23/12/2024

Những nỗ lực bảo vệ trẻ vị thành niên trong Giáo Hội

Trước thềm cuộc họp về “Bảo vệ trẻ vị thành niên trong Giáo hội” sẽ diễn ra tại Vatican từ ngày 21-24/2, chúng tôi xin gửi đến quý vị bài viết của tác giả Fabio Colagrande, về những nỗ lực của Giáo hội từ trước đến nay trong vấn đề này.

 Những nỗ lực bảo vệ trẻ vị thành niên trong Giáo Hội

 

 

Họp báo về bảo vệ trẻ vị thành niên trong Giáo Hội

Trước thềm cuộc họp về “Bảo vệ trẻ vị thành niên trong Giáo hội” sẽ diễn ra tại Vatican từ ngày 21-24/2, chúng tôi xin gửi đến quý vị bài viết của tác giả Fabio Colagrande, về những nỗ lực của Giáo hội từ trước đến nay trong vấn đề này.

Tại Vatican


Đây là cuộc họp đầu tiên liên quan đến tất cả chủ tịch các hội đồng giám mục và bề trên các dòng tu trên toàn thế giới để giải quyết vấn đề theo lối nhìn của Tin Mừng. Và đây cũng là cuộc gặp của các mục tử với những đặc điểm của ‘Thượng Hội đồng’ chưa từng có tiền lệ. Điều này cho thấy quyết tâm chống lại việc lạm dụng của các giáo sĩ là ưu tiên hàng đầu của ĐTC Phanxicô trong bối cảnh lịch sử hiện nay. Một số mục tiêu của cuộc họp này là lắng nghe các nạn nhân, tăng nhận thức vấn đề, cung cấp kiến ​​thức, phát triển quy chế và thủ tục mới, chia sẻ những thực hành tốt.

Một giai đoạn của hành trình dài

Tuy nhiên, chắc chắn đây không phải là bước đầu tiên của Toà Thánh cũng như của các hội đồng giám mục về vấn đề này. Nhưng đây là một giai đoạn lịch sử trong một hành trình mà Giáo hội Công giáo đã thực hiện hơn 30 năm qua tại các quốc gia như Canada, Hoa Kỳ, Ireland và Úc; và trong khoảng 10 năm tại Châu Âu. Những cách thức đó cũng sẽ tiếp tục ngay cả sau cuộc họp mới này. Việc đổi mới các nguyên tắc giáo luật về những trường hợp lạm dụng trẻ em liên quan đến giáo sĩ đã bắt đầu tại Vatican từ 18 năm trước. Và trong 20 năm qua, các Đức Thánh Cha đã có vô số cử chỉ, bài phát biểu và tài liệu đề cập riêng về chủ đề đau đớn này. Đôi khi, việc đưa ra những quy luật và thủ tục không tạo ra sự thay đổi ngay lập tức trong não trạng cần thiết chống lại lạm dụng. Tuy nhiên, với cuộc họp như mong muốn của Đức Thánh Cha lần này, không thể tính đây là “năm zero” trong việc cam kết của Giáo hội bảo vệ trẻ vị thành niên.

Các nước đầu tiên: Canada, Mỹ, Ireland và Úc

Một trong những hội đồng giám mục đầu tiên trên thế giới ban hành các chỉ thị liên quan đến xâm phạm tính dục đối với trẻ vị thành niên trong Giáo hội là Canada, vào năm 1987. Năm 1989, sau khi dư luận liên tục lặp lại trên báo chí về việc xâm phạm tính dục đối với trẻ vị thành niên của các giáo sĩ, Giáo hội Canada đã lập một uỷ ban “đặc biệt” vào năm 1992 và cho ra tài liệu “Từ đau khổ đến hy vọng” trong đó có 50 “Khuyến nghị” gửi đến các tín hữu Công giáo, giám mục và những người chịu trách nhiệm huấn luyện linh mục.

Tại Hoa Kỳ, Hội đồng Giám mục lần đầu tiên đề cập đến xâm phạm tính dục trẻ vị thành niên bởi các linh mục trong cuộc họp tháng 6 năm 1992, và thiết lập “5 nguyên tắc” phải theo. Dù vậy, sự lan rộng của hiện tượng này trong những năm sau đó và sự bất cập trong cách điều hành, và đã bị tố giác bởi một cuộc điều tra lịch sử Boston Globe, đã khiến ĐTC Gioan Phaolô II triệu tập các hồng y người Mỹ về Roma vào tháng 4/2002.

Tại Ireland, vào năm 1994, Giáo hội đã thành lập Uỷ ban Cố vấn của các Giám mục Công giáo Ireland về Lạm dụng Tính dục Trẻ em của Linh mục và Tu sĩ. Uỷ ban này đã đưa ra bản đầu tiên của “Báo cáo cuối cùng” vào tháng 12 năm sau đó. Tuy nhiên, một trong những thủ tục đầu tiên trên thế giới về cách xử lý trong giáo phận những trường hợp ấu dâm liên quan đến giáo sĩ thì được xuất bản tại Úc. Vào tháng 12 năm 1996, tài liệu “Hướng tới việc chữa lành” đã được phê duyệt cho tất cả các giáo phận Úc và có hiệu lực từ vào 3 năm 1997.

Nguyên tắc giáo luật mới: những lạm dụng “phạm tội nghiêm trọng”

Từ đầu thế kỷ XXI, Toà Thánh, đặc biệt là nhờ hành động của Đức Hồng y Ratzinger, sau đó được bầu làm Giáo hoàng Bênêdictô XVI, khởi sự và hoàn thành một sự đổi mới sâu sắc về các nguyên tắc giáo luật để can thiệp những trường hợp lạm dụng, cập nhật về hình phạt, thủ tục và năng quyền. Vào năm 2001, Tự sắc Sacentorum Sanctuarytitatis tutela của Đức Gioan Phaolô II đã thêm tội lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên bởi một giáo sĩ là một trong số những “tội nghiêm trọng nhất”, dành riêng cho Bộ Giáo lý Đức tin xử lý. Năm 2010, Đức Bênêđictô XVI, cũng từ Bộ Giáo lý Đức tin, đã cho xuất bản những “Quy luật mới về các tội nghiêm trọng nhất”, giúp đẩy nhanh các thủ tục bằng cách giới thiệu “sắc lệnh ngoài toà”, tăng gấp đôi thời gian xử lý từ 10 lên 20 năm và thêm tội danh “khiêu dâm trẻ em”. Cũng trong năm đó tại Đức, trường hợp của Trường Canisio của Dòng Tên ở Berlin đã thúc đẩy hội đồng giám mục đổi mới “những hướng dẫn” đã được xuất bản lần đầu năm 2002, và tăng cường hợp tác với chính quyền.

Ireland: Báo cáo Ryan và Murphy

Năm 2009 tại Ireland, sau nhiều năm làm việc bởi các uỷ ban chính phủ đặc biệt, Báo cáo Ryan, về các vụ lạm dụng xảy ra trong hệ thống trường học và Báo cáo Murphy, về việc lạm dụng trẻ vị thành niên trong ba mươi năm bởi các thành viên của Tổng giáo phận Dublin đã được công bố. Tiếng vang lớn được đưa ra bởi các báo cáo, trong đó nêu rõ những thiếu sót mà Giáo hội đã xử lý các trường hợp lạm dụng, khiến ĐTC Bênêđictô XVI triệu tập tất cả các giám mục Ireland về Roma, để ra một “Thư Mục vụ” gửi đến tất cả các tín hữu Công giáo trên đất nước vào tháng 3/2010 – trong đó ngài yêu cầu các biện pháp thực sự Tin Mừng, đúng đắn và hiệu quả để đáp lại sự bội tín này – và chuẩn bị cho chuyến tông du đến Ailen, từ tháng 11/2010 đến tháng 3/2012. Từ năm 2008, Đức Bênêdictô XVI đã bắt đầu thường xuyên gặp nạn nhân bị lạm dụng trong các chuyến viếng thăm tại Hoa Kỳ, Úc, Anh, Malta, Đức. Đức Giáo hoàng Phanxicô cũng làm điều tương tự với các cuộc họp riêng định kỳ tại nhà Santa Marta. 

Yêu cầu tài liệu “Hướng dẫn” cho các hội đồng giám mục

Một bước căn bản khác của quá trình này là, vào tháng 5/2011, từ Bộ Giáo lý Đức tin, ngài ra một tông thư yêu cầu tất cả các hội đồng giám mục soạn thảo tài liệu “Hướng dẫn” để điều trị các trường hợp lạm dụng và giúp đỡ các nạn nhân, cũng như cung cấp những chỉ dẫn về vấn đề này với mục đích điều phối các hoạt động của các giáo phận về cùng một vấn đề. Nội dung tông thư nêu rõ giám mục giáo phận là người chịu trách nhiệm đầu tiên trong việc xử lý các tội lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên bởi các giáo sĩ.

Hội nghị chuyên đề tại Đại học Gregoriana


Để giúp các hội đồng giám mục và Dòng tu chuẩn bị thích đáng những tài liệu “Hướng dẫn”, Tòa Thánh đã khuyến khích tổ chức Hội nghị chuyên đề quốc tế mang tên “Hướng tới việc chữa lành và canh tân” diễn ra tại Đại học Giáo hoàng Gregoriana vào tháng 2 năm 2012. Cuộc họp, có cùng mục tiêu ‘toàn cầu’ tương tự cuộc họp vào tháng 2 năm 2019, quy tụ đại diện của 110 hội đồng giám mục và bề trên của 35 dòng tu. Trong khoá Hội nghị, Trung tâm Bảo vệ Trẻ vị thành niên được công bố thành lập, tại Đại học Gregoriana, do Cha Zollner điều hành với mục đích đào tạo chuyên viên về ngăn ngừa lạm dụng.

Uỷ ban mới

Bước quan trọng đầu tiên trong việc ngăn chặn và chống lại sự lạm dụng dưới thời Đức Giáo hoàng Phanxicô là thành lập một uỷ ban giáo hoàng mới vào tháng 12 năm 2013 để bảo vệ trẻ vị thành niên. Một trong những thành quả của uỷ ban này là thiết lập một mô hình cho tài liệu “Hướng dẫn”, tổ chức các khoá học cho các giám mục mới được bổ nhiệm và đề xuất một ngày cầu nguyện cho các nạn nhân bị lạm dụng.

Những canh tân giáo luật, về quy định và quy trình xử lý liên quan đến lạm dụng, cũng được thực hiện bởi Đức Giáo hoàng Phanxicô, với tự sắc “Như một người mẹ yêu dấu” ban hành tháng 6 năm 2016, lần đầu tiên quy định về vấn đề trách nhiệm của các thẩm quyền Giáo hội, trong đó thiết lập việc loại bỏ chức vụ của các giám mục ‘lơ là’ trong việc xử lý lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên theo những quy định thủ tục giáo luật.

Vào tháng 11 năm 2014, một “phúc chiếu” của Đức Thánh Cha thiết lập, trong nội bộ Bộ Giáo lý Đức tin, một hội đồng để kiểm tra theo dõi và đưa ra phán quyết liên quan đến “các tội nghiêm trọng nhất”, và được ủy thác cho Đức Tổng Giám mục Scicluna. Mục tiêu là để đảm bảo kiểm tra nhanh hơn các trường hợp lạm dụng trẻ em.

Để làm rõ cam kết của Giáo hội trong việc bảo vệ trẻ vị thành niên không chỉ trong nội bộ Giáo hội mà còn hợp tác với toàn xã hội, Đức Giáo hoàng Phanxicô, vào tháng 10 năm 2017, đã ủng hộ và thúc đẩy Hội nghị quốc tế Phẩm giá Trẻ em trong Thế giới số, được tổ chức tại Đại học Giáo hoàng Gregoriana.

Cuộc chiến chống lạm dụng là cuộc chiến chống lại giáo sĩ

Trong chuyến viếng thăm Chilê vào tháng 1 năm 2018, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã phải đối diện với scandal về những chia rẽ trong Giáo hội địa phương do chuyện của Linh mục Fernando Karadima, bị Toà Thánh nhìn nhận về tội lạm dụng năm 2011. Sau cuộc điều tra vào tháng 2 bởi Đức TGM Scicluna, đến tháng 4, Đức Giáo hoàng viết một lá thư cho các giám mục Chilê, nhìn nhận “những sai lỗi nghiêm trọng trong việc đánh giá và nắm bắt tình hình do thiếu thông tin trung thực”. Sau đó, vào tháng 5, ngài đã thuyết phục toàn bộ giám mục Chilê về Roma, để tham dự một cuộc họp, và cuối cùng kết thúc với việc tất cả các giám mục Chilê đệ đơn từ chức lên Đức Giáo hoàng. Nhưng chỉ một số được chấp nhận.

Trong bối cảnh này, các tài liệu mục vụ gần đây nhất của Đức Giáo hoàng liên quan đến chủ đề này đã ra đời. “Thư gửi dân Chúa đang trên đường lữ hành tại Chilê”, vào tháng 5 năm 2018, trong đó Đức Thánh cha Phanxicô cảm ơn các nạn nhân bị lạm dụng về lòng can đảm và kêu gọi toàn thể dân Chúa chống lại chủ nghĩa giáo sĩ trị, là nguyên nhân của những lạm dụng. Một lần nữa, trong “Thư gửi Dân Chúa” vào tháng 8 năm 2018, Đức Thánh cha Phanxicô đã liên kết việc lạm dụng tính dục với lạm dụng quyền lực và lạm dụng lương tâm.  Và ngài khẳng định rằng nói không với lạm dụng là nói không với chủ nghĩa giáo sĩ trị. Trong chuyến tông du đến Ireland tham dự Đại hội Gia đình Thế giới, trong cùng tháng đó, Đức Phanxicô đã nói về “sự thất bại của các thẩm quyền Giáo hội trong việc giải quyết thỏa đáng những tội ác ghê tởm này”, “đã gây ra sự phẫn nộ và vẫn là nguyên nhân gây đau khổ và xấu hổ cho cộng đồng Công giáo”.

Cuối cùng, trong tài liệu mục vụ gần đây nhất về chủ đề này, “Thư gửi các Giám mục Mỹ” tháng 1 năm 2019, Đức Giáo hoàng khẳng định rằng vết thương về sự tín nhiệm, do lạm dụng, không chỉ đòi hỏi một tổ chức mới, mà còn “thay đổi nhận thức của chúng ta, về cách cầu nguyện của chúng ta, về việc sử dụng quyền lực và tiền bạc, và về cách sống của chúng ta”.
 
 
 

Văn Yên chuyển ngữ