Bài 9 của Uỷ ban Giáo dân thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam
Chúng tôi trân trọng giới thiệu bài số 9 của Ban Nghiên huấn trực thuộc Uỷ ban Giáo dân của Hội đồng Giám mục Việt Nam.Bài chia làm 4 phần và tuỳ mỗi giáo xứ chọn lựa để đào tạo cho tín hữu trong giáo xứ.
UBGD-HĐGM. VN
Ban Nghiên Huấn
Bài đào tạo số 9
PHẦN TU ĐỨC
CẢN TRỞ YÊU CHÚA-THEO CHÚA (Mc 10,17-22)
Người đầy tớ đã chôn giấu nén bạc chủ trao, trong dụ ngôn về những nén bạc (Mt 25,14-30), có một hình ảnh tiêu cực và méo mó về ông chủ; hình ảnh ấy đã khiến anh có cách ứng xử sai lệch. Trong thực tế, có thể chân dung người đầy tớ này không xa lạ gì với chúng ta. Nhiều khi chúng ta như thể bị chứng bệnh “mù màu thiêng liêng”; bệnh mù màu hay còn gọi là rối loạn sắc giác, là một chứng bệnh về mắt, làm cho người bệnh, tuy vẫn có thể nhìn rõ mọi vật, nhưng lại không phân biệt được một số sắc màu. Vì chứng “mù màu thiêng liêng”, nên chúng ta có thể nhìn rõ hình dáng mọi sự, nhưng lại dễ dàng nhìn mọi sự trong những sắc thái xám xịt, u ám, tiêu cực; có khi chúng ta nắm bắt sự kiện xảy ra thật chính xác, nhưng lại không nhìn ra “mầu nhiệm cuộc sống” trong cái nhìn quan phòng của Thiên Chúa. Chứng “mù màu thiêng liêng” này thật sự là một cản trở trên bước đường phục vụ, khiến chúng ta có khi hồ hởi đến với Đức Giêsu, nhưng lại buồn rầu bỏ đi như người thanh niên có nhiều của cải (Mc 10,17-22).
Người thanh niên mang trong mình khát vọng cháy bỏng, khát vọng đạt được hạnh phúc đời đời, chứ không phải là hạnh phúc nhất thời. Dường như anh thấy được rằng, tiền bạc, danh vọng, địa vị… không luôn mang lại hạnh phúc. Anh đến với Đức Giêsu và giãi bày ước nguyện: “tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” (Mc 10,17). Đức Giêsu chỉ cho anh thấy con đường căn bản phải theo, đó là sống theo các điều răn. “Thưa thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ” (c. 20). Rất có thể nhiều lần tôi cũng thưa với Chúa như vậy: tôi đã tuân giữ các điều răn, đã chu toàn các trách nhiệm trong cộng đoàn… Tuân giữ điều răn là điều cần, nhưng vẫn chưa đủ, bởi sự sống đời đời là một ân huệ nhưng không Thiên Chúa trao ban; đó là một quà tặng và mỗi người cần đi vào tương quan thiết thân với Thiên Chúa, để trong tương quan thiết thân này, món quà sự sống đời đời được trao-nhận.
“Đức Giêsu đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến” (c. 21). Hãy để ánh mắt nhân từ của Đức Giêsu nhìn tôi, để cái nhìn của Người đụng chạm con người tôi, chữa lành tôi, uốn nắn cái nhìn của tôi, giúp tôi có cái nhìn đúng đắn về Thiên Chúa-về bản thân-và về tha nhân. Đức Giêsu chỉ cho anh thanh niên thấy điều anh còn thiếu sót: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” (c. 21). Anh dư thừa của cải, nhưng lại thiếu tự do với của cải; anh dư thừa khát vọng mưu cầu hạnh phúc cho bản thân, nhưng lại thiếu rộng lòng trước những cơn đói khát của tha nhân. Anh hồ hởi đến với Đức Giêsu, nhưng lại sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi. Chúa đi đường Chúa, anh đi đường anh.
Lòng quyến luyến của cải đã cản trở bước hành trình của người thanh niên. Lòng quyến luyến ấy cũng có thể cản trở hành trình của tôi, trên bước đường yêu Chúa-theo Chúa, bởi “của cải” không chỉ là tiền bạc, nhưng còn là những gì lòng tôi quyến luyến, gắn bó, những gì khiến tôi cũng “buồn rầu bỏ đi”, những gì khiến tôi vơi nhạt lòng nhiệt thành phục vụ. Để phục vụ trong cộng đoàn môn đệ Chúa Giêsu, từng thành viên Hội đồng mục vụ giáo xứ chúng ta cũng cần được chữa lành, để vượt qua những cản trở từ căn bệnh “mù màu thiêng liêng”, biết nhìn như Đức Giêsu, thấy mọi sự như quà tặng từ Thiên Chúa là Cha: “Tất cả những gì Cha ban cho con đều do bởi Cha” (Ga 17,7). Với cái nhìn như Đức Giêsu, chúng ta có thể đón nhận bản thân và anh chị em mình, những tội nhân được Thiên Chúa yêu thương, được Đức Giêsu chữa lành để “bước theo Người trên con đường Người đi” (Mc 10,52).
Hồi tâm.
Tôi kinh nghiệm thế nào về những cản trở yêu Chúa-theo Chúa? Đâu là thiếu sót của tôi trong việc phục vụ, trong việc liên kết với các thành viên Hội đồng mục vụ giáo xứ?
Lm Toma Nguyễn Ngọc Tín S.J.
PHẦN QUẢN TRỊ MỤC VỤ
AI ĐỨNG ĐẦU AI ĐỨNG CHÓT
“Thế là những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót” (Vì kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít)”. (Mt 20,16)
Dẫn vào
Vấn đề “những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu” và vấn đề đối lại “những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót” thật ra chỉ là hai mặt tất yếu của một thực tại. Không mâu thuẫn, không khó hiểu. Cũng vậy, vấn đề “kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít” không hề khó hiểu, không có chút mâu thuẫn nào.
Nhưng sự việc đích thực thì sao: tại sao lại thế, tại sao “những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu” và tại sao “những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót”? Tại sao “kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít”? Những người đứng đầu, đứng chót là ai?
Đứng chót… lên hàng đầu…
Trong thời đại “kinh tế thị trường” của chúng ta hiện nay, các doanh nghiệp mọc lên khá nhiều. Theo đó, một khi hợp đồng được xác lập, các bên tham gia phải thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình đối với những gì đã ký kết. Đó là hợp đồng. Với Mát-thêu 20 thì đó là thỏa thuận, một thỏa thuận đặc biệt với mọi người thợ, mỗi người “Một Quan Tiền”.[1]
Một Quan Tiền trong đoạn Tin Mừng nói trên là gì nếu không phải là hạnh phúc vĩnh cửu, là thiên đàng…, “nơi Thiên Chúa ngự trị”. Nghĩa là, kẻ đến làm việc vườn nho vào giờ thứ mười một, hay tên trộm lành “biết ăn năn sám hối” – một khi đã mạnh dạn xưng thú tội lỗi của mình, biết thưa chuyện với Chúa “khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi” ngay trên thập tự giá… – thì chính là những hợp đồng, những thỏa thuận được thiết lập, trong đó kẻ đứng chót được nâng lên hàng đầu, kẻ đứng đầu có thể phải bị đẩy xuống hàng chót. Tuy nhiên, không chỉ có vậy, câu chuyện chạy đua giữa “rùa và thỏ” sau đây giúp minh họa thêm đôi điều của sự việc thế nào là đứng đầu thành đứng chót, cũng như thế nào là đang đứng chót lại trở nên… đứng đầu.
Ở một khu rừng nọ, rùa và thỏ cùng chạy thi xem ai đến đích nhanh nhất. Vừa xuất phát, thỏ chạy vụt đi rất nhanh, loáng một cái đã đến gần đích. Quay lại không thấy rùa đâu, thỏ quyết định dừng cuộc chạy để nghỉ ngơi. Thỏ nằm dài ra đường và rồi thiếp đi lúc nào không biết. Trong lúc đó, rùa vẫn miệt mài chạy, chạy, chạy mãi… đến lúc rùa vượt qua chỗ thỏ đang nằm ngủ thì thỏ nhà ta cũng không hề biết gì.
Thế là rùa đã đến đích, cán đích trước và chiến thắng cuộc đua!
Thế nhưng không lâu sau đó, sau khi bị rùa đánh bại, thỏ “nghiêm túc kiểm điểm bản thân”, chân thành nhận lỗi với đồng loại và xin được tái đấu. Lần này, hoàn toàn tập trung vào đường chạy, không khinh địch, và dĩ nhiên cũng không dám ngủ giữa đường, thỏ đã giành chiến thắng.
Những tưởng chuyện đời thắng thua như thế đã là quá hay, đã rất “ngụ ngôn thâm hậu”, nhưng vẫn còn những tình tiết hấp dẫn, những cuộc đua dài hơn thế: một cuộc tái đấu lần thứ ba. Lần này, đường đua địa hình do rùa chọn và thỏ lại bị bất ngờ, thiếu cảnh giác trong công tác chuẩn bị cần thiết. Tuy vẫn chạy tích cực, không khinh địch, nhưng khi đến trước một dòng sông lớn ngăn cản đích đến, thỏ không có cách nào để vượt qua. Còn rùa ta, tuy vẫn chậm nhưng lại bơi qua sông được. Rùa thắng!
Thế đấy, “đứng chót… lên hàng đầu…” và “đứng đầu thành… đứng chót” trong cuộc đua lần thứ nhất: rùa đứng chót lên hàng đầu, thỏ đứng đầu trở thành chót. Trong lần thứ nhì, thỏ đang chót lên lại hàng đầu. Còn lần thứ ba…, và biết đâu cả lần thứ tư… nữa thì sao. Thách đố tuy nhiều nhưng khả năng vượt thắng còn nhiều hơn là một thực tế. Người “được gọi thì nhiều, mà kẻ được chọn thì ít…” cũng là một khả thể!
Được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít
Bởi “Chúa ở đâu thiên đàng ở đấy”, câu Lời Chúa với nghĩa người được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít… có thể được diễn giải thành người được trù định ở bên Chúa là rất nhiều, nhưng trong thực tế không nhiều người như thế sẽ được chọn để trở thành “những người đứng nhất”. Những người kiên trì (rùa trong cuộc đua lần thứ nhất), những người khiêm tốn biết làm lại (thỏ trong cuộc đua lần thứ hai)… chính là “những người đứng nhất”. Những người như thế là những người được chọn. Hơn nữa, trong cái nhìn lạc quan, những người đứng thứ hai, thứ ba… cũng vẫn là những người được chọn.
Quý chức các hội đồng hội đoàn là những người được “gọi” và được “chọn”. Vấn đề có chăng chính là độ bền, sự khiêm tốn làm lại lần thứ hai, lần thứ ba, thứ tư… để được vào chung cuộc ở luôn bên Chúa.
“Được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít…” không phải là một thách đố không thể vượt qua cho những ai “vẫn miệt mài chạy, chạy, chạy mãi…”, những ai biết “nghiêm túc kiểm điểm bản thân”, nhận lỗi… hoàn toàn tập trung vào đường chạy, không khinh địch…”, cho những ai biết địa hình đường đua, không bị bất ngờ, không thiếu cảnh giác trong công tác chuẩn bị.
Để kết
Trong ý nghĩa mục vụ, những cụm từ người đứng đầu, đứng chót là những thuật ngữ “rất sâu sắc và chuyên biệt” của Tin Mừng. Thật vậy, “những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu” và “những kẻ đứng đầu lại phải xuống hàng chót” không thực sự là vấn đề gì xa lạ trong linh đạo học. Đó chẳng qua chính là hai mặt tất yếu của một thực tại duy nhất. Cũng vậy, “kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít” không là vấn đề gì mới mẻ khiến chúng ta phải sợ hãi.
Tin tưởng rằng mình được Thiên Chúa yêu thương vô cùng, chúng ta hãy để mặc cho “Những thời khắc khó khăn có thể sẽ đến, khi thập tự giá ập xuống…”:[2]
… nhưng không gì có thể hủy diệt được niềm vui siêu nhiên, một niềm vui biết “thích ứng và thay đổi, nhưng luôn luôn tồn tại, dù chỉ như một ngọn đèn leo lét phát sinh từ sự vững chắc của nhân vị là chúng ta được Thiên Chúa yêu thương vô cùng, mặc cho lời nói nào hay sự việc gì có xảy ra.[3]
Câu hỏi giúp thảo luận
1. Là quý chức các hội đồng hội đoàn giáo xứ, có bao giờ chúng ta vì quá tự hào mình là “đạo gốc, đạo dòng” và xem thường những ai là “đạo theo, đạo mới” không? Cần điều chỉnh ra sao? Cần làm gì?
2. “Được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít…” nghĩa là gì? Nhiều, ít… là bao nhiêu?
18-01-2019, GTHH
PHẦN HUẤN GIÁO
Phần III
GIÁO DÂN TRONG CHIẾU KÍCH THÁNH HÓA CỦA HỘI THÁNH
HIỆP HỘI – ĐOÀN THỂ TRONG ƠN GỌI THÁNH HÓA CỦA GIÁO DÂN
“Thưa anh em, nhân danh Đức Giê-su Ki-tô – Chúa chúng ta, tôi khuyên tất cả anh em hãy nhất trí với nhau trong lời ăn tiếng nói, và đừng để có chia rẽ giữa anh em, nhưng hãy sống hòa thuận, một lòng một ý với nhau” (1 Cr 1:10)
Ngoài việc thánh hóa trong sinh hoạt nội bộ của Hội Thánh mà Giáo Dân tham gia với tư cách cá nhân hay tập thể thông qua các sinh hoạt Hội Đoàn và tổ chức đạo dức, giáo dân còn tham gia vào các hiệp hội giáo dân với chủ đích đẩy mạnh liên đới trong các nỗ lực thánh hóa trần gian và xã hội rất đa diện tại chính những nơi họ sinh đang sinh sống. Thực vậy tông huấn Christi Fideles Laici số 30 đã xác quyết: “Các Hiệp Hội giáo dân phải trở thành những phong trào tích cực trong việc tham gia vào tình liên đới, để kiến tạo những điều kiện sống công bằng và huynh đệ hơn giữa lòng xã hội hôm nay”, để các giá trị Tin Mừng mau được tiếp nhận.
1. Hiệp hội Giáo dân là gì?
Hiệp hội giáo dân là tập thể gồm các giáo dân, được thành lập với mục đích nhằm đẩy mạnh việc chu toàn sứ mệnh rao giảng Tin Mừng của Hội Thánh trong xã hội đa diện. Các hiệp hội này cổ vũ sự hiệp thông và liên đới giữa các thành phần Dân Chúa trong một sứ mệnh chung. Vì vậy việc thành lập phải dựa trên các tiêu chuẩn rõ ràng, qua đó người ta có thể phân biệt được những hiệp hội mang đậm tính cách Hội Thánh, khác với những hiệp hội được thành lập do một cá nhân hay đoàn thể, cho dầu có dựa trên một số tiêu chuẩn Tin Mừng đi nữa, nhưng chỉ là sáng kiến hoàn toàn riêng tư mà thôi.
2. Tiêu chuẩn được công nhận
Để được công nhận như một hiệp hội giáo dân nhằm mục đích thánh hóa các hội viên và phổ biến các giá trị Tin Mừng cho thế giới, một hiệp hội giáo dân phải được Đấng Bản Quyền châu phê dựa trên các tiêu chuẩn sau đây:
· Hiệp hội phải là môi trường loan báo Tin Mừng và trình bày cũng như giáo dục đức tin, trung thành với các giáo huấn của Giáo Hội.
· Hiệp hội phải tôn trọng và tuân phục quyền bính của Tòa Thánh và các Giáo Hội địa phương sở tại, đồng thời cũng tôn trọng và cộng tác với các tổ chức tông đồ khác đang hoạt động tại địa phương.
· Hiệp hội cũng phải rõ ràng hướng tới việc loan truyền Tin Mừng và thánh hóa nhân loại bằng cách này hay cách khác. Theo hướng này, mọi hiệp hội giáo dân dưới bất cứ dạng thức nào, cũng đều phải đậm ý thức truyền giáo và phúc âm hóa xã hội.
· Hiệp hội phải dấn thân phục vụ con người toàn diện, bằng cách tạo nên và thúc đẩy những điều kiện sống liên đới trong công bằng và huynh đệ hơn, mau mắn hiện diện và trợ giúp nhất là những nơi thiếu thốn lầm than.
Cũng nên nhắc lại những điều mà Sắc Lệnh Apostolicam Actuositatem (Hoạt Động Tông Đồ) số 19 có nói tới việc thành lập các hiệp hội giáo dân như sau: không nên lập thêm các hiệp hội mới khi không có lý do chính đáng, cũng không nên tìm cách duy trì các hiệp hội đã tỏ ra lỗi thời, không còn mang lại hiệu năng mong muốn. Cũng không nên du nhập vô tội vạ các hiệp hội mang hình thức ngoại lai không phù hợp với điều kiện của địa phương sở tại.
Chính những tiêu chuẩn trên đây sẽ giúp ta thành lập được các hiệp hội giáo dân đúng với nhu cầu phúc âm hóa của Hội Thánh hơn. Mỗi hiệp hội có thể nhấn mạnh một mục tiêu nào đó, nhưng sẽ bổ sung cho nhau cách chặt chẽ. Có những hiệp hội nhắm tới việc thánh hóa đời sống hôn nhân hay sống thánh hiến giữa đời, trong khi những hiệp hội khác lo việc giáo dục hay dấn thân vào các công việc từ thiện bác ái, cũng có những hiệp hội dấn sâu vào các thực tại trần thế hơn. Chính các “dấu chỉ thời đại” phức tạp ngày nay (như di dân, truyền thông, và các hình thức nghiện ngập…) đang kêu gọi giáo dân liên đới dấn thân hơn nữa, do đó việc thành lập các hiệp hội càng trở nên cấp bách hơn.
3. Giáo quyền hướng dẫn và nâng đỡ Hiệp hội Giáo dân
Trước hết Tông Huấn nhấn mạnh cho các vị chủ chăn: “Các vị chủ chăn phải cố gắng hướng dẫn khích lệ sự phát triển của các Hiệp Hội Giáo Dân trong sự hiệp thông và trong sứ vụ của Hội Thánh” (CFL. 30); ngoài ra Tông Huấn còn đề cập tới một số vấn đề cụ thể như sau:
· Một số hiệp hội giáo dân mới thành lập, mà nay đã được phát triển trên phạm vi quốc gia hay quốc tế, cần phải được Tòa Thánh hay đấng thẩm quyền của Giáo Hội địa phương, nơi đặt trụ sở trung ương, chính thức phê chuẩn.
· Nhiều phong trào và hiệp hội khác nhau của Công giáo Tiến hành đã được chính các nghị phụ Thượng Hội Đồng về Giáo Dân công khai đề cập tới và hết lời tán dương.
· Ủy ban Giáo hoàng về Giáo dân có nhiệm vụ soạn thảo một bản danh sách đầy đủ các hiệp hội giáo dân đã được Tòa Thánh chuẩn y, hay được các Giám mục địa phương phê chuẩn. Ban Thư ký Văn phòng Hiệp nhất Ki-tô hữu cũng soạn thảo điều lệ cho một Hiệp hội Đại kết gồm đa số là Công giáo và một thiểu số không công giáo.
· Cần phải tạo sự hiệp nhất trong kính trọng, thân ái và cộng tác giữa các hiệp hội giáo dân khác nhau. Cần đặc biệt tránh mọi cám dỗ gây chia rẽ nơi đời sống cũng như thi hành tông đồ giữa các Ki-tô hữu, như lời Thánh Phao-lô đã nhắc nhở các Ki-tô hữu Cô-rin-thô vào thời của ngài, vì đời sống hiệp thông trong Hội Thánh sẽ là dấu chỉ rõ ràng cho thế giới về giá trị của Tin Mừng, đồng thời sẽ là sức mạnh lôi cuốn nhiều người đến với niềm tin vào Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta.
Câu hỏi gợi ý:
· Bạn có nhận thấy tầm quan trọng và hữu hiệu của các hiệp hội và phong trào giáo dân trong chính giáo xứ hay giáo phận mà bạn đang sinh sống không?
· Việc tham gia vào các hiệp hội giáo dân này đã nâng cao việc thánh hóa bản thân bạn, cũng như thăng tiến sứ mệnh thánh hóa xã hội trần thế của Hội Thánh giữa lòng xã hội loài người, cụ thể như thế nào?
Lm Gioan Nguyễn Văn Ty SBD
PHẦN MỤC VỤ
LẬP KẾ HOẠCH SỐNG
Lời mở
Chúng ta đang bắt đầu một Năm Mới Dương lịch và chuẩn bị Năm Mới Âm Lịch. Các bài Kinh Thánh trong tuần thứ III Thường Niên mời gọi chúng ta nhìn vào kế hoạch đời sống của mình để xem nó có phù hợp với kế hoạch của Đức Giêsu và kế hoạch của Thiên Chúa hay không. Nhờ đó chúng ta có thể thực hiện trong năm mới này, tạo nên cho mình niềm vui, hạnh phúc và ơn cứu độ.
1. Tình trạng sống của nhiều người không có kế hoạch
“Kế hoạch là toàn bộ những điều vạch ra một cách có hệ thống và cụ thể về cách thức, trình tự, thời hạn tiến hành công việc, dự định làm trong một thời gian nhất định với mục tiêu nhất định”[4].
Nếu xét theo định nghĩa này, thì nhiều cá nhân cũng như nhiều tổ chức trong xã hội và Giáo Hội, làm việc rất tuỳ tiện, không có một kế hoạch thật sự nào. Người ta để mặc cho hoàn cảnh đẩy đưa, cho môi trường chung quanh tác động, cho người khác ảnh hưởng: ăn giờ nào cũng được, ngủ nghỉ giờ nào cũng xong, bạn bè đến chơi lúc nào cũng quý, …Vì thế nên đời sống thiếu sự điều độ, lãng phí nhiều thời giờ, sức lực, phương tiện, của cải, tiền bạc, và không phát huy được những tài năng, ân sủng Chúa ban. Bạn bè rủ đi chơi, chẳng suy nghĩ gì, ta đi liền. Đi vài tiếng đồng hồ về, nhìn lại thấy mình bỏ mất một số việc cần làm. Bạn bè rủ đi học Anh ngữ, không suy nghĩ, ta đăng ký, học xong không biết dùng làm gì trong khi ta cần học nhiều chuyên môn khác! Kỳ nghỉ Tết bạn bè rủ đi du lịch hành hương, ta đi liền, đi cho bạn vui, cho mình nghỉ ngơi ít ngày, chứ không tìm hiểu xem nó có ở trong kế hoạch mà Chúa Giêsu muốn chúng ta làm hay không.
Nói không có kế hoạch thì hơi quá đáng, nhưng nhiều tổ chức xã hội cũng như Giáo Hội lập kế hoạch quá đơn sơ, không thực tế, viển vông nên thực hiện không được. Kế hoạch của chính quyền TP.HCM năm vừa rồi là không để ngập lụt xảy ra. Vậy mà năm nào cũng lụt, mỗi ngày một nặng hơn. Nhiều uỷ ban, công ty, tổ chức ở Việt Nam vào dịp này tổ chức họp mặt tất niên, tổng kết năm cũ… nhưng không lập kế hoạch thì tổng kết cái gì! Vì thế chúng ta nên tìm hiểu đôi chút về kế hoạch của Thiên Chúa và của Đức Giêsu là gì và mang những đặc tính nào.
2. Kế hoạch của Thiên Chúa và kế hoạch của Đức Giêsu
Giáo Hội đã giới thiệu cho chúng ta về “Kế hoạch tổng thể” của Thiên Chúa. Sách Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo của Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình và cuốn Docat, mà Đức Thánh Cha Phanxicô gửi tặng các bạn trẻ năm 2016, ngay trong chương đầu tiên, đã nói đến “kế hoạch tổng thể của Thiên Chúa là tình yêu”[5]. Thiên Chúa yêu thương toàn thể vũ trụ và loài người, nên muốn cứu độ tất cả và Ngài làm mọi việc để thực hiện kế hoạch ấy.
Các bài Kinh Thánh mời gọi chúng ta nhìn vào kế hoạch của Thiên Chúa để tìm ra kế hoạch cho đời mình. Người Do Thái, trong Bài đọc I (x. Nkm 8,2-10), đã không tuân theo kế hoạch của Chúa, không giữ luật Ngài nên họ bị lưu đầy. Nhưng Thiên Chúa vẫn yêu thương họ, đưa họ về lại miền đất Israel. Khi mở sách luật ra đọc và nhận thấy mình chẳng tuân theo luật Chúa, họ khóc lóc, thống hối và quyết tâm trở về với lề luật. Tư tế Esdra đã nhắc nhở rằng: “Anh em đừng khóc lóc, nhưng hãy vui mừng vì niềm vui của Thiên Chúa là thành trì bảo vệ anh em”.
Thánh Phaolô trong Bài đọc II (x. 1Cr 12,12-30) cũng nhắc nhở: Chúng ta là những chi thể trong thân thể mầu nhiệm của Đức Giêsu. Mỗi người có công việc khác nhau giống như thân thể có mắt, tai, tay, chân với công việc của riêng mình. Nhưng tất cả đều phục vụ cho sự sống toàn thân, tất cả đều cố gắng làm theo một kế hoạch chung, dù rằng công việc mỗi người khác nhau.
Bài Tin Mừng (x. Lc 4,14-21) giới thiệu cho chúng ta kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa được giao phó cho Chúa Giêsu. Người mở sách tiên tri Isaia và gặp đoạn chép rằng: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Ngài đã sai tôi đi công bố cho kẻ giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa”. Chúa Giêsu thực hiện kế hoạch tổng thể của Chúa Cha, qua những hành động cụ thể đúng như những lời báo trước nên đã mang lại ơn cứu độ cho muôn loài và mọi người.
Kế hoạch của Chúa Giêsu cũng chính là kế hoạch của mỗi người chúng ta: thực hiện công trình yêu thương cứu độ của Cha Trên Trời cho mọi người mọi vật quanh mình. Nếu ta tham gia vào kế hoạch này bằng những hành động cụ thể, ta sẽ được chia sẻ hạnh phúc vĩnh viễn với Chúa trong từng ngày sống, cũng như được tràn đầy ân sủng của Thánh Thần để hoàn thành kế hoạch cứu độ đó. Tuy nhiên muốn hoàn thành được kế hoạch tổng thể, kế hoạch của ta cần có những yếu tố nào?
3. Những đặc tính trong kế hoạch của Chúa Giêsu và của chúng ta
Để kế hoạch đời sống của ta thật sự mang lại những hiệu quả tốt đẹp, ta cần chú ý đến mấy điểm sau đây.
3.1. Kế hoạch của ta phải hoà nhập với kế hoạch của Cha Trên Trời và được Chúa Thánh Thần xác nhận.
Chúa Giêsu không làm gì ngoài ý của Cha Trên Trời và chúng ta cũng vậy, vì chúng ta là chi thể trong thân thể mầu nhiệm của Chúa Giêsu, chúng ta cũng sẽ không làm gì ngoài phần kế hoạch mà đã Chúa giao phó. Đặc tính này được diễn tả trong câu:“Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi”. Khi hành động, Chúa Giêsu không làm gì cho mình, không làm theo những ước vọng riêng tư hay tính toán của mình, nhưng tất cả đều làm cho Chúa Cha được vinh danh. Thánh Thần đã xác nhận hành động của Người và Ngài cũng xác nhận kế hoạch của ta bằng những ân sủng để giúp ta thành công trong mọi việc.
Chúng ta có thể đi chơi, du lịch, giải trí trong dịp nghỉ Tết, nhưng chúng ta thử hỏi xem những công việc này có nằm trong kế hoạch của Chúa hay không. Ta có thể đi hành hương, hoạt động bác ái nhưng cũng cần tìm hiểu, qua lời cầu nguyện và suy nghĩ, xem Chúa có muốn ta làm hay không. Ta có thể học thêm môn này, nghề nọ, có thể quyết tâm lập gia đình năm nay, có con năm tới… nhưng vẫn phải tìm hiểu kế hoạch đời mình có gắn kết với kế hoạch của Chúa Giêsu và của Cha Trên Trời không.
3.2. Kế hoạch gồm những hành động tích cực
Yếu tố tiếp theo: tất cả phải là những hành động tích cực. Trong kế hoạch của Chúa Giêsu không có những quyết tâm tiêu cực, thí dụ như: “Tôi không rao giảng Tin Mừng cho người giàu có, tôi không quan tâm đến những con người đang sáng mắt…”. Đời sống có rất nhiều điều tiêu cực với những bất toàn, nếu ta cứ nhớ mãi đến quá khứ tội lỗi, nhắc mãi đến những điểm tiêu cực của mình và của người khác, ta sẽ tiêu tốn rất nhiều sức lực, thời giờ, ân sủng mà chẳng thay đổi được gì. Vì thế, ta hãy tích cực hành động vì “thà bật lên một que diêm với ánh sáng loé lên trong nháy mắt còn hơn ngồi nguyền rủa bóng tối”.
3.3. Kế hoạch mang tính hiện thực
Từ “hôm nay đã ứng nghiệm” như muốn mời gọi ta chú ý đến tính cách hiện thực của kế hoạch. Đức Giêsu đã thực hiện tất cả các hành động trong kế hoạch của Người: rao giảng Tin Mừng, chữa lành bệnh tật, tha thứ tội lỗi, xua trừ ma quỷ để giải phóng cho kẻ bị chúng kiềm chế, cho kẻ chết sống lại và ban Thánh Thần cho những ai gắn bó với Người. Những hành động đó rất cụ thể, thiết thực cho những người trong thời của Người để diễn tả tình yêu cứu độ của Chúa Cha.
Rất nhiều kế hoạch của chúng ta mang tính viển vông, thiếu thực tế, theo những tính toán xa vời, đầy tham vọng của chúng ta. Chúng ta không để ý đến khả năng hiện thực của chính mình và hoàn cảnh cụ thể của gia đình, cộng đồng, xã hội. Có người đặt kế hoạch trở thành bác sĩ nhưng không thể hoàn thành vì khả năng tâm trí bị giới hạn, gia đình không đủ điều kiện. Có những tập thể quyết tâm xây nhà thờ, xây tượng đài… trong khi quanh họ biết bao người bệnh tật, khốn khổ, nghèo đói, thất học, bị ma quỷ kiềm chế, bị dục vọng lôi kéo đang cần cứu giúp. Chúng ta chỉ lo thực hiện kế hoạch của cá nhân, của tổ chức, dòng tu, giáo phận, giáo xứ mà quên đi kế hoạch của Thiên Chúa.
Lời kết
Nhân dịp Năm Mới, ta hãy nhìn lại kế hoạch đời mình để xem có phù hợp với kế hoạch của Chúa Cha và của Đức Kitô hay không. Chúa Thánh Thần sẽ đổ muôn vàn ơn phúc để ta hoàn thành kế hoạch cũng như cảm nghiệm được niềm vui, bình an và ơn cứu độ. Chúng tôi cũng đã giới thiệu cách làm kế hoạch sống trong tập “Bạn Là Lời Cứu độ” bắt đầu từ chương trình sống mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng, mỗi năm[6]. Anh chị em có thể tra cứu và chuẩn bị cho kế hoạch của mình.
Câu hỏi gợi ý
1. Kế hoạch của Thiên Chúa là gì? Kế hoạch của Chúa Giêsu là gì?
2. Nếu bạn đã lập kế hoạch cho năm 2019, bạn hãy tìm hiểu xem nó có những đặc tính cần thiết như Đức Giêsu dạy ta không.
3. Nếu chưa, bạn hãy dành ra ít giờ làm theo sự hướng dẫn để đời sống bạn thật sự hiệu quả, đem lại niềm vui, bình an và ơn cứu độ cho bạn và muôn loài.
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK
[1] X. Mt 20,9-10.
[2] GeE, số 125.
[3] Phan-xi-cô, Tông huấn Evangelii Gaudium (ngày 24-11-2013), 6: AAS 105 (2013), 1221.
[4] (X. Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, 2013, mục từ Kế hoạch, tr. 627)
[5] (X. Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình, Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo, NXB Tôn Giáo, 2007, tr.43- 51; Hội đồng Giám mục Việt Nam, Docat, NXB Tôn Giáo, 2017, in lần 2, tr 15-31.
[6] (X. Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Bạn Là Lời Cứu Độ, in lần 4, NXB Tôn Giáo, 2017, tr 28-65)