22/12/2024

ĐTC đến Maroc, bắt đầu cuộc viếng thăm

Khi xe đến gần Quảng trường Tháp Hassan II, ĐTC và Quốc vương đổi qua xe mui trần và cùng tiến về nơi diễn ra nghi thức đón tiếp chính thức với tất cả các nghi lễ ngoại giao: quốc thiều, chào cờ, đoàn quân danh dự và giới thiệu thành phần của hai phái đoàn.

 ĐTC đến Maroc, bắt đầu cuộc viếng thăm

 

 

 

ĐTC Phanxicô đã được đón tiếp nồng nhiệt tại thủ đô Rabat của Maroc. Mặc dù trời mưa, hàng ngàn người đã đứng gần khu vực Quảng trường Tháp Hassan II để chào đón vị quốc khách.

Sau 3 giờ 15 phút bay từ Roma, vượt qua 1900 cây số, máy bay chở ngài đã đáp xuống phi trường quốc tế của thủ đô Rabat vào lúc gần 2 giờ chiều giờ địa phương.

Thành phố cổ kính này có từ thời Đế quốc La Mã, nằm sát biển và hiện có 1.655.000 dân cư, và được người Pháp chọn làm thủ đô khi chiếm Maroc hồi năm 1912.
 
ĐTC đến phi trường thủ đô Rabat của Marốc

Từ trên máy bay bước xuống, ĐTC đã được Vua Mohammed VI đón tiếp và 2 em bé, trong y phục truyền thống, đã tặng hoa cho ngài. Đức TGM Giáo phận Rabat và một số chức sắc của Giáo Hội cũng có mặt để chào ngài.

Sau khi duyệt qua hàng quân danh dự, ĐTC được Nhà Vua hướng dẫn vào phòng khánh tiết, tại đây ngài được tặng chà là và sữa hạnh nhân, như cử chỉ hiếu khách truyền thống của địa phương.

Liền đó ĐTC lên xe tiến về Quảng trường Tháp Hassan, cách phi trường gần 10 cây số. Quảng trường này được lát bằng cẩm thạch và có nhiều cột, có thể chứa được 20.000 người, và có cây tháp cao 44 mét, rộng 16 mét, so với dự tính ban đầu là 80 mét.


Lễ nghi đón tiếp chính thức

Khi xe đến gần Quảng trường Tháp Hassan II, ĐTC và Quốc vương đổi qua xe mui trần và cùng tiến về nơi diễn ra nghi thức đón tiếp chính thức với tất cả các nghi lễ ngoại giao: quốc thiều, chào cờ, đoàn quân danh dự và giới thiệu thành phần của hai phái đoàn.

Gặp gỡ các đại diện chính quyền, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn

Tuy trời mưa, nhưng bầu không khí đón tiếp rất nồng nhiệt.

Lời chào mừng của Quốc vương

Trong lời chào ĐTC, Quốc vương Mohammed VI gọi cuộc viếng thăm của ĐGH Phanxicô là một biến cố lịch sử, nhắc nhớ cuộc viếng thăm của ĐGH Gioan Phaolô II cách đây 34 năm tại Casablanca, cũng như quan hệ đặc biệt giữa Maroc và Vatican qua dòng lịch sử, quan hệ giữa Hồi giáo và Kitô giáo. Nhà Vua cũng nhấn mạnh đến sự tôn trọng của Maroc đối với tự do tôn giáo, tự do hành đạo của các tín hữu Kitô. Quốc vương cũng lên án những trào lưu cực đoan và trong ý hướng đó, đã thành lập Học viện các Iman và các nhà truyền đạo nam nữ, để cổ võ một Hồi giáo ôn hoà. 


Diễn văn của ĐTC

Lên tiếng sau lời chào mừng của Quốc vương Mohammed VI, ĐTC bày tỏ vui mừng và biết ơn vì cuộc viếng thăm này cho ngài được khám phá sự phong phú của đất nước Maroc và các truyền thống tại đây. Ngài cũng nhắc đến cuộc gặp gỡ cách đây 800 năm giữa Thánh Phanxicô Assisi và Vua Hồi giáo al-Malik al-Kamil, Ai Cập, chứng tỏ sự can đảm gặp gỡ và giơ tay ra cho nhau là một con đường hoà bình và hoà hợp cho nhân loại, tại nơi mà trào lưu cực đoan và oán ghét là những nhân tố chia rẽ và tàn phá. 

Kêu gọi liên kết nỗ lực xây dựng một thế giới liên đới hơn

Tại đây, trên phần đất này là cây cầu tự nhiên giữa Phi châu và Âu châu, tôi muốn tái khẳng định sự cần thiết phải liên kết những nỗ lực của chúng ta, để mang lại một sự thúc đẩy mới cho việc xây dựng một thế giới liên đới hơn, dấn thân hơn trong những nỗ lực lương thiện, can đảm và tối cần thiết để có một cuộc đối thoại trong tinh thần tôn trọng những phong phú và đặc thù của mỗi dân tộc và mỗi người. Đó là một thách đố mà tất cả chúng ta đều được kêu gọi đương đầu, nhất là trong thời đại này, người ta có nguy cơ biến những khác biệt và ngộ nhận đối với nhau thành những lý do để cạnh tranh và phân tán.

Xây dựng xã hội cởi mở, chống cực đoan

Vì thế, ĐTC nói, điều thiết yếu là tham gia vào công trình xây dựng một xã hội cởi mở, đa nguyên và liên đới, phát triển và liên tục mạnh mẽ đón nhận một nền văn hoá đối thoại như một con đường cần theo, cộng tác với nhau như một đường lối cư xử, nhìn nhận nhau như một phương pháp và tiêu chuẩn… Điều tối cần thiết là chống lại trào lưu cuồng tín và duy căn (fondamoentalisme) bằng tình liên đới của tất cả các tín hữu, có những giá trị chung của chúng ta như những điểm tham chiếu cho hành động của chúng ta. Trong viễn tượng đó, tôi vui mừng vì chiều nay có thể viếng thăm Học viện Mohammed V chuyên đào tạo các Iman Hồi giáo, các nhà giảng thuyết nam nữ mà Nhà Vua mong muốn, để cung cấp một sự huấn luyện thích hợp và lành mạnh chống lại mọi hình thức cực đoan, thường đưa tới bạo lực và khủng bố, những thứ này chắc chắn là một sự xúc phạm đến tôn giáo và chính Thượng Đế…

Đề cao yếu tố tôn giáo

Như thế, một cuộc đối thoại chân chính mời gọi chúng ta đừng coi nhẹ tầm quan trọng của nhân tố tôn giáo để xây dựng những nhịp cầu giữa con người với nhau và để đương đầu thành công đối với những thách đố vừa nói. Thực vậy, trong sự tôn trọng những khác biệt, niềm tin nơi Thiên Chúa đưa chúng ta đến chỗ nhìn nhận phẩm giá cao cả của mỗi người cũng như các quyền bất khả nhượng của họ. Chúng ta tin rằng Thiên Chúa đã tạo dựng con người bình đẳng với nhau về các quyền lợi, nghĩa vụ và phẩm giá, và Ngài đã kêu gọi họ sống như anh chị em với nhau, và phổ biến các giá trị thiện hảo, bác ái và hòa bình. Vì thế, tự do lương tâm và tự do tôn giáo gắn liền với phẩm giá con người. Tự do tôn giáo và lương tâm ở đây không chỉ giới hạn vào tự do phụng tự, nhưng phải để cho mọi người được sống theo xác tín tôn giáo của họ.

Đón nhận và tôn trọng tha nhân

Về điểm này, ĐTC nhấn mạnh: “Trong tinh thần ấy, chúng ta phải luôn luôn đi từ thái độ chỉ tỏ ra bao dung nhân nhượng đối với người khác để tiến tới sự tôn trọng và và quý chuộng tha nhân. Vì vấn đề ở đây là khám phá và đón nhận tha nhân trong đức tin đặc thù của họ và làm cho nhau được phong phú nhờ sự khác biệt, trong một tương quan mang đặc tính tử tế và tìm kiếm những gì chúng ta có thể cùng nhau thi hành. Hiểu như thế, việc xây dựng những cây cầu giữa con người, về phương diện đối thoại liên tôn, được kêu gọi sống dưới dấu hiệu chung sống, thân hữu và hơn nữa là tình huynh đệ.”
 
Hội nghị tại Marrakech về các tôn giáo thiểu số

Tiếp tục bài diễn văn đầu tiên trên đất Maroc, ĐTC nhắc đến hội nghị quốc tế về các quyền của các nhóm tôn giáo thiểu số trong thế giới Hồi giáo, nhóm tại thành phố Marrakech ở Maroc hồi tháng giêng năm 2016, Hội nghị đã bàn tới vấn đề này. Ngài nói: “Tôi vui mừng vì hội nghị ấy đã giúp lên án mọi sự lạm dụng tôn giáo nhắm kỳ thị hoặc gây hấn chống người khác, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải vượt thắng quan niệm tôn giáo thiểu số để đạt tới ý niệm về quyền công dân và sự nhìn nhận giá trị con người, điều này phải có tính chất trung tâm trọng mọi hệ thống pháp luật.”

Kêu gọi Maroc tiếp tục giúp đỡ người di cư

ĐTC cũng đề cập đến một vấn đề khác, đó là cuộc khủng hoảng trầm trọng về hiện tượng di cư chúng ta đang phải đương đầu ngày nay. Cuộc khủng hoảng đó, đối với tất cả chúng ta, là một lời kêu gọi cấp thiết hãy tìm kiếm những phương thế cụ thể để loại bỏ những nguyên nhân khiến nhiều người phải rời bỏ quê hương, gia đình của họ, để rồi nhiều khi phải sống ngoài lề xã hội, bị loại bỏ. Về phương diện này, cũng tại Maroc, hồi tháng 12 năm ngoái hội nghị liên chính phủ về hiệp ước hoàn cầu nhắm việc di cư an toàn, có trật tự và hợp pháp đã thông qua một văn kiện nhắm trở thành điểm tham chiếu cho toàn thể cộng đồng quốc tế. Đồng thời, còn nhiều điều phải làm, nhất là phải đi từ những cam kết với văn kiện ấy, ít là trên bình diện luân lý, để tiến tới những hành động cụ thể, đặc biệt là tiến tới sự thay đổi thái độ đối với những người di dân, coi họ như những con người, chứ không phải những con số, nhìn nhận các quyền và phẩm giá của họ trong những sự kiện và trong những quyết định chính trị.”

Về điểm này, ĐTC tái bày tỏ quan tâm đến số phận của những người di cư, và hy vọng Maroc sẽ tiếp tục nêu gương về tình nhân đạo đối với những người di cư và tị nạn trong cộng đồng quốc tế, để họ có thể được đón tiếp tại đây cũng như tại các nơi khác trong tinh thần nhân đạo và được bảo vệ, thăng tiến tình trạng của họ và để họ được hội nhập trong phẩm giá. Và khi hoàn cảnh cho phép, họ có thể quyết định trở về quê hương trong an ninh, tôn trọng phẩm giá và các quyền của họ. Đây là một hiện tượng mà người ta sẽ không bao giờ tìm được giải pháp bằng cách xây những hàng rào, phổ biến sự sợ hãi người khác hoặc bằng cách từ chối không giúp đỡ những người khao khát hợp pháp một cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân và gia đình họ. Chúng ta cũng biết rằng sự củng cố một nền hoà bình phải tiến qua sự tìm kiếm công bằng xã hội, vốn là điều không thể thiếu được để sửa chữa những chênh lệch kinh tế và những xáo trộn chính trị vẫn luôn là những yếu tố chính tại nên căng thẳng và đe doạ cho toàn thể nhân loại. (Rei 30-3-2019) 
 
 
 

G. Trần Đức Anh OP