Chúa nhật XXXIV TN B, Lễ Chúa Kitô Vua Vũ trụ- Vị vua của vương quốc vĩnh hằng
Chúa Nhật cuối cùng trong năm phụng vụ, Giáo hội mời gọi chúng ta cử hành lễ Đức Kitô là Vua vũ trụ. Điểm kết thúc lịch sử sẽ là vương quốc vinh thắng chung cuộc và vĩnh hằng của Đức Kitô.
CHÚA NHẬT XXXIV TN B – LỄ CHÚA KITÔ VUA VŨ TRỤ
(Đn 7,13-14; Kh 1,5-8; Ga 18,33-37)
ĐỨC GIÊSU KITÔ – VỊ VUA CỦA VƯƠNG QUỐC VĨNH HẰNG
“Nước tôi không thuộc về thế gian này” (Ga 18,36)
Chúa Nhật cuối cùng trong năm phụng vụ, Giáo hội mời gọi chúng ta cử hành lễ Đức Kitô là Vua vũ trụ. Điểm kết thúc lịch sử sẽ là vương quốc vinh thắng chung cuộc và vĩnh hằng của Đức Kitô. Ba bài đọc hôm nay cùng nói với chúng ta về vị vua và vương quốc này.
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc I (Đn 7,13-14)
Sách Đanien, dù phần mở đầu đặt trong bối cảnh ở Babylon thời lưu đày (587-538 tCN), nhưng thực ra, được soạn thảo ở thời kỳ bách hại khốc liệt của vị vua Hy lạp, Antiôkô IV (175-164 tCN). Đền thờ Giêrusalem, nơi cực thánh của dân Do thái, bị ông báng bổ khi cho đặt tượng các thần Hy lạp bên trong. Các tín hữu Do Thái thì bị ép bỏ đạo và tập tục cha ông mà đi theo lề thói văn hoá Hy lạp. Trong bối cảnh này, xuất hiện những thị kiến Đanien dưới dạng văn chương khải huyền với ngôn ngữ đầy tính biểu tượng.
Con Người từ mây trời ngự đến (c.13); bốn con thú từ biển đi lên (c.3): đây là hai hình ảnh tương phản đầy ý nghĩa mà chúng ta có trong một thị kiến ban đêm của Đanien.
Theo đó, những con thú tượng trưng cho các vương quốc cai trị nối tiếp nhau đàn áp dân Thiên Chúa. Quả thật, lịch sử Israel là một chuỗi cai trị tàn bạo của các vương quốc ngoại bang trên những con người bé nhỏ, nghèo hèn. Họ đã xâm phạm quyền con người với vũ lực và võ khí, tựa những con mãnh thú.
Sau những hình ảnh của mãnh thú là hình ảnh của Con Người; đây là một thuật ngữ Do Thái có nghĩa là người; người này mang hình ảnh của Thiên Chúa với ơn gọi là thống trị mọi loài dã thú (x. St 1,28; Tv 8,7-9).
Vậy Con Người đại diện cho ai?
Không như những con thú xuất hiện từ biển, tượng trưng cho thế giới hỗn mang và thù địch, Con Người ngự đến từ trời, nghĩa là từ nơi Thiên Chúa. Ở đây, tác giả không ám chỉ nhiều đến một cá nhân, nhưng chính yếu là với một Israel, sau khi phải đối mặt với nhiều cảnh bách hại tàn khốc của thời vua Antiôkô IV, sẽ nhận được từ nơi Thiên Chúa một vương quốc vĩnh cửu, chẳng hề bị suy vong; mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ sẽ đến quy phục.
Với sấm ngôn theo lối diễn tả của thể loại văn chương khải huyền, tác giả đã muốn củng cố niềm tin và gieo niềm hy vọng cho các tín hữu đang phải chịu cảnh đàn áp từ thế lực thù địch. Sự đàn áp này sắp qua đi, và Thiên Chúa sẽ sớm trao quyền cho Israel làm chủ thế giới này.
Vậy khi nào lời sấm này ứng nghiệm?
Các Rabbi Do thái kể rằng, trong một đêm trời tối đen, có một người thắp một cây đèn để chiếu sáng. Nhưng vì những cơn gió mạnh cứ liên tục thổi, nên mỗi lần ngọn đèn ông ta thắp lên đều bị gió dập tắt. Không chịu được, cuối cùng người đó thốt lên: “thôi, tôi sẽ đợi mặt trời mọc lên vậy!”
Israel cũng thế. Trải qua biết bao nhiêu nỗ lực dành chủ quyền, nhưng rồi đều bị thế lực ngoại bang xâm lăng. Vì thế, Israel mong đợi một vương quốc vĩnh cửu của Đấng Messia, và đến tận hôm nay, Israel vẫn đang trông chờ ngày mặt trời công chính sẽ mọc lên (Ml 3,20).
Với chúng ta, Đức Giêsu Kitô là sự ứng nghiệm lời sấm ngôn năm xưa; chính Người đã khẳng định điều này trước Thượng Hội Đồng Do Thái khi dùng hình ảnh Con Người của Đanien: “Phải, chính thế. Rồi các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến” (Mc 14,62). Tuy vậy, chúng ta cũng sẽ phải đợi đến ngày chung cuộc, khi đó, Mặt Trời Công Chính sẽ soi chiếu hết mọi vẻ huy hoàng cho nhân loại trong sự viên mãn.
2. Bài đọc II (Kh 1,5-8)
Cũng như ở sách Đanien, khi các Kitô hữu bị bách hại khốc liệt dưới thời hoàng đế La Mã Đômitianô Augustô (81-96), từ một hòn đảo nhỏ Patmos, một kitô hữu bị lưu đày “vì đã rao giảng Lời Thiên Chúa và lời chứng của Đức Giê-su” (1,9), đã viết thư gởi cho bảy Hội Thánh miền Tiểu Á để khuyên họ kiên trì trong đức tin của mình.
Trong bối cảnh mà vị hoàng đế Rôma được xem như là kẻ nắm giữ mọi vận mệnh của con người, và tự xưng mình như là chúa và cho rải khắp vương quốc hình tượng của mình, thì tác giả lại tuyên xưng niềm tin vào Đức Giêsu Kitô như là một vị thủ lãnh của mọi vương đế trần gian, Đấng mà Chúa Cha đã trao quyền và không ai có thể khuất phục.
Trái với những đặc điểm của một vương quốc thế trần, vốn hệ tại ở sự rộng lớn lãnh địa hay sức mạnh quân sự trên toàn dân, vương quốc của Đức Kitô là vương quốc phổ quát và không có yếu tố cai trị đàn áp. Những thành viên của vương quốc này không phải là binh lính, nô lệ hay thần dân, nhưng là các tư tế (c.6) được kêu gọi, cùng với của lễ đời mình, dâng hiến những hy lễ đẹp lòng Thiên Chúa, nghĩa là những việc làm của tình yêu. Đây là mệnh lệnh duy nhất mà họ nhận từ vị quân vương của mình.
Mỗi hành vi quảng đại ta làm là sự thực thi ơn gọi tư tế của mình. Vì thế, khi chịu bách hại vì Tin Mừng, chúng ta lại dâng lên của lễ đẹp lòng Thiên Chúa nhất. Chính cái chết của Chúa Giêsu minh chứng cho ta thấy rõ điều đó.
Cuối đoạn, Thiên Chúa mạc khải mình là Alpha và Omega. Đây có thể được xem như là một sự hoán chuyển văn hóa Do Thái sang Hy Lạp từ một khẳng định trong Cựu ước: “Ta là khởi nguyên, Ta là cùng tận; chẳng có thần nào hết, ngoại trừ Ta” (Is 44,6). Lịch sử thế giới là chuỗi các sự kiện trung gian: mọi sự xuất phát từ Thiên Chúa, và mọi sự rồi sẽ trở về với Người. Theo cái nhìn này, mọi thế quyền như La Mã là một sự chuyển tiếp, và cũng sẽ qua đi, ngay cả khi các Kitô hữu có phải đau khổ cùng cực; chỉ có Thiên Chúa là Vĩnh Hằng.
3. Bài Tin Mừng (Ga 18,33-37)
Phong vương cho một người nào đó để đùa cợt là một trò chơi phổ biến trong thế giới cổ thời. Một phạm nhân, sau khi bị xét xử và kết án, sẽ được khoác lên mình những huy hiệu vua chúa và bị giễu cợt như một vị vua. Cảnh huống xét xử được mô tả trong Tin Mừng Gioan hội đủ những yếu tố của một nghi lễ phong vương: trao vương miện, mặc áo cẩm bào kèm với những lời tung hô.
Đây là một sự nhại vương quyền và Đức Giêsu đã chấp nhận bởi nó diễn tả cách minh nhiên đâu là tiêu chí về quyền lực và vinh quang giữa hai thế giới đối nghịch: vương quốc từ trời và vương quốc thế trần; vị quân vương từ trời và vị quân vương thế trần. Hình ảnh tương phản này gợi cho ta hình ảnh tương phản của Con Người từ trời giá lâm và những con thú từ biển đi lên trong bài đọc 1.
Trong cảnh kết của phiên xử án (19,12-16), Philatô truyền dẫn Đức Giêsu ra ngoài và đặt Người ngồi trên một ngai tòa cao. Lúc đó là giữa ngọ, mặt trời đang rực chiếu ở đỉnh cao nhất, và trước mọi thần dân, Philatô đã chỉ vào Đức Giêsu với vòng gai đỉnh đầu và áo khoác cẩm bào quanh mình tuyên bố rằng: “Đây là vua các người”. Rõ ràng đây là giây phút phong vương, giây phút Philatô giới thiệu về một vị vua mới của vương quốc Thiên Chúa.
Cuối cùng, trên đồi Gôngôtha, vị vua Giêsu ở đó, cao trên thập giá, hai tay dang rộng, trên đầu là bảng hiệu “Giê-su Na-da-rét, Vua dân Do thái” bằng ba thứ tiếng: Do thái, Hy lạp và La tinh để mọi người ai nấy đều có thể đọc hiểu. Philatô, vị đại diện cho một vương triều hùng mạnh nhất thế gian lúc bấy giờ, một cách chính thức, đã công nhận vương quyền của Đức Kitô khi ra lệnh treo bảng hiệu này. Các thượng tế phản đối nội dung bảng hiệu, nhưng Philatô khẳng định: những gì ta viết cứ để đấy!
Qua ánh mặt trời, hào quang của vị vua chiếu tỏa sáng ngời, để mọi người cùng chiêm ngắm và tôn thờ. Người ngự đó, trên ngai thập tự, như một vị vua của một vương quốc mới, vương quốc của tình yêu, sự thật và công lý, vương quốc vĩnh hằng của Thiên Chúa, và đợi chờ con người chúng ta cất tiếng đáp lời chọn lựa của đời mình: vị quân vương nào tôi phải theo? vương quốc nào tôi nên chọn?
II. GỢI Ý SUY NIỆM
1. Muôn người thuộc mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ đều phải phụng sự Người. Quyền thống trị của Người là quyền vĩnh cửu, không bao giờ mai một; vương quốc của Người sẽ chẳng hề suy vong. Thị kiến về cuộc vinh thắng của vương quốc Con Người đã soi chiếu niềm hy vọng trên những tín hữu đang khổ đau và bị bách hại vì niềm tin của mình. Trong những thời khắc đối mặt với khổ đau, bất công, sự dữ hôm nay, thay vì chán nản bỏ cuộc, tôi có biết đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa và vương quốc của Người trong chiến thắng chung cuộc?
2. Người làm cho chúng ta trở thành vương quốc và hàng tư tế để phụng sự Thiên Chúa là Cha của Người. Những dòng chữ trong sách Khải Huyền đã vén mở cho các tín hữu cuộc vinh thắng khải hoàn cuối cùng của Đức Kitô, trong đó, thành thánh vĩnh cửu Giêrusalem trên trời sẽ quy tụ những thánh nhân của Người, để họp nhau dâng hy lễ vĩnh cửu và ca tụng Thiên Chúa. Vì thế, như là một dân tư tế, mỗi hy lễ và lời ca tụng trên Thiên Quốc mai sau là những hy lễ và lời ca tụng của các Kitô hữu hôm nay. Ý nghĩa này có giúp tôi ý thức trách nhiệm và bổn phận xây dựng Nước Chúa trong đời sống thực tại của mình hôm nay bằng những giá trị nhân văn Kitô giáo như là của lễ dâng lên Chúa mỗi ngày?
3. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi. Làm chứng cho sự thật và bước đi trong sự thật là hai thuật ngữ quen dùng của Gioan, diễn tả việc theo bước Đức Giêsu với tất cả đời mình. Một khi tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Vua, là Chúa, là Chân lý, tôi có can đảm noi gương và bước theo Người trong việc sống và làm chứng cho sự thật?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Đức Giêsu là vua, nhưng vương quốc của Người không thuộc về thế gian này, và vương quyền của Người đặt nền tảng trên sức mạnh của tình yêu và sự thật. Cộng đoàn chúng ta cùng tôn vinh Chúa Kitô là Vua vũ trụ và tha thiết cầu xin:
1. “Tôi đến trong thế gian này là để làm chứng cho sự thật”. Chúng ta cùng cầu xin cho mọi thành phần trong Hội Thánh luôn nhiệt tâm chu toàn sứ mạng làm chứng cho Thiên Chúa là sự thật tuyệt đối bằng chính đời sống gương mẫu của mình.
2. “Ai thuộc về sự thật thì nghe tiếng tôi”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa soi chiếu ánh sáng trên những người thành tâm thiện chí đang miệt mài tìm kiếm chân lý, để họ nhận biết và qui phục Đức Giêsu Kitô là vua sự thật và tình thương.
3. “Nước của tôi không thuộc về thế gian này”. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi kitô hữu luôn ý thức mình thuộc về Chúa Kitô, để khi sống giữa thế gian, họ biết sử dụng những ân huệ và khả năng Chúa ban nhằm đạt tới nước trời.
4. Chúa Kitô đã làm cho chúng ta trở nên dân tư tế của Thiên Chúa. Xin Chúa thanh luyện và ban ơn Thánh Thần giúp mọi người trong cộng đoàn chúng ta luôn hết lòng thờ phượng Chúa và nỗ lực thực thi giới răn yêu thương đối với mọi người.
Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu Kitô là Vua vũ trụ và là Đấng cứu độ chúng con. Chúa đã chịu chết và sống lại để cho chúng con được sống đời đời trong Nước Chúa. Xin nhậm lời chúng con cầu nguyện và giúp chúng con luôn sống xứng đáng là thần dân của Chúa. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.