22/01/2025

Lễ Giáng Sinh, lễ ban ngày, 2018: Ngôi Lời và việc chữa lành

Hôm nay chúng ta được mời gọi suy nghĩ về hoạt động chăm sóc bệnh nhân để làm thế nào cho người ta cảm nghiệm được rằng “Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta”.

 

Lễ Giáng Sinh, lễ ban ngày, sáng 25/12/2018,
tại Bệnh viện Thánh Mẫu, 118 Bành Văn Trân, Q. Tân Bình, Tp. HCM

Ngôi Lời và việc chữa lành

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

 

Lời mở

Sáng ngày Chúa Giáng Sinh hôm nay, tôi rất hân hạnh được dâng lễ với anh chị em trong khung cảnh hết sức đầm ấm, trang trọng của Bệnh viện Thánh Mẫu này. Đây là bệnh viện tôi có nhiều dịp được cộng tác để chăm sóc sức khoẻ cho con người. Tôi hiện là phó chủ tịch của Hội Bảo trợ Người Khuyết tật và Trẻ Mồ côi TP.HCM. với 54 ngàn người khuyết tật và 13 ngàn trẻ mồ côi. Trong tư cách là  trưởng Ban Y tế-Xã hội, chúng tôi dẫn đoàn bác sĩ đi khám sức khoẻ, chữa bệnh, chữa răng cho những người nghèo khổ. Năm 2018 chúng tôi tổ chức 7 lần, trong đó có 3 lần tại TP.HCM và 4 lần tại các tỉnh Bình Dương, Bà Rịa, Đăk Nông, An Giang.

Hôm nay chúng ta được mời gọi suy nghĩ về hoạt động chăm sóc bệnh nhân để làm thế nào cho người ta cảm nghiệm được rằng “Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta. Chúng ta đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha đã ban cho Người là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật” (Ga 1,14).

1. Sứ mạng đặc biệt của người phục vụ sức khoẻ

Anh chị em chính là sứ giả mang lời của Chúa đến cho con người, như bài đọc I (x. Is 52,7-10) gợi ý cho chúng ta: “Đẹp thay bước chân người loan báo Tin Mừng, tin bình an, tin hạnh phúc và ơn cứu độ”. Tin Mừng này không phải chỉ là những lời nói ngoài môi miệng, nhưng đó là Ngôi Lời đã làm người, là Chúa Giêsu. Chúng ta muốn cho những lời của chúng ta thành lời của Thiên Chúa, có sức chữa lành, chuyển hoá  để từ bệnh nhân trở thành con người mạnh khoẻ, tràn đầy niềm vui, hạnh phúc và bình an thì chúng ta cần biết mình phải nói lời của Chúa như thế nào.

Giống như Người Mẹ Thánh của chúng ta, mà bệnh viện nhận làm bổn mạng, đã mở lòng ra cho Thánh Thần, dâng hiến tất cả cuộc sống của mình, tình yêu và tương lai của mình cho Thiên Chúa, thì tức khắc Ngôi Lời đã hình thành trong lòng Mẹ, trở thành Đức Giêsu để hôm nay chúng ta mừng kỷ niệm Mẹ sinh Ngôi Lời Thiên Chúa làm người cho thế giới. Nếu chúng ta mở lòng ra để dâng hiến tất cả như Mẹ, nếu chúng ta thở hít được Thần Khí mà Đức Giêsu đã thổi trên các môn đệ và nói “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”, thì mỗi lời của anh chị em nói ra đều có sức mạnh tác động đến con người, chữa lành cho con người, xua trừ ma quỷ và giúp họ trở thành những con người kỳ diệu. Được như thế, Bệnh viện Thánh Mẫu sẽ không vắng vẻ như bây giờ mà trở thành nơi thu hút nhiều người đến đây.

Thật vậy, Bệnh viện Thánh Mẫu không phải chỉ chữa bệnh nhờ các kỹ thuật khoa học và phương tiện máy móc dồi dào, mà nhiều khi ta không đủ sức cạnh tranh với những bệnh viện khác có số vốn hàng ngàn tỉ đồng, không thể cạnh tranh về nhân lực vì họ có hàng trăm bác sĩ giỏi được đào tạo ở nước ngoài. Chúng ta vẫn đủ sức thu hút bệnh nhân vì nơi đây có Mẹ Thiên Chúa ở với chúng ta và mỗi người chúng ta có thể nói lên được lời quyền năng của Thiên Chúa để chữa lành cho con người. Không biết các anh chị em có mơ ước như vậy không? Nhưng khi đến đây, tôi đã mơ ước như vậy.

Đó là nét đặc biệt mà các bệnh viện khác không thể có vì Mẹ Thiên Chúa và Con của Mẹ đang ngự trị ở đây: “Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta”. Điều này một số anh chị em đi hoạt động với chúng tôi cũng đã cảm nghiệm: chúng tôi hầu như không có gì ngoài Chúa và Mẹ Maria. Năm nay chúng tôi đã giúp cho khoảng 8.000 bệnh nhân, nhiều người được chữa lành các chứng bệnh khác nhau mà nhiều khi các bệnh viện khác đã từ chối.

2. Thể hiện sứ mạng đó như thế nào?

Tôi nhìn thấy 3 tiêu chuẩn của bệnh viện ghi trên tường: “đạo đức, chuyên nghiệp, phát triển”.

Tiêu chuẩn đầu tiên chúng ta phải có là đạo đức, là có Chúa ở trong lòng. Giống như Đức Giêsu đã sai chúng ta: “Anh em hãy đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng, đặt tay chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ” (x. Mc 16,14-18). Nếu ta thật sự kết hợp với Chúa Giêsu, thì khi ta đụng chạm đến bệnh nhân, họ sẽ được chữa lành phần hồn cũng như phần xác. Chúng ta hãy kêu gọi họ kết hợp với Chúa Giêsu vì bệnh tật của họ có thể đóng góp vào chương trình cứu độ thế giới. Như Chúa Giêsu chết trên thập giá, họ cũng có thể dâng những đau đớn khổ sở trong thân xác để cộng tác vào ơn cứu độ, thay vì lăn lộn, gào thét như người không tin tưởng. Như thế, anh chị em chính là người chuyển thông ơn chữa lành của Chúa cho người khác nhờ lòng đạo đức.

Tiêu chuẩn chuyên nghiệp. Chúng ta trở thành chuyên nghiệp không phải chỉ bằng việc luôn học hỏi thêm những kỹ thuật chẩn đoán và chữa trị bệnh tật như các bệnh viện khác mà còn hơn thế nữa. Đó là ta mở lòng ra cho Chúa Giêsu để nhận được ân sủng và sự thật “vì ân sủng và sự thật thì nhờ Đức Giêsu mà có” (Ga 1,17). Để biết được sự thật về con người với những nguyên nhân gây nên bệnh tật, sự thật trong những khoa học kỹ thuật để áp dụng cho con người, chúng ta rất cần đến các ân sủng của Chúa Thánh Thần. Điều này các người ngoài Kitô giáo không thể làm được. Còn chúng ta đã biết tận dụng để làm cho bệnh viện của mình khác biệt so với họ chưa?

Tại địa điểm ở quận 1, trong năm 2018, chúng tôi đã giúp cho khoảng 1800 bệnh nhân. Nhiều người từ khắp các nơi tìm đến, vì ngoài những kỹ năng chẩn đoán theo khoa học, chúng tôi còn cầu xin Chúa Giêsu Kitô và Thánh Thần soi sáng để biết họ đang mắc bệnh do nguyên nhân nào. Có nhiều nguyên nhân gây nên bệnh tật cần chúng ta chẩn đoán đúng.

Năm 2012, theo lời mời của tiến sĩ Kuhr, Viện Trưởng khoa Tâm lý của Đức, tôi cùng với tiến sĩ điều trị tâm lý Nguyễn Thị Loan và thạc sĩ Nguyễn Thanh Hằng, phó khoa tâm lý của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, sang thăm các viện tâm lý ở Đức và Thuỵ Sỹ. Ấn tượng đập vào mắt tôi và tôi ao ước về Việt Nam có thể khơi lên, đó là bệnh viện chuyên khoa tên là Berolina ở vùng Lohne Bad Oeynhausen, với hướng điều trị sức khoẻ toàn diện gồm 4 yếu tố: thể lý, tâm thần, tâm lý và tâm linh. Đây là xu hướng điều trị mới của các nước tiên tiến.

Y học với những triệu chứng trên thể xác, gọi là thể lý, có từ hơn 4.000 năm nay rồi. Về lĩnh vực tâm thần, Việt Nam mới chỉ quan tâm từ vài chục năm nay. Chúng ta đang có khoảng 900 bệnh viện hoặc trạm y tế, nhưng mới chỉ có 5 trung tâm sức khoẻ tâm thần ở các tỉnh thành lớn. Hệ thần kinh, nhất là bộ não, ra lệnh cho các cơ quan, nhưng đời sống hiện nay với nhiều căng thẳng trong bộ não đã làm bệnh nặng hơn. Vỏ não của chúng ta có những vùng về thính giác, thị giác, ngôn ngữ, vận động thân thể, cảm xúc, nhất là trung tâm điều hành tổng hợp, có thể hoạt động kém do thiếu khí và máu đưa lên não hoặc khi được kích thích vận động bằng phương pháp “phản hồi thần kinh” có thể chữa nhiều bệnh tật. Đây là những khám phá mới ta cần biết.

Trong lĩnh vực tâm lý, những tình cảm giận hờn, thù ghét, ghen tương, bực bội,… cũng ảnh hưởng đến sức khoẻ con người. Nhờ những lời khuyên của các chuyên viên tâm lý, người bệnh bỏ đi những tình cảm tiêu cực, có tâm lý ổn định thì bệnh cũng sẽ dễ chữa hơn. Đây là nét mới trong điều trị. Chúng ta đã được đào tạo về mặt này chưa?

Trong lĩnh vực tâm linh, nhiều bệnh nhân có thể được chữa trị nhanh chóng nếu giải toả những nguyên nhân liên quan đến tâm linh. Chúng tôi đã thấy chúng xuất hiện nơi những người cố tình phá thai, xúc phạm đến mồ mả của người đã khuất, nghiện ma tuý, nuôi giữ lòng hận thù và cố tình giết người… Nếu có chuyên viên tâm linh giúp cho bệnh nhân sống lại lòng đạo đức, biết phó thác cho sự an bài của Chúa, dâng hiến tất cả cho Ngài vì Ngài nhìn thấu mọi sự và xét xử công minh,  họ sẽ tìm lại sức khoẻ mau chóng hơn những người không được giải toả về mặt tâm linh. Nhưng nhiều bác sĩ hay chuyên viên ở Việt Nam chưa dễ đón nhận sự thật này, thậm chí còn cho là phản khoa học, mê tín. Nhưng khuynh hướng điều trị mới của các bệnh viện hiện đại đang là như vậy.

Tiêu chuẩn phát triển

Nhìn vào xã hội Việt Nam, chúng ta thấy số bệnh nhân đủ loại ngày càng tăng, sổ bệnh viện tư nhân mở ra khắp nơi vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu,  tại sao bệnh viện Thánh Mẫu lại không thể phát triển? Chúng ta cần phát huy những nét đặc biệt của bệnh viện về lĩnh vực tâm thần, tâm lý và tâm linh vì chúng ta là một bệnh viện do người Công giáo quản lý. Chúng ta có thể nhận được sự phục vụ vô vị lợi của các tu sĩ Công giáo trong các dòng tu, và các chuyên viên tâm linh khác. Riêng trong lĩnh vực tâm thần, thống kê Bộ Y tế cho biết 15% dân số Việt Nam có các triệu chứng: trầm cảm, căng thẳng, khó ngủ, nhức đầu, tâm thần hoang tưởng, tâm thần phân liệt… với 3 triệu bệnh nhân nặng cần điều trị. Nếu các anh chị ở đây đi theo hướng chữa trị  sức khoẻ toàn diện, tôi nghĩ bệnh viện này sợ không còn chỗ trống!

Chúng tôi đang áp dụng phương pháp mới gọi là Neurofeedback (phản hồi thần kinh), do các nhà khoa học của cơ quan hàng không vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) phát minh để chữa cho những người tâm thần, trẻ tự kỷ, và nhiều bệnh tật khác. Nhiều kết quả rất đáng khích lệ. Nếu bệnh viện Thánh Mẫu đi theo chiều hướng này, chúng tôi nghĩ bệnh viện sẽ có nhiều khả năng phát triển tốt đẹp.

Lời kết

Chúng tôi chân thành cầu chúc cho các anh chị em trong Bệnh viện Thánh Mẫu trở thành những sứ giả của Lời Chúa để nói lên lời chữa lành cho những ai tìm đến đây vì “Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta”.