“Con tui từng khóc vì xe thủng lốp”
Chiều muộn, chiếc xe lắc tay của người phụ nữ tàn tật bán vé số nặng nhọc di chuyển trên đường vì thủng lốp. Cũng như những lần trước, bà tìm đến tiệm sửa xe của ông Hùng ngay tại ngã tư Điện Biên Phủ – Hà Huy Tập để nhờ giúp đỡ. Ông Hùng nhanh tay soạn đồ nghề vá lốp, bơm căng hơi và không quên dặn dò: “Cái săm cũ rồi. Chị rảnh thì tới tui thay, miễn phí tiền công nhé!”.
Nhiều năm qua, tiệm sửa xe của ông Hùng trở thành địa chỉ quen thuộc của nhiều học sinh và những người khuyết tật mỗi khi xe hỏng. Cứ thấy em học sinh nào dắt bộ là ông ngoắc lại hỏi han. Nếu bánh xe bị xẹp thì ông bơm giúp, nếu thủng thì ông vá miễn phí.
Ông kể, hồi đầu, nhiều học sinh bị hỏng xe không dám dắt xe vào quán vì không có tiền. Có trường hợp bánh xe bị thủng, ông gọi lại để giúp đỡ thì các em tỏ ra dè dặt. “Sau này mới biết mấy đứa nhỏ sợ bị “chặt chém”, sửa xe xong không biết lấy tiền đâu để trả. Từ đó tui mới viết nên mấy dòng này, đặng cho cháu khỏi ngại”, ông Hùng chỉ về tấm biển có ghi “Bơm vá 325. Honda – xe đạp. Học sinh, người tàn tật miễn phí”.
Ông bảo, có lần đang sửa xe máy cho khách, tình cờ thấy một cậu học sinh đẩy chiếc xe đạp xẹp bánh nấn ná không dám dắt vào sửa. “Bỗng nhiên tui nhớ lại hình ảnh đứa con trai của mình. Con tui từng khóc giữa trưa vì xe đạp thủng lốp mà không ai giúp đỡ. Ba mẹ cho 5.000 – 7.000 đồng ăn quà vặt. Đến cuối giờ làm gì còn tiền mà trả cho thợ sửa xe. Từ đó, tui tâm niệm miễn phí bơm vá xe cho học sinh cũng như mình sửa xe cho con mình vậy”, ông Hùng kể.
“Lấy tiền của các cháu cũng không giàu lên”
Gọi là “tiệm” nhưng thực ra đó chỉ là chiếc xe 3 bánh cũ mèm do ông Hùng tự chế. Trên đó có đủ đồ nghề cùng một chiếc loa nhỏ để nghe nhạc cho đỡ buồn. Lịch làm việc của ông thường từ 16 giờ hôm trước đến 2 giờ sáng hôm sau. Cứ thế, ông ngồi ở vỉa hè chờ khách.
Thu nhập của ông Hùng cũng thất thường, ngày nhiều nhất khoảng 150.000 đồng, có ngày chỉ vài chục ngàn dằn túi. Vợ ông mỗi ngày bán 50 ổ bánh mì, tiền lãi khoảng 100.000 đồng. Hai vợ chồng cố gắng đến mấy cũng lâm cảnh thiếu trước hụt sau khi lo cho 3 đứa con và mẹ già ngoài 70 tuổi. Bởi vậy, khi biết gia cảnh của ông Hùng, nhiều người không khỏi ngạc nhiên, nhưng cũng không ít người dè bỉu “nghèo mà bày đặt làm từ thiện”.
“Bữa nay, vá cái lốp xe đạp cũng được 10.000 đồng, bơm 2 cái lốp thì lấy 2.000 đồng. Nếu chắt bóp, mỗi ngày cũng được thêm dăm bảy chục ngàn nữa. Nhưng lấy tiền các cháu, tui cũng không giàu lên được”, ông Hùng tâm sự.
Ông nói, việc giúp học sinh, người tàn tật không phải là làm từ thiện gì to tát, chỉ là sự giúp đỡ thường tình trong cuộc sống mà thôi. Nhiều học sinh khi được ông vá lốp xe đã rối rít nói lời cảm ơn. Có cháu được miễn phí nhưng cố nhét tiền, trả bằng được. Tất nhiên là ông Hùng không lấy, nhưng cảm thấy vui vì sự sẻ chia, lễ phép của học sinh.
Hồi mới vá xe đạp miễn phí, ông Hùng thường chỉ ưu tiên cho học sinh. Nhưng rồi về sau, thấy ai đi xe đạp ông cũng đều miễn phí vì như ông nói, họ cũng đều có cuộc sống cực khổ, như những phụ nữ mua ve chai, người già bán vé số dạo… Còn đối với người khuyết tật, ông Hùng gần như miễn phí những gì có thể.
Ngoài bơm, vá lốp miễn phí, sửa những hỏng hóc nhỏ, thay phụ tùng đơn giản ông cũng không lấy tiền. Nhiều trường hợp, người khuyết tật ở quá xa tiệm sửa xe, ông liền chạy tới vá giúp họ. Những sinh viên, người lao động nghèo đi xe máy cà tàng, ông cũng bơm lốp miễn phí. “Đối với xe máy, tui lấy lãi ít lắm. Nhiều anh em xe ôm ở xa cũng chạy tới sửa chữa vì họ tin tui không lấy đắt”, ông kể.
HOÀNG SƠN