40.000 người nhiễm HIV được điều trị bằng thẻ BHYT
Đến nay cả nước có 188 cơ sở cấp phát thuốc ARV thông qua bảo hiểm y tế (BHYT). Theo Bộ Y tế, phấn đấu đến cuối năm 2019 có khoảng 40.000 bệnh nhân nhiễm HIV được nhận thuốc ARV thông qua BHYT.
40.000 người nhiễm HIV được điều trị bằng thẻ BHYT
Đến nay cả nước có 188 cơ sở cấp phát thuốc ARV thông qua bảo hiểm y tế (BHYT). Theo Bộ Y tế, phấn đấu đến cuối năm 2019 có khoảng 40.000 bệnh nhân nhiễm HIV được nhận thuốc ARV thông qua BHYT.
Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cùng đại diện các ban, ngành trao tượng trưng hộp thuốc điều trị giảm sự sinh sôi của HIV trong cơ thể – Ảnh: HOÀNG LỘC
Ngày 8-3, Cục phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), Sở Y tế TP.HCM phối hợp Bảo hiểm xã hội TP tổ chức sự kiện “Những bệnh nhân đầu tiên nhận thuốc ARV từ nguồn quỹ BHYT“.
Ông Phạm Đức Mạnh, phó cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS, cho biết năm 2018 là năm thứ 10 liên tiếp, dịch HIV/AIDS ở nước ta giảm cả ba tiêu chí là số người nhiễm mới, số người chuyển sang giai đoạn AIDS và số người tử vong vì AIDS.
Để đạt được điều này, Bộ Y tế chỉ đạo tăng cường điều trị ARV ngay cho người nhiễm HIV và phân cấp điều trị về các tuyến cơ sở.
“Hiện nay nước ta có gần 140.000 người nhiễm HIV được điều trị bằng ARV (thuốc làm giảm sự sinh sôi của HIV trong cơ thể), chiếm 70% số người nhiễm” – ông Mạnh nói.
Theo ông Mạnh, trước đây việc điều trị HIV/AIDS bằng thuốc ARV chủ yếu dựa vào nguồn viện trợ quốc tế. Tuy nhiên, hiện nguồn thuốc viện trợ này bị cắt giảm, đặc biệt là nguồn thuốc cứu trợ khẩn cấp của tổng thống Mỹ (PEPFAR).
Và để đảm bảo tính bền vững trong điều trị HIV/AIDS, Việt Nam sử dụng nguồn BHYT để thanh toán chi phí uống thuốc ARV cho người nhiễm HIV.
Theo ông Mạnh, sự kiện “Những bệnh nhân đầu tiên nhận thuốc ARV từ nguồn quỹ BHYT” đánh dấu một cột mốc quan trọng trong hành trình đẩy lùi đại dịch HIV/AIDS.
Đến nay cả nước có 188 cơ sở điều trị ARV thông qua BHYT. Và phấn đấu đến cuối năm 2019 cả nước có khoảng 40.000 bệnh nhân được nhận thuốc ARV qua BHYT.
TP.HCM có gần 50.000 người nhiễm HIV
Ông Nguyễn Hữu Hưng, phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết tại TP có gần 50.000 người nhiễm HIV, chiếm 1/4 cả nước.
Trong đó có 35.800 người được xét nghiệm chẩn đoán HIV được quản lý, điều trị bằng ARV.
Các bệnh nhân này được chăm sóc điều trị miễn phí bằng nguồn viện trợ quốc tế tại 48 phòng khám ngoại trú trên địa bàn.
Khi nguồn viện trợ bị cắt giảm, UBND TP.HCM đã hỗ trợ việc mua thẻ BHYT, đồng thời hỗ trợ đồng chi trả thuốc ARV cho bệnh nhân nhiễm HIV.
Đến nay có trên 29.000 người đang được điều trị ARV bằng thẻ BHYT, chiếm 82% tổng số người nhiễm HIV.
Thuốc ARV điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV từ nay sẽ được nguồn quỹ Bảo hiểm Y tế chi trả – Ảnh: TIẾN THẮNG
Việt Nam đi đầu trong việc đạt được ức chế tải lượng virus
Cũng trong ngày 8-3, Sở Y tế TP Hải Phòng phối hợp cùng Trung tâm dự phòng và kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) tổ chức sự kiện những bệnh nhân đầu tiên nhận thuốc ARV từ nguồn quỹ Bảo hiểm Y tế.
Bà Phạm Thu Xanh – giám đốc Sở Y tế TP Hải Phòng, cho biết HIV/AIDS là bệnh mãn tính phải điều trị liên tục, suốt đời với chi phí lớn. Nếu điều trị sớm và tuân thủ điều trị sẽ giúp người nhiễm HIV sống lâu, khỏe mạnh và ngăn ngừa khả năng lây nhiễm HIV ra cộng đồng.
Chi phí thuốc ARV phác đồ bậc 1 hiện nay khoảng hơn 4 triệu đồng/năm/người, phác đồ bậc 2 đắt gấp 7-8 lần và các chi phí khám bệnh, các xét nghiệm định kỳ và các dịch vụ đặc thù cũng khá cao. Do vậy, BHYT giúp người nhiễm HIV giảm gánh nặng tài chính cho chăm sóc sức khỏe, giúp họ đảm bảo việc điều trị liên tục và lâu dài.
Người nhiễm HIV không nhất thiết phải tham gia BHYT theo hộ gia đình, đã có giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giấy tờ tùy thân, đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, chuyển tuyến, chuyển tiếp,…
Theo Trung tâm dự phòng và kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ, trên thế giới hiện nay có rất ít quốc gia có thể làm được việc sử dụng BHYT để chi trả cho dịch vụ điều trị HIV.
Trong số 15 nước có tỷ lệ lây nhiễm cao nằm trong chương trình PEPFAR hỗ trợ, Việt Nam hiện là nước duy nhất và đi đầu trong việc sử dụng nguồn lực trong nước thông qua BHYT để hỗ trợ các dịch vụ điều trị HIV cho người dân.
Hiện số người nhiễm HIV đang được điều trị ARV tham gia BHYT tăng từ 40% năm 2014 lên 89% cuối năm 2018.
Bên cạnh đó, Việt Nam đi đầu trong việc đạt được ức chế tải lượng virus (không có khả năng lây nhiễm HIV cho người khác qua đường tình dục) với mức trên 93%.