135.000 người trình độ đại học thất nghiệp
Đây là số lao động có trình độ ĐH thất nghiệp tính ở thời điểm quý 4-2018. So với quý liền kề trước đó, con số này đã giảm gần 16.000 người.
135.000 người trình độ đại học thất nghiệp
Đây là số lao động có trình độ ĐH thất nghiệp tính ở thời điểm quý 4-2018. So với quý liền kề trước đó, con số này đã giảm gần 16.000 người.
Theo bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam số 20 vừa được công bố, trong quý 4-2018, cả nước có trên 54,5 triệu người có việc làm, tăng gần 23.000 người (0,42%) so với quý 3. Tuy nhiên, có gần 1,1 người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, giảm 7600 nghìn người so với quý 3.
Bản tin cũng cho hay trong quý 4-2018, cả nước có gần 23,8 triệu người làm công ăn lương, chiếm trên 45% tổng số lao động có việc làm, tăng trên 820.000 người so với quý 3.
Số lượng và tỷ lệ lao động làm việc trong khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục giảm (giảm 628.000 người so với quý 3).
Các ngành có số lượng lao động tăng nhiều nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng, tài chính, ngân hàng và bảo hiểm.
Đáng chú ý, tỉ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi giảm nhẹ còn gần 2,2%. Trong đó, thất nghiệp ở nhóm có trình độ đại học là 135.800 người, giảm gần 16.000 người, nhóm có trình độ trung cấp là gần 69.000 người, giảm 1.500 người so với quý 3.
Ngược lại, nhóm có trình độ cao đẳng có trên 81.000 người thất nghiệp, tăng 6.200 người; nhóm trình độ sơ cấp nghề có 27.000 người thất nghiệp, tăng 1.600 người so với quý 3.
Viện Nghiên cứu Lao động – xã hội cho biết tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi giảm nhẹ. Tuy nhiên, theo dõi 3 quý liên tiếp cho thấy tỷ lệ thất nghiệp dài hạn có xu hướng gia tăng. Nguyên nhân là do công việc mới đòi hỏi lao động có tay nghề, phải đi đào tạo với thời gian dài hơn.
Thị trường lao động cũng có xu hướng ổn định, ít lao động nhảy việc, việc tuyển dụng lao động cũng khắt khe hơn. Do đó, việc kết nối giữa các trung tâm dịch vụ việc làm và đơn vị sử dụng lao động cần khớp nối trong cung – cầu thị trường lao động.
Bản tin thị trường lao động dự báo quý 1-2019 một số ngành tiếp tục giữ tốc độ tăng trưởng cao, ổn định như công nghiệp chế biến, chế tạo, bán buôn bán lẻ, dịch vụ lưu trú, nhà hàng, kéo theo tăng trưởng việc làm ở những ngành này.