Lo biến đổi khí hậu, Úc từ chối cấp phép khai thác than
Chính quyền bang New South Wales, Úc vừa từ chối đề nghị khai thác một mỏ than lớn vì lo ngại có thể sẽ thải ra lượng khí hiệu ứng nhà kính lớn.
Lo biến đổi khí hậu, Úc từ chối cấp phép khai thác than
Chính quyền bang New South Wales, Úc vừa từ chối đề nghị khai thác một mỏ than lớn vì lo ngại có thể sẽ thải ra lượng khí hiệu ứng nhà kính lớn.
Chính quyền New South Wales vừa từ chối cấp phép khai thác một mỏ than tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường trên diện rộng – Ảnh: NATURE
Đây là lần đầu tiên một mỏ than mới bị từ chối khai thác ở Úc – đất nước xuất khẩu than hàng đầu thế giới – vì lý do có khả năng ảnh hưởng đến biến đổi khí hậu.
Theo Nature, công ty Gloucester Resources xin phép khai thác than ở khu vực gần thành phố Gloucester ở thung lũng Hunter nhưng bị chính quyền bang New South Wales từ chối. Sau đó, công ty nộp đơn lên tòa án đề nghị xem xét lại.
Ngày 13-2, Tòa án về đất đai và môi trường New South Wales đã bác đơn của Gloucester Resources.
Trong quyết định của mình, thẩm phán trưởng Brian Preston cho rằng dự án này sẽ không được triển khai vì khí thải và các sản phẩm từ mỏ than này sẽ làm gia tăng tổng lượng khí hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu – vấn đề nhức nhối trên toàn cầu trong thời gian gần đây.
“Do đó, để hoàn thành những mục tiêu về khí hậu, cần phải thực hiện những biện pháp giảm sâu và nhanh lượng khí gây hiệu ứng nhà kính, trong đó có việc không cấp phép thêm quyền khai thác những mỏ than tiềm ẩn gây ô nhiễm diện rộng” – ông Brian Preston nói.
Úc từ lâu là nước xuất khẩu than hàng đầu thế giới. Trong ảnh là bản đồ ngành công nghiệp than của Úc, trong đó màu đen là những mỏ than đen, điểm trong là những nơi xuất khẩu than – Ảnh: WIKIMEDIA
Đây là quyết định được đánh giá là tiến bộ bởi đã đặt lợi ích về môi trường lên trên vấn đề kinh tế.
Cũng phải nói rằng, Úc là một trong những quốc gia sẽ chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu. Điển hình tháng 1 vừa rồi, nước Úc đã trải qua tháng nóng nhất trong lịch sử.
Đồng thời, những hiện tượng thời tiết cực đoan không ngừng diễn ra trên khắp đất nước, chẳng hạn những vụ cháy rừng đã cướp đi 3% diện tích rừng của Tasmania, hay những cơn mưa lớn đã gây ngập nặng cho miền bắc Queensland trong thời gian dài.
Thời tiết cực đoan dự kiến sẽ xảy ra thường xuyên hơn, không chỉ ở Úc mà còn trên khắp thế giới vì biến đổi khí hậu.