15/01/2025

Công nghệ: vừa giúp an toàn, vừa gây thảm hoạ máy bay?

Giới chuyên gia đánh giá độ an toàn trên các chuyến bay toàn cầu ngày càng tăng là nhờ các tiến bộ về công nghệ, chẳng hạn các hệ thống tránh va chạm.

 

Công nghệ: vừa giúp an toàn, vừa gây thảm hoạ máy bay?

Giới chuyên gia đánh giá độ an toàn trên các chuyến bay toàn cầu ngày càng tăng là nhờ các tiến bộ về công nghệ, chẳng hạn các hệ thống tránh va chạm.
 
 
 

Công nghệ: vừa giúp an toàn, vừa gây thảm họa máy bay? - Ảnh 1.

Một máy bay Boeing 737 Max của Hãng Air Canada đậu tại sân bay quốc tế Vancouver, Canada – Ảnh: REUTERS

Hai vụ tai nạn hàng không liên quan tới dòng máy bay Boeing 737 MAX 8 trong 5 tháng và phản ứng của các nước trên khắp thế giới những ngày qua càng khiến mọi người đặc biệt quan tâm đến sự an toàn của máy bay.

Tuy nhiên, máy bay vẫn là phương tiện di chuyển an toàn nhất, một phần rất lớn nhờ các tiến bộ công nghệ được áp dụng.

“Khi bạn đi trên một chuyến bay thương mại ở bất cứ nơi đâu trên thế giới, khả năng xảy ra tại nạn là rất thấp, trong khi vào đầu thập niên 1970, tỉ lệ này là 1/160.000.

Báo Washington Pos

Tỉ lệ tai nạn: 0,39/1.000.000

Giới chuyên gia đánh giá độ an toàn trên các chuyến bay toàn cầu ngày càng tăng là nhờ các tiến bộ về công nghệ, chẳng hạn các hệ thống tránh va chạm.

Song song đó, các quy định được ban hành cũng đóng một vai trò thiết yếu, chẳng hạn yêu cầu về công tác huấn luyện hay số giờ nghỉ ngơi cần thiết dành cho các phi công.

Dễ thấy nhất là trường hợp của Mỹ, vụ tai nạn gần nhất diễn ra tháng 2-2009, khi một máy bay của Hãng Continental Airlines rơi ở thành phố New York khiến 50 người thiệt mạng. Kể từ đó chưa từng xảy ra vụ tai nạn chết người với các hãng hàng không của quốc gia này trong 1 thập niên qua, theo dữ liệu của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Mỹ (NTSB).

Theo trang Mạng lưới an toàn hàng không (ASN), trong số 37,8 triệu chuyến bay của các hãng hàng không thương mại toàn cầu trong năm 2018, có 15 chuyến bay xảy ra tai nạn chết người, đồng nghĩa cứ 1 triệu chuyến bay sẽ có 0,39 vụ tai nạn chết chóc.

Có những thảm họa do công nghệ?

Theo phi công người Mỹ Jeff Wise – tác giả cuốn Sự biến mất của MH370 - có hai nguyên nhân chính khiến công nghệ, đặc biệt là yếu tố tự động hoá, trở thành thảm hoạ.

Thứ nhất, các trục trặc phát sinh trong quá trình bay đã khiến hệ thống lái tự động hoạt động không theo ý muốn và đặt máy bay vào tình huống nguy hiểm. Đây dường như là tình huống đã xảy ra với chiếc Boeing 737 MAX 8 của Hãng Lion Air hồi tháng 10-2018.

 

Tình huống này cũng có khả năng xảy ra với trường hợp chuyến bay của Hãng Ethiopian Airlines, khi giữa tuần này Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) nói rằng các dữ liệu vệ tinh cho thấy có một số điểm tương đồng giữa hai vụ tai nạn.

Hiện Hệ thống tăng cường chức năng điều khiển (MCAS) bị đặt vào vòng nghi vấn sau hai vụ tai nạn hàng không ở Indonesia và Ethiopia.

Do dòng máy bay 737 MAX 8 được trang bị các động cơ lớn hơn, tiết kiệm nhiên liệu hơn nên Boeing phải thiết kế lại vị trí phần động cơ. Sự thay đổi này đã phá vỡ trọng tâm của máy bay và làm cho 737 MAX 8 có xu hướng hất mũi lên trong quá trình bay, khiến máy bay dễ thất tốc. Do đó, MCAS được thiết kế để đối phó vấn đề này bằng cách hướng mũi máy bay xuống.

Theo trang Wired, kết quả điều tra sơ bộ vụ tai nạn của Hãng Lion Air cho thấy có thể hệ thống MCAS đã nhận tín hiệu sai do cảm biến góc tấn gặp trục trặc, khiến hệ thống MCAS tưởng rằng máy bay sắp thất tốc nên tự động phát lệnh chúi mũi máy bay xuống. Phi công đã nỗ lực đưa mũi máy bay lên nhưng bất thành.

Thứ hai, tự động hóa bỗng biến thành thảm họa trong trường hợp hệ thống vẫn làm việc bình thường, nhưng phi công lại rơi vào trạng thái rối rắm và đưa ra quyết định sai lầm.

Hồi năm 2009, chuyến bay mang số hiệu 447 của Hãng Air France (Pháp) đang trên đường bay từ Rio de Janeiro tới Paris thì không may các cảm biến tốc độ bị đóng băng, khiến việc truyền dữ liệu tới hệ thống lái tự động bị gián đoạn. Sau đó, hệ thống lái tự động ngắt và chuyển quyền kiểm soát máy bay cho phi công.

Tuy nhiên, các phi công lúc đó rơi vào trạng thái bối rối và để máy bay rơi vào tình huống nguy hiểm. Chưa đầy 5 phút, chiếc máy bay đang bay ở độ cao 9.754m bất ngờ đâm xuống biển.

Trong cả hai tình huống này, phi công chính là người phải đánh giá liệu hệ thống đang gặp vấn đề gì và đưa ra phản ứng chính xác dựa trên phân tích đó.

 

BÌNH AN