22/01/2025

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha: 2-12-2018

Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin với hơn 20.000 tín hữu hành hương trưa Chúa Nhật 2-12-2018, ĐTC đã mời gọi các tín hữu sống tinh thần Mùa Vọng, trông đợi Chúa đến. Ngài cũng mời gọi các tín hữu liên đới với Syria chịu chiến tranh từ 8 năm nay.

 Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha: 2-12-2018

 

 

 

Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin với hơn 20.000 tín hữu hành hương trưa Chúa Nhật 2-12-2018, ĐTC đã mời gọi các tín hữu sống tinh thần Mùa Vọng, trông đợi Chúa đến. Ngài cũng mời gọi các tín hữu liên đới với Syria chịu chiến tranh từ 8 năm nay.

Huấn dụ của ĐTC

Anh chị em thân mến, hôm nay bắt đầu Mùa Vọng, mùa phụng vụ chuẩn bị chúng ta cử hành Lễ Giáng Sinh, mời gọi chúng ta hãy ngước mắt lên và mở rộng tâm hồn để đón Chúa Giêsu. Trong mùa vọng, chúng ta không phải chỉ sống trong chờ đợi Lễ Giáng Sinh; chúng ta cũng được mời gọi thức tỉnh sự chờ đợi ngày Chúa Kitô trở lại trong vinh quang – Ngài sẽ trở lại vào cuối thời gian – chúng ta chờ đợi bằng cách chuẩn bị gặp gỡ chung kết với Chúa qua những chọn lựa phù hợp với đức tin và những chọn lựa can đảm. Chúng ta nhớ Giáng Sinh, mong đợi Chúa Kitô trở lại trong vinh quang và cả cuộc gặp gỡ bản thân chúng ta với Chúa: ngày mà Chúa sẽ gọi chúng ta. Trong 4 tuần lễ này, chúng ta được mời gọi ra khỏi lối sống cam chịu và theo tập quán, và ra ngoài bằng cách nuôi dưỡng hy vọng, nuôi những mơ ước một tương lai mới mẻ. Tin Mừng Chúa Nhật này (x. Lc 21,25-28.34-36) theo chiều hướng ấy và cảnh giác chúng ta đừng để mình bị lối sống ích kỷ hoặc những nhịp sống căng thẳng ồ ạt đè nén. Những lời quyết liệt này của Chúa Giêsu vang dội: “Các con hãy chú ý, đừng để con tim trở nên nặng nề trong những giải trí, say chưa chè chén và miệt mài với cuộc sống để ngày ấy khỏi ập đến bất ngờ […] Các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện trong mọi lúc.” (cc. 34-36).

Tỉnh thức và cầu nguyện


ĐTC nói tiếp:

Tỉnh thức và cầu nguyện, đó là cách thức sống mùa này từ nay tới Lễ Giáng Sinh. Tỉnh thức và cầu nguyện. Giấc ngủ nội tâm nảy sinh từ thái độ chỉ xoay quanh mình và bị kẹt cứng trong cuộc sống của mình với các vấn đề, vui mừng và đau thương, nhưng luôn xoay quanh mình. Lối sống này làm mệt mỏi, nhàm chán, kép kín đối với hy vọng. Đây chính là căn cội của tình trạng ngái ngủ và lười biếng mà Tin Mừng nói tới. Mùa vọng mời gọi chúng ta dấn thân tỉnh thức, nhìn ra khỏi bản thân mình, mở rộng tâm trí để cởi mở đối với những nhu cầu của tha nhân, của anh chị em, ước mốn một thế giới mới. Đó là ước muốn của bao nhiêu dân tộc bị tàn hại vì đói, bất công, chiến tranh; đó là ước muốn của những người nghèo, kẻ yếu, người bị bỏ rơi. Đây là mùa thuận tiện để mở rộng con tim, để đặt ra những câu hỏi cụ thể về cách thức và hiến thân cho ai.

Mong đợi Chúa đến trong kinh nguyện

Thái độ thứ hai để sống trọn mùa mong đợi Chúa là cầu nguyện. “Các con hãy trỗi dậy và ngẩng đầu lên, vì ơn giải thoát các con đã đến gần” (c. 28), như Tin Mừng theo Thánh Luca nhắn nhủ. Trỗi dậy và cầu nguyện, hướng những tư tưởng và con tim chúng ta về Chúa Giêsu, Đấng đang đến. Chúng ta đứng lên khi chờ đợi điều gì hoặc ai đó. Chúng ta chờ đợi Chúa Giêsu, chúng ta muốn chờ Ngài trong kinh nguyện, là điều gắn chặt với sự tỉnh thức. Cầu nguyện, chờ Chúa Giêsu, cởi mở tâm trí đối với tha nhân, tỉnh thức, không co cụm vào mình. Nhưng nếu chúng ta nghĩ đến Lễ Giáng Sinh trong bầu không khí tiêu thụ, ngằm nhìn những điều mà mình muốn mua để làm cái này cái kia, nghĩ đến lễ lạc trần tục, thì Chúa Giêsu sẽ đi qua và chúng ta sẽ không tìm thấy Ngài. Chúng ta chờ đợi Chúa Giêsu và muốn chờ Ngài trong kinh nguyện, là điều gắn chặt với sự tỉnh thức.

ĐTC đặt câu hỏi: Nhưng đâu là chân trời sự chờ đợi cầu nguyện của chúng ta? Đặc biệt tiếng nói của các ngôn sứ trong Kinh Thánh chỉ cho chúng ta chân trời ấy. Hôm nay là tiếng của Ngôn sứ Giêrêmia nói với dân đang bị thử thách cam go vì cuộc lưu đày và có nguy cơ đánh mất căn tính của mình. Cả chúng ta, các Kitô hữu, tuy là Dân Chúa, nhưng chúng ta cũng có nguy cơ bị tục hoá, mất căn tính, hay đúng hơn là làm cho lối sống Kitô trở nên như dân ngoại. Vì thế, chúng ta cần Lời Chúa, Đấng nói qua vị ngôn sứ: “Này đây sẽ đến những ngày Ta sẽ thực hiện những lời hứa tốt lành Ta đã đưa ra […] Ta sẽ làm nảy sinh cho Davít một mầm công chính, Người sẽ phân xử và thực thi công lý trên trái đất.” (33,14-15). Và mầm công chính ấy chính là Chúa Giêsu, chính Chúa Giêsu đến và chúng ta đang chờ đợi Ngài.

ĐTC kết luận:

Xin Đức Trinh Nữ Maria, Đấng mang Chúa Giêsu cho chúng ta, người phụ nữ chờ đợi và cầu nguyện, giúp chúng ta cũng cố niềm hy vọng của chúng ta nơi lời hứa của Chúa Giêsu Con của Mẹ, để cho chúng ta cảm nghiệm rằng, qua những chao đảo của lịch sử, Thiên Chúa luôn trung tín và dùng cả những lỗi lầm của con người để biểu lộ lòng thương xót của Ngài.

Thắp sáng ngọn nến liên đới với Syria

Sau khi ban phép lành cho các tín hữu, ĐTC nói:

Mùa Vọng là mùa hy vọng. Lúc này đây tôi muốn đón nhận niềm hy vọng của các trẻ em ở Siria, nước Syria yêu quý, đau thương vì chiến tranh đã kéo dài 8 năm. Vì thế, đáp ứng sáng kiến của tổ chức bác ái “Trợ giúp các Giáo Hội đau khổ”, giờ đây tôi sẽ thắp sáng một cây nến, cùng với bao nhiêu trẻ em cũng làm như vậy, các trẻ em Syria và bao nhiêu tín hữu trên thế giới hôm nay thắp lên những cây nến của họ.

Sau khi thắp cây nến to, ĐTC nói tiếp:

Ước gì ngọn lửa bé nhỏ hy vọng này phá tan bóng đêm chiến tranh! Chúng ta hãy cầu nguyện và giúp đỡ các tín hữu Kitô đang ở lại Syria và Trung Đông như những chứng nhân của lòng từ bi, tha thứ và hoà giải. Ước gì ngọn lửa hy vọng này cũng đi tới tất cả những người đang phải chịu những cuộc xung đột và căng thẳng trong những ngày này tại nhiều nơi trên thế giới, xa gần. Ước gì kinh nguyện của Giáo Hội giúp họ cảm thấy sự gần gũi của Thiên Chúa trung tín và đánh động lương tâm mỗi người để họ chân thành dấn thân xây dựng hoà bình. Và xin Thiên Chúa chúng ta tha thứ cho những người gây chiến, những người chế tạo vũ khí để tàn phá, xin Chúa hoán cải tâm hồn họ. Rồi ĐTC mời gọi mọi người đọc một kinh kính mừng cho nước Syria yêu quý.

Sau cùng, ĐTC chào thăm nhiều nhóm hành hương đến từ các nơi trên thế giới, từ Mỹ, Tây Ban Nha, và đặc biệt là ca đoàn Modica, các tín hữu từ nhiều miền Italia.
 
 
 

G. Trần Đức Anh OP