24/12/2024

Phát hiện nhớt cá có thể diệt vi khuẩn kháng thuốc, tế bào ung thư

Một nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Oregon, Mỹ mới đây phát hiện lớp nhớt bao phủ các con cá đang trưởng thành có khả năng tiêu diệt nhiều loại vi khuẩn, siêu vi và nấm bệnh.

 

Phát hiện nhớt cá có thể diệt vi khuẩn kháng thuốc, tế bào ung thư

Một nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Oregon, Mỹ mới đây phát hiện lớp nhớt bao phủ các con cá đang trưởng thành có khả năng tiêu diệt nhiều loại vi khuẩn, siêu vi và nấm bệnh.


 

Phát hiện nhớt cá có thể diệt vi khuẩn kháng thuốc, tế bào ung thư - Ảnh 1.

Nhớt của loài cá Garibaldi sống ngoài khơi California có khả năng diệt vi khuẩn rất mạnh – Ảnh: WIKIPEDIA

Chính lớp nhớt này đã bảo vệ con cá khỏi nhiễm bệnh. Các nhà khoa học cho biết chúng chứa nhiều quần thể vi khuẩn, tiết ra những hợp chất có khả năng diệt được các loại nấm, khuẩn độc hại.

Kết quả nghiên cứu này đã được công bố tại kỳ hội thảo mùa xuân của Hiệp hội Hóa học Hoa Kỳ (ACS). Khả năng kháng khuẩn được tìm thấy trong nhớt của 17 loài cá sinh sống ở vùng biển phía nam bang California. Nghiên cứu cho biết có đến 47 loại vi khuẩn sinh sống trong lớp nhớt của các loài cá này.

Các nhà khoa học đã thu thập các hợp chất do vi khuẩn tạo ra để phân tích và thử nghiệm khả năng diệt khuẩn. Kết quả bước đầu cho thấy một số hợp chất có thể tiêu diệt tụ cầu khuẩn vàng Staphylococcus aureus - vốn đã kháng được thuốc methicillin, và cả khuẩn E. coli - vốn chống được kháng sinh thế hệ mới colistin.

Một số hợp chất khác thì trị được loại nấm bệnh rất khó trị Candida albican,thậm chí là diệt được cả các tế bào ung thư đại trực tràng.

Giới y học đặt nhiều hi vọng vào phát hiện mới này. Phần lớn các loại kháng sinh hiện nay chủ yếu là từ các loại vi khuẩn sống trong đất, chưa có loại kháng sinh nào dùng các loại vi khuẩn sống trong các môi trường khác.

Các nhà nghiên cứu kỳ vọng có thể ứng dụng các dòng vi khuẩn sống dưới nước này vào việc sản xuất các loại kháng sinh mới để trị những loại vi khuẩn đang kháng thuốc hiện nay.

Hiện nhiều dòng vi khuẩn gây bệnh đã đề kháng được với các loại kháng sinh thế hệ mới nhất. Sự việc phổ biến đến mức y giới đã dùng từ “siêu bọ” (superbug) để nói về chúng.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo thế giới sắp cạn kiệt những loại kháng sinh có hiệu quả, và nếu tình hình này không kịp thời cải thiện, loài người sẽ trở lại thời kỳ trước khi tìm ra kháng sinh.

 

Vào thời kỳ đó, những bệnh nhiễm khuẩn thông thường không có thuốc trị, và mỗi lần phải phẫu thuật là mỗi lần bệnh nhân đối diện với nguy cơ tử vong do nhiễm khuẩn hậu phẫu.

Hiện nay, hàng năm ước tính toàn thế giới có đến 700.000 người chết vì bị nhiễm khuẩn kháng thuốc (AMR – Antimicrobial Resistance). WHO cũng cảnh báo từ 2050, hàng năm sẽ có 10 triệu người chết vì nguyên nhân trên và gây tổn thất cho kinh tế thế giới 100 ngàn tỉ USD.

Trong khi đó, các hãng bào chế dược phẩm lớn không mặn mà lắm với việc nghiên cứu sản xuất các loại kháng sinh mới. Bởi họ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong quá trình phát triển kháng sinh: khâu nghiên cứu quá tốn kém, đòi hỏi rất nhiều thời gian và nguồn nhân lực, trong khi lợi nhuận lại không cao.

Để khắc phục tình trạng này, chính phủ một số nước phương Tây đã đưa ra kế hoạch hỗ trợ kinh phí cho các hãng dược nào chịu nghiên cứu những dòng kháng sinh mới.

 

ĐỒNG LỘC (Nguồn: The Guardian, idsociety.org)