng đằng sau một bối cảnh rộng lớn hơn nhiều.

    Giêrusalem và Đền thờ có một vai trò biểu tượng quan trọng với thánh Luca; mọi sự đều xuất phát từ Đền thánh (1,9). Có tới hai lần (và có thể nhiều hơn) Đức Giêsu lên Giêrusalem và Đền thờ (2,22-38 và 2,41-50). Đây là nơi gặp gỡ giữa Thiên Chúa với dân Người; đây cũng là nơi của những xung đột và cả sự quang lâm của Thiên Chúa theo niềm hy vọng của dân Israel. Nhưng hôm nay, niềm hy vọng này được mở ra cho toàn nhân loại.

    Chúa Giêsu tiến vào Giêrusalem và cuối cùng dừng chân tại Đền thờ. Không như trước kia, khi Người như đứa trẻ bước vào Đền thờ và được các ngôn sứ chứng nhận; giờ đây đã bắt đầu bước sang cuộc xung đột, nhưng với đầy đủ uy quyền trong hành động của Người. Đây là giây phút đỉnh cao, khai mở một cách thế mới về sự hiện diện của Thiên Chúa trong Đền thờ.

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. Bài đọc I (Is 50,4-7)

    Hôm nay chúng ta đọc phần đầu bài thứ ba trong bài ca người Tôi trung trong sách ngôn sứ Isaia. Một vài nét ta có thể thấy ở đây:

  – Người tôi trung không cưỡng lại thánh ý Thiên Chúa. Người tôi trung này được khích lệ qua việc lắng nghe Lời của Thiên Chúa và sẵn sàng để Lời Người chỉ bảo.

  – Người tôi trung không dùng bạo lực để chống lại bạo lực của con người.

  – Người tôi trung đặt hết niềm tin cậy nơi Chúa, Đấng được tin tưởng sẽ luôn phù trợ tôi tớ của Người.

  – Người tôi trung là mẫu gương, và là khích lệ cho những ai đang lâm cảnh khốn cùng.

Hình ảnh người tôi trung cũng được bắt gặp nơi những dòng thánh vịnh 22 mà ta nghe hôm nay, đó là lời nài xin của người bị bách hại vô cớ. Đây không phải là thái độ tuyệt vọng của người tín hữu, nhưng là niềm tin tưởng cậy trông vào Thiên Chúa và ơn cứu độ của Người. Ba câu cuối cùng (20.23.24) diễn tả rõ thái độ này và hướng chúng ta tới niềm Phục Sinh của Đức Kitô sau này.

2. Bài đọc II (Pl 2,6-11)

    Đây là một bài vinh tụng ca cổ xưa mà chúng ta có được trong thư gởi các tín hữu Philipphê. Lẽ ra, Đức Kitô phải là một Đấng Messia vinh thắng, và muôn dân muôn người phải nhìn nhận bản chất quyền uy của Người. Thế nhưng, Đức Giêsu đã chọn cách thế hạ mình, trở nên tất cả giống như con người, và còn hơn thế nữa, chấp nhận cái chết ô nhục trên thập giá. Đây là vị Tôi trung trong Isaia (x. Is 53).

    Trong khi phương cách thứ nhất, nghĩa là một Đấng Messia vinh thắng, không dạy dỗ hay mang lại cho chúng ta điều gì, thì phương cách thứ hai, nghĩa là hạ mình, vâng lời cho đến chết trên thập giá, lại là phương cách trực tiếp mạc khải về chính Thiên Chúa.

    Thật là một điều nghịch lý cho người Kitô hữu, khi vì Thiên Chúa của mình không bày tỏ trong cách thế uy quyền, nhưng lại trong khiêm nhường, kiên nhẫn, phục vụ, tình yêu, và trở nên là quà tặng đời sống cho con người. Chính lúc này, lúc ô nhục trên thập giá, vinh quang của Thiên Chúa mới tỏ hiện rõ nét nhất.

3. Cuộc Thương khó của Chúa Giêsu (Lc 22,14-23,56)

    Cuộc thương khó của Chúa Giêsu là phần quan trọng trong cả bốn Tin mừng. Nó không phải là một sự kiện tự nhiên, bình thường. Câu hỏi được đặt ra là: tại sao trong ánh sáng Phục sinh, các tác giả Tin mừng đã không làm mờ đi những ký ức không tốt đẹp, hay có thể bỏ trong dấu ngoặc, để nhấn mạnh những việc làm phi thường và giáo huấn cao cả của Đức Giêsu? Và như thế sẽ đúng theo lẽ thường!

    Tuy nhiên, sự việc lại diễn ra hoàn toàn trái ngược: cuộc thương khó, cùng với sự Phục sinh, đã mang lại ánh sáng cho cuộc sống con người. Nó không phải một “trường hợp” như bao trường hợp khác, cũng không phải là một trường hợp điển hình, mà là cuộc thương khó và cái chết của Con Thiên Chúa, một trường hợp độc nhất.

    Nhìn chung, cuộc thương khó đều có cùng chung một cấu trúc, không chỉ trong Tin mừng nhất lãm, mà còn cả với Tin mừng Gioan. Điều đó có nghĩa là ngay từ lúc khởi đầu sứ vụ rao giảng, cuộc thương khó đã được đặt để trong một lược đồ chính xác. Sau đó, mỗi Tin mừng lại triển khai và kiện toàn theo nguồn dữ liệu riêng của mình cùng với lối diễn tả thần học riêng biệt: Marcô có tính rao giảng (kerygma); Máthêu mang đậm chất học thuyết và nói về giáo hội; Luca thì cá vị và huấn dụ; còn Gioan nhấn mạnh sự tự do của Đức Kitô và tính vương đế của Người.

    Trình thuật cuộc thương khó theo thánh Luca có một số đặc điểm sau:

  Như là một sự ứng nghiệm của một kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Thuật ngữ này được lặp lại nhiều lần (x. 24,5-6; 24,44.46-47).

  Như là một cuộc chạm trán diện đối diện và mang tính quyết định với Satan (x. 22,31-32; 22,53)

  Như là một cuộc tử đạo của người vô tội, và như thế, Đức Giêsu được trình bày như một mẫu gương cho những người chịu chết vì đức tin.

  – Luca muốn làm nhẹ đi sự liên can của chính quyền Rôma trong việc tố cáo và kết án Chúa Giêsu. Trong bối cảnh của một Giáo hội non trẻ thời sơ khai dưới quyền cai trị của đế quốc La Mã, Đức Giêsu được trình bày như là một Đấng Messia không mang tính chính trị và không gây nguy hiểm cho bất cứ quyền lực trần thế nào. Cuộc bút chiến với cộng đoàn Do thái có thể được giải thích với những sự bách hại của người Do đoàn mà đối tượng là các cộng đoàn Kitô hữu sơ khai.

II. GỢI Ý SUY NIỆM

    Như là một vị Tôi trung vô tội chịu bách hại và khổ đau, cuộc thương khó và tử nạn của Đức Giêsu vừa là một sự kiện toàn lời ngôn sứ trong Cựu ước, vừa được xem như là một dự báo về số phận của Giáo hội và các Kitô hữu sau này. Vì thế, có thể nói thương khó và phục sinh vừa diễn tả con đường cứu độ khác biệt và đầy yêu thương của Thiên Chúa, nhưng đồng thời cũng là số phận và là đường đi của người tín hữu.

    Có biết bao lần ta theo Chúa và tìm đến với Người như là một sự ẩn mình, né tránh những sự gian nan cơ cực và tìm kiếm những lợi lộc và giá trị theo nghĩa thế trần. Nhưng như thế là ta đã hiểu lầm về Kitô giáo, và vô hình chung, ta trở nên những tín đồ như bao tín đồ của các tín ngưỡng dân gian khác.

    Đặc nét của người Kitô hữu mà không ai có thể có được, đó là một đời sống trong ơn thánh, vì có Chúa ở cùng và đỡ nâng chúng ta trong mọi hoàn cảnh của đời mình, để cùng với Đức Giêsu Kitô, vâng phục thánh ý Cha trên trời trong mọi biến cố, để rồi cuối cùng, được sống và kết hiệp với Người trong cuộc sống mai hậu.

    Nếu đúng theo nghĩa này, tôi sẽ cầu nguyện gì với Chúa hôm nay? Mỗi lần gặp cảnh khổ và cơ cực (không phải sự dữ), tôi sẽ xin Chúa điều gì?

    Tôi nghĩ gì về lời cầu nguyện của Chúa Giêsu: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà làm theo ý Cha”? (Lc 22,42)

    Hay của hai tên gian phi: “Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!” và “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!”? (x. Lc 23,39-43)

III. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Tình yêu cứu độ của Thiên Chúa Cha dành cho nhân loại đã thể hiện trọn vẹn trên thánh giá qua cái chết của Đức Giêsu, Con Một yêu dấu của Người. Với tâm tình tri ân cảm tạ, cộng đoàn chúng ta cùng chúc tụng Chúa và dâng lời cầu xin.

1. Đức Giêsu đã hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho mọi thành phần trong Hội thánh luôn biết hạ mình và hy sinh theo gương Thầy chí thánh, dấn thân phục vụ và loan báo Tin mừng cứu độ cho con người thời đại hôm nay.

2. Cuộc vượt qua của Chúa Kitô đem lại ơn giải thoát toàn diện cho nhân loại. Chúng ta cùng cầu xin cho những người đang đau khổ tìm được nguồn an ủi nơi cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, và cho những ai đã qua đời được chia sẻ vinh quang phục sinh cùng với Người.

3. Chúa Giêsu nói với kẻ trộm lành: “Ngay hôm nay, anh sẽ ở trên thiên đàng với Ta”. Chúng ta cùng cầu xin cho mọi Kitô hữu, cách riêng những người trẻ, luôn trọn niềm cậy trông nơi Chúa, và siêng năng đến với Người qua việc tham dự Thánh lễ và lãnh nhận các bí tích.

4. Chúa Giêsu bước vào cuộc thương khó trong tâm tình vâng phục thánh ý Chúa Cha. Chúng ta cùng cầu xin cho mỗi người trong cộng đoàn chúng ta biết ý thức chu toàn ý Chúa qua bổn phận hằng ngày, luôn tích cực loan báo niềm vui và hy vọng đích thực cho mọi người.

Chủ tế: Lạy Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, xin nhận lời chúng con cầu nguyện và dẫn đưa chúng con ngày càng tiến sâu vào trong sự sống viên mãn, mà Đức Giêsu Kitô đã đem đến cho nhân loại nhờ sự chết và cuộc phục sinh của Người. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.