23/12/2024

ĐTC Phanxicô: Đừng lạm dụng lòng thương xót của Thiên Chúa với sự lười biếng tâm linh

Vào Chúa Nhật III Mùa Chay, trước Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha đã chia sẻ một vài suy tư về Tin Mừng theo Thánh Luca hôm nay (Lc 13,1-9). Ngài tập trung vào lòng thương xót của Thiên Chúa và sự cấp bách của việc hoán cải.

 ĐTC Phanxicô: Đừng lạm dụng lòng thương xót của Thiên Chúa với sự lười biếng tâm linh

 

 

 

Vào Chúa Nhật III Mùa Chay, trước Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha đã chia sẻ một vài suy tư về Tin Mừng theo Thánh Luca hôm nay (Lc 13,1-9). Ngài tập trung vào lòng thương xót của Thiên Chúa và sự cấp bách của việc hoán cải.

Lòng thương xót của Thiên Chúa là vô hạn, nhưng chúng ta không được “lạm dụng” điều ấy với “sự lười biếng tâm linh”: trên hết trong Mùa Chay này, mỗi người chúng ta được mời gọi “đáp lại bằng con tim chân thành” trước lời mời gọi hoán cải. Trước sự hiện diện đông đảo của các tín hữu tập trung tại Quảng trường Thánh Phê-rô, Đức Thánh Cha giải thích dụ ngôn cây vả không sinh trái và cách người làm vườn nho thuyết phục ông chủ đừng chặt cây ấy đi.


Lòng thương xót của Thiên Chúa

Tin Mừng của Chúa Nhật thứ ba Mùa Chay hôm nay (Lc 13,1-9) nói với chúng ta về lòng thương xót của Thiên Chúa và về sự hoán cải của chúng ta. Chúa Giêsu kể cho chúng ta dụ ngôn về cây vả không sinh trái. Một người kia trồng một cây vả trong vườn nhà mình, và mỗi hè đến, với thật nhiều hy vọng, chờ mong, ông ra cây tìm trái mà không thấy. Vì sự thất vọng này lặp đi lặp lại đã ba năm, ông nghĩ đến việc chặt cây vả đó đi để trồng một cây khác. Ông gọi người làm vườn lại và bày tỏ sự không hài lòng của mình. Ông ra lệnh cho người làm vườn chặt cây ấy đi vì nó làm hại đất, không sinh ích lợi gì. Nhưng người làm vườn đã nài xin ông chủ kiên nhẫn chờ đợi và cho gia hạn thêm một năm nữa. Trong thời gian đó, bác ta sẽ chăm sóc cẩn thận và chu đáo để thúc đẩy nó sinh hoa trái.

Ông chủ tượng trưng cho Chúa Cha và người làm vườn là hình ảnh của Chúa Giêsu, còn cây vả tượng trưng cho loài người vô cảm, khô cạn và cằn cỗi. Chúa Giêsu cầu khẩn Chúa Cha cho con người, xin Người chờ đợi và thêm chút thời gian, với ước mong những hoa trái tình yêu và công bình sẽ trổi lên trong nó. Cây vả mà ông chủ trong dụ ngôn muốn loại bỏ muốn nói đến một cuộc đời không sinh hoa trái, không biết cho đi, không biết làm việc lành. Đó chính là biểu tượng của một người chỉ biết sống cho mình, trong sự đầy đủ, êm đềm và thoải mái của riêng họ, mà không để mắt, để tâm đến những người xung quanh, những người đang sống trong đau khổ, nghèo đói, và thiếu tiện nghi. Thái độ ích kỷ và không sinh hoa trái thiêng liêng này đi ngược lại với tình yêu lớn lao mà người làm vườn dành cho cây vả: bác ta kiên nhẫn, chờ dợi, dành thời gian và công sức cho nó. Bác ấy hứa với ông chủ sẽ chăm sóc đặc biệt cho cái cây đang gây thất vọng ấy.

Thời gian cho việc hoán cải không phải là vô thời hạn

Lối so sánh này cho thấy lòng thương xót của Thiên Chúa: Người cho chúng ta thời gian để hoán cải. Dù nhiều lần trong đời, chúng ta là thứ cây cằn cỗi, không sinh hoa trái, nhưng Thiên Chúa vẫn kiên nhẫn và cho chúng ta cơ hội để thay đổi, để tiến bộ mỗi ngày trên nẻo đường thánh thiện. Nhưng việc gia hạn cho đến ngày cây ra trái cho thấy việc hoán cải là điều cấp bách. Người làm vườn nói với ông chủ: “xin cứ để nó lại năm nay nữa” (c.8). Khả thể hoán cải không phải là vô thời hạn. vì thế, ta cần phải nắm bắt điều ấy ngay lập tức, nếu không nó sẽ bị vụt đi mãi mãi. Chúng ta có thể cậy vào lòng thương xót của Thiên Chúa nhưng đừng làm dụng điều ấy. Chúng ta không thể biện minh cho việc lười biếng thiêng liêng được, nhưng cần phải dấn thân thêm nữa để mau mắn đáp lại lòng thương xót ấy với con tim chân thành.

Trong Mùa Chay, Thiên Chúa mời gọi chúng ta hoán cải. Mỗi người trong chúng ta phải cảm thấy bị chất vấn, bị đòi hỏi bởi lời kêu gọi này: điều chỉnh một điều gì đó trong cuộc sống của mình, trong cách nghĩ, cách làm, và trong cách tương quan với những người thân cận. Đồng thời, chúng ta phải bắt chước sự kiên nhẫn của Thiên Chúa, Đấng luôn tin tưởng vào khả năng có thể “đứng dậy” và tiếp tục cuộc hành trình của tất cả mọi người. Người không nỡ dập tắt tim đèn còn khói, nhưng đồng hành và quan tâm đến những người yếu đuối để họ được củng cố và đóng góp tình yêu của mình cho cộng đồng. Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta sống những ngày chuẩn bị cho Lễ Phục Sinh như thời gian đổi mới thiêng liêng, biết tin tưởng mở ra với ân sủng của Thiên Chúa và lòng thương xót của Người.

 
 
 

Trần Đỉnh, SJ