23/12/2024

Tuyên ngôn chung của ĐTC và Đại Iman Đền thờ Al Azhar

“Tuyên ngôn về tinh thần huynh đệ nhân loại vì hoà bình thế giới và sự sống chung” đã được ĐTC và Đại Iman Ahmad al Tayyeb của Đền thờ và Đại học Al Azhar ký chiều ngày 4-2-2019 vào cuối Hội nghị Liên tôn Quốc tế tại Abu Dhabi, trước sự hiện diện của Thái tử Liên quốc Emirati và 700 vị lãnh đạo tôn giáo và văn hoá. Al Azhar được coi là thẩm quyền tinh thần cao nhất của 900 triệu tín đồ Hồi giáo Sunnit trên thế giới.

 Tuyên ngôn chung của ĐTC và Đại Iman Đền thờ Al Azhar

 
 

 

ĐTC Phanxicô và Đại Imam Đền thờ Hồi giáo Al Azhar ở Cairo, Ai Cập, đã công bố tuyên ngôn chung mạnh mẽ lên án khủng bố và bạo lực: Thiên Chúa không muốn danh Ngài bị lạm dụng để khủng bố dân chúng.
 
“Tuyên ngôn về tinh thần huynh đệ nhân loại vì hoà bình thế giới và sự sống chung” đã được ĐTC và Đại Iman Ahmad al Tayyeb của Đền thờ và Đại học Al Azhar ký chiều ngày 4-2-2019 vào cuối Hội nghị Liên tôn Quốc tế tại Abu Dhabi, trước sự hiện diện của Thái tử Liên quốc Emirati và 700 vị lãnh đạo tôn giáo và văn hoá. Al Azhar được coi là thẩm quyền tinh thần cao nhất của 900 triệu tín đồ Hồi giáo Sunnit trên thế giới.

Cột mốc trong tương quan Công giáo và Hồi giáo

Văn kiện này được coi như một cột mốc trong tương quan giữa Kitô giáo và Hồi giáo, và cũng là một sứ điệp có ảnh hưởng mạnh mẽ trên chính trường quốc tế.

Coi tha nhân như anh chị em

Trong lời tựa, sau khi khẳng định “tín ngưỡng giúp tín hữu nhìn tha nhân như một người anh chị em cần nâng đỡ và yêu thương”, hai vị thủ lãnh khẳng định rằng văn kiện này “mời gọi tất cả mọi người vốn mang trong con tim niềm tin nơi Thiên Chúa và sự tin tưởng nơi tình huynh đệ của con người hãy liên kết và cộng tác với nhau”.

Nhìn nhận văn hóa đối thoại

Tuyên ngôn xác quyết: “Al Azhar và Giáo hội Công giáo nhận nền văn hóa đối thoại như một con đường, sự cộng tác chung như một đường lối hành xử; sự hiểu biết nhau như một phương pháp và tiêu chuẩn.” Qua văn kiện này, “chúng tôi yêu cầu chính mình, thỉnh cầu các vị lãnh đạo của thế giới, những người thực thi chính sách quốc tế và nền văn hóa hoàn cầu, hãy nghiêm túc dấn thân để phổ biến nền văn hóa bao dung, sống chung và hòa bình; can thiệp sớm bao nhiêu có thể để chặn đứng sự đổ máu người vô tội, chấm dứt chiến tranh, xung đột, sự suy thoái môi trường và suy đồi văn hóa mà thế giới đang trải qua”.

Nguyên nhân gây khủng hoảng ngày nay: sa sút đạo đức

Hai vị lãnh đạo Công giáo và Hồi giáo tuyên bố “mạnh mẽ tin rằng trong số những nguyên nhân quan trọng gây ra khủng hoảng trên thế giới ngày nay có sự kiện lương tâm con người bị gây mê và xa lìa các giá trị tôn giáo, cá nhân chủ nghĩa thống trị và những triết lý duy vật”.

Tuy nhìn nhận có những bước tiến tích cực do nền văn minh hiện đại mang lại, nhưng Tuyên ngôn nhấn mạnh “sự sa sút luân lý đạo đức, ảnh hưởng đối với các hoạt động quốc tế và làm suy yếu các giá trị tinh thần cũng như tinh thần trách nhiệm” khiến cho nhiều người lâm vào cái vòng cực đoan vô thần và bất khả tri (agnostico), hoặc rơi vào tình trạng tôn giáo cực đoan và duy căn (fondamentalismo) mù quáng. Trào lưu tôn giáo cực đoan và quốc gia chủ nghĩa, cùng với thái độ bất bao dung đã tạo nên những dấu hiệu chứng tỏ một “thế chiến thứ ba từng mảnh”.

Hậu quả các cuộc khủng hoảng


ĐTC và vị Đại Iman khẳng định: “Những cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng, bất công, phân phối không quân bình các tài nguyên thiên mhiên, qua đó chỉ có một thiểu số giàu có được hưởng, gây hại cho đại đa số dân trên trái đất, đã và tiếp tục tạo nên vô số người bệnh, những người túng thiếu và chết chóc, gây ra những cuộc khủng hoảng làm cho nhiều người chết chóc tại các nước… Đứng trước những cuộc khủng hoảng mang lại chết chóc cho hàng triệu trẻ em, giống như bộ xương, vì nghèo đói, hiện có một sự im lặng quốc tế không thể chấp nhận được.”

Cần thức tỉnh tôn giáo

Tuyên ngôn nói thêm: “Điều hiển nhiên là gia đình rất thiết yếu cũng như sự thức tỉnh tôn giáo là điều rất quan trọng, nhất là nơi những người trẻ, để đương đầu với những xu hướng cá nhân chủ nghĩa, ích kỷ, xung đột, cực đoan và thủ cựu thái quá dưới nhiều hình thức.”

Lên án mọi đe doạ sự sống

ĐTC và vị Đại Imam nhắc nhở: “Đấng Tạo Hoá đã ban cho chúng ta hồng ân sự sống cần phải được gìn giữ. Đó là một hồng ân mà không ai có quyền tước đoạt, đe doạ hoặc tuỳ ý lèo lái… Vì thế chúng tôi lên án mọi hành động đe doạ sự sống như diệt chủng, những hành vi khủng bố, cưỡng bách di cư, buôn bán cơ phận, phá thai, làm cho chết êm dịu và những chính sách ủng hộ những điều ấy.”

Tôn giáo không gây chiến tranh

Hai vị lãnh đạo Công giáo và Hồi giáo mạnh mẽ tuyên bố: “Các tôn giáo không bao giờ xúi giục chiến tranh và không xách động những tâm tình oán ghét, đố kỵ, cực đoan, và cũng không mời gọi thi hành bạo lực và đổ máu. Những tai ương đó là kết quả của sự xuyên tạc giáo huấn tôn giáo, lạm dụng tôn giáo vào những mục tiêu chính trị và cả những giải thích do một nhóm người thuộc các tôn giáo. Vì thế, chúng tôi yêu cầu mọi người hãy ngưng lợi dụng tôn giáo để xách động oán thù, bạo lực, cực đoan và cuồng tín mù quáng, hãy ngưng lạm dụng danh Thiên Chúa để biện minh cho những hành vi giết người, phát lưu, khủng bố và đàn áp.”

ĐGH và Đại Iman nhắc nhớ rằng “Thiên Chúa toàn năng không cần được ai bảo vệ và không muốn Danh của Ngài được dùng để khủng bố dân chúng”.

Bênh vực tự do tôn giáo và các nhân quyền

 Tuyên ngôn chứng thực rằng “tự do là một quyền của mỗi người: mỗi người được hưởng tự do tín ngưỡng, tự do tư tưởng, ngôn luận và hành động. Sự đa nguyên và khác biệt tôn giáo, màu da, phái tính, chủng tộc và ngôn ngữ là một ý muốn khôn ngoan của Thiên Chúa”. Và từ “sự khôn ngoan của Chúa” nảy sinh “quyền tự do tín ngưỡng và tự do được khác biệt. Vì thế, cần lên án việc cưỡng bách người ta phải theo một tôn giáo hoặc một thứ văn hóa nào, cũng như việc áp đặt một kiểu mẫu văn minh mà người khác không chấp nhận”.

Bảo vệ các nơi thờ phượng


Tiếp đến, tuyên ngôn cũng khẳng định: “Việc bảo vệ các nơi thờ phượng – đền thờ, nhà thờ và đền thờ Hồi giáo – là một nghĩa vụ được các tôn giáo, các giá trị nhân bản, các luật pháp và hiệp ước quốc tế bảo đảm. Mọi toan tính tấn công các nơi thờ phượng hoặc đe doạ các nơi ấy bằng những vụ khủng bố hoặc đánh bom hay phá huỷ đều là một sự đi trệch các giáo huấn của các tôn giáo, và là một sự vi phạm trắng trợn công pháp quốc tế.”

Lên án khủng bố nhân danh tôn giáo

Tuyên ngôn cũng tái nhắc nhớ: “Khủng bố đáng kinh tởm đe doạ an ninh của con người, ở Đông cũng như Tây phương… gieo rắc kinh hoàng, sợ hãi và bi quan không phải do tôn giáo – tuy rằng những kẻ khủng bố lạm dụng tôn giáo – nhưng là do những giải thích sai lầm chất chứa từ lâu về các văn bản tôn giáo, do những chính sách gây đói nghèo, bất công, đàn áp, kiêu hãnh; vì thế cần chấm dứt sự ủng hộ các phong trào khủng bố qua việc cung cấp tiền bạc, võ khí, kế hoạch hoặc những biện minh, và cả những tường thuật báo chí, và coi tất cả những điều ấy như những tội phạm quốc tế đe dọa an ninh và hoà bình thế giới.”

Bài trừ ngôn ngữ kỳ thị

Tuyên ngôn khẳng định rằng “cần dấn thân thiết lập trong các xã hội chúng ta một ý niệm về quyền công dân trọn vẹn và từ khước dùng những từ ngữ thiểu số có tính chất kỳ thị, chứa đựng trong đó những mầm mống làm cho ta cảm thấy bị cô lập và thấp kém”.

Bênh vực nữ giới


Trong tuyên ngôn có khẳng định “một sự cần thiết không thể thiếu được, đó là nhìn nhận quyền của phụ nữ được học hành, làm việc, thi hành các quyền chính trị của họ. Ngoài ra phải hoạt động để giải thoát phụ nữ khỏi những áp lực chính trị và xã hội trái ngược với những nguyên tắc tín ngưỡng và phẩm giá của họ. Cũng cần bảo vệ phụ nữ chống lại nạn khai thác bóc lột… Vì thế, cần chấm dứt tất cả những tập tục vô nhân đạo và những thói tục thô bỉ hạ nhục phẩm giá của phụ nữ và làm việc để thay đổi những luật lệ ngăn cản không cho các phụ nữ được hưởng trọn vẹn các quyền của họ”.

Bênh vực trẻ em

Sau khi tái khẳng định quyền của các trẻ em được tăng trưởng trong một môi trường gia đình, được lương thực và giáo dục, hai vị lãnh đạo Công Giáo và Hồi giáo khẳng định rằng: ”Cần lên án bất kỳ tập tục nào vi phạm phẩm giá của các trẻ em và các quyền của chúng. Một điều quan trọng nữa, đó là cảnh giác chống lại những nguy hiểm mà các em dễ gặp – đặc biệt trong môi trường kỹ thuật số – và coi như một tội ác nạn buôn bán sự thơ ngây của các em và bất kỳ vi phạm nào chống lại tuổi thơ của các em”.

Kêu gọi nghiên cứu và học hỏi Tuyên ngôn này


Sau cùng, “Al Azhar và Giáo hội Công giáo yêu cầu Văn kiện này trở thành đối tượng nghiên cứu và suy tư trong tất cả các trường học, đại học và các học viện giáo dục và huấn luyện”. Hai vị cầu mong Tuyên ngôn trở thành “một biểu tượng vòng tay đón nhận nhau giữa Đông và Tây phương, giữa Bắc và Nam bán cầu”.
 
 
 

G. Trần Đức Anh OP