24/01/2025

Chúa Nhật Lễ Thánh Gia: Gia đình Có Chúa

Giữa những khủng hoảng về đời sống gia đình, các bài đọc trong Lễ Thánh Gia như là nền tảng giúp củng cố và gìn giữ đời sống gia đình theo ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa.

 

CHÚA NHẬT LỄ THÁNH GIA

(Hc 3,2-14; Cl 3,12-21; Lc 2,41-52)

GIA ĐÌNH CÓ CHÚA

“Bấy giờ Người theo hai ông bà trở về Nazareth, và Người vâng phục hai ông bà.

Maria mẹ Người ghi nhớ những việc đó trong lòng” (Lc 2,51)

 

I. CÁC BÀI ĐỌC:

    Giữa những khủng hoảng về đời sống gia đình, các bài đọc trong Lễ Thánh Gia như là nền tảng giúp củng cố và gìn giữ đời sống gia đình theo ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa.

1. Bài đọc 1:

    Đoạn sách Huấn Ca là lời giáo huấn của người cha dành cho các con, theo đó việc thờ cha kính mẹ là điều đẹp lòng Thiên Chúa và bảo đảm để được cứu độ (3,1).

    Trước hết, tác giả nhìn nhận Thiên Chúa là Đấng làm cho các bậc cha mẹ được vẻ vang nơi con cái (3,2). Đồng thời, khi con cái vâng lệnh Thiên Chúa thì cha mẹ được an lòng (3,6). Như thế, bổn phận hiếu kính đối với các bậc cha mẹ nằm trong ý định của Thiên Chúa và một trong những cách bày tỏ lòng hiếu thảo đối với cha mẹ, làm cho họ an lòng, là vâng lệnh Thiên Chúa. Lòng tôn thờ đối với Thiên Chúa và lòng hiếu kính đối với bậc sinh thành đi song hành với nhau. Và những ai chu toàn việc tôn thờ Thiên Chúa và hiếu kính đối với cha mẹ sẽ được Thiên Chúa nhớ đến, nhất là những khi gặp khốn khó, và được Người thứ tha mọi tội lỗi (3,14-15).

    Sau nữa, lòng hiếu kính đối với cha mẹ đem lại cho con cái nhiều ích lợi: của cải (3,4), trường thọ (3,6) và thậm chí bù đắp lỗi lầm (3,3). Sự hiếu kính còn là bảo đảm để nhận được phúc lành của cha mẹ; sự phúc lành làm cho “nhà cửa được bền vững”; trái lại, lời nguyền rủa của mẹ cha sẽ làm cho “trốc rễ bật nền” (3,9). Như thế, lòng hiếu kính đối với các bậc cha mẹ không chỉ là bổn phận một chiều mà con cái phải thi hành, nhưng ở chiều ngược lại, con cái cũng nhận được sự chúc phúc của cha mẹ và phúc lành từ Thiên Chúa.

    Cuối cùng, việc thảo kính phải được thể hiện ra không chỉ bằng “lời nói” mà bằng cả “việc làm” (3,8). Sự thảo kính đối với cha mẹ cần được thể hiện cách đặc biệt lúc cha mẹ đến tuổi già, lúc họ hay lú lẫn và dễ buồn tủi, nên rất được cảm thông chăm sóc chu đáo (3,12-13). Lòng thảo hiếu đòi hỏi các bậc con cái chớ để cha mẹ phải tủi nhục, vì con cái chỉ được vẻ vang khi cha mẹ được tôn kính (3,10-11).

    Tóm lại, sách Huấn Ca dạy về bổn phận hiếu kính đối với cha mẹ. Đó vừa là điều đẹp lòng Chúa và vừa đem lại nhiều lợi ích cho con cái.

2. Bài đọc 2:

    Đoạn thư Côlôsê đưa ra cho các tín hữu những lời khuyên nhủ thiết thực trong việc xây dựng tương quan với Chúa và giữa các Kitô hữu với nhau, cách riêng trong đời sống gia đình.

    Trong tương quan với Thiên Chúa, các tín hữu được nhắc nhớ hãy để bình an của Đức Kitô “điều khiển tâm hồn anh em”; đồng thời, hãy để “lời Đức Kitô ngự giữa anh em thật dồi dào phong phú” và biết dùng lời Người mà “dạy dỗ khuyên bảo nhau với tất cả sự khôn ngoan”. Như thế, bình an của Đức Kitô và lời khôn ngoan của Người là mối dây liên kết các Kitô hữu trong tình hiệp nhất. Hơn nữa, các Kitô hữu được mời gọi hãy tỏ lòng biết ơn Thiên Chúa bằng những bài ca do Thần Khí linh hứng, và trong lời nói, việc làm hãy biết nhân danh Chúa Giêsu và qua Người mà tạ ơn Thiên Chúa. Thật vậy, mọi lời cầu xin và tạ ơn của Hội thánh chỉ đẹp lòng Thiên Chúa khi được thực hiện nhờ ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần và qua Chúa Kitô.

    Trong tương quan với nhau, vì là những người “được Thiên Chúa tuyển lựa, thánh hiến và yêu thương”, các Kitô hữu đều được mời gọi sống hài hoà với nhau bằng “lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại” (3,12). Đó là những đức tính quan trọng, cần thiết để duy trì sự hoà thuận trong cộng đoàn. Hơn nữa, nếu trong cuộc sống chung có những lúc cần phải “trách móc” nhau thì điều quan trọng là biết chịu đựng và tha thứ cho nhau; đồng thời, đặt lòng bác ái làm mối dân liên kết tuyệt hảo (3,13-14).

    Riêng trong đời sống gia đình, thư Côlôsê đòi buộc các thành viên gia đình phải có trách nhiệm hỗ tương và ứng xử phù hợp trong tinh thần hy sinh cho nhau. Nếu người vợ được khuyên bảo hãy phục tùng chồng, thì người chồng phải yêu thương và đừng cay nghiệt với vợ. Các bậc con cái cần vâng lời cha mẹ vì đó là điều đẹp ý Chúa, nhưng các bậc cha mẹ cũng được yêu cầu đừng làm cho con cái bực tức kẻo chúng ngã lòng. Thật vậy, gia đình chỉ vững bền khi các thành viên sống tròn trách nhiệm của mình đối với nhau trong tinh thần yêu thương, nhường nhịn và hy sinh cho nhau.

3. Bài Tin Mừng:

    Bài Tin Mừng kể lại biến cố lạc mất trẻ Giêsu trong Đền thờ qua đó cho thấy cách ứng xử của các thành viên trong gia đình Thánh Gia.

    Trước hết là thái độ của Đức Mẹ và Thánh Giuse. Cũng như bao gia đình đạo đức khác thời đó, hằng năm Thánh Gia vẫn hành hương Đền thờ như vẫn quen làm. Nhưng năm nay có điều đặc biệt khi trẻ Giêsu lên mười hai tuổi, tuổi được xem là đã khôn lớn về mặt tôn giáo để có thể hành động độc lập, Đức Mẹ và Thánh Giuse đã lạc mất trẻ Giêsu trong Đền thờ. Ba ngày lạc mất con là một thời gian dài; tìm kiếm con thất lạc trong nỗi âu lo là một cuộc tìm kiếm “cực lòng”. Nhưng khi gặp lại con trong Đền thờ giữa các thầy dạy, đang vừa nghe, vừa hỏi lại càng làm cho Đức Mẹ và Thánh Giuse “sửng sốt”. Và câu trả lời của trẻ Giêsu xem ra “dửng dưng” và “vô lễ” lại càng làm cho cha mẹ không thể hiểu. Sau tất cả những gì xảy ra, Tin Mừng chỉ ghi lại phản ứng của Mẹ Maria là “ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng”.

    Đức Mẹ và Thánh Giuse hết mực yêu thương trẻ Giêsu, đã phải âu lo khi tìm kiếm con thất lạc, đã kinh ngạc khi gặp lại con giữa các thầy dạy, để rồi không thể hiểu nổi điều con nói, mà chỉ âm thầm ghi nhớ, cầu nguyện và phó thác mọi sự trong tay Thiên Chúa quyền năng.

    Sau nữa là thái độ của cậu bé Giêsu. Cậu ở lại Đền thờ mà không hề xin phép cha mẹ, làm cho cha mẹ lo lắng và cực lòng tìm kiếm con suốt ba ngày dài lê thê. Cậu làm như không biết nỗi lòng yêu thương và lo lắng của cha mẹ dành cho cậu. Cậu chỉ coi “bổn phận ở nhà của Cha” là quan trọng, còn tất cả những chuyện khác đều không đáng quan tâm! Đó là phút giây của tình Cha Con thật sự, mà cha mẹ trần thế không thể hiểu được.

    Nhưng khi trở lại Nazareth, trẻ Giêsu lại trở về với cuộc sống của một Thiên Chúa làm người giữa trần thế, hằng “vâng phục” cha mẹ mình. Đồng thời, mỗi ngày cậu Giêsu lớn dần không chỉ về thể lý, về sự khôn ngoan mà còn trong “ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta”. Người lớn lên như bao trẻ khác về thể xác, sự khôn ngoan trong nhận thức, nhưng trên hết là ân sủng của Thiên Chúa ở với Người vì Người là “Con Một đầy tràn ân sủng” (x. Ga 1,14.17).

 

II. GỢI Ý ÁP DỤNG:

1/ Sách Huấn Ca là lời giáo huấn về bổn phận tôn thờ Thiên Chúa và thảo hiếu với cha mẹ. Người biết vâng lời Thiên Chúa và hiếu kính với các bậc sinh thành sẽ được Chúa chúc phúc, tha thứ lỗi lầm và ban cho cuộc sống sung túc và trường thọ. Sự hiếu thảo đối với cha mẹ bằng cả lời nói và việc làm, kể cả lúc đã về già, là điều đẹp lòng Thiên Chúa. Đối với người Kitô hữu, tôn thờ Thiên Chúa và thảo hiếu với các bậc sinh thành là hai trách nhiệm song song. Tôn thờ Thiên Chúa là cách báo hiếu cha mẹ và khi chu toàn bổn phận đối với mẹ cha, người Kitô hữu đang tôn thờ Thiên Chúa cách tốt đẹp.

2/ Tác giả thư Côlôsê đưa ra cho các tín hữu những lời khuyên nhủ thiết thực trong việc xây dựng tương quan với Thiên Chúa và giữa các Kitô hữu với nhau, cách riêng trong đời sống gia đình. Đối với Thiên Chúa, việc nhân danh Chúa Giêsu và nhờ công nghiệp của Người, qua ơn soi sáng của Thánh Thần, mà tạ ơn Thiên Chúa là lời cầu nguyện mẫu mực của mọi Kitô hữu. Còn trong tương quan với nhau, các Kitô hữu cần học các đức tính như thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà, nhẫn nại, tha thứ và bác ái. Cách riêng trong gia đình, tương quan giữa vợ chồng và giữa cha mẹ đối với con cái thì tất cả đều có bổn phận đón nhận, yêu thương và hy sinh cho nhau.

3/ Bài Tin mừng kể về “sự cố” mà Thánh Gia phải trải qua; đồng thời qua đó, mỗi thành viên đều học đón nhận lẫn nhau. Thánh Giuse và Mẹ Maria, dẫu thương con trẻ Giêsu hết mực, nhưng vẫn không thể hiểu hết mọi hành động của con mình. Dẫu vậy, cả Hai Đấng đều đón nhận trong sự phó thác cho Thiên Chúa bằng đời sống cầu nguyện và suy niệm về mọi sự đã xảy ra. Còn trẻ Giêsu, dù tha thiết với “bổn phận ở nhà Cha”, cũng học “vâng phục” cha mẹ trần thế của mình. Mỗi gia đình Kitô hữu đều có thể học nơi thánh Giuse, Đức Mẹ và trẻ Giêsu bài học về việc đón nhận và thông cảm cho nhau trong sự tin tưởng phó thác cho Thiên Chúa.

 

III. LỜI NGUYỆN CHUNG:

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thánh Gia Chúa Giêsu, Đức Maria và Thánh Giuse là gương mẫu về đời sống nhân đức cho các gia đình Công giáo. Với quyết tâm noi gương các ngài, chúng ta cùng tha thiết cầu xin, cách đặc biệt cho các gia đình đang gặp khó khăn:

1. Hội thánh được thiết lập như một đại gia đình của Thiên Chúa. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi thành phần trong Hội thánh luôn ý thức bảo vệ và vun đắp sự hiệp thông với Thiên Chúa và với nhau, cùng nỗ lực loan báo lòng thương xót cho thế giới.

2. Đời sống gia đình ngày hôm nay đang bị khủng hoảng trầm trọng. Chúng ta cùng nài xin Chúa luôn đồng hành và nâng đỡ để các gia đình đang gặp đau khổ và thử thách sớm vượt qua mọi khó khăn, mau tìm lại được bình an và hạnh phúc đích thực.

3. Giáo dục trong gia đình là nền tảng cho đời sống đức tin và nhân bản. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho các bậc cha mẹ luôn chu toàn bổn phận trong gia đình là yêu thương chăm sóc con cái, và quan tâm dạy dỗ con cái cho nên người và nên thánh.

4. Thảo hiếu cha mẹ là nét đẹp truyền thống của dân tộc và cũng là giới răn của Thiên Chúa. Chúng ta cùng cầu xin cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta luôn biết sống trọn đạo làm con, để luôn được Chúa yêu thương và chúc phúc với muôn ơn lành hồn xác.

Chủ tế: Lạy Thiên Chúa là Cha rất nhân từ, xin thương đoái nhìn gia đình Chúa đang sốt sắng cầu nguyện, và cho chúng con cảm nghiệm được Chúa luôn ở kề bên chăm sóc và nâng đỡ cuộc sống của chúng con. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.