24/01/2025

Chúa nhật VIII TN C 2019: Tiêu chuẩn giúp phân định thật giả

Chúng ta không thể biết được lòng người ra sao, chỉ trừ mình Chúa biết. Nhưng nghe lời nói và nhìn hành vi cũng có thể giúp ta nhận biết lòng người ta tốt xấu thế nào.

   

Chúa nhật VIII TN C 2019

Hc 27,4-7 – 1Cor 15,54-58 – Lc 6,39-45

TIÊU CHUẨN GIÚP PHÂN ĐỊNH THẬT GIẢ

“Lòng có đầy, miệng mới nói ra” (Lc 6,45)

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. Bài đọc I – Hc 27,4-7

    Đoạn sách Huấn ca của bài đọc I gồm bốn câu được phân chia như sau: trong các câu 4, 5 và 6, mỗi câu được trình bày theo cùng một thể thức: vay mượn một hình ảnh cụ thể theo kiểu suy diễn logic để từ đó suy tư về phẩm chất của con người, mà theo tác giả sách Huấn ca, luôn được thể hiện qua chính lời nói và lý lẽ của họ.

 – Nếu sàng sẩy ta sẽ dễ dàng nhận ra trấu hay rác rến, cũng vậy khi nghe lý luận của một người, ta cũng sẽ dễ nhận ra cái hay điều dở của người ấy.

 – Nếu sức nóng của lò lửa quyết định chất lượng của chiếc bình gốm, thì lời lẽ của một người có thể giúp ta biết rõ về người đó.

 – Nếu xem quả ta sẽ biết cây đã được chăm sóc ra sao, khi người khác nói ta cũng sẽ biết lòng của họ thế nào.

    Câu 7 như một khẳng định tóm kết điều mà tác giả muốn trình bày ở ba câu trên: cần lắng nghe người khác nói để có thể đánh giá đúng về phẩm chất của họ. Do vậy, không nên nhận định gì về ai khi chưa nghe họ nói lý lẽ.

2. Bài đọc II – 1Cor 15,54-58

    Bài đọc II có thể được gọi là một ‘khải hoàn ca’, là phần kết luận sau khi thánh Phaolô trình bày bài giáo lý với những chứng lý mạnh mẽ về niềm hy vọng chắc chắn vào sự sống lại và cách thức kẻ chết sống lại.

    Theo thánh Phaolô, vào thời điểm thân xác chúng ta vốn hay hư nát hoặc phải chết mặc lấy sự bất diệt hay bất tử, là thời điểm báo hiệu giờ chiến thắng. Đây cũng là thời điểm cáo chung của Tử thần – tội lỗi – Lề Luật (Luật Môsê). Chiến thắng đó không do sức mạnh của con người nhưng là quà tặng của Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta.

    Do vậy, thánh Phaolô khuyên các tín hữu hãy biết tạ ơn Thiên Chúa đã giúp họ chiến thắng, đồng thời mời gọi mọi người xác tín mạnh mẽ vào niềm hy vọng chiến thắng này, để không ngừng nỗ lực chu toàn bổn phận mình hằng ngày.

3. Bài Tin mừng – Lc 6,39-45

    Bài Tin mừng bao gồm hai trong số các bài giảng mà Đức Giêsu đã dạy cho các môn đệ, sau khi Ngài tuyển chọn nhóm Mười hai (x. Lc 6,12-16). Hai bài học mà Đức Giêsu muốn đưa ra đó là: 1/ Lời cảnh báo về thái độ đạo đức giả; 2/ Cần phải nhìn xem hành động để nhận biết phẩm chất của một con người.

 – Thái độ đạo đức giả được Đức Giêsu cảnh báo qua mấy hình ảnh: – Thân phận chỉ là người mù nhưng lại muốn trở thành người người dẫn đường cho người mù khác! – Học chưa xong phận làm trò nhưng lại muốn làm thầy chỉ dạy người khác; – Thấy rất rõ dù chỉ là thật nhỏ điều xấu (cái rác) trong mắt người khác, nhưng lại không hề thấy điều xấu thật lớn (cài xà) trong mắt chính mình! Dân gian Việt Nam cũng có cách diễn tả tương tự: ‘Chân mình thì lấm bê bê, đi cầm bó đuốc mà rê chân người’.

    Chúa Giêsu đề nghị bí quyết để sống thái độ đạo đức thật: cần phải lấy ‘cái xà’ nơi mắt mình ra trước, khi ấy ta sẽ dễ dàng giúp lấy ‘cái rác’ ra khỏi mắt anh em. Sứ điệp của lời dạy này đó là: Phải luôn biết tu sửa chính mình trước, ta mới có thể giúp sửa chữa anh em.

– Theo logic của Đức Giêsu, cây tốt không thể sinh quả xấu và cây xấu không thể sinh quả tốt. Cũng thế, hành động tốt chỉ có thể tìm thấy nơi người tốt và hành động xấu chắc chắn chỉ xuất ra từ nơi người xấu.

    Chúng ta không thể biết được lòng người ra sao, chỉ trừ mình Chúa biết. Nhưng nghe lời nói và nhìn hành vi cũng có thể giúp ta nhận biết lòng người ta tốt xấu thế nào.

II. CÂU HỎI GỢI Ý

1. ‘Xem quả thì biết vườn cây’. Tác giả sách Huấn ca đưa ra cho chúng ta một tiêu chuẩn, để lượng giá phẩm chất của một con người. Thái độ kiên nhẫn để lắng nghe người khác trình bày lý lẽ là hết sức cần thiết để có thể hiểu đúng về một con người. Thế nên, sự vội vã, hấp tấp có thể dẫn tới những đánh giá không khách quan đủ, thậm chí còn gây ra những tổn thương không thể chữa lành.

2. ‘Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình’. Chúa Giêsu đưa ra cho chúng ta một nguyên tắc làm thước đo, để mỗi người có thể lượng giá về chính mình. Điều tốt chỉ phát sinh từ một tấm lòng tốt. Tự huấn luyện mình để luôn suy nghĩ về những điều tốt đẹp, tích cực. Tập suy nghĩ tích cực nhất là khi phải đối diện với những thực tại xem ra có vẻ rất tiêu cực.

3. ‘Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã…’ Đây là điều trước tiên, điều cốt yếu cần thực hiện trước tất cả mọi công việc khác. Nhưng đây cũng là điều khó khăn hơn cả trong tiến trình hoàn thiện bản thân như Cha trên trời, Đấng hoàn thiện (x. Mt 5,48). Ý thức mình bất toàn để biết đâu là ‘cái xà’ của tôi, và luôn thao thức hoàn thiện mình, để nỗ lực ‘lấy nó ra khỏi mình trước đã…’ sẽ là khởi điểm tất yếu giúp ta có thể sống thái độ đạo đức thật như Chúa Giêsu mời gọi.

III. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa hằng thấu suốt mọi tâm can và sẵn sàng ban ơn vượt quá lòng người mong đợi. Với quyết tâm không ngừng hoàn thiện bản thân để xứng đáng với ân huệ Chúa ban, cộng đoàn chúng ta cùng dâng lên Chúa những lời cầu xin:

1. “Người mù có thể dẫn người mù được chăng?” Chúng ta cùng cầu xin cho Hội thánh có nhiều mục tử khôn ngoan thánh thiện như lòng Chúa mong ước, để các ngài hướng dẫn đoàn chiên của Chúa vững bước trên con đường hoàn thiện hầu được sự sống đời đời.

2. “Trong Chúa, sự khó nhọc của anh em sẽ không trở nên vô ích”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho các nhà lãnh đạo trên khắp thế giới luôn nỗ lực trong việc phục vụ lợi ích của dân chúng, và có nhiều sáng kiến nhằm đem lại hoà bình và thịnh vượng cho con người.

3. “Hãy lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước”. Chúng ta cùng cầu xin cho các bậc ông bà, cha mẹ, hay thầy cô, luôn ý thức sống gương mẫu trong mọi hoàn cảnh, để lời khuyên răn dạy bảo của họ có sức thuyết phục và đem lại nhiều hoa trái tích cực cho gia đình cũng như xã hội.

4. “Chẳng có cây nào sâu mà lại sinh quả tốt”. Chúng ta cùng cầu xin cho mỗi người trong cộng đoàn chúng ta luôn biết khiêm tốn nhận ra những hạn chế của mình, và không ngừng hoàn thiện bản thân bằng lòng quảng đại, yêu thương và bác ái đối với mọi người.

Chủ tế: Lạy Chúa là nguồn mạch mọi sự thiện hảo, xin nhận lời cầu nguyện của cộng đoàn chúng con và giúp mỗi người chúng con biết thành tâm sửa đổi chính mình, để ngày càng nên hoàn thiện như lòng Chúa mong muốn.  Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.