22/01/2025

Tác phẩm điêu khắc – kiến trúc tại Thánh địa La Vang qua góc nhìn Thần học Công giáo

Thánh địa La Vang là Trung tâm Hành hương của Giáo hội Công giáo Việt Nam để tôn vinh Thiên Chúa và diễn tả lòng kính mến của tín hữu đối với Đức Mẹ Maria.Đây cũng là nơi giáo dục vẻ đẹp đức tin và vẻ đẹp văn hoá trong cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu Kitô qua các tác phẩm điêu khắc – kiến trúc hoà lẫn với vẻ đẹp thiên nhiên của trời đất, núi sông.

 

Tác phẩm điêu khắc – kiến trúc
tại Thánh địa La Vang   
 qua góc nhìn Thần học Công giáo

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

Lời mở

Thánh địa La Vang là Trung tâm Hành hương của Giáo hội Công giáo Việt Nam để tôn vinh Thiên Chúa và diễn tả lòng kính mến của tín hữu đối với Đức Mẹ Maria vì đã che chở, cứu giúp đoàn con trong những cơn quẫn bách. Đây cũng là nơi giáo dục vẻ đẹp đức tin và vẻ đẹp văn hoá trong cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu Kitô qua các tác phẩm điêu khắc – kiến trúc hoà lẫn với vẻ đẹp thiên nhiên của trời đất, núi sông.

Vì thế, chúng tôi muốn suy nghĩ đôi điều về cái đẹp đó qua góc nhìn của thần học Công giáo.

1. Thái độ của người Việt Nam trước cái đẹp

1.1. Ý thức về cái đẹp

Cái đẹp là “cái có hình thức hoặc phẩm chất đặc biệt làm cho người ta thích ngắm hoặc kính nể, là cái có sự hài hoà, tương xứng”[1]. Như thế, “cái đẹp tồn tại trong thiên nhiên như trời, biển, núi sông, chim muông, hoa lá hay trong xã hội được thể hiện qua những quan hệ giữa người với người, những hành vi đạo đức, những thái độ ứng xử. Cái đẹp còn tồn tại qua các hình tượng thẩm mỹ trong các tác phẩm nghệ thuật”[2].

Nếu hiểu về cái đẹp như thế thì trong suốt dòng lịch sử dân tộc, từ thời các Vua Hùng dựng nước đến nay, người Việt chúng ta luôn cảm nhận được cái đẹp trong thiên nhiên cũng như trong các mối tương quan của con người. Quê hương Việt Nam rất đẹp so với nhiều nước trên thế giới. Hầu như ở đâu trên đất Việt người ta cũng gặp thấy núi cao, biển rộng, sông dài, đất đai màu mỡ với hoa lá xanh tươi. Nền văn hoá thị tộc với cuộc sống săn bắt, hái lượm vùng đồi núi hay đánh bắt cá trên sông biển, cũng như sau đó là nền văn hoá nông nghiệp lúa nước trong những vùng đồng bằng sông Hồng, sông Cửu Long và các đồng bằng nhỏ hẹp suốt dọc miền Trung giúp cho người Việt dễ cảm nhận được cái đẹp của thiên nhiên và cái đẹp của con người.

Gắn bó với thiên nhiên như thế nên tâm hồn người Việt có nhiều tình cảm cao thượng, trong sáng, biết nhìn xa, trông rộng, cởi mở với muôn loài. Tuy nhiên, những tâm tình tốt đẹp này hình như đang bị xói mòn và biến chất nơi những cư dân thành thị quen sống chen chúc trong những toà nhà cao tầng, những căn phòng nhỏ hẹp che chắn tầm mắt con người.

1.2. Cái đẹp trong điêu khắc – kiến trúc

Riêng cái đẹp được thể hiện qua các hình thái nghệ thuật như điêu khắc, kiến trúc, hội hoạ, văn chương, thì đại đa số người Việt chưa hiểu biết, cảm nhận và thể hiện trong suốt thời kỳ bị người Trung Quốc đô hộ hơn 1000 năm (từ 111 TCN đến 938), trong thời kỳ quân chủ độc lập (938-1945) và cho đến những năm gần đây.

Dưới ách đô hộ, đời sống dân chúng hết sức khó khăn do công việc đồng áng vì ngày ngày phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, chịu sưu cao thuế nặng, bị áp bức bóc lột trăm bề, nên người Việt không còn thời giờ quan tâm đến cái đẹp của văn chương, nghệ thuật. Hầu hết dân chúng đều sống trong cảnh ăn đói, mặc rách nên họ chỉ mong sao được ăn no, mặc ấm, chứ chưa nghĩ đến ăn ngon mặc đẹp. Với nền kinh tế tự cung tự cấp trong hầu hết các làng mạc miền quê, người Việt sống trong những nhà tranh, vách đất, ăn uống thanh đạm, ăn mặc đơn giản với quần đen áo nâu, nhà cửa bày biện đơn sơ để tránh ánh mắt nghi kỵ của bọn quan lại tham nhũng. Những công trình kiến trúc, điêu khắc, hội hoạ hầu như không phát triển, ngoài ít tranh dân gian in sẵn ngày Tết, những ngôi chùa, đình, miếu với vài tượng thờ trang trí đơn giản để làm nơi hội họp công cộng.

Khi đất nước được độc lập, người Việt có cơ hội mở ra với văn hoá Trung Quốc từ thế kỷ X-XX và với văn hoá phương Tây từ thế kỷ XVI-XX để đón nhận cái đẹp trong nghệ thuật và mỹ thuật nước ngoài. Về mặt điêu khắc và kiến trúc, người ta chỉ thấy những công trình nghệ thuật theo quan điểm mỹ học Trung Quốc trong các cung điện của vua chúa ở các kinh đô như Hà Nội, Thanh Hoá, Huế. Tuy nhiên, chúng cũng không được bảo tồn lâu dài vì triều vua sau thường phá bỏ hay không bảo tồn những gì của triều vua trước để dễ thu phục lòng dân về một mối, nên ta thấy chẳng còn gì ngoài những đống gạch đá đổ nát hay bị chôn vùi với thời gian.

Cái đẹp trong nghệ thuật điêu khắc – kiến trúc còn tồn tại với thời gian, không bị phá huỷ bởi những xung đột chính trị là các đình, chùa, am miếu với các tượng Phật, tượng thần thánh, và các dụng cụ dùng trong việc thờ phụng, các trụ đá điêu khắc hình thú, cây cỏ chim muông. Những sản phẩm hoặc công trình này thường bắt chước theo nghệ thuật Trung Quốc, nhưng chưa đạt tới độ tinh xảo so với Trung Quốc để tạo nên bản sắc riêng của nghệ thuật Việt Nam.

Nghệ thuật điêu khắc kiến trúc Tây Phương chỉ bùng nổ sau khi người Pháp thiết lập được ách bảo hộ ở Việt Nam từ năm 1858-1945 với các dinh thự, toà nhà, tượng đài trong các tỉnh thành lớn, nhất là ở Sài Gòn, nay là Tp. Hồ Chí Minh. Hội hoạ, điêu khắc, âm nhạc, văn chương được phổ biến qua các trường lớp cho giai cấp trí thức, giàu có, thượng lưu thành thị, nhất là trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp ở Sài Gòn, thành lập năm 1990, và ở Hà Nội năm 1902. Đa số dân chúng nghèo khổ chỉ biết ăn chắc mặc bền vẫn chưa cảm nhận được cái đẹp trong nghệ thuật phương Tây.

1.3. Cái đẹp qua điêu khắc, kiến trúc trong đời sống người Công giáo Việt Nam

Riêng đối với người Công giáo, cái đẹp trong kiến trúc, điêu khắc, cũng như trong hội hoạ, âm nhạc chỉ bắt đầu sau năm 1874, khi triều đình Huế ký hoà ước Giáp Tuất với chính phủ bảo hộ pháp, ở điều 9, để công nhận quyền tự do tôn giáo và người Việt Nam được tự do theo đạo Thiên Chúa, không còn bị bách hại như trong suốt hai thế kỷ 18, 19. Từ đó những nhà thờ, tu viện mới được xây dựng, nghi lễ tôn giáo với âm nhạc mới được cử hành, tranh ảnh, tượng đài mới được sáng tác để thể hiện nét đẹp của Công giáo ra bên ngoài.

Tuy nhiên, hầu hết các tác phẩm nghệ thuật đó đều mang nặng sắc thái Tây Phương: chúng ta gặp thấy nét đẹp qua các thánh đường xây dựng theo các nghệ thuật kiến trúc kiểu Roman hay Gothic hoặc pha trộn như nhà thờ Đức Bà ở TP.HCM, nhà thờ Philipphê ở Giáo xứ Chợ Đũi, Q.1, TP.HCM, nhà thờ Chính toà ở Hà Nội, nhà thờ “Con Gà” ở Đà Lạt hay theo nghệ thuật kiến trúc hiện đại như hàng ngàn ngôi nhà thờ lớn nhỏ trên khắp đất nước. Tượng ảnh cũng theo khuynh hướng đó và thiên về trường phái tả thực hơn là siêu thực, trừu tượng, hình khối. Âm nhạc cũng theo khuynh hướng Tây Phương qua các bài Thánh ca viết theo 7 cung với các nhạc cụ của Tây phương thay vì ngũ (5) cung của âm nhạc Á Châu với các nhạc cụ dân tộc như đàn bầu, đàn tranh, đàn nhị, sáo, trống… Rất hiếm các ngôi thánh đường được xây dựng theo nghệ thuật kiến trúc dân tộc Việt Nam như quần thể nhà thờ đá Phát Diệm ở Ninh Bình.

2. Quan niệm của người Việt về cái đẹp

Người Việt cảm nhận cái đẹp trong thiên nhiên, trên con người hay trong các mối tương quan xã hội một cách rất hồn nhiên, trong sáng và không bị dẫn dắt bởi một ý thức hệ hay một tôn giáo nào nhờ đời sống luôn gần gũi với thiên nhiên.

2.1. Nền mỹ học hồn nhiên, trong sáng theo bản sắc người Việt
Chỉ từ khi bắt đầu tiếp xúc với nền văn hoá Trung Quốc, nhất là với những tôn giáo từ Trung Quốc truyền sang như Phật giáo, Lão giáo, đặc biệt là Khổng giáo, người Việt mới tìm hiểu về ý nghĩa của cái đẹp, tạo nên nền mỹ học Việt Nam, như một sự đối kháng với văn hoá Trung Quốc.

Từ thời kỳ khởi đầu dựng nước với các vua Hùng đến năm 111 TCN, trước khi bị người Trung Quốc đô hộ, người Việt đã có nền văn hoá thị tộc với những tác phẩm nghệ thuật riêng mà ta thấy biểu hiện trên các trống đồng với hoạ tiết, hoa văn thời Bắc Sơn, Đông Sơn.

Nhưng trong suốt thời gian bị đô hộ hơn 10 thế kỷ, dù bị ép buộc phải đón nhận những giá trị trổi vượt của văn hoá Trung Quốc như chữ viết, các nghi lễ cưới xin, ma chay, các nghề thủ công, cách ăn mặc, cách làm lúa nước ở đồng bằng, nhưng với tinh thần đối kháng chống lại sự đồng hoá của người Tàu, nên người Việt không chấp nhận quan niệm về cái đẹp của người Trung Quốc. Người Tầu giới thiệu những công trình kiến trúc hùng vĩ lớn lao như Vạn Lý Trường Thành của Tần Thuỷ Hoàng, những vật phẩm hết sức tinh xảo trên vàng bạc đá quý, trên đồ gốm, nhung lụa. Họ giới thiệu những tiêu chuẩn về cái đẹp trên thân thể con người với những đôi bàn chân bé xíu của phụ nữ được bó chặt nhiều năm để có dáng đi “yểu điệu thục nữ”, với làn da “trắng như trứng gà bóc” vì trốn nắng trong các nhà cao cửa rộng, với quần áo lụa là tha thướt….

Trong khi đó, người Việt vẫn ở trong những căn nhà tranh, vách đất, cất theo kiểu ba gian, hai chái, vẫn ăn uống đơn giản với tôm cá, cua cáy trên đồng, vẫn bảo tồn tiếng nói riêng của dân tộc, dù phải mượn chữ viết của ngoại bang, vẫn mặc những tấm váy bằng “đũi” theo tổ tiên truyền lại (Cái thúng mà thủng hai đầu, bên tây thì có, bên Tầu thì không!), vẫn uống nước vối, thay vì trà Tầu, dùng thuốc Nam thay vì thuốc Bắc… Cái đẹp của vạn vật, con người là vẻ đẹp tự nhiên, trong sáng, không tô vẽ, mộc mạc như đất, trong vắt như trời, trải rộng như biển, vươn dài như sông (Trong đầm gì đẹp bằng sen. Lá xanh, bông trắng lại chen nhị vàng? Nhị vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn!)
. Bằng chứng  là trong suốt dòng lịch sử dân tộc, hầu như không có những sản phẩm tinh xảo, cầu kỳ, phức tạp nào của người Việt còn lưu giữ trong tất cả các bảo tàng viện trên đất nước Việt Nam cũng như trên thế giới.

Chỉ sau khi giành được độc lập từ năm 938, người Việt được tự do chọn lựa các giá trị văn hoá, tôn giáo, mỹ thuật, quan niệm về cái đẹp của người Việt Nam mới bắt đầu thành hình và thể hiện trong đời sống xã hội. Nghệ thuật điêu khắc, kiến trúc nở rộ vào hai triều đại Lý (1009-1225) và Trần (1226-1400), nhất là khi các vua tôn sùng Phật giáo và Phật giáo chiếm địa vị độc tôn trong quần chúng. Các chùa với đủ loại tượng thần thánh được thực hiện trong các triều đại này và còn tồn tại cho đến ngày nay như chùa Dâu ở Bắc Ninh, chùa Một Cột ở Hà Nội do vua Lý Thái Tông, chùa Yên Tử ở Quảng Ninh với Phật Hoàng Trần Nhân Tông, Chùa Trấn Quốc ở Hà Nội…

2.2. Nền mỹ học bị ảnh hưởng bởi các ý thức hệ

Người ta  cũng nhận ra rằng nền mỹ học đơn sơ trong sáng của người Việt bị ảnh hưởng nặng nề bởi các ý thức hệ hay các tôn giáo đã được du nhập vào Việt Nam.

Theo quan điểm Phật giáo, vẻ đẹp của con người và của thiên nhiên vạn vật thì vô thường, tạm bợ vì chúng luôn thay đổi như thời tiết sáng nắng, chiều mưa. Bám vào những vẻ đẹp vô thường đó sẽ làm cho con người bị trầm luân khổ ải. Con người chỉ nên đi tìm cái tốt trong đạo chứ không nên đi tìm cái đẹp ở bất cứ nơi đâu.

Lão giáo chú ý nhiều đến cái đẹp của vạn vật vì những người theo Lão giáo gắn bó nhiều với thiên nhiên. Người ta học được bài học sống an nhiên tự tại như trời đất, bất kể những thăng trầm của cuộc đời, của vạn vật. Lão giáo đi tìm cái hồn của vạn vật và nhận ra mỗi loài trong vũ trụ đều có thần chi phối cái tốt, cái thật, cái đẹp của muôn vật muôn loài, từ đó phát sinh ra việc tôn thờ những vị thần cai quản chúng vì “Đất có Thổ Công, sông có Hà Bá”.

Khổng giáo là ý thức hệ mạnh nhất chi phối tư tưởng của các nhà trí thức trong xã hội Việt Nam, bắt đầu từ triều đại Lý, Trần, nhất là khi chiếm địa vị độc tôn từ triều Lê (1428-1788) đến triều Nguyễn (1802-1945). Đúng hơn ta nên gọi là Khổng học hơn là Khổng giáo vì đây là một học thuyết đạo đức xã hội chính trị hơn là một tôn giáo vì không có lễ nghi, tổ chức, kinh nguyện, không tin có sự hiện diện của thần thánh hay ma quỷ dù có nhắc đến “Thiên” như một nguyên lý tối cao[3]. Khổng giáo quan tâm đến đời sống xã hội với các mối tương quan của con người, nhưng theo ý nghĩa của cái tốt, cái đúng, chứ không theo cái đẹp vì chỉ muốn tổ chức xã hội được quy củ theo đúng tam cương, ngũ luân, ngũ thường. Cái đẹp của xã hội là theo đúng kỷ cương phép nước, cái đẹp của con người là sống theo đúng lễ nghĩa gia phong, chứ không phải là những nét đẹp trên hình hài, thể xác (Tốt gỗ hơn tốt nước sơn; Xấu người đẹp nết còn hơn đẹp người). Như thế, cái đẹp được hoà nhập vào cái đúng, cái tốt, chứ không phân biệt rõ ràng, tách biệt nhau[4].

Tuy nhiên, người Việt với ý thức dân tộc, đã sáng tạo nên chữ Nôm để thoát khỏi ách nô lệ văn hoá của người Trung Quốc và xây dựng cả một nền Việt Nho để thoát khỏi sự lệ thuộc vào Khổng học của người Tầu. Nhiều học giả như các giáo sư Lương Kim Định, Vũ Đình Trác, Trần Văn Đoàn đã giới thiệu các công trình sáng tạo của người Việt[5]. Từ đó, người Việt cũng xây dựng được một nền mỹ học riêng cho dân tộc [6].

2.3. Cái đẹp qua góc nhìn thần học Công giáo

Nền mỹ học thật sự nói lên mối quan hệ thẩm mỹ giữa con người và hiện thực và rút ra được những quy luật chi phối những mối quan hệ đó chỉ xuất hiện với Công giáo cách đây khoảng 2000 năm.

Trước đó, Do Thái giáo, với những cuốn kinh trong bộ Thánh Kinh Cựu Ước, cũng đã nhận ra cái đẹp bắt nguồn từ Chúa Giavê. Ngài là nguồn của chân thiện mỹ (x. Kn 13,5). Ngài dựng nên toàn thể vũ trụ rất tốt đẹp và dựng nên con người theo hình ảnh của Ngài và giống như Ngài nên tốt đẹp hơn cả (x. St 1-2): “Chính Đấng sáng tạo mọi loài là tác giả của muôn vẻ đẹp… Vì các thọ tạo càng lớn lao, đẹp đẽ thì càng giúp nhận ra Đấng tạo thành” (Kn 13,3-5). Nhưng tội lỗi của con người đã huỷ hoại tất cả và làm cho con người phải tàn tạ, xấu xí, chết chóc, cũng như vũ trụ phải lâm vào cảnh hư ảo, tan nát, khổ nhục (x. Rm 8,20-23). Tất cả đều mong đợi ngày được giải thoát, được tự do và vinh quang, được sống mãi như Thiên Chúa. Vì thế, toàn thể lịch sử Do Thái giáo hướng về Đấng Mêsia, Đấng Kitô, Đấng Cứu thế.

Kitô giáo đã chỉ rõ Đấng Kitô ấy là Đức Giêsu Nazareth. Người là Ngôi Lời Thiên Chúa đã trở thành người để đưa thần tính vĩnh hằng, đưa chân thiện mỹ của Thiên Chúa vào trong vũ trụ vật chất, nên từ nay tất cả vạn vật và từng con người đều phản ánh cái đẹp vĩnh hằng của Thiên Chúa và có giá trị vô biên. Con người không phải chỉ khám phá ra Đấng Toàn Mỹ tạo nên vẻ đẹp của vạn vật (x. Bài giảng của thánh Augustinô số 241,2, PL 38, 1134; GLHTCG, số 32; Docat 2016, tr.240), từ đó suy ra Thiên Chúa là cái đẹp tuyệt đối[7], nhưng còn nhận ra “cái đẹp là thuộc tính phổ quát của mọi hữu thể” (omne ens est pulchrum). Đó là luận đề căn bản của triết học Công giáo.

Người tín hữu Công giáo không phải chỉ khám phá vẻ đẹp của vũ trụ, của con người, nhưng họ cần khám phá ra vẻ đẹp của đức tin, vẻ đẹp của cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu Kitô”[8]. Chính trong cuộc gặp gỡ này, đôi mắt tinh thần của họ sẽ được Người chữa lành để nhận ra chính Người đã làm cho mọi người, mọi vật trở nên tốt đẹp vô cùng nhờ cuộc phục sinh của Người.

Từ khởi điểm “Thiên Chúa trở thành người để đưa chân thiện mỹ vào trong con người và vũ trụ vật chất” đó, Công giáo đã “rửa tội”, nghĩa là “công nhận” các nền nghệ thuật và mỹ thuật của mọi dân tộc, khởi đầu là nghệ thuật, mỹ thuật của Hy Lạp và Rôma. Nhiều công trình kiến trúc được biển đổi thành nơi thờ tự, nhiều đền thờ, thánh đường, tu viện được xây dựng ở các nước châu Âu ngay từ thế kỷ IV và còn tồn tại đến ngày nay. Nhiều tượng đài, điêu khắc, hoạ phẩm nổi tiếng của các thiên tài như Michelangelo (1475-1546), Leonardo da Vinci (1452-1519), Fra Angelico (1395-1455), Raphael (1483-1520), Titian (1485-1576), Guido Reni (1575-1642), Rembrandt  (1606-1669), G. Battista Tiepolo (1696-1770), Antonio Canova (1757-1822), Pablo Picasso (1881-1973), Vincent Van Gogh (1853-1890), Edouard Manet (1832-1883),… đã được nền nghệ thuật và mỹ thuật Công giáo đón nhận vì chúng phản ánh cái đúng, cái tốt, cái đẹp của Thiên Chúa, của con người và vạn vật.

Nghệ thuật từ đó mang tính chất thánh thiêng: “Khi nhờ hình thức thích hợp, đáp ứng với ơn gọi riêng của nó, trong đức tin và sự tôn thờ, nghệ thuật thánh gợi lên và tôn vinh mầu nhiệm siêu việt của Thiên Chúa, vẻ đẹp siêu phàm vô hình của chân lý và của tình yêu, đã xuất hiện nơi Đức Giêsu Kitô[9].

“Mỹ thuật chủ yếu là nghệ thuật thánh, từ bản chất nhằm diễn tả vẻ đẹp vô biên của Thiên Chúa, được cảm nghiệm một cách nào đó qua những tác phẩm của con người. Nghệ thuật này càng làm cho Thiên Chúa được ca tụng và tôn vinh hơn, một khi những tác phẩm đó không nhằm mục đích nào khác, ngoài sự góp phần tối đa để quy hướng tâm trí con người sốt sắng về cùng Thiên Chúa”[10]. Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, trong Thư gửi các nghệ sĩ, đã nhắc nhở: “Thế giới chúng ta đang sống cần đến cái đẹp để không rơi vào thất vọng. Cái đẹp cũng như sự thật, đem lại niềm vui cho tâm hồn con người và là hoa trái quý giá có thể chịu được sự sói mòn của thời gian, nối kết được các thế hệ và làm cho họ hợp nhất trong cùng một tâm tình ngưỡng mộ[11].

Trên con đường tìm về với Thiên Chúa là nguồn chân-thiện-mỹ, có những giai đoạn người tín hữu Công giáo đã bỏ quên con người để dồn tất cả danh dự, vinh quang cho Thiên Chúa, nên đã gặp thái độ phản kháng của con người. Những ý thức hệ Cộng sản, tư bản, những chủ nghĩa hiện sinh diễn tả phần nào thái độ ấy để nhắc cho Giáo hội Công giáo đừng quên rằng “Thiên Chúa đã làm người” và “con người là con đường của Giáo Hội”.

Có những thời kỳ người tín hữu Công giáo bị ảnh hưởng của phái Khắc kỷ, thuyết Nhị Nguyên nên hạ thấp giá trị thân xác con người, coi nó là nguồn của tội ác để chiều theo dục vọng. Người ta đã phải vẽ thêm các lá cây che kín những phần thân thể nhạy cảm trong các hoạ phẩm, tượng đài[12]. Công đồng Vaticanô II đã sửa sai điều này khi xác định “con người là một chủ vị duy nhất có thân xác và linh hồn…Vì thế, không được khinh miệt đời sống thể xác con người, trái lại phải coi thân xác là tốt lành và đáng tôn trọng vì được Thiên Chúa tạo thành và sẽ được sống lại trong ngày sau hết”[13].

Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, trong Thư gửi các nghệ sĩ, cũng đã nhắc đến câu nói của nhà văn Dostoevsky (1821-1881): “Cái đẹp sẽ cứu độ thế giới[14]. Cái đẹp này không phải chỉ là lý tưởng của Thiên Chúa giáo như giáo sư Lê Ngọc Trà đã hiểu[15], sẽ giúp nhân dân Nga thoát cảnh đau khổ và bế tắc của xã hội vào thế kỷ XIX. Cái đẹp đó được hiểu là chính Thiên Chúa, như nguồn chân thiện mỹ và là chính Đức Giêsu đầy quyền năng để đưa toàn thể nhân loại và vũ trụ đi vào con đường tình yêu và giải thoát thật sự.

Đây cũng là lý do chúng tôi viết bài này để góp vài nhận định về các tác phẩm điêu khắc, kiến trúc tại Thánh địa La Vang và kiến nghị với Hội đồng Giám mục Việt Nam xây dựng La Vang như một trung tâm trình bày cái đẹp của Công giáo cho đồng bào Việt Nam và cho cộng đồng thế giới.

3. Thánh địa La Vang giới thiệu cái đẹp của Công giáo

Thánh địa La Vang có rất nhiều điều kiện thuận lợi để có thể biến thành một trung tâm hành hương của Giáo hội Việt Nam, vừa là một trung tâm giáo dục vẻ đẹp của đức tin, vẻ đẹp của cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu Kitô, hoà lẫn với vẻ đẹp của vũ trụ, của nghệ thuật và mỹ thuật thánh qua các công trình kiến trúc, điêu khắc, tác phẩm hội hoạ tại đây. Chúng tôi xin tóm tắt một số kiến nghị cho việc xây dựng các công trình này.

3.1. Điều kiện thuận lợi

– Thánh địa La Vang hội tụ đủ 3 yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hoà. Thiên thời vì là nơi Chúa và Đức Mẹ hiện ra. Địa lợi: nằm ở miền Trung của đất nước, diện tích đủ rộng để quy tụ số đông người. Khung cảnh thiên nhiên với núi cao, biển rộng, rừng cây giúp cho người ta dễ cảm nhận vẻ đẹp của vũ trụ vạn vật trong tâm tình ca tụng và cảm tạ. Nhân hoà: sự kiện Đức Mẹ hiện ra ở La Vang được mọi người dân ở Việt Nam biết đến và nhiều người trên thế giới đón nhận qua các lần giới thiệu của các Đức Giáo hoàng, nhất là Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II.

– Thánh địa La Vang nằm trên trục của tuyến du lịch quốc gia và quốc tế, vì gần với những trung tâm du lịch lớn như Huế, Đà Nẵng, các hang động nổi tiếng thế giới ở tỉnh Quảng Bình, các tuyến đường du lịch quốc tế từ Lào, Cambodia, Thái Lan sang và đường biển, đường hàng không nối liền với thế giới ở Đà Nẵng.

– Người tín hữu Công giáo Việt Nam đã quảng đại và vẫn sẵn sàng đóng góp công sức, tiền của để xây dựng Thánh địa này. Các nghệ sĩ trong và ngoài nước cũng luôn muốn góp công sức và trí não để thể hiện cái đẹp qua các tác phẩm nghệ thuật. Tuy nhiên, để các đóng góp mang tính thiết thực và hiệu quả, rất cần lập ra một uỷ ban gồm các nhà chuyên môn để thẩm định các công trình nghệ thuật và mỹ thuật tại đây.

3.2. Những đề nghị cụ thể

Tượng đài Đức Mẹ Mân Côi của Lê Ngọc Huệ. Đây là nhóm tượng nên giữ lại để giúp cho người tín hữu biết về các tác phẩm mang phong cách hiện đại trừu tượng trong tôn giáo.

Tuy nhiên, quần thể tượng này được thực hiện từ năm 1961-62 nên cần bổ sung thêm cho hợp với tiến bộ của lòng đạo đức Công giáo toàn cầu. Chúng tôi rất mong các nghệ sĩ điêu khắc sáng tác thêm 5 tượng về mầu nhiệm Sáng của Kinh Mân Côi theo cùng một thể loại. Năm mầu nhiệm này đã được Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II giới thiệu trong Tông thư Kinh Mân Côi Rosarium Virginis Mariae ngày 16/10/2002. Đồ án thánh địa như thế sẽ thay đổi chút ít ở phần đầu, nhưng sẽ cân đối hơn vì mỗi bên có 10 tượng của hai mầu nhiệm, thay vì chia lẻ một bên 7, một bên 8 tượng như hiện nay.

Tháp chuông cổ Vương cung Thánh đường La Vang. Chúng tôi đề nghị nên giữ lại, không phải chỉ như một bằng chứng lịch sử về sự che chở của Mẹ Maria với Linh đài Đức Mẹ La Vang, mà còn là nét đẹp với mảng màu tối trong toàn cảnh Thánh địa La Vang. Tín hữu và du khách khi nhìn vào tháp cổ với các bức tường loang lỗ và dấu tích tàn phá của bom đạn, chiến tranh, sẽ cảm nhận được bài học về yêu thương và hoà bình mà Chúa Giêsu và Mẹ Maria giới thiệu trong vẻ đẹp của đức tin và cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu.

Trong Vương cung Thánh đường mới. Chúng tôi đề nghị 2 bộ tượng phù điêu hay hoạ phẩm: Đàng Thánh Giá và Đường Ánh Sáng như Trung tâm Hành hương Đức Mẹ Fatima ở Bồ Đào Nha và một số trung tâm khác trên thế giới đã thực hiện.

Hầu hết người Công giáo Việt Nam, từ khi được các cha Dòng Tên chính thức truyền đạo từ năm 1615 đến nay, chỉ biết đi Đàng Thánh Giá. Việc đạo đức này rất có giá trị để giúp cho tín hữu suy niệm về cuộc thương khó và cái chết của Chúa Giêsu để áp dụng vào đời mình. Nhưng họ chưa biết về Đường Ánh Sáng dù đường này đã được thánh Ignatio de Loyola giới thiệu[16] từ năm 1544, được nhiều dân tộc biết đến và biến thành lòng đạo đức bình dân. Đường Ánh Sáng cũng gồm 14 chặng kể lại 14 lần Chúa Phục Sinh hiện ra, để giới thiệu một đời sống tràn đầy niềm vui, hy vọng, bình an và sức sống kỳ diệu của tín hữu nhờ sự hiện diện của Chúa Giêsu Phục Sinh.

Do chỉ biết Đàng Thánh Giá nên đời sống tín hữu Việt Nam có vẻ hướng nhiều về đau khổ, buồn sầu, thử thách và cái chết hơn là một đời sống an vui, tích cực, tràn đầy ân sủng của Chúa Thánh Thần mà Đấng Phục Sinh ban cho các môn đệ của Người. Các văn kiện của Công đồng Vaticanô II và các vị giáo hoàng gần đây nhắc nhở rất nhiều về đời sống mới mẻ này. Việc đạo đức đi Đường Ánh Sáng đang được hàng chục ngàn tín hữu thực hiện mỗi tuần. Như thế, lòng đạo đức của người tín hữu Việt Nam mới tìm được sự quân bình và hài hoà giữa đau khổ và niềm vui, giữa thành công và thất bại, giữa cái chết và sự sống lại qua Đàng Thánh Giá và Đường Ánh Sáng được Giáo hội Việt Nam cổ vũ tại Thánh địa này.

Các nghệ sĩ có thể trưng bày tượng điêu khắc, phù điêu hay hoạ phẩm về Đường Ánh Sáng trong nhà nguyện nhỏ hơn, trong khi Đàng Thánh Giá có thể đặt trong nhà nguyện chính. Chúng tôi xin đính kèm văn bản và các hoạ phẩm về Đường Ánh Sáng của hai hoạ sĩ Maria Trần Kim Châu và Maria Têrêsa Trần Kim Quyên như những gợi ý cụ thể. Các nghệ sĩ điêu khắc cũng có thể thực hiện 2 quần thể tượng này trong 2 khu vườn bên trái của Vương Cung Thánh đường mới như hình mẫu kèm theo đây.

Nhà Bảo tàng-truyền thống của Giáo hội Việt Nam. Chúng tôi đề nghị nên xây dựng tại Thánh địa La Vang Nhà Bảo tàng-truyền thống của Giáo hội Công giáo Việt Nam để vừa giáo dục đức tin, vừa giáo dục về cái đẹp của đức tin trong đời sống người tín hữu.

Trong nhà này, có thể trưng bày các đồ vật, dụng cụ, án tích về các Thánh Tử đạo tại Việt Nam; các sáng tác thơ văn, kinh sách bằng chữ Hán, chữ Nôm, chữ Quốc ngữ của người Công giáo qua các thời kỳ; các tượng đài, hoạ phẩm, nghệ thuật thủ công có giá trị về Chúa, Đức Mẹ, các thần thánh. Trong Phòng Truyền thống của Hội đồng Giám mục Việt Nam, trưng bày các  văn kiện của các vị lãnh đạo giáo phận, các thư chung, văn kiện của Hội đồng Giám mục Việt Nam, trưng bày các tượng ảnh, quà tặng của các nước gửi tặng các giám mục trong các chuyến viếng thăm chính thức của Hội đồng, …. Cũng nên có những phòng trưng bày các công trình nghiên cứu về khoa học, xã hội của các tín hữu Công giáo Việt Nam đóng góp cho đất nước Việt Nam và thế giới… để giới thiệu một đời sống tốt đẹp cho mọi người và giáo dục về cái đẹp cho thế hệ tương lai. Nếu không sớm thu thập, lưu trữ, bảo tồn, chúng tôi sợ rằng nhiều công trình và tác phẩm sẽ biến mất trước sự tàn phá của thời gian cũng như lòng tham của con người.

Lời kết

Người tín hữu Công giáo Việt Nam cũng như nhiều người ngoài Công giáo rất cần tìm hiểu về cái đẹp để có thể sống đẹp với trời, với người, với vạn vật quanh mình. Trung tâm Hành hương Đức Mẹ La Vang có khả năng trở thành một nơi thu hút mọi người không phải chỉ vì lòng đạo đức để tôn vinh Thiên Chúa và Người Mẹ Thánh của Giáo hội Việt Nam mà còn vì lòng yêu mến cái đẹp chứa đựng ở nơi này qua những công trình kiến trúc, điêu khắc, nghệ thuật của Trung tâm. Đây chính là vinh dự và cũng là nhiệm vụ cao cả của Uỷ ban Giám mục về Nghệ thuật Thánh của Hội đồng Giám mục Việt Nam. Chúng tôi cầu chúc cho Uỷ ban thực hiện được ước mơ này.



[1] X. Vietlex, Từ điển Tiếng Việt, 2013, NXB Đà Nẵng, Mục từ Đẹp, tr.408.

[2] X. Hội đồng Quốc gia Chỉ đạo Biên soạn, Từ Điển Bách khoa Việt Nam, NXB Từ Điển Bách khoa Việt Nam, 2005, tập I, tr.431.

[3] X. Ngô Tất Tố, Lều Chõng, tiểu thuyết phóng sự về đời một kẻ sĩ theo Khổng học, xuất bản ngày 10/3/1939 tại Hà Nội.

[4] X. Vũ Văn Thước, Quan niệm về cái đẹp của một số trường phái triết học- tôn giáo phương Đông, Ban Tôn giáo Tp.Đà Nẵng, Website Ban Tôn giáo Chính phủ.

[5] X. Trần Văn Đoàn, Lễ nghĩa trong nền đạo đức Khổng Mạnh, Internet, Website của Giáo phận Đà Lạt, mục Triết học.

[6] X. Lâm Vinh, Mỹ học, Đại học Sư phạm Tp. HCM, Ấn bản phát hành nội bộ, 1997.

[7] X. Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 2500.

[8] X. Giáo hoàng Phanxicô, bài giảng ngày 24/1/2014; Docat, số 57.

[9] X. Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 2502.

[10] X. Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 2513; Công đồng Vaticanô II, Hiến chế Phụng vụ Thánh Sacrosanctum concilium, 122-127, AAS 56 (1964).

[11] X. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Thư gửi các nghệ sĩ, ngày 4/4/1999, số 11.

[12] X. Tranh cãi giữa Hồng y Carafa và Michelangelo, nghệ sĩ bị buộc tội là vô đạo đức, tục tĩu khi vẽ những ảnh trần truồng trên bức hoạ Ngày Phán xét cuối cùng ở nhà nguyện Sixtine, Bách khoa Toàn thư, Wikipedia, Nhà nguyện Sixtine.

[13] X. Công đồng Vaticanô II (1965), Hiến chế Gaudium et Spes, số 14, Bản dịch của HĐGMVN, NXB Tôn Giáo, 2012, tr.233.

[14] X. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Thư gửi các nghệ sĩ, số 16; x. F. Dostoevsky, L’Idiot, phần III, chương V, Milan 1998, tr. 645.

[15] X. Lê Ngọc Trà, Thách thức của sáng tạo, NXB Thanh Niên, 2002, tr.192.

[16] X. Thánh Ignatio de Loyola, Những bài Linh thao, viết năm 1544, từ số 299-312; Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Cẩm nang Tân Phúc Âm hoá, tái bản lần I, NXB Tôn Giáo, 2004, tr.416-431; Bạn là Lời cứu độ, In lần IV, NXB Tôn Giáo, , tr120-149.