Cô trò cùng chế tạo thiết bị giúp trẻ bị Down học đọc
Một lần nhìn thấy một em nhỏ mắc hội chứng Down trước cổng trường, cô giáo Dương Thị Thu Hà trăn trở làm thế nào để giúp những đứa trẻ này học đọc tốt hơn, đem lại niềm vui cho trẻ?
Cô trò cùng chế tạo thiết bị giúp trẻ bị Down học đọc
Một lần nhìn thấy một em nhỏ mắc hội chứng Down trước cổng trường, cô giáo Dương Thị Thu Hà trăn trở làm thế nào để giúp những đứa trẻ này học đọc tốt hơn, đem lại niềm vui cho trẻ?
Cô Dương Thị Thu Hà (bìa phải) chia sẻ về thiết bị PSE tại lễ trao giải Tri thức trẻ vì giáo dục 2018 – Ảnh: VIỆT DŨNG
Nghĩ là làm, cô giáo Trường THPT Lê Lợi, Hà Nội này cùng hai học trò là Bùi Minh Ngọc (lớp 11 Trường THPT Lê Quý Đôn) và Bùi Khánh Vy (lớp 11 Trường THPT Lê Lợi) bắt tay thực hiện công trình sáng tạo thiết bị hỗ trợ học đọc cho trẻ Down.
“Chúng tôi nghĩ một đứa trẻ luôn có nhu cầu học đọc để làm thay đổi suy nghĩ và tư duy. Nhưng đến thực tế, chúng tôi thấy với trẻ Down cần kỹ năng sống nhiều hơn”, cô Hà chia sẻ về ý tưởng ban đầu thực hiện công trình “Thiết kế thiết bị PSE giúp cho trẻ mắc hội chứng Down học đọc thông qua các chủ đề của kỹ năng sống”.
“Thiết bị của chúng tôi giúp mang lại niềm vui cho bản thân đứa trẻ, cho phụ huynh khi nhìn thấy con em mình học được chữ cái thông qua các chủ đề kỹ năng sống”, cô nói.
“Chúng tôi muốn mang đến niềm vui cho trẻ khi tham gia hoạt động học tập, trẻ biết đọc chữ cái là tiền đề cho việc học sau này. Chúng tôi muốn giúp trẻ vận động hồn nhiên”.
Tích hợp 3 trong 1
Theo cô Hà, điểm mới trong thiết bị PSE (picture – sound – expressive) là tích hợp cả âm thanh, hình ảnh, ngôn ngữ biểu cảm, tương tác với trẻ dưới hình thức vận động trên viên sỏi một cách sinh động, hấp dẫn.
Một thiết bị PSE bao gồm tivi hoặc máy chiếu (là thiết bị đầu ra của phần mềm), máy tính (có cài đặt phần mềm PSE), thiết bị cảm ứng (gắn với thảm và tương tác cảm ứng từ xa với máy tính) và tấm thảm có gắn sỏi.
“Tấm thảm sỏi có gắn chip cảm biến cho trẻ vận động dựa trên chiều dài xương chân. Trên thảm là những viên sỏi với màu sắc khác nhau, có kích thước chừng 2cm phù hợp với kích thước bàn chân, khi trẻ di chuyển lên sỏi sẽ vừa đủ để tác động vào các huyệt đạo trên lòng bàn chân” – cô Hà giải thích tác dụng của tấm thảm sỏi.
Thiết bị PSE tích hợp ba phương pháp: học chữ cái – học kỹ năng – giúp trẻ vận động. Tương ứng có các bước hướng dẫn trẻ đọc và nhận diện chữ cái, trên màn hình tivi xuất hiện mũi tên theo bốn hướng tương ứng với bốn chữ cái. Khi đó, trẻ di chuyển theo chữ cái tương ứng trên tấm thảm.
Nếu trẻ nhảy đúng, thiết bị phát ra tiếng khen ngợi, nếu sai thì nhận lời động viên khuyến khích cho trẻ nhảy lại. Theo cô Hà, việc vận động của trẻ trên các thảm gắn sỏi theo y học phương Đông có tác dụng đến các huyệt đạo trong cơ thể của trẻ.
Tấm thảm sỏi có gắn cảm biến từ hỗ trợ trẻ Down trong quá trình vận động, kích thích huyệt đạo ở bàn chân – Ảnh: DƯƠNG TRIỀU
Nội dung chương trình học của trẻ gồm 15 chữ cái tương ứng với 15 chủ đề kỹ năng sống cần thiết cho trẻ. Lấy ví dụ với chữ cái “m” sẽ có các kỹ năng như “mặc áo”, “đội mũ”, “mang cặp sách” giúp trẻ nhận biết chữ cái này; hay chữ cái “g” tương ứng có một số kỹ năng như “gấp áo”, “gấp quần”, “gấp khăn”, “gấp váy”, giúp trẻ nhận biết chữ cái “g”.
Sau khi hoàn thành cơ bản thiết bị PSE, ba cô trò mang sản phẩm thử nghiệm với 20 trẻ mắc hội chứng Down tại làng trẻ Hoà Bình.
“Khi đến làng trẻ Hòa Bình, đa số trẻ hào hứng tham gia các hoạt động kỹ năng như đánh răng, rửa mặt, rửa tay. Cô trò tôi thấy rất thú vị, không chỉ trẻ Down thích thú, các nhóm trẻ tự kỷ và tăng động cũng xin phụ huynh nhảy vài bài nhạc ưa thích” – cô Hà chia sẻ.
Khởi nguồn từ tình thương
Vào thăm làng trẻ Hoà Bình, cô Hà chứng kiến những người mắc hội chứng Down gần 40 tuổi vẫn tập tô chữ như những đứa trẻ lên 3, cô cũng chứng kiến sự khó khăn của những giáo viên nơi đây.
Điều đó thôi thúc cô cùng hai học trò nhỏ sáng tạo ra thiết bị giúp những người mắc hội chứng Down dễ dàng học đọc, học biết các kỹ năng sống và tích hợp vận động kích thích não phát triển, giúp họ tìm được niềm vui, hứng thú trong việc học đọc.
Là cô giáo dạy môn sinh học, rất ít cơ hội được tiếp xúc với những đứa trẻ đặc biệt, cô Thu Hà tâm sự để hoàn thành sản phẩm thiết bị PSE, ba cô trò phải trải qua nhiều lần sửa chữa, thử nghiệm trên 100 kỹ năng sống.
Sau mỗi lần đến làng trẻ thử nghiệm, cô trò lại trăn trở tìm tòi ra những điểm mà trẻ chưa thích thú, cải tiến, tìm cách nào phù hợp hơn để làm sao khi bật thiết bị lên là trẻ thích thú và tương tác ngay.
Còn cô học trò Bùi Minh Ngọc kể về thử thách khó khăn nhất với nhóm là làm thế nào để gắn được những viên sỏi lên tấm thảm.
“Chúng tôi phải thử đến năm loại keo, tất cả đều thất bại. Đến khi có một thầy giáo gợi ý một loại keo có đặc tính dễ khô, nhưng loại này bắt buộc gắn nhanh mới có thể giải quyết vấn đề” – Ngọc tâm sự.
Thừa nhận việc tập trung nghiên cứu đề tài này đã “đánh cắp” rất nhiều thời gian của cô, bản thân cũng không có chuyên môn về phương pháp giáo dục đặc biệt, nhưng “các thầy cô đang giảng dạy tại các trung tâm, cơ sở giáo dục đặc biệt rất vất vả, chúng tôi muốn chia sẻ với các thầy cô” là tâm niệm mà cô Hà cùng hai học trò quyết chí thực hiện thành công đề tài.
Đoạt giải thưởng cao nhất của chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2018, cô Hà cùng hai học trò mong muốn nhận được sự góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học để hoàn thiện sản phẩm, đưa thiết bị sớm ứng dụng được cho trẻ Down.
Thời gian tới, ba cô trò cũng dự tính phát triển thiết bị này cho đối tượng trẻ chậm phát triển.
Công trình mang tính nhân văn
Công trình của cô trò cô Hà là một trong bốn công trình, sáng kiến vừa đoạt giải thưởng cao nhất kèm phần thưởng 100 triệu đồng để tiếp tục phát triển trong chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2018 do Trung ương Đoàn, Bộ Giáo dục và đào tạo, báo Tuổi Trẻ và Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức.
Bà Nguyễn Thị Nghĩa, thứ trưởng Bộ GĐ-ĐT, đánh giá công trình “Thiết kế thiết bị PSE giúp cho trẻ mắc hội chứng Down học đọc thông qua các chủ đề của kỹ năng sống” là công trình mang tính nhân văn, xuất phát từ thực tiễn trẻ khuyết tật, đặc biệt các trẻ Down, rất khó khăn trong việc đọc, viết.
“Có những người mấy chục tuổi vẫn cứ học đọc, viết chưa xong, vậy nên tôi nghĩ công trình này không chỉ mang tính đam mê khoa học mà xuất phát từ tình thương, chia sẻ, mang tính nhân văn với những người thiếu may mắn trong cuộc sống, là khía cạnh nhân văn của đề tài” – bà Nghĩa nhấn mạnh.