29/11/2024

Nên tước bằng, phạt nặng người uống rượu lái xe

Mạnh tay xử nghiêm, phạt nặng hành vi say rượu lái xe là ý kiến được nhiều người đề xuất từ toạ đàm “Đã uống rượu bia thì không lái xe” tại báo Tuổi Trẻ sáng 15-11.

 

Nên tước bằng, phạt nặng người uống rượu lái xe

Mạnh tay xử nghiêm, phạt nặng hành vi say rượu lái xe là ý kiến được nhiều người đề xuất từ toạ đàm “Đã uống rượu bia thì không lái xe” tại báo Tuổi Trẻ sáng 15-11.


 

Nên tước bằng, phạt nặng người uống rượu lái xe - Ảnh 1.

Người dân nhậu tràn lan trên vỉa hè đường Bình Tiên, Q.6, TP.HCM – Ảnh: N.C.T.

Tai nạn thương tâm do người say lái xe ở ngã tư Hàng Xanh (TP.HCM) vừa qua được nhắc đến như là một nỗi đau, nhưng cũng là một liều thuốc cần cho những người cầm lái.

Vi phạm nhiều nhưng xử phạt không dễ!

Bạn đọc Chung Thanh Huy chia sẻ thực tế: chuyện “nhậu” trở thành không thể thiếu trong ứng xử giao tiếp, trong giao dịch trao đổi công việc. Có rất nhiều giao dịch công việc được trao đổi trong những bữa tiệc có bia rượu. Vào công ty mới, bên cạnh mối quan tâm về công việc, lương bổng còn bận tâm tới khoản “ăn nhậu”. Cụ thể là phải tìm hiểu xem đồng nghiệp ở đó mỗi tuần đi nhậu mấy lần (nhiều khi nhậu vì công việc), mình có đủ sức “theo” nổi không? Đi làm mà không biết nhậu, từ chối nhậu thì dễ “cách ly” khỏi tập thể, khỏi một số cơ hội công việc chung.

Tiến sĩ tâm lý Phạm Thị Thúy nêu thực tế: người ta xem rượu bia là “cứu cánh” để giải tỏa căng thẳng, khó khăn trong cuộc sống. Người ta uống trong mọi dịp, bắt đầu mọi câu chuyện, mọi trạng thái cảm xúc (vui, buồn, căng thẳng, buồn bực…).

Trung tá Nguyễn Trọng Sơn, phó Phòng CSGT đường bộ và đường sắt TP.HCM, nói về thực tế kiểm tra xử lý những hành vi vi phạm giao thông sau khi dùng đồ uống có cồn: “Người uống rượu bia nhiều, người say lái xe cũng nhiều, nhưng chuyện đo nồng độ cồn để xử phạt cũng không hề đơn giản. Nhiều người say không nhận thức chuyện mình sai. Họ sỉ nhục, phản kháng, chống đối CSGT đủ kiểu. 

Có trường hợp khi kiểm tra nồng độ cồn, đã vi phạm rồi nhưng nhất định không chịu ký biên bản, cố tình kéo dài thời gian để hơi rượu bay đi rồi đòi đo lại nồng độ. Anh em chúng tôi vẫn thường nhắc nhau phải kiềm chế cảm xúc khi làm việc với người say bởi họ thường không kiểm soát được lời nói, hành động, rất dễ gây xung đột”.

Cần phạt nặng

Bạn đọc Trần Kiêm Hạ, tài xế, cho rằng: đời cầm lái, nhiều khi vì không uống mà bị “cho ra rìa” trong những cuộc vui. Nhưng đó là công việc. Nghề lái xe không cho tài xế có cơ hội rút kinh nghiệm, có những vi phạm phải trả giá bằng sự sống và sức khoẻ của mình, của người khác, bằng những năm tháng tù tội, dằn vặt. Từ chối uống được hay không là do bản lĩnh của mỗi người. “Tôi cho rằng phạt nặng sẽ giảm tình trạng chủ quan say rượu lái xe. Vì an toàn cho mọi người, tôi tin cộng đồng sẽ ủng hộ CSGT mạnh tay làm nghiêm chuyện này” – ông Hạ nói.

Bày tỏ quan điểm về vai trò của CSGT, ông Khuất Việt Hùng, phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, nói: biểu hiện tiêu cực của một vài cá nhân CSGT đang được cộng đồng hào hứng chia sẻ quá nhiều làm ảnh hưởng đến niềm tin của người dân với lực lượng CSGT. Tình trạng chống người thi hành công vụ ngày càng phổ biến. CSGT có phần kiêng dè, mang tâm lý ngại va chạm với người vi phạm. 

“Tôi cho rằng cơ quan chức năng phải trang bị đủ quyền, phương tiện cho lực lượng bảo vệ pháp luật thực thi nhiệm vụ xử lý vi phạm. Kết quả xử phạt nghiêm những người say vi phạm giao thông sẽ là cách tuyên truyền hiệu nghiệm nhất” – ông Hùng đề xuất.

Cũng theo ông Hùng, nên công khai hình ảnh của những người uống rượu lái xe gây tai nạn hoặc có hành vi chống đối để cả xã hội lên án. Chỉ khi công khai để cộng đồng tỏ rõ thái độ mới ngăn chặn được hành vi tái phạm.

Trung tá Nguyễn Trọng Sơn đề xuất thêm: “Với người say rượu còn lái xe, tôi cho rằng chỉ có phạt nặng, tăng thời gian giam xe, tước bằng lái xe, đánh thẳng vào “nồi cơm” (không có xe thì không có phương tiện đi làm) thì người ta mới sợ mà không dám vi phạm”. Ông Sơn phân tích: “Tại sao cũng những con người đó khi ở Việt Nam thì uống rượu vẫn lái xe, còn ra nước ngoài sống thì tuyệt đối không dám, bởi đơn giản ở nước ngoài họ phạt rất nặng, rất nghiêm”.

Ngoài ra, ông Sơn cũng đặt vấn đề: quán nhậu mọc lên khắp nơi, nhậu xong người người tự lái xe về. Nên hạn chế cấp phép kinh doanh cho quán nhậu. “Không nhậu ở quán, người ta nhậu ở nhà, mà nhậu ở nhà đỡ tai nạn” – ông Sơn nói.

Bác sĩ Lê Minh Quang (giám đốc điều hành Bệnh viện quốc tế City):

Nên tước bằng, phạt nặng người uống rượu lái xe - Ảnh 2.

Bia rượu là con dao hai lưỡi

Bia rượu nếu uống vừa phải thậm chí có lợi cho sức khỏe. Do vậy, người uống nếu lạm dụng sẽ không tốt cho sức khỏe, đặc biệt có nguy cơ rất cao gây tai nạn nếu lái xe trong cơn say. Nói cách khác, bia rượu không có tội, vấn đề là uống có chừng mực và cân nhắc hành vi sau khi uống. Khi say, anh có thể đàn hát vô tư (thậm chí còn hát hay hơn bình thường) nhưng không nên điều khiển phương tiện máy móc, lái xe…

Tiến sĩ tâm lý Phạm Thị Thuý: Tăng cường nêu gương

Nên tước bằng, phạt nặng người uống rượu lái xe - Ảnh 3.

Tôi tâm đắc khẩu hiệu “Phía trước tay lái là sự sống”, nó nhắc mọi người biết dừng khi uống, lỡ uống nhiều nên cẩn trọng, không lái xe. Tôi cũng rất quan tâm chuyện “nêu gương”: trong một cơ quan, nếu lãnh đạo không uống rượu bia thì nhân viên cũng bớt nhậu nhẹt. Trong gia đình, bố mẹ không uống rượu, không say sưa bí tỉ thì dạy con cũng hiệu quả hơn.

Tôi đồng tình việc xử lý nghiêm hành vi say rượu lái xe. Nhưng quan trọng hơn là chuyện xây dựng nhận thức từng người. Bắt đầu từ đâu? Tôi cho rằng trước hết là chuyện giáo dục “yêu mình, yêu người” trong từng gia đình, trong nhà trường. “Yêu mình” tức là yêu quý bản thân, uống chừng mực, vì sức khoẻ và an toàn của chính mình. “Yêu người” tức là vì người thân, có trách nhiệm với cộng đồng để nhắc nhau uống có ý thức. Từ đó dần hình thành bản lĩnh từ chối, không lạm dụng rượu bia, không liều ra đường khi đã không còn tỉnh táo.

Diễn đàn “Đã uống rượu bia thì không lái xe” do báo Tuổi Trẻ và Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia phối hợp tổ chức, với sự đồng hành của HEINEKEN Việt Nam. Diễn đàn trên Tuổi Trẻ và Tuổi Trẻ Online (tuoitre.vn) từ ngày 23-10.

Trách nhiệm cộng đồng của doanh nhân

 

ông khuất việt hùng 3(read-only)
 

Một giải pháp khác: cần nâng cao trách nhiệm xã hội của những người kinh doanh bia rượu. “Không ai có thể bắt trói một anh say để ngăn anh ta lái xe. Nhưng điều hoàn toàn có thể làm là tìm phương tiện an toàn cho anh ta đi. Tôi ủng hộ đặt ngay trạm kiểm soát nồng độ cồn trước các quán nhậu. Chủ quán thấy khách say thì phải gọi xe ôm, taxi cho khách về. Bỏ mặc khách say khướt rồi lái xe về mà không ngăn cản cũng là một tội ác. Người kinh doanh phải quan tâm đến sức khoẻ, tính mạng của khách hàng và của cộng đồng. Các hãng bia, rượu, nhà hàng hãy tích cực chủ động gửi cho khách thông điệp “Đã uống rượu bia thì không lái xe”. Đây là trách nhiệm cộng đồng của các doanh nhân, hãy kêu gọi họ cùng chung tay góp sức!”.

Ông Khuất Việt Hùng (phó chủ tịch chuyên trách Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia)

 

M.HƯƠNG