17/11/2024

Đi tìm ‘mỏ vàng’ chuồn chuồn Việt Nam

Một loài chuồn chuồn kim mới vừa được phát hiện tại khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh (Kon Tum) và được đăng tải trên tạp chí quốc tế Zootaxa vào tháng 2-2019.

 

Đi tìm ‘mỏ vàng’ chuồn chuồn Việt Nam

Một loài chuồn chuồn kim mới vừa được phát hiện tại khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh (Kon Tum) và được đăng tải trên tạp chí quốc tế Zootaxa vào tháng 2-2019.


 

Đi tìm mỏ vàng chuồn chuồn Việt Nam - Ảnh 1.

TS Toản trong một lần đi thực địa và loài chuồn chuồn có tên khoa học là Coeliccia lecongcoi – Ảnh T.D.

Người phát hiện là TS Phan Quốc Toản (giám đốc Trung tâm Nghiên cứu côn trùng – ký sinh trùng, ĐH Duy Tân). TS Toản cũng được xem là “cha đẻ” của rất nhiều loài chuồn chuồn mới phát hiện ở nước ta. Từ những chú chuồn chuồn nhỏ bé, công việc của TS Toản lại được đánh giá cao với nhiều ý nghĩa.

“Đào vàng” chuồn chuồn để chứng minh sự đa dạng sinh học

Nếu không biết trước chủ nhân của phòng làm việc trên đường Hoàng Minh Thảo (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng), nhiều người sẽ lầm tưởng như đang đi vào một không gian trưng bày của bảo tàng thiên nhiên. 

Phòng làm việc với vô số tiêu bản các loài côn trùng được TS Toản cất công sưu tập suốt nhiều năm nay, với ước mơ một ngày nào đó sẽ thành lập một bảo tàng sinh vật đầu tiên ở miền Trung.

“Năm 2013, khi bắt tay vào làm luận án tiến sĩ ở Nhật về loài chuồn chuồn, các thầy đã vỗ vai tôi bảo cậu hãy về VN… “đào vàng”. Sau này, tôi mới hiểu hết ẩn ý của thầy nên học xong tiến sĩ ở Trường ĐH Tokyo Metropolitan năm 2016, tôi vẫn tiếp tục đi tìm những “mỏ vàng” mới” – TS Toản giải thích trước khi kể về hành trình tìm và công bố 19 loài chuồn chuồn ở VN và Đông Nam Á.

Đi tìm mỏ vàng chuồn chuồn Việt Nam - Ảnh 2.

TS Toản trong phòng làm việc ở Trung tâm Nghiên cứu Côn trùng – Ký sinh trùng, ĐH Duy Tân – Ảnh: HÀ CHÂU

Trong khoa học, chuồn chuồn được xếp vào nhóm sinh vật chỉ thị dùng để đánh giá chất lượng nguồn nước và các hệ sinh thái, đồng thời còn đóng vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, góp phần tiêu diệt nhiều loài côn trùng gây hại. 

Việc nghiên cứu đa dạng loài chuồn chuồn mà TS Toản đang thực hiện nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học của VN để đánh giá bảo tồn loài, nguồn gốc phát sinh của loài và nghiên cứu sự phân bố của các nhóm loài dựa vào quá trình biến đổi khí hậu, biến đổi sinh thái.

Công bố 19 loài chuồn chuồn mới

Theo thống kê vào năm 2007, ước tính ở nước ta đã có 235 loài chuồn chuồn được xác nhận. Nhưng chỉ sau hơn 10 năm, đến nay số lượng loài đã tăng lên gần 400. Chỉ riêng đối với nhóm chuồn chuồn kim, trong vòng hai năm trở lại đây, TS Toản và các đồng nghiệp đã phát hiện và công bố hàng chục loài mới qua thu thập từ các khu rừng, khu bảo tồn và vườn quốc gia của VN. 

Ngoài ra, TS Toản còn phát hiện và công bố chung với một số nhà khoa học nước ngoài các loài chuồn chuồn phát hiện ở Indonesia và Malaysia.

Đi tìm mỏ vàng chuồn chuồn Việt Nam - Ảnh 3.

TS Phan Quốc Toản (phải) và đồng nghiệp trong một lần đi thực địa trên những cánh rừng – Ảnh T.D.

 

Quay lại câu chuyện “mỏ vàng” và “đào vàng”, TS Toản lý giải trong khoa học sinh vật, việc phát hiện mới một loài động vật lớn trên thế giới hiện nay dường như khó hơn mò kim đáy bể. “Mỏ vàng” mà các giáo sư nói tới là trong lĩnh vực côn trùng – ký sinh trùng.

“Ở quốc gia có nền khoa học phát triển như Nhật Bản, chỉ riêng về loài chuồn chuồn kim họ có hiệp hội với gần 100 người chuyên nghiên cứu sâu về tập tính, đặc điểm, nên ở những quốc gia đang phát triển sẽ có nhiều cơ hội tìm ra loài mới hơn” – TS Toản phân tích.

Theo ông Tô Văn Quang (phòng động vật Viện Sinh thái học Miền Nam), những nhà khoa học nghiên cứu cơ bản về phân loại học ở nước ta lâu nay vốn rất hiếm. Tuy nhiên, trong 20 năm trở lại đây, cùng với sự giúp đỡ của các tổ chức nước ngoài, ở nước ta đã có những tín hiệu vui khi có nhiều nhà khoa học chuyên sâu về nhóm với những phát hiện mới. 

Trong đó, TS Phan Quốc Toản là một trong hai nhà khoa học VN có hiểu biết chuyên sâu nhất về các loài chuồn chuồn VN và Đông Nam Á.

Đi tìm mỏ vàng chuồn chuồn Việt Nam - Ảnh 4.

TS Toản và loài chuồn chuồn có tên khoa học là Coeliccia lecongcoi vừa công bố trên Tạp chí quốc tế Zootaxa – Ảnh: HÀ CHÂU

“Cùng với nhà khoa học Đỗ Mạnh Cương (chuyên sâu về các loại chuồn chuồn lớn – NV), những phát hiện về loài mới của TS Toản (chuyên về chuồn chuồn kim – NV) thực sự đã thổi một làn gió mới chứng minh VN là một trong những “điểm nóng” về đa dạng sinh học” – ông Quang nhận xét.

Theo ông Quang, những phát hiện mới đây của TS Toản ngoài việc làm phong phú thêm các giống loài tại VN, về lâu dài những công bố này giúp các nhà khoa học thống kê có thêm những tư liệu phân tích về di truyền, tiến hóa, chủng loại. 

Ông Quang cũng hi vọng với những phát hiện ban đầu của TS Toản có thể giúp thu hút các nhà khoa học quốc tế đến nghiên cứu chuyên sâu về tiến hóa và môi trường tại VN.

Chuồn chuồn mang tên thầy để tri ân

TS Toản cho biết việc đặt tên cho loài mới hoàn toàn do người công bố chọn (nhưng không được phép đặt tên chính mình) – thông thường dựa theo một nhân vật quan trọng, có tầm ảnh hưởng nhằm thể hiện sự kính trọng, tôn vinh, tri ân hay tưởng nhớ một người nào đó.

Trong báo cáo khoa học đăng tải trên tạp chí quốc tế Zootaxa, loài chuồn chuồn kim mới được TS Toản đặt theo tên của người sáng lập Trường ĐH Duy Tân là NGƯT, AHLĐ Lê Công Cơ. TS Toản nói đây là việc để tri ân người tạo ra “chiếc nôi” để anh ấp ủ giấc mơ đóng góp vào việc tạo dựng một hệ sinh thái lành mạnh trong môi trường tự nhiên VN.

Trước đó, vào năm 2017, TS Phan Quốc Toản cũng từng công bố nghiên cứu về một loài chuồn chuồn kim mới khác với tên gọi là Coeliccia duytan được tìm thấy ở Vườn quốc gia Chư Mom Rây (Kon Tum). Cả Coeliccia duytan và Coeliccia lecongcoi đều là những loài đặc hữu, chỉ mới được phát hiện phân bố ở khu vực Tây Nguyên.

 

TRƯỜNG TRUNG