24/01/2025

Diễn văn của ĐTC kết thúc cuộc gặp gỡ bảo vệ trẻ em

Trong diễn văn kết thúc cuộc gặp gỡ các vị chủ tịch HĐGM thế giới về việc bảo vệ trẻ em, ĐTC đã đề ra một loạt các biện pháp cụ thể cần thực hiện để bài trừ nạn lạm dụng tính dục và tiến tới một Giáo Hội được thanh tẩy. Sáng Chúa Nhật 24-2-2019, ĐTC đã chủ sự Thánh lễ đồng tế bế mạc cuộc gặp gỡ…

 Diễn văn của ĐTC kết thúc cuộc gặp gỡ bảo vệ trẻ em

 

 

 

Trong diễn văn kết thúc cuộc gặp gỡ các vị chủ tịch HĐGM thế giới về việc bảo vệ trẻ em, ĐTC đã đề ra một loạt các biện pháp cụ thể cần thực hiện để bài trừ nạn lạm dụng tính dục và tiến tới một Giáo Hội được thanh tẩy.

Sáng Chúa Nhật 24-2-2019, ĐTC đã chủ sự Thánh lễ đồng tế bế mạc cuộc gặp gỡ tại Hội trường Regia rồi ngài cũng với các tham dự viên trở lại Hội trường Thượng HĐGM nơi diễn ra khoá họp và tại đây ĐTC đã đọc diễn văn bế mạc.

Lạm dụng, hiện tượng lan tràn trong xã hội

Mở đầu, ĐTC ghi nhận nạn lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên là một hiện tượng từ lâu trong lịch sử xã hội lan tràn trong tất cả các nền văn hoá và xã hội. Nhưng chỉ trong thời gian tương đối gần đây, nó mới trở thành đối tượng nghiên cứu có hệ thống nhờ có thay đổi trong sự nhạy cảm của dư luận quần chúng về một vấn đề, trong quá khứ, vốn bị coi như một điều cấm kỵ, nghĩa là tất cả đều biết về sự hiện diện của nó nhưng không ai nói tới…

ĐTC nhận xét rằng ngày nay các con số thống kê về những vụ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên do các tổ chức và cơ quan quốc gia và quốc tế công bố, trong đó có Tổ chức Sức khoẻ Thế giới OMS, Tổ chức Nhi đồng Quốc tế Unicef, Cảnh sát Quốc tế Interpol, Cảnh sát Âu châu Europol, không trình bày thực trạng của hiện tượng, và thường thường những con số được trình bày tương đối thấp hơn so với thực tại, lý do chính yếu vì nhiều vụ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên không được tố cáo, đặc biệt là rất nhiều vụ lạm dụng xảy ra trong môi trường gia đình.

Thực vậy, ít khi các nạn nhân thổ lộ và tìm kiếm sự giúp đỡ. Đàng sau thái độ do dự không tố giác như thế, có sự xấu hổ, hoang mang, sợ bị trả thù, mặc cảm tội lỗi, không tín nhiệm nơi các tổ chức cơ chế, bị ảnh hưởng vì văn hoá xã hội và cả sự phản thông tin về những dịch vụ và những cơ cấu có thể giúp đỡ… Điều chắc chắn duy nhất là hàng triệu trẻ em trên thế giới là những nạn nhân bị bóc lột và lạm dụng tính dục.

Con số của Tổ chức Sức khoẻ Thế giới và Unicef

Theo ước lượng của Tổ chức Sức khoẻ Thế giới công bố hồi năm 2017, có tới 1 tỷ trẻ vị thành niên từ 2 đến 17 tuổi đã bị bạo hành hoặc không được săn sóc về thể lý, cảm xúc và tính dục. Theo tổ chức nhi đồng thế giới hồi năm 2014, những vụ lạm dụng tính dục, từ những vụ sờ mó cho đến những vụ hãm hiếp, xảy ra cho hơn 120 triệu trẻ nữ. Năm 2017, Tổ chức này cho biết tại 38 nước trên thế giới có lợi tức thấp và trung bình, gần 17 triệu phụ nữ đã nhìn nhận là đã bị cưỡng bách có quan hệ tính dục trong thời thơ ấu.

ĐTC nhận xét rằng sự thật đầu tiên từ những dữ kiện nói trên là những người phạm những hành động lạm dụng, tức là những hành vi bạo hành về thể lý, tính dục hoặc cảm xúc, phần lớn là các cha mẹ, thân nhân, chồng của những người vợ trẻ em, những nhà huấn luyện và giáo chức. Ngoài ra, theo các con số của Tổ chức Nhi đồng Quốc tế hồi năm 2017 về tình trạng tại 28 nước trên thế giới, cứ 10 trẻ nữ bị bó buộc phải có quan hệ tình dục, thì 9 em là nạn nhân của một người quen thuộc hoặc thân cận với gia đình em.

Thống kê tại Âu Mỹ

Theo thống kê chính thức của chính phủ Mỹ, tại Hoa Kỳ mỗi năm có hơn 700.000 trẻ em bị bạo hành và ngược đãi, 1 phần 10 các em bị lạm dụng tính dục. Tại Âu châu có 18 triệu trẻ em nạn nhân các vụ lạm dụng tính dục. Tại Italia, theo phúc trình của Tổ chức “Điện thoại xanh” (Telefono Azzuro) hồi năm 2016, 68,9% những vụ lạm dụng trẻ vị thành niên xảy ra trong 4 bức tường gia đình.

Ảnh hưởng của Internet

Từ những nghiên cứu được thực hiện trong những năm gần đây về hiện tượng lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên, người ta cũng thấy rằng sự phát triển các mạng Internet và các phương tiện truyền thông đã góp phần làm gia tăng đáng kể những vụ lạm dụng và bạo hành trực tuyến. Sự phổ biến dâm ô đang lan tràn mau lẹ trên thế giới qua mạng…

Du lịch tình dục

Một tệ nạn khác là nạn du lịch tình dục. Theo con số của tổ chức thế giới về du lịch, mỗi năm trên thế giới có 3 triệu người du hành để có những quan hệ tính dục với các trẻ vị thành niên. Một điều đáng để ý là tác giả các tội ác ấy, trong phần lớn các trường hợp, không biết rằng điều họ làm là một tội ác.

Nạn lạm dụng trẻ em trong Giáo Hội


Từ hiện tượng lạm dụng chung trong xã hội, ĐTC đề cập đến nạn lạm dụng tính dục trẻ em trong Giáo Hội và ngài khẳng định:

Sự kiện tai ương lạm dụng lan tràn các nơi trên thế giới chứng tỏ tính chất trầm trọng của chúng trong các xã hội chúng ta, nhưng không giảm bớt sự kinh khủng của chúng giữa lòng Giáo Hội.

Sự vô nhân đạo của hiện tượng này trên bình diện thế giới càng trở nên trầm trọng và gây gương mù gương xấu nhiều hơn trong Giáo Hội, vì nó đi ngược với uy tín luân lý và sự đáng tín nhiệm của Giáo Hội về mặt luân lý đạo đức. Người thánh hiến, được Thiên Chúa chọn để hướng dẫn các linh hồn đến ơn cứu độ, lại để cho mình bị đè bẹp vì tính yếu đuối xác thịt và vì bệnh tật của mình, trở thành dụng cụ của ma quỷ. Trong những vụ lạm dụng, chúng ta thấy có bàn tay của sự ác, không buông tha cả sự ngây thơ trong trắng của các trẻ em. Không có những giải thích đủ về những lạm dụng ấy đối với các trẻ em. Chúng ta phải cùng nhau can đảm nhìn nhận rằng chúng ta đứng trước mầu nhiệm sự ác, nó quyết liệt chống lại những người yếu thế nhất vì họ là hình ảnh của Chúa Giêsu. Chính vì thế trong Giáo Hội hiện có sự gia tăng ý thức về nghĩa vụ không những phải ngăn chặn những lạm dụng rất trầm trọng bằng những biện pháp kỷ luật, và những vụ xét xử theo luật dân sự và giáo luật, nhưng còn phải quyết liệt đương đầu với hiện tượng ấy trong và ngoài Giáo Hội. Giáo Hội cảm thấy được kêu gọi bài trừ sự ác này, nó có liên hệ tới trọng tâm sứ mạng của Hội Thánh là loan báo Tin Mừng cho những người bé nhỏ và bảo vệ họ chống lại những con chó sói háu ăn.

Một vụ mà thôi thì cũng là quá nhiều!

ĐTC nhấn mạnh: “Ở đây tôi muốn tái khẳng định rõ ràng: Trong Giáo Hội nếu chỉ có một vụ lạm dụng mà thôi, thì tự nó đã là một điều khủng khiếp rồi, và trường hợp này phải được đối phó với tất cả sự nghiêm túc.” Thực vậy, trong sự phẫn nộ hữu lý của dân chúng về những vụ này, Giáo Hội thấy đó là phản ánh sự thịnh nộ của Thiên Chúa, Chúa bị phản bội và lăng mạ vì những người thánh hiến bất lương ấy. […]

Bàn tay của ác thần


ĐTC xác tín tất cả những vụ lạm dụng trẻ em, dưới nhiều hình thức khác nhau, là một sự biểu lộ hiện nay của ác thần. Ngài nói:

“Anh chị em thân mến, ngày hôm nay chúng ta đang đứng trước một sự biểu lộ của sự ác, vô liêm xỉ, gây hấn và tàn phá. Đằng sau và bên trong hiện tượng này có ác thần, trong sự tự kiêu và cao ngạo, hắn cảm thấy mình là chủ tể của trần thế và nghĩ là đã chiến thắng. Tôi muốn nói với anh chị em điều này với uy tín của một người anh, một người cha, chắc hẳn là bé nhỏ, nhưng cũng là mục tử của Giáo Hội chủ trì trong tình bác ái: trong những trường hợp đau thương này tôi thấy bàn tay của ác thần, hắn không dung tha cả sự thây ngơ của các trẻ em. Và điều này làm cho tôi nghĩ đến Hêrôđê, kẻ sợ bị mất quyền bính, nên đã truyền tàn sát tất cả các trẻ em ở Bethlehem.

Và như thế, chúng ta phải dùng tất cả các biện pháp thực hành mà lương tri, các khoa học và xã hội cung cấp cho chúng ta, chúng ta không được bỏ qua không nhìn thực tại này và dùng những phương thế tinh thần mà chính Chúa đã dạy chúng ta: đó là hạ mình, thú tội, cầu nguyện và thống hối. Đó là cách thức duy nhất để chiến thắng ác thần, như Chúa Giêsu đã chiến thắng hắn.

Đối tượng Giáo Hội nhắm tới


Vì thế, đối tượng của Giáo Hội là lắng nghe, gìn giữ, bảo vệ, và chăm sóc các trẻ em bị lạm dụng, bị khai thác và bị lãng quên, dù các em ở đâu. Để đạt tới mục tiêu ấy, Giáo Hội phải vượt lên trên tất cả những tranh luận về ý thức hệ và chính sách báo chí thường lạm dụng các thảm trạng của các trẻ em để mưu những lợi lộc khác nhau.

Bởi vậy, nay đã đến lúc cùng nhau cộng tác để nhổ bỏ sự tàn bạo ấy ra khỏi thân mình nhân loại chúng ta, chấp nhận tất cả những biện pháp cần thiết hiện hành trên bình diện quốc tế và trên bình diện Giáo Hội. Đã đến lúc tìm ra một sự quân bình đúng đắn của tất cả các giá trị liên hệ và đề ra những chỉ thị đồng nhất cho Giáo Hội, tránh hai thái cực: một là thái độ duy công lý (giustizialismo) do mặc cảm tội lỗi vì những sai lầm quá khứ và vì sức ép của giới truyền thông, và hai là thái độ tự vệ, không giải quyết tận căn và những hậu quả của những tội ác trầm trọng này.

Các biện pháp thực hành ĐTC đề nghị

Tiếp tục bài diễn văn dài để kết thúc cuộc gặp gỡ các vị Chủ tịch HĐGM trên thế giới về việc bảo vệ trẻ em trong Giáo Hội, ĐTC trình bày những biện pháp thực hành và khẳng định:

“Trong bối cảnh đó, tôi muốn nói đến những phương thức thực hành tốt nhất (Best Practices), do một nhóm 10 cơ quan quốc tế đề ra dưới sự hướng dẫn của Tổ chức Sức khoẻ Thế giới và họ đã phê chuẩn một loạt các biện pháp gọi là INSPIRE, nghĩa là 7 chiến lược để chấm dứt nạn bạo hành chống các trẻ em.

 Khi dùng các đường hướng chỉ đạo này, trong hành trình lập pháp, và cũng như hoạt động trong những năm qua của Uỷ ban Tòa Thánh Bảo vệ Trẻ vị thành niên, và sự đóng góp của cuộc gặp gỡ này, Giáo Hội sẽ tập trung vào những chiều kích sau đây:

Thứ nhất: Bảo vệ trẻ em


Mục tiêu thứ nhất của bất kỳ biện pháp nào là bảo vệ các trẻ nhỏ và ngăn cản để các em không trở thành nạn nhân của bất kỳ sự lạm dụng nào về tâm lý và thể lý. Vì thế cần thay đổi não trạng để bài trừ thái độ tự vệ phản ứng bảo tồn cơ chế, và thay vào đó là một sự chân thành quyết liệt tìm kiếm thiện ích của cộng đoàn, dành ưu tiên cho các nạn nhân bị lạm dụng theo mọi nghĩa. Trước mắt chúng ta phải là những khuôn mặt vô tội của các trẻ em, nhắc nhớ lời Chúa dạy: “Ai gây gương mù cho một trong những trẻ nhỏ này tin tưởng nơi Thầy, thì chẳng thà cột cối đá vào cổ hắn mà quăng xuống biển thì hơn. Khốn cho thế gian vì những gương xấu! Không thể tránh có gương xấu, nhưng khốn cho kẻ vì hắn mà gương xấu xảy ra!” (Mt 18,6-7).

Thứ hai: Hoàn toàn nghiêm túc

Ở đây tôi muốn lập lại rằng “Giáo Hội sẽ không nề quản điều gì mà không thi hành những điều cần thiết để giao nộp cho công lý bất kỳ kẻ nào đã phạm những tội ác ấy. Giáo Hội sẽ không bao giờ tìm cách ém nhẹm hoặc coi nhẹ một vụ nào” (Dv với Giáo triều 21-12-2018). Theo xác tín của Giáo Hội, “những tội lỗi (peccati) và tội ác (crimini) của những người thánh hiến có thêm màu đen tối bất trung, tủi hổ và làm biến dạng khuôn mặt của Giáo Hội, làm thương tổn uy tín của Hội Thánh. Thực vậy, cùng với các tín hữu của mình, Giáo Hội cũng là nạn nhân sự sự bất trung và của những tội phạm thực sự ấy” (ibid.).

Thứ ba: Một sự thanh tẩy thực sự

Mặc dù có những biện pháp đã được đề ra và có những tiến bộ trong việc phòng ngừa những vụ lạm dụng, cần nhấn mạnh một quyết tâm mới mẻ và trường kỳ của các mục tử nỗ lực sống thánh thiện, dân Chúa có quyền đòi các vị phải trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô Mục Tử Nhân Lành. Vì thế, cần tái khẳng định “ý chí cương quyết hết sức theo đuổi con đường thanh tẩy, tự hỏi làm cách nào để bảo vệ các trẻ em; làm thế nào tránh những thảm hoạ như thế, làm sao chăm sóc chữa trị và phục hồi các nạn nhân, và làm thế nào cũng cố việc đào tạo trong các chủng viện […].

Cần tìm cách biến đổi những sai lầm đã phạm thành cơ hội để loại trừ tai ương này “không những khỏi thân mình của Giáo Hội nhưng còn ra khỏi thân mình của xã hội nữa” (ibid). Sự kính sợ Chúa đưa chúng ta đến chỗ tự cáo mình – trong tư cách là cá nhân và như tổ chức – và sửa chữa những thiếu sót của chúng ta. Tự cáo: đó là một sự khởi đầu khôn ngoan, gắn liền với sự kính sợ Chúa. Học tự cáo, trong tư cách là cá nhân, như tổ chức và như xã hội. Trong thực tế, chúng ta không được rơi vào cạm bẫy cáo buộc người khác, vì đó là một bước tiến tới chứng cớ ngoại phạm (alibi) tách biệt chúng ta với thực tại.

Thứ tư: Huấn luyện 
 
Những đòi hỏi trong việc tuyển chọn và huấn luyện các ứng sinh lên chức linh mục với các tiêu chuẩn không những có tính chất tiêu cực, chỉ lo loại bỏ những người có vấn đề, nhưng cả những tiêu chuẩn tích cực bằng cách cống hiến một hành trình huấn luyện quân bình cho các ứng sinh thích hợp, hướng tới sự thánh thiện và bao gồm cả nhân đức khiết tịnh.

Thánh Phaolô VI đã viết trong Thông điệp “Độc thân Linh mục” (Sacerdotalis Caelibatus): “Một cuộc sống hoàn toàn và tận tuỵ dấn thân trong nội tâm và bên ngoài như thế, như cuộc sống của linh mục độc thân, loại bỏ những người thiếu quân bình về tâm lý, vật lý và luân lý, và không thể chủ trương rằng ơn thánh bù đắp thiên nhiên về vấn đề này.” (n.64)

Thứ năm: Củng cố và kiểm chứng những đường hướng chỉ đạo của các HĐGM


Nghĩa là tái khẳng định cần có sự hiệp nhất của các GM trong việc áp dụng những khuôn mẫu có giá trị quy luật chứ không phải chỉ là hướng dẫn mà thôi. Không được che đậy một vụ lạm dụng nào (như thói quen trong quá khứ) và hoặc coi nhẹ nó, xét vì sự che đậy các lạm dụng làm cho sự ác này lan rộng và gia tăng thêm mức độ gương xấu. Đặc biệt khai triển một lối tiếp cận mới hữu hiệu để phòng ngừa trong tất cả các tổ chức và các môi trường hoạt động của Giáo Hội.

Thứ sáu: Đồng hành với những người bị lạm dụng

Bất hạnh mà họ đã trải qua để lại nơi họ những vết thương không thể xoá bỏ, chúng biểu lộ cả trong những oán hận và xu hướng tự huỷ diệt. Vì thế Giáo Hội có nghĩa vụ phải cống hiến cho họ tất cả sự nâng đỡ cần thiết, dùng các chuyên gia trong lĩnh vực này. Lắng nghe – xin cho tôi dùng từ này: “mất thời giờ” trong việc lắng nghe. Lắng nghe chữa lành người bị thương, và chữa lành cả bản thân chúng ta khỏi sự ích kỷ, thái độ xa cách, tránh thái độ nói rằng “điều ấy chẳng liên hệ đến tôi”, thái độ của tư tế và thầy Lêvi trong dụ ngôn Người Samaritano nhân lành.

Thứ bảy: Thế giới kỹ thuật số

Việc bảo vệ trẻ vị thành niên phải để ý đến những hình thức mới lạm dụng tính dục và những lạm dụng thuộc mọi loại đe dọa các em trong các môi trường các em sinh sống và qua những phương tiện mới các em sử dụng. Các chủng sinh, linh mục, tu sĩ nam nữ, các nhân viên mục vụ và tất cả mọi người phải ý thức rằng thế giới kỹ thuật số và việc sử dụng các phương tiện này thường ảnh hưởng sâu đậm hơn mức độ chúng ta tưởng. Ở đây cần khuyến khích các nước và các nhà cầm quyền áp dụng tất cả những biện pháp cần thiết để giới hạn những trang mạng (web) đe doạ phẩm giá người nam, người nữ và đặc biệt là các trẻ vị thành niên: tội ác không được hưởng tự do.

Tuyệt đối cần hết sức quyết liệt chống lại những tội ác kinh tởm ấy, canh chừng và chiến đấu để sự phát triển các trẻ em không bị xáo trộn hoặc đảo lộn vì tự do đi vào những trang mạng dâm ô, chúng để lại những dấu hiệu tiêu cực sâu đậm trong tâm trí các em. Cần dấn thân để người trẻ nam nữ, đặc biệt các chủng sinh và giáo sĩ, không trở thành nô lệ những nghiện ngập dựa trên sự bóc lột và tội lạm dụng những trẻ vô tội và các hình ảnh các em, sự coi rẻ phẩm giá phụ nữ và nhân vị. Ở đây cần nêu rõ những qui luật mới “về những tội ác nặng nhất” do ĐGH Bênêđictô XVI ban hành hồi năm 2010, trong đó có thêm thứ tội ác mới là “thủ đắc, lưu giữ hoặc phổ biến” do một thành phần giáo sĩ, “bằng bất cứ cách nào và bằng bất kỳ phương thế nào, những hình ảnh dâm ô trẻ em”. Hồi đó, có nói về “những trẻ vị thành niên 14 tuổi”, giờ đây chúng tôi nghĩ phải nâng giới hạn tuổi này để mở rộng việc bảo vệ các trẻ vị thành niên và nhấn mạnh tính chất trầm trọng của những sự kiện này.

Thứ tám: Du lịch tình dục


Thái độ, cái nhìn, tâm hồn các môn đệ và những người phụng sự Chúa Giêsu phải biết nhận ra hình ảnh Thiên Chúa trong một con người thụ tạo, bắt đầu từ những người vô tội nhất. Chỉ khi kín múc từ sự quyết liệt tôn trọng phẩm giá người khác chúng ta mới có thể bảo vệ họ chống lại sự xâm nhập mạnh mẽ của bạo lực, bóc lột, lạm dụng, hư hỏng, và phục vụ họ một cách đáng tín nhiệm trong sự tăng trưởng toàn diện về mặt nhân bản và tinh thần, trong cuộc gặp gỡ với tha nhân và với Thiên Chúa.

Để bài trừ nạn du lịch tình dục, cần có sự trừng phạt về tư pháp, nhưng cũng cần sự nâng đỡ và những dự án hội nhập các nạn nhân của hiện tượng tội ác này. Các cộng đồng Giáo Hội được kêu gọi tăng cường việc mục vụ cho những người bị khai thác bóc lột trong ngành du lịch tình dục. Trong số những người ấy, dễ bị tổn thương và cần được trợ giúp hơn cả chắc chắn là các phụ nữ, các trẻ vị thành niên và trẻ em; nhưng những người này cần được bảo vệ và quan tâm đặc biệt. Các chính quyền hãy dành ưu tiên và cấp thiết hành động để bài trừ nạn buôn bán và khai thác các trẻ em về mặt kinh tế. Trong mục đích ấy, cần có sự phối hợp các cố gắng trên mọi cấp độ của xã hội và cộng tác chặt chẽ với cả những tổ chức quốc tế để thực hiện một khuôn khổ pháp lý bảo vệ các trẻ em chống nạn khai thác tình dục trong ngành du lịch và giúp truy tố về pháp lý những kẻ phạm pháp.

Cám ơn các linh mục tu sĩ trung thành

ĐTC nói thêm: Xin cho phép tôi nồng nhiệt cám ơn tất cả các linh mục và tu sĩ đang trung thành và tận tuỵ phụng sự Chúa và họ cảm thấy bị mất danh dự, bị mất uy tín vì những lối cư xử ô nhục của một vài anh chị em đồng nghiệp của họ. Tất cả mọi người – Giáo Hội, những người thánh hiến, Dân Chúa và thậm chí cả chính Thiên Chúa – cũng chịu hậu quả do sự bất trung của những người ấy. Nhân danh toàn thể Giáo Hội, tôi cám ơn đại đa số các linh mục không những trung thành với bậc độc thân của mình, nhưng còn xả thân trong một sứ vụ ngày nay càng trở nên khó khăn vì gương xấu của một thiểu số (nhưng vẫn luôn là quá nhiều) do những anh em đồng hàng của họ. Và tôi cũng cám ơn cả các tín hữu biết rõ các mục tử tốt lành của mình và tiếp tục cầu nguyện và nâng đỡ các vị.

Tận dụng cơ hội để thanh tẩy

Sau cùng, tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của nghĩa vụ phải biến sự ác này thành cơ hội thanh tẩy. Chúng ta hãy nhìn Thánh nữ Edith Stein – Thánh Têrêsa Benedetta Thánh Giá, với xác tín chắc chắn rằng “trong đêm đen tối nhất sẽ nảy sinh những ngôn sứ và thánh nhân lớn nhất. Nhưng nguồn sinh lực của cuộc sống huyền nhiệm vẫn vô hình. Chắc chắn những biến cố quyết liệt của lịch sử thế giới đã chịu ảnh hưởng thiết yếu của những tâm hồn không được nói đến trong các sách sử. Và đó là những linh hồn mà chúng ta phải cám ơn vì những biến cố quyết định trong đời sống bản thân chúng ta, và đó là điều mà chúng ta chỉ biết trong ngày mà tất cả những gì kín đáo sẽ được tỏ lộ”.

Dân Thánh trung thành của Thiên Chúa, trong âm thầm thường nhật, trong nhiều hình thức và cách thế tiếp tục làm cho trở nên hữu hình và làm chứng qua niềm hy vọng kiên trì rằng Chúa không bỏ rơi, Ngài nâng đỡ sự tận tuỵ kiên trì, và trong bao nhiêu hoàn cảnh, Chúa chịu đau khổ vì các con cái của Ngài. Dân trung thành, thánh thiện và kiên nhẫn của Thiên Chúa, được Thánh Linh nâng đỡ và làm cho sinh động, chính là khuôn mặt đẹp nhất của Giáo Hội ngôn sứ biết đặt Chúa ở trung tâm qua sự hiến thân hằng ngày. Chính dân thánh này của Thiên Chúa sẽ giải thoát chúng ta khỏi tai ương giáo sĩ trị, là thửa đất màu mỡ cho tất cả những tội ác nói trên đây.

Kết quả tốt nhất và quyết tâm hữu hiệu nhất mà chúng ta có thể mang lại cho các nạn nhân, cho dân của Mẹ Giáo Hội Thánh Thiện và cho toàn thế giới chính là quyết tâm hoán cải bản thân và cộng đồng, khiêm tốn học hỏi, lắng nghe, trợ giúp và bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất.

Kêu gọi chính quyền và mọi người


“Tôi tha thiết kêu gọi tất cả các chính quyền và mỗi người hãy chiến đấu toàn diện chống lại nạn lạm dụng trẻ vị thành niên, trong lĩnh vực tính dục cũng như trong các lĩnh vực khác, vì đây là những tội ác kinh tởm cần phải xoá bỏ khỏi mặt đất: đó là điều mà bao nhiêu nạn nhân thầm kín trong các gia đình và trong các lĩnh vực khác của các xã hội chúng ta đang yêu cầu.”
 
 
 

G. Trần Đức Anh OP