24/12/2024

Chúa Nhật V TN C 2019: Sứ mạng căn bản của người Kitô hữu

Giáo Hội mời gọi chúng ta tham gia vào mọi lĩnh vực của đời sống, và trong lĩnh vực nào ta cũng có thể loan báo Chúa Giêsu, loan báo Tin Mừng cứu độ cho mọi người.

 

Chúa Nhật V TN C 2019

Sứ mạng căn bản của người Kitô hữu

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Các bài Thánh Kinh Chúa Nhật thứ V mùa Thường Niên giới thiệu cho chúng ta sứ mạng căn bản của từng người tín hữu, để ta suy nghĩ và hành động cho hiệu quả hơn.

1. Sứ mạng căn bản của người tín hữu

Chúng ta đã nghe nói về đủ loại sứ mạng của người tín hữu, nhưng ta không biết sứ mạng nào là căn bản, cái nào là phụ thuộc. Sứ mạng căn bản là loan báo Tin Mừng cứu độ của Thiên Chúa cho muôn loài. Thiên Chúa là tình yêu, Ngài yêu thương và muốn cứu độ mọi người, mọi vật, nên đã sai Con Một Ngài là Ngôi Lời Thiên Chúa làm người là Đức Giêsu để loan báo Tin Mừng cứu độ.

Vì thế, chúng ta được mời gọi để hoà nhập kế hoạch của mình vào “kế hoạch tổng thể của Thiên Chúa” (x. Hội đồng Giám mục Việt Nam, Docat, chương 1, tr 15-32). Chúng ta đã được nghe nói đến sứ mạng loan báo Tin Mừng, mà Tin Mừng cụ thể là chính Đức Giêsu, nên loan báo Tin Mừng cũng chính là loan báo Đức Giêsu. Giáo Hội nhắc nhở chúng ta rằng: “bản chất của Giáo Hội là truyền giáo”(x. Công đồng Vaticanô II, Sắc lệnh Ad gentes), mà truyền giáo là loan báo Tin Mừng Giêsu cho mọi người. Mỗi tín hữu là chi thể trong thân thể mầu nhiệm của Chúa Giêsu là Giáo Hội,  nên chúng ta có sứ mạng làm phát triển Giáo Hội bằng cách loan báo Tin Mừng cho mọi loài. Như thế, mọi sứ mạng đều quy về Chúa Giêsu Kitô.

Đây là một sứ mạng hết sức cao cả mà mỗi người chúng ta khi ý thức, sẽ không dám đón nhận sứ mạng ấy. Nhiều người nghĩ rằng chỉ có những linh mục, tu sĩ sống đạo đức, thánh thiện mới được kêu gọi làm tông đồ để loan báo Tin Mừng, giống như tiên tri Isaia trong Bài đọc I (x. Is 6,1-8). Ông thấy Thiên Chúa vô cùng cao cả, thánh thiện nên cảm thấy mình bất xứng, tội lỗi. Tuy nhiên, Thiên Chúa đã thanh tẩy môi miệng Isaia để “tha lỗi và xá tội” cho ông xứng đáng loan báo Lời Chúa cho muôn loài. Mỗi người chúng ta hãy nói như ông: “Lạy Chúa, này tôi đây, xin hãy sai tôi”.

Qua bài Tin Mừng (x. Lc 5,1-11), Chúa Giêsu cũng mời gọi chúng ta đi “thu phục con người”. Thánh Phêrô, sau mẻ cá lạ lùng, cảm thấy mình tội lỗi bất xứng, nhưng Chúa Giêsu vẫn kêu gọi ông và các bạn khác, và họ đã bỏ mọi sự mà theo Người. Rất nhiều tín hữu nghĩ rằng để loan báo Tin Mừng, mình phải học hỏi Kinh Thánh, thần học, thông thạo giáo lý, phải gia nhập đoàn thể nào đó thì mới trở thành tông đồ. Nhưng hôm nay Chúa Giêsu đang mời gọi tất cả chúng ta hãy bước theo Người.

Thánh Phaolô trong Bài đọc II (x. 1Cr 15,3-11) đã nhắc nhở chúng ta điều đó, vì Đấng Phục Sinh đã hiện ra với Simon Phêrô, sau đó hiện ra với 11 tông đồ. Trong những lần hiện ra đó Chúa Giêsu nói: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21-22), rồi Người thổi hơi, ban muôn ân sủng Thánh Thần cho các tông đồ để họ tiếp tục công trình cứu độ của Người. Nhưng thánh Phaolô còn kể thêm những lần hiện ra khác như hiện ra với Giacôbê là tông đồ trưởng ở Giêrusalem, với hơn 500 anh em một lúc, với tất cả những người được gọi làm tông đồ là chúng ta, thậm chí còn hiện ra với cả người bách hại Hội Thánh là Phaolô. Vì thế, chúng ta hãy tin tưởng và vui mừng vì được Chúa mời gọi ta tham gia vào chương trình cứu độ. Đồng thời ta cũng mở lòng đón nhận muôn ơn lành của Thánh Thần để làm chứng cho Người.

Rất nhiều bạn trẻ ngày nay lại nghĩ rằng chuyện đi loan báo Tin Mừng, làm chứng cho Chúa Giêsu là việc dành cho các tu sĩ, linh mục, các đoàn viên Công giáo Tiến hành hoặc những người rảnh rỗi, thừa tiền không biết làm gì. Còn mình bận học hành, buôn bán, làm dịch vụ, nghiên cứu khoa học, bận đi làm công tác xã hội, bận giao tiếp với bạn bè… Chuyện loan báo Tin Mừng đó không liên quan gì đến mình!

Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới của Giáo Hội năm 2012 với chủ đề “Tân Phúc Âm hoá để truyền bá Đức Tin” đã nhắc nhở chúng ta: mọi người chúng ta, dù ở bất cứ cương vị nào, làm bất cứ công việc nào, nghề nghiệp nào, đều có thể đóng góp vào chương trình cứu độ, đều tham gia vào kế hoạch tổng thể của Thiên Chúa là tình yêu và đều là những tông đồ đích thực được Chúa Giêsu kêu gọi. Đó là việc Phúc Âm hoá thế giới. Nhưng Tân Phúc Âm hoá đòi hỏi ta phải “đổi mới về nhiệt huyết, phương pháp và cách diễn tả Tin Mừng” (x. Tài liệu làm việc của Thượng Hội đồng, số 45).

2. Loan bao Tin Mừng thế nào cho có hiệu quả?

Chúa Giêsu hôm nay mời gọi: “Chèo ra chỗ nước sâu để thả lưới bắt cá”. Chúng ta không làm tông đồ riêng lẻ giống như người ngồi bên bờ biển quăng cần câu xuống nước, thỉnh thoảng giật cần câu lên bắt từng con cá nhỏ. Chúng ta được mời gọi lên thuyền cùng với Chúa Giêsu, cùng với anh chị em khác để thả mẻ lưới chung và chắc chắn sẽ bắt được rất nhiều cá. Phép lạ trong bài Tin Mừng như mời gọi chúng ta cùng hợp tác chung. Chúng ta làm tông đồ trong mọi môi trường của cuộc sống giống như các tông đồ xưa, chứ không phải dành riêng cho vài dòng tu chuyên nghiệp như đã từng làm trong quá khứ. Vì thế, Giáo Hội mời gọi chúng ta phải có một nhiệt huyết mới, phương pháp mới và cách diễn tả mới Tin Mừng ấy.

Chúng ta được ban nhiều ân sủng của Thánh Thần để đi ra chỗ nước sâu cùng với Chúa Giêsu. Ra khơi là chúng ta phải đối mặt với nắng gió, bão biển và những nguy hiểm khác trên mặt biển đời khó ngờ. Nhưng chắc chắn chúng ta sẽ an toàn và thành công như thánh Phaolô: “Tôi được như ngày nay là nhờ ơn Thiên Chúa, và ơn Người ban cho tôi đã không vô hiệu” (1Cr 15,10).

Giáo Hội mời gọi chúng ta tham gia vào mọi lĩnh vực của đời sống, và trong lĩnh vực nào ta cũng có thể loan báo Chúa Giêsu, loan báo Tin Mừng cứu độ cho mọi người. Chúng tôi đã nghiên cứu và giới thiệu vấn đề này trong bài 20 của cuốn Cẩm nang Tân Phúc Âm hoá: “Ra khơi để Tân Phúc Âm hoá” (x. Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Cẩm nang Tân Phúc Âm hoá, NXB Tôn Giáo, 2014, tr 275-291).

Trong lĩnh vực văn hoá, nhiều giá trị mới mẻ cần ta giới thiệu cho con người ngày nay. Ngoài những giá trị mà cha ông ta thời xưa đã làm chứng và đã được cả nước công nhận như giá trị về dân chủ, về bình đẳng nam nữ, về gia đình một vợ một chồng, về khoa học kỹ thuật, về chữ Việt. Bây giờ, Tám mối Phúc thật với những giá trị như hiền hoà, khiêm tốn, thảo hiếu, tôn trọng sự sống, trong sạch, trung thực, quảng đại, hy sinh đang rất cần cho xã hội này hiện đang suy thoái về đạo đức. Nếu người Công giáo chúng ta dám giới thiệu những giá trị mới mẻ ấy và các giá trị khác của Tin Mừng,  chúng ta sẽ cứu được dân tộc đang gặp nhiều nguy hiểm.

Trong lĩnh vực kinh tế, nhiều triệu người đang đói khổ, người Công giáo chúng ta, phải dám dấn thân như những tín hữu Kitô Hàn Quốc, thay vì lải nhải “kiểu sống nghèo khó như Chúa Giêsu” của những tu sĩ thời Trung Cổ! Chúng ta dấn thân vào một lĩnh vực mới mẻ để làm chứng cho sự thật và sự sống, khi người Công giáo chúng ta chỉ bán những hàng tốt, hàng thật, hàng sạch. Chúng ta liên kết với nhau theo từng vùng sản xuất các loại nông sản để đưa các sản phẩm an toàn vào các thành phố lớn như rau củ ở Đà Lạt, nước mắm ở Phan Thiết, Phú Quốc, hải sản ở các vùng biển, gia cầm ở Đồng Nai… Anh chị em Công giáo Hàn Quốc đã chứng minh cho chúng ta thấy sự dấn thân của người tín hữu Kitô trong lĩnh vực kinh tế đã làm thay đổi đất nước họ như thế nào, nên chỉ trong vòng 60 năm, tỷ lệ dân số Kitô hữu từ 1% vào năm 1949 đã tăng đến 32% vào năm 2013, và hy vọng vào năm 2030 một nửa dân số Hàn Quốc sẽ tin theo Đức Giêsu. Trong khi chúng ta hàng trăm năm nay vẫn giữ 7% dân số Công giáo.

Trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật cũng vậy, hàng trăm linh mục, tu sĩ, Hàn quốc với những học vị tiến sĩ và khả năng chuyên môn cao, đang giảng dạy ở các giảng đường đại học, giúp cho hàng chục ngàn sinh viên hiểu được Thiên Chúa là nguồn của sự khôn ngoan. Các nghệ sĩ, diễn viên, cầu thủ bóng đá Hàn Quốc…cố gắng sống đẹp, chơi đẹp để làm chứng cho người khác biết Chúa là nguồn đẹp. Họ thật sự là những người thu phục con người về cho Chúa Giêsu. Như thế, chúng ta hiểu rằng mình có thể rao giảng về Chúa Giêsu trong mọi lĩnh vực của đời sống.

Lời kết

Hôm nay, chúng ta được mời gọi nhìn lại sứ mạng loan báo Tin Mừng cứu độ để  thấy rằng trong từng giây phút mình sống, từng công việc mình làm, chúng ta đều liên kết với nhau để loan báo Chúa Giêsu Kitô cho mọi người và muôn loài.