23/01/2025

Thứ Hai, 07.01.2019 – Hiển Linh Qua Đời Thường Của Chúng Ta

Ai giữ các giới răn của Thiên Chúa, thì ở trong Người và Người ở trong họ. (1Ga 3,24)

Thánh Raimunđô Penyafort, linh mục
1 Ga 3, 22-4, 6 • Tv 2 • Mt 4, 12-17. 23-25

Lời Chúa

“Nước trời đã đến gần”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, nghe tin Gioan bị nộp, Chúa Giêsu lui về Galilêa. Người rời bỏ Nadarét, đến ở miền duyên hải thành Capharnaum, giáp ranh đất Giabulon và Nephtali, để ứng nghiệm lời đã phán bởi miệng tiên tri Isaia rằng:
“Hỡi đất Giabulon và đất Nephtali, đường dọc theo biển, bên kia sông Giođan, Galilêa của ngoại bang! Dân ngồi trong tối tăm, đã thấy ánh sáng huy hoàng, ánh sáng đã xuất hiện cho người ngồi trong bóng sự chết”. Từ bấy giờ, Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng và nói: “Hãy hối cải, vì nước trời đã gần đến”.
Và Chúa Giêsu đi rảo quanh khắp xứ Galilêa, dạy dỗ trong các hội đường của họ, rao giảng tin mừng nước trời, chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền trong dân. Tiếng tăm Người đồn ra khắp xứ Syria. Người ta đã đem đến cho Người đủ thứ bệnh nhân, những người mắc phải tật nguyền đau đớn, quỷ ám, kinh phong, bất toại. Người đã chữa họ lành. Dân chúng đông đảo theo Người, họ đến từ xứ Galilêa, miền Thập Tỉnh, Giêsrusalem, Giuđêa và vùng bên kia sông Giođan.

Bản dịch của Uỷ Ban Phụng Tự, HĐGMVN
NS Trái Tim Đức Mẹ đánh máy vi tính
Nguồn: thanhlinh.net

Lời Chúa trong giờ kinh gia đình

Nguồn: tgpsaigon.net – Thu âm: Anh Tuấn

Nghe suy niệm Lời Chúa

Nguồn: chanlyviet.net – Đài Chân Lý Á Châu

Sống Lời Chúa: Hiển Linh Qua Đời Thường Của Chúng Ta

Ai giữ các giới răn của Thiên Chúa, thì ở trong Người và Người ở trong họ. (1Ga 3,24)

Người ta nói “Gần nhau cảm thấy bình thường, xa nhau mới thấy tình thương dạt dào“. Câu nói này diễn tả tương quan mật thiết giữa hai người với nhau. Bước đầu tiên là “gần nhau”. Đó là sự gần gũi về “không gian vật lý”, kề vai sát cánh về thể lý. Sau đó, họ tương quan sâu đậm, đến mức khi “xa nhau” lại cảm thấy “tình thương dạt dào”. Dù không còn gần nhau về “không gian vật lý” nhưng rất gần nhau về không gian tinh thần.
Tương tự, thần Gioan nhấn mạnh hai chiều kích của tương quan hỗ tương giữa các môn đệ và Đức Giêsu qua động từ “ở với” và “ở trong”. Trước hết là “ở với” Đức Giêsu, để nghe biết các giáo huấn Người nói và chứng kiến những việc Người làm. Tuy nhiên, sau đó họ không thể tiếp tục “ở với” Đức Giêsu, vì “Người về cùng Cha”. Lúc này các mom đệ sẽ “ở trong” Đức Giêsu và ngược lại, bằng cách: “Ai giữ các giới răn của Người, thì ở trong Người và Người ở trong họ”
Khi chúng ta thực thi bác ái, là chúng ta bước vào mối quan hệ hỗ tương với Đức Giêsu. Qua thực hành bác ái, mọi người biết rằng Chúa đang ở trong tôi và tôi đang ở trong Chúa. Đó chính là cách làm cho “Chúa hiển linh” qua đời thường của chúng ta.

Lm. Giuse Ngô Ngọc Khanh OFM

Lạy Chúa, xin cho con luôn tâm niệm rằng “yêu Chúa như Chúa yêu, yêu người như yêu Chúa”
Quyết tâm: Biết lấy bác ái làm lẽ sống

Nguồn: Sống Lời Chúa – Bayard Việt Nam