23/12/2024

Thói quen không mang túi nilông về nhà

Mỗi lần đi chợ mua đồ ăn mang về là lỉnh kỉnh xách một mớ túi nilông, mỗi sạp hàng cho một cái, thịt một túi, cá một túi, rau một túi… Không ít bạn trẻ đã quyết định thay đổi thói quen này để bảo vệ môi trường.

 

Thói quen không mang túi nilông về nhà

Mỗi lần đi chợ mua đồ ăn mang về là lỉnh kỉnh xách một mớ túi nilông, mỗi sạp hàng cho một cái, thịt một túi, cá một túi, rau một túi… Không ít bạn trẻ đã quyết định thay đổi thói quen này để bảo vệ môi trường.
 
 
 

Thói quen không mang túi nilông về nhà - Ảnh 1.

Diệu Hằng đã tập cho mình thói quen mang theo túi đi chợ – Ảnh: Ngân Hà

Để thay đổi thói quen rất khó, do vậy khi người lớn chúng ta muốn trẻ em hành động đúng thì chính mình phải thay đổi thói quen không tốt trước.

Chị HUỲNH THỊ QUỐC TRỊ

Hơn một năm nay, Nguyễn Thị Diệu Hằng – sinh viên năm 2 ĐH Công nghệ TP.HCM – không còn đi tay không vào siêu thị mà mang theo túi vải, hộp nhựa để mua đồ. Túi thì đựng rau củ, thịt cá, đồ ăn ướt thì đựng trong hộp.

Đừng “tay không” đi mua sắm

“Mỗi lần đi mua đồ ăn sáng mang theo hộp thì ai cũng nhìn tôi kiểu “người ngoài hành tinh”. Có lần đi mua đồ ăn vặt mang theo cả tô, cả hộp, cả túi thì chị bán hàng nhìn tôi cười cười. Chị bảo tôi là người đầu tiên mua đồ mà cầm tô, hộp, túi. 

Tôi cũng không ngại giải thích là tôi làm như thế để bảo vệ môi trường. Chị chủ quán cũng tặng thêm đồ ăn vì quán không phải tốn hộp nhựa để đựng đồ. Lần khác khi mua đồ ăn gần nhà quên mang theo tô, tôi chạy về lấy cái tô rồi mới quay lại mua” – Hằng kể.

Trước khi tìm hiểu về chủ đề môi trường, Hằng cũng suy nghĩ đơn giản và ngây ngô rằng chỉ cần bỏ rác đúng nơi quy định là được, nhựa hay nilông đều sẽ được tái chế. 

“Năm nhất đại học tôi bắt đầu đọc được nhiều thông tin về túi nilông. Các con số thống kê khổng lồ về lượng rác thải khó phân hủy ra môi trường mỗi ngày, mỗi năm đều là không tưởng. Rác thải mà mỗi chúng ta thải ra hằng ngày thường không thể tái chế mà hầu như các bên thu gom rác thải sẽ phải đốt – gây ô nhiễm không khí và chôn lấp – gây ô nhiễm môi trường đất…” – Hằng chia sẻ.

Giống như Hằng, Trần Đoan Khánh (20 tuổi) cũng bắt đầu thay đổi suy nghĩ từ khi đọc thông tin về rác thải trên một fanpage về môi trường có tên Zero Waste Saigon. Cô cũng mang theo túi vải, hộp nhựa, ly nước cá nhân mỗi khi đi chợ, đi siêu thị hay quán xá gần một năm nay. 

“Trước kia tôi không hề suy nghĩ gì về việc đi chợ mua rau, mua thịt cá được bỏ trong một mớ túi nilông. Nhưng từ khi biết Việt Nam là nước có lượng rác thải thuộc hàng top thế giới thì tôi bắt đầu nghĩ về thế hệ tương lai sống trong một hành tinh ô nhiễm và tìm cách để thay đổi” – Khánh kể.

Gần đây chị Nguyễn Thị Thanh Nguyên (Q.7) cũng không còn tay không đi chợ mà tận dụng cái làn nhựa được tặng xách theo để đựng tất cả rau củ vào đó. Gia đình chị cũng đã hạn chế dùng đồ nhựa và chuyển qua sử dụng đồ mây tre lá như rổ, rá, mẹt… 

“Sau khi thanh lý cái mâm nhựa quá cũ, nhà tôi mới mua cái mẹt để làm mâm ăn cơm. Lúc mang về nhà, cậu con trai học lớp 3 đã reo “nhà mình bảo vệ môi trường á ba ơi”” – chị chia sẻ.

Không ngại bị nói “làm màu”

“Lúc đầu ai nhìn tôi cũng nói rảnh quá, siêng quá vì lúc nào cũng đem theo túi vải, ly, hộp… Nhưng tôi không ngại bị nói làm màu. Lần nào gặp bạn bè, đồng nghiệp tôi cũng tranh thủ nói về tác hại của nilông, nhựa và một số người đã bắt đầu hạn chế dùng túi nilông, thỉnh thoảng họ còn khoe với tôi chuyện họ làm nữa” – Khánh vui vẻ kể. 

Còn Diệu Hằng lúc đầu cũng bị chính mẹ khó chịu, gắt lại rằng “không lấy túi nilông thì đựng bằng cái gì?” khi cứ hay nhắc mẹ mua hàng đừng lấy túi nilông nữa. Mẹ cô cũng thường nói một mình cô làm thì không thể thay đổi được gì.

Theo Hằng, bây giờ mọi người đang sử dụng túi nilông, hộp xốp một cách rất vô tư như một thói quen khó bỏ. 

“Có thể không phải vì họ thiếu ý thức mà vì họ chưa thực sự hiểu về tác hại của nó để suy nghĩ khác. Nhiều nghiên cứu cho thấy nhựa, nilông không thể phân hủy hoàn toàn mà chúng chỉ bị vỡ các lớp cấu tạo và rã ra thành vi nhựa. Vi nhựa xuất hiện nhiều nhất là trong nước biển và người ta đã phát hiện nó trong hàu biển, muối ăn, trong bụng cá tôm… nên có thể là nó đang có trên bàn ăn của mọi người” – Hằng giải thích. 

Đến bây giờ Hằng sẽ từ chối nhận túi nilông khi có thể tự cầm được, dùng ly nước và ống hút bằng tre. Cô làm một phép tính: một chai nước cá nhân + ống hút cá nhân = 200 ly nhựa + vô vàn ống hút nhựa. Đó là một con số đáng kể.

Nhưng để hình thành thói quen thì Hằng và Khánh đều mất một khoảng thời gian. “Tôi cứ để sẵn ly, túi trong cốp xe cho đỡ quên, hoặc treo sẵn lên xe, trên bàn để dễ thấy mỗi khi ra đường. Ví tiền thì luôn bỏ vào túi vải để đi đâu cũng mang theo bởi vì ra khỏi nhà là phải mang theo tiền” – Hằng chia sẻ. 

Hiện nay Hằng hầu như hạn chế tối thiểu lượng túi nilông, trung bình chỉ khoảng ba túi/tháng trong những trường hợp bất đắc dĩ quên mang theo túi, hộp đựng, người bán tự bỏ túi nilông mà không kịp trở tay… Hằng cũng đang làm những clip ngắn để chia sẻ thói quen sống xanh với hi vọng có thể thay đổi suy nghĩ của những người xung quanh về rác thải.

Sạp hàng không túi nilông

Chị Huỳnh Thị Quốc Trị vừa xây dựng trang trại trồng rau sạch tại Đơn Dương (Lâm Đồng) đã hướng mọi người cùng sống xanh bằng cách dùng túi giấy và lá chuối để gói rau, củ khi bán cho khách hàng.

Mặc dù chi phí mua túi giấy cao hơn túi nilông nhưng tự bản thân chị cam kết không dùng túi nilông cũng chỉ với mục đích âm thầm góp thêm chút thông điệp “hạn chế dùng túi nilông”, bảo vệ môi trường sống.

Hay như ở khu chợ quê thường họp vào cuối tuần tại Q.1 cũng “tẩy chay” túi nilông bằng cách thay thế các loại lá để gói rau củ, ai không mang theo giỏ xách thì đã có giỏ xách 5.000 đồng để phục vụ tại chỗ.

 

VŨ THUỶ – KIM ANH