Hành trình 200 ngày đến sao Hoả của InSight
Sao Hoả vừa tiếp nhận cư dân máy móc mới nhất trong sự hân hoan của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) khi tàu thăm dò không người lái InSight hạ cánh thành công xuống hành tinh đỏ rạng sáng 27-11 (giờ VN).
Hành trình 200 ngày đến sao Hoả của InSight
Sao Hoả vừa tiếp nhận cư dân máy móc mới nhất trong sự hân hoan của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) khi tàu thăm dò không người lái InSight hạ cánh thành công xuống hành tinh đỏ rạng sáng 27-11 (giờ VN).
Sau hành trình bay gần 200 ngày, InSight có thêm nhiệm vụ 2 năm cho đến ngày 24-11-2020: nghiên cứu cấu trúc địa chất sâu bên trong lòng của sao Hoả để tìm hiểu và khám phá tất cả các thiên thể có bề mặt đá, bao gồm Trái đất và Mặt trăng, được hình thành như thế nào.
Thành công này là cách để tỏ lòng tôn kính đến hàng trăm kỹ sư và khoa học gia tài năng đã miệt mài lao động và đóng góp để tạo nên một ngày vĩ đại như hôm nay.
Giám đốc JPL Michael Watkins chia sẻ
Tàu đầu tiên đào sâu bề mặt sao Hoả
Cho đến nay chưa từng có tàu thăm dò nào đào sâu xuống bề mặt sao Hoả dù chỉ vài centimet và chưa có máy đo địa chấn nào từng hoạt động trên bề mặt sao Hoả trước nhiệm vụ của InSight.
InSight được phóng lên từ căn cứ không quân Vanderberg tại California ngày 5-5 và hạ cánh xuống khu vực phía tây có bề mặt tương đối bằng phẳng ở gần xích đạo của hành tinh đỏ, hay còn gọi là Elysium Planiti, rạng sáng 27-11 (giờ VN).
“Chúng tôi đã hạ cánh thành công lên sao Hoả lần thứ 8 trong lịch sử nhân loại. InSight sẽ nghiên cứu cấu trúc bên dưới bề mặt sao Hoả và sẽ truyền về cho chúng tôi những kiến thức khoa học có giá trị khi chúng tôi chuẩn bị gửi các phi hành gia lên Mặt trăng và sau đó là lên sao Hỏa” – giám đốc NASA Jim Bridenstine tuyên bố trên website của NASA.
“Thành tựu này đại diện cho sự khéo léo của người Mỹ và những đối tác quốc tế của chúng tôi và là một minh chứng cho sự cống hiến và sự kiên trì của đội ngũ chúng tôi. Thành tựu tốt nhất của NASA vẫn chưa có nhưng nó sẽ đến sớm thôi” – ông Bridenstine chia sẻ thêm.
Một trong hai vệ tinh tí hon có tên gọi chung là Mars Cube One (MarCO) của NASA, cùng tham gia trong nhiệm vụ lần này với tàu InSight, đã gửi tín hiệu hạ cánh về Phòng thí nghiệm sức đẩy phản lực (JPL) của NASA.
Các kỹ sư JPL đã đặt biệt danh dễ thương cho hai MarCO là Wall-E và Eva và chúng là những CubeSats – vệ tinh hình hộp – đầu tiên được cử đến một nơi xa xôi trong vũ trụ.
8 lần đáp xuống sao Hỏa thành công
* Hai tàu thăm dò Viking 1 và 2 đã đi vào quỹ đạo sao Hỏa, mỗi tàu thả một module hạ cánh và đã tiếp đất thành công trên bề mặt sao Hỏa năm 1976.
* Tàu vũ trụ Mars Pathfinder của NASA đã hạ cánh thành công ngày 4-7-1997 tại một đồng bằng cổ ở bắc bán cầu của sao Hỏa. Mars Pathfinder mang theo một robot điều khiển từ xa tên là Sojourner.
* Tàu thăm dò MER-A (Spirit) phóng ngày 10-6-2003 và hạ cánh xuống sao Hỏa ngày 3-1-2004.
* Tàu MER-B (Opportunity) phóng ngày 7-7-2003 và hạ cánh ngày 24-1-2004.
* Tàu Pheonix phóng ngày 4-8-2007 và chạm xuống vùng cực bắc sao Hỏa ngày 25-5-2008.
* Tàu không gian Phòng thí nghiệm khoa học sao Hỏa (MSL) và tàu thăm dò Curiosity được phóng lên không gian tháng 11-2011 và hạ cánh xuống vùng Aeolis Palus của sao Hỏa ngày 6-8-2012.
* Cuối cùng là InSight rạng sáng 27-11-2018 (giờ VN).
Hạ cánh trong 6 phút rưỡi
“Tàu lao vào bầu khí quyển sao Hỏa với vận tốc 12.300 dặm/h (19.800km/h) và toàn bộ quá trình hạ cánh xuống bề mặt chỉ mất 6 phút rưỡi. Trong suốt khoảng thời gian ngắn ngủi đó, InSight phải tự thực hiện hàng chục thao tác và thực hiện chúng một cách hoàn hảo” – quản lý dự án InSight Tom Hoffman phát biểu tại JPL. Khi đi vào khí quyển của sao Hoả, vận tốc của InSight chỉ còn khoảng 8km/h.
Việc xác nhận tiếp đất thành công không phải là kết thúc của các thách thức trong việc hạ cánh lên hành tinh đỏ. Quá trình hoạt động bề mặt của InSight bắt đầu 1 phút sau khi tiếp đất.
Một trong những nhiệm vụ đầu tiên của InSight là mở hai tấm pin năng lượng mặt trời hình lục giác để tiếp năng lượng cho quá trình hoạt động về sau. Quá trình này bắt đầu 16 phút sau khi tàu thăm dò hạ cánh và mất thêm 16 phút nữa để hoàn tất.
Đội ngũ của dự án InSight hi vọng sẽ nhận được xác nhận triển khai thành công các tấm pin mặt trời của tàu thăm dò InSight từ tàu vũ trụ Odyssey đang quay quanh quỹ đạo sao Hỏa vào cuối ngày 26-11 theo giờ Mỹ.
InSight sẽ bắt đầu thu thập dữ liệu khoa học trong tuần đầu tiên kể từ khi hạ cánh. Trong hai ngày từ khi hạ cánh, các kỹ sư NASA sẽ tập trung vào việc triển khai cánh tay robot dài 1,8m của InSight để chụp ảnh bề mặt sao Hoả.
“Hạ cánh đã rất hồi hộp nhưng tôi phấn khích về hoạt động khoan sâu xuống bề mặt sao Hỏa. Khi những hình ảnh đầu tiên về hoạt động khoan được gửi về, các đội ngũ kỹ sư và khoa học gia của chúng tôi sẽ đi vào hoạt động, bắt đầu lên kế hoạch về các vị trí khả thi để triển khai các thiết bị khoa học.
Trong vòng hai hoặc ba tháng, cánh tay robot sẽ bố trí các dụng cụ khoa học chính của nhiệm vụ là thiết bị đo địa chấn cấu trúc địa chất và thiết bị thăm dò đặc tính vật lý và dòng nhiệt.
Đây là nỗ lực thứ 9 của NASA để hạ cánh lên sao Hoả kể từ sau lần hạ cánh của tàu thăm dò Viking hồi năm 1976. Tám trên chín nỗ lực hạ cánh lên sao Hoả của NASA từ trước đến nay đã thành công. Lần hạ cánh mới nhất trước InSight là thành công của tàu thăm dò Curiosity năm 2012.
Hình ảnh của InSight được chụp trước khi hạ cánh xuống bề mặt sao Hoả – Ảnh: NASA
Sao Hoả là mồ chôn vô số nhiệm vụ không gian của các cơ quan hàng không vũ trụ ở các quốc gia trên thế giới. Từ năm 1960 đến nay tỉ lệ hạ cánh thành công ở hành tinh đỏ chỉ chiếm 40%, tính tất cả các nỗ lực từ bay ngang qua, bay vào quỹ đạo sao Hoả và hạ cánh xuống bề mặt sao Hoả của Mỹ, Nga và các nước khác.
Tuy nhiên Mỹ đã hạ cánh thành công 7 lần lên sao Hoả trong 4 thập kỷ qua, không tính InSight và chỉ thất bại 1 lần, đó là của tàu Mar Polar Lander.
Mar Polar Lander được phóng ngày 3-1-1999. Tuy nhiên, đến ngày 3-12-1999, tàu không thể thiết lập lại giao tiếp với Trái đất và va chạm với tốc độ cao vào bề mặt sao Hoả. Chưa từng có quốc gia nào khác có thể vận hành một tàu không gian tiếp đất thành công trên bề mặt của hành tinh đỏ.