29/12/2024

‘Không thể chấp nhận’ nhưng đâu đâu cũng khủng hoảng rác

Hơn 1.000 lượt xe rác, bùn thải, phân… vô Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước, TP.HCM/ngày là ám ảnh của bà con khu này. Hà Nội 3 lần rác ê hề do dân chặn xe rác. Bà Rịa – Vũng Tàu đang bàn việc chở rác từ Côn Đảo về đất liền…

 

‘Không thể chấp nhận’ nhưng đâu đâu cũng khủng hoảng rác

Hơn 1.000 lượt xe rác, bùn thải, phân… vô Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước, TP.HCM/ngày là ám ảnh của bà con khu này. Hà Nội 3 lần rác ê hề do dân chặn xe rác. Bà Rịa – Vũng Tàu đang bàn việc chở rác từ Côn Đảo về đất liền…


 

Không thể chấp nhận nhưng đâu đâu cũng khủng hoảng rác - Ảnh 1.

Rác thải chất đống trên đường Trường Chinh, quận Tân Bình – Ảnh: XUÂN ĐÀO

Hiện nay đa số các địa phương xử lý chất thải rắn chỉ bằng phương pháp duy nhất là chôn lấp vì dễ thực hiện và đỡ tốn chi phí. Tuy nhiên đây là cách làm kém hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường và tốn rất nhiều diện tích đất.

UBND TP.HCM vừa có văn bản yêu cầu UBND H.Bình Chánh hoàn thành việc giải tỏa, di dời các hộ dân khu vực 40ha để bàn giao cho Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (Công ty VWS) trồng cây xanh cách ly và xây dựng bến thủy nội địa.

Đồng thời yêu cầu công ty này có giải pháp hạn chế mùi hôi từ Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước.

Ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí… đang ảnh hưởng nặng nề tới đời sống người dân quanh khu vực các bãi chôn lấp rác khắp các tỉnh, thành trên cả nước.

Chung Thanh Huy

Nơi nào cũng đau đầu vì… rác

Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước là nơi tiếp nhận và xử lý hơn 70% rác cho TP.HCM. Trong khi Công ty VWS phải tập trung giải quyết lượng rác thải quá lớn thì ở khâu vận chuyển rác của các đơn vị khác lại gây ra nhiều bức xúc cho người dân sinh sống gần đó.

Hằng ngày với hơn 1.000 lượt xe vận chuyển rác, bùn thải, phân hầm cầu, xe tải… lưu thông qua lại tuyến đường dẫn này, nỗi ám ảnh của người dân là từ mùi hôi thối của nước rỉ rác, sình lầy trên mặt đường… ngay sát cửa nhà.

Tình trạng này không chỉ khiến cuộc sống của người dân quanh khu vực bị xáo trộn mà còn ảnh hưởng đến việc buôn bán, mưu sinh.

Không thể chấp nhận nhưng đâu đâu cũng khủng hoảng rác - Ảnh 3.

Rác tràn ra đường ở Hà Nội do người dân chặn xe rác vào bãi Nam Sơn hồi tháng 1-2019 – Ảnh: N.TRẦN

Tình trạng này không còn là cá biệt nơi đô thị. Chỉ trong vòng hơn 2 năm, nội thành Hà Nội có đến 3 lần đối diện với tình trạng rác ứ đọng, ngập ngụa do dân chặn không cho xe chở rác vào bãi chôn lấp: lần đầu là bãi Nam Sơn (Sóc Sơn) – tháng 5-2016, lần hai là bãi Xuân Sơn (Sơn Tây) – tháng 9-2017 và lần ba sự việc lặp lại ở bãi rác Nam Sơn vào tháng 1-2019.

Trong lần gần đây nhất, mới 4 ngày, các đống rác đã cao lút đầu người và bốc mùi ở các ngõ phố Hà Nội. Người dân đã mạnh mẽ phản ứng, “không thể chấp nhận” sống chung với ô nhiễm từ bãi rác mãi.

Điều đó cho thấy được tình cảnh tận cùng của những hộ dân sống trong vùng bãi rác từ hàng chục năm nay khi được mô tả là “ăn cũng phải mắc màn vì ruồi, nhặng”, “bệnh tật ngày càng nhiều”… Và còn nhiều những câu chuyện tương tự ở Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Thừa Thiên – Huế, Quảng Ninh…

Không chỉ dừng lại trên đất liền, vấn nạn rác thải cũng đang diễn ra ở nhiều huyện đảo đang ăn nên làm ra với các loại hình du lịch, nghỉ dưỡng như: Lý Sơn, Bình Ba, Côn Đảo, Phú Quốc, Nam Du…

Và cũng mới đây thôi, chính quyền tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang bàn đến phương án chở rác thải từ Côn Đảo về đất liền để xử lý với chi phí hàng chục tỉ đồng.

Chôn lấp rác không còn phù hợp

Hiện nay đa số các địa phương xử lý chất thải rắn chỉ bằng phương pháp duy nhất là chôn lấp vì dễ thực hiện và đỡ tốn chi phí. Tuy nhiên đây là cách làm kém hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường và tiêu tốn rất nhiều diện tích đất.

Thực tế cho thấy giải pháp được coi là ít tốn kém và dễ thực hiện này không còn phù hợp khi hiện nay lượng rác thải tăng lên theo cấp số nhân, còn đất đai không thể nảy nở thêm được. Đó là chưa nói phương pháp chôn rác hoàn toàn không hề rẻ so với việc chúng ta trả giá về môi trường và sức khỏe người dân.

Một túi nilông mất hơn 100 năm để phân hủy hoàn toàn, một chai nhựa cần gần 500 năm và một chai thủy tinh sẽ cần hơn 4.000 năm để phân hủy. Nếu những chai nhựa và thủy tinh được tái chế, chúng ta đã góp phần hạn chế rất lớn rác thải chôn lấp.

Nguyên nhân chính của thực trạng khủng hoảng rác thải tại các đô thị hiện nay xuất phát từ việc rác đã không được phân loại tại nguồn. Hoặc nếu có cũng chỉ dừng lại ở mức độ thử nghiệm, nặng về hình thức chứ chưa áp dụng triệt để.

Đó là cái vòng luẩn quẩn đổ lỗi cho nhau khi người dân chưa quan tâm lắm đến việc phân loại rác thải, còn cơ quan chức năng vẫn mãi loay hoay với biện pháp chôn lấp vì không thể tìm ra một giải pháp khả thi.

Hiện nay tại Thuỵ Điển, 47% rác thải được tái chế, 52% dùng để sản xuất nhiệt và điện, chỉ còn 1% được đem đi chôn lấp. Rác thải đã cung ứng khoảng 50% nhu cầu điện năng cho quốc gia. Với đất nước này, rác thực sự là nguồn tài nguyên chứ không phải là nỗi ám ảnh đáng sợ.

Đã đến lúc cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng từ việc vận động người dân triệt để phân loại rác thải tại nguồn; ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng có khả năng tái chế; có chế tài đủ sức răn đe với các cá nhân, tổ chức thiếu ý thức bảo vệ môi trường; đồng thời nhanh chóng áp dụng các công nghệ xử lý rác thải tiên tiến nhằm hạn chế đến mức thấp nhất lượng rác hữu cơ buộc phải xử lý bằng biện pháp chôn lấp.

 

CHUNG THANH HUY