24/12/2024

Chúa Nhật VIII TN C 2019: Xem quả biết cây

Nguyên tắc “xem quả thì biết cây” như mời gọi chúng ta quan tâm đến toàn bộ hành vi của mình trong đời sống để trở thành những chứng nhân của Nước Trời, của Thiên Chúa là nguồn Chân Thiện Mỹ.

 

Chúa Nhật VIII TN C 2019

Xem quả biết cây

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

 

Lời mở

Các bài Thánh Kinh hôm nay giới thiệu cho ta một nguyên tắc vàng để phân định con người cũng như tổ chức là tốt hay xấu, là đáng tin theo hay nên xa tránh. Nguyên tắc đó là “xem quả thì biết cây”. Nguyên tắc này như mời gọi chúng ta quan tâm đến toàn bộ hành vi của mình trong đời sống để trở thành những chứng nhân của Nước Trời, của Thiên Chúa là nguồn Chân Thiện Mỹ.

1. Nguyên tắc vàng: “xem quả thì biết cây”

Bài sách Huấn ca (Hc 27,4-7) hôm nay nhắc nhở: “Xem quả thì biết vườn cây, nghe lời miệng nói biết ngay lòng người” (Hc 27,6). Kinh nghiệm ngàn đời của người nông dân dạy chúng ta rằng muốn cho có trái to, quả ngọt thì phải tìm giống tốt, trồng lên cây thì phải chăm sóc, bón phân, tưới nước cho cây lớn mạnh. Có thời gian phải bắt sâu, tỉa lá, tỉa cành, bỏ bớt cả hoa để dồn sức sống cho quả ngọt trái to. Đối với con người cũng thế: thấy một người nói năng ngọt ngào, lễ độ, khiêm tốn, nhiều ý nghĩa: ta hiểu rằng con người đó đã được giáo dục cẩn thận, rèn luyện kỹ càng, hiểu biết cặn kẽ và có nhiều đức tính tốt.

Trong bài Tin Mừng (x. Lc 6,39-45), Chúa Giêsu tiếp nối truyền thống khôn ngoan để nhắc bảo chúng ta rằng: “Không có cây nào tốt mà sinh quả xấu, cũng chẳng có cây nào xấu mà sinh quả tốt. Thật vậy, xem quả thì biết cây. Ở bụi gai, làm sao bẻ được trái vả, trong bụi rậm, làm gì hái được quả nho. Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình, kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu. Vì lòng có đầy thì miệng mới nói ra” (lc 6,43-45).

Đức Giêsu muốn chúng ta hiểu rằng: những lời nói và hành động tốt xấu của con người bắt nguồn từ tâm trí tốt xấu của họ. Do đó, tư tưởng, lời nói, hành động tạo nên hành vi của con người luôn gắn kết với nhau và đều bắt nguồn từ trong nội tâm sâu thẳm tốt đẹp mà Thiên Chúa đã phú ban khi dựng nên con người giống hình ảnh Thiên Chúa.

2. Nguyên tắc mạ vàng : “xem quả lại chẳng biết cây”

Dù Thiên Chúa là nguồn chân thiện mỹ đã đặt vào lòng con người sự khôn ngoan với bao ân huệ để con người “chỉ nghĩ điều tốt đẹp, chỉ nói lời chân thành, chỉ làm việc chính đáng”, nhưng từ con người đầu tiên là Adam-Eva cho đến sau này, họ đã không cư xử như vậy. Họ đã để những tham vọng và dục vọng chi phối, lôi cuốn khiến họ hành động ngược với lời nói và ý muốn của mình. Ta thấy nhiều nhà chính trị chỉ hứa hẹn suông chứ không thực hiện. Nhiều người làm việc từ thiện chỉ vì hư danh hoặc quảng cáo cho bản thân họ, chứ không phải vì thật tâm yêu thương kẻ khó nghèo.

Vì thế, nhiều khi xem quả mà lại chẳng biết cây! Thấy quả tốt nhưng cây lại xấu vì khoa học kỹ thuật ngày nay có thể bơm thuốc bảo quản, làm ngọt, đánh bóng trái cây, khiến ta không thể đoán biết được nguồn gốc của chúng.

Con người cũng vậy. Rất nhiều khi chúng ta thấy các phương tiện truyền thông xã hội như báo chí, phát thanh, truyền hình, mạng xã hội đánh bóng các chính trị gia, quảng cáo sai các mặt hàng, các dịch vụ, ca tụng các chủ trương, chính sách của chính quyền, đảng phái. Trong thực tế chỉ là những con người xấu xa, kém cỏi, những mặt hàng kém chất lượng, những chính sách có lợi cho phe nhóm chứ không phải vì nước, vì dân.

Một thí dụ cụ thể để ta thấy xem quả khó biết cây: nhiều người có hành động bên ngoài tốt đẹp, nhưng ta không biết tâm trí của họ thế nào. Một đôi bạn trẻ đến trước cổng thánh đường thấy một người ăn xin, người bạn trai rút ra tờ giấy 100 ngàn đồng cho người ăn xin đó. Hành động đó rất đẹp. Nhưng ta có biết tâm trí của người thanh niên đó nghĩ gì không? Người đó có khi làm chỉ để tỏ cho bạn gái thấy mình là người hào phóng, để chiếm cảm tình của cô gái, chứ chưa chắc yêu thương người nghèo. Nếu gặp người nghèo đó đến nhà khi ở một mình, anh ta đã đuổi ngay họ rồi. Vì thế ca dao ta mới có câu: “Dò sông dò biển dễ dò, nào ai lấy thước mà đo lòng người”!

3. Phải đào tạo để có ý đẹp, lời hay, việc tốt

Mỗi người chúng ta đều hiểu rằng để có một hành vi tốt, gồm ý đẹp, lời hay, việc tốt, ta phải được đào tạo kỹ lưỡng, toàn diện, bắt đầu từ tư tưởng, rồi đến lời nói và hành động qua một nền giáo dục đúng đắn, cũng như qua cuộc sống ổn định, an toàn, trong gia đình cũng như ngoài xã hội.  

Nhưng nhiều nền giáo dục trên thế giới, chứ không riêng gì ở Việt Nam, bị ảnh hưởng bởi những ý thức hệ khác nhau, những chính quyền theo những đường lối khác nhau, những đảng phái theo những cương lĩnh khác nhau, những người nắm giữ quyền lực truyền thông đại chúng theo những chủ trương khác nhau, khiến cho nhiều người bị sai lầm, nhất là giới trẻ và thanh thiếu niên chưa đủ sáng suốt để phân định tốt xấu.

Việc giáo dục đầu tiên của con người chính là ở gia đình giữa cha mẹ với con cái và những người thân. Tiếp theo là nền giáo dục trong các trường học cũng như trong các môi trường khác nhau của đời sống.

Trong nhiều gia đình hiện nay, cha mẹ hầu như phó mặc việc dạy dỗ trẻ cho thầy cô ở nhà trường. Họ chỉ lo kiếm thật nhiều tiền và chiều con bằng cách mua thật nhiều đồ chơi, quần áo, phương tiện cho đứa trẻ, nhưng lại không dạy con biết nghĩ đúng, ăn nói lễ phép và hành động theo những nguyên tắc căn bản của con người. Một nửa số gia đình ly dị nên không thể dạy con tốt được. Trong trường lớp thì hầu như thầy cô chỉ cố gắng dạy cho hết chương trình chuyên môn, theo đúng chỉ tiêu của cấp trên chứ không lưu ý đến đạo đức của học sinh. Trong đời sống thường ngày người ta luôn gặp thấy người khác hối hả, bon chen từ cách đi đứng, di chuyển trên đường phố, đến lừa lọc, gian dối ở chợ đời cũng như trong các môi trường xã hội khác. Vì thế chúng ta không lạ gì xã hội đầy những tội ác, những khốn khổ, đau thương, tật bệnh, điên loạn như hiện nay.

Giáo hội Công giáo đã nhận ra con người cần được đào tạo đúng đắn và toàn diện hơn thay vì chỉ giảng dạy những luật lệ đạo đức theo Thánh Kinh và giáo huấn của Giáo Hội như đã từng làm trong 20 thế kỷ qua. Chính vì thế Giáo hội đã trình bày “học thuyết xã hội của mình với những nguyên tắc để suy tư, những tiêu chuẩn để phán đoán và những hướng dẫn để hành động” (số 7) trong cuốn sách Tóm lược học thuyết xã hội Công giáo, được công bố vào tháng 12/2004 của Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình. Tuy nhiên nhiều linh mục và những nhà đào tạo cũng chưa biết đến sách này để hướng dẫn tín hữu trong các hành vi của họ. Chúng ta nên cố gắng học hỏi học thuyết này.

Hôm nay Chúa Giêsu mời gọi chúng ta nhìn vào các hành vi của mình để thấy rằng Chúa yêu thương chúng ta, Chúa đặt chân thiện mỹ vào lòng chúng ta khi dựng nên chúng ta giống hình ảnh của Ngài và ban những ân huệ của Thánh Thần để ta làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa. Chúng ta cố gắng sống “kiên tâm bền chí và càng ngày càng tích cực tham gia vào công việc của Chúa”, như Đức Giêsu, vì chúng ta đã chiến thắng cái chết như Người (x.1Cr 15,54-58).

Lời kết

Thiên Chúa nhìn thấu tâm hồn ta, Ngài hiểu được tư tưởng, lời nói, hành động của ta. Ngài luôn ban đầy đủ những ơn của Thánh Thần để giúp ta khôn ngoan phân biệt điều đúng, điều tốt, giúp chúng ta khám phá ra lòng người và giúp chúng ta hành động như con cái của Thiên Chúa. Như vậy người tín hữu chúng ta luôn trở thành chứng nhân của Thiên Chúa là nguồn chân thiện mỹ, thành chứng nhân của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, để người khác thấy những việc tốt đẹp chúng ta làm mà ngợi khen Cha chúng ta ở trên trời.