01/11/2024

Chúa Nhật XXXI TN B: Điều răn mới

Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình

 

CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN B (Đnl 6,2-6; Dt 7,23-28; Mc 12,28b-34)

ĐIỀU RĂN MỚI

“Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn,

hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Mc 12,29-31)

    Giữa muôn vàn điều răn, người Do Thái cảm thấy bối rối vì không thể nhớ hết, càng không thể giữ hết cách trọn vẹn nên thật khó để chọn lựa phải giữ điều nào, bỏ điều nào. Chúa Giêsu đã đưa ra một câu trả lời thoả đáng, cho vị kinh sư Do Thái, và cho các Kitô hữu mọi thời.

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. Bài đọc 1:

    Đoạn sách Đệ Nhị Luật nhắc lại cho dân Israel và con cháu bổn phận quen thuộc là kính sợ Thiên Chúa, đồng thời, tuân giữ các chỉ thị và mệnh lệnh của Ngài, thì sẽ được sống lâu (6,2), được hạnh phúc và nên đông đảo trong miền đất mà họ sắp vào chiếm hữu, miền đất tràn trề sữa và mật (6,3). Ngoài bổn phận quen thuộc đó, đoạn sách Đệ Nhị Luật còn nêu lên một bổn phận khác hoàn toàn mới mẻ, bổn phận “yêu mến Thiên Chúa”.

    Quả vậy, đối với dân Israel, kính sợ Đức Chúa là đòi buộc quen thuộc mà mọi thế hệ con cháu đều phải ghi nhớ và thực hiện (x. Xh 14,31; Đnl 5,29; 6,2.24; 10,12; 14,23; Gs 4,24; 24,14; 1 Sm 12,24…). Thiên Chúa là Đấng uy nghiêm và thưởng phạt công minh nên kính sợ Thiên Chúa là điều phải lẽ để được Người bao bọc, chở che. Vì thế, điều răn mới mẻ mà đoạn sách Đệ Nhị Luật này mở ra ở đây, sau này sẽ trở nên lời kinh căn bản mà mỗi người Israel phải lặp đi lặp lại hằng ngày: đó là lời kinh “Sơma Israel”, nghe đây hỡi Israel. Điều răn này gồm ba điều cơ bản sau.

    Thứ nhất, đây là điều răn đòi buộc mọi người Israel phải lắng nghe và tuân giữ: “Nghe đây hỡi Israel, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta là Đức Chúa duy nhất” (6,4). Đối với dân Israel, dù sống giữa những dân tộc xung quanh với tục thờ đa thần, và không ít lần họ đã bị cám dỗ chạy theo thói tục đó, thì lời kinh này một lần nữa nhắc lại điều căn cốt trước hết đối với họ là tôn thờ một Thiên Chúa duy nhất. Bất cứ một hình thức tôn thờ một thần nào khác đều là thờ ngẫu tượng và sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc.

    Thứ hai, điều răn đòi buộc dân Israel “yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em hết lòng hết dạ, hết sức anh em” (6,5). Thiên Chúa không chỉ là một Thiên Chúa uy nghiêm và công minh mà dân Israel phải kính sợ, nhưng còn là một Thiên Chúa muốn thiết lập mối tương quan với dân Người, muốn được dân Người yêu mến. Vì thế, đòi buộc yêu mến Thiên Chúa thật là một điều răn hoàn toàn mới mẻ và đề cao mối tương quan yêu thương thân tình hơn là sự sợ hãi. Hơn nữa, lòng yêu mến đối với Thiên Chúa phải được thể hiện với “hết lòng, hết sức”, nghĩa là với hết tấm lòng và toàn bộ khả năng.

    Thứ ba, điều răn này đòi buộc dân Israel phải ghi tạc vào lòng (6,6), nghĩa là không được quên hoặc bỏ sót. Phải ghi nhớ để thực hành và để truyền lại cho con cháu, dù ở bất cứ nơi nào (6,7), và phải dùng mọi phương tiện có thể như cột vào tay, mang lên trán hay viết lên khung cửa nhà và cửa thành (x. 6,8-9). Từ đây, điều răn yêu mến Thiên Chúa, một khi được ghi tạc vào lòng, phải được dân Israel ghi nhớ, tuân giữ và truyền lại cho con cháu qua mọi thế hệ.

1. Bài đọc 2:

    Tác giả thư Do Thái dùng lối so sánh giữa chức tư tế theo định chế truyền thống Lêvi và chức tư tế của Đức Kitô để làm nổi bật sự khác biệt và tính trổi vượt của chức tư tế Đức Kitô.

    Trước hết, tác giả so sánh giữa tính mau qua của chức tư tế Lêvi vì các tư tế phải chết; trái lại, chính vì Đức Kitô hằng sống muôn đời, nên phẩm vị tư tế của Người tồn tại mãi. Vì thế, Người có thể mang ơn cứu độ vĩnh viễn cho những ai thông qua Người mà được lại gần Thiên Chúa. Người hằng sống nên luôn làm trung gian chuyển cầu cho những ai đến với Thiên Chúa.

    Sau nữa, tác giả so sánh phẩm chất của các tư tế Lêvi và Đức Kitô thượng tế. Trong khi các tư tế Lêvi mang bản chất mỏng dòn, yếu đuối và có tội, nên họ phải dâng lễ đền tội cho mình trước, rồi mới dâng lễ đền tội cho dân, thì Đức Kitô thượng tế mang nơi mình những phẩm chất của một tư tế hoàn thiện như thánh thiện, vẹn toàn, vô tội, tách biệt khỏi các tội nhân và được nâng cao vượt các tầng trời. Vì thế, không như các tư tế Lêvi phải dâng đi dâng lại ngày này qua ngày khác, năm này qua năm nọ, Đức Giêsu dâng của lễ là chính bản thân mình, một của lễ vẹn toàn và đẹp lòng Thiên Chúa, nên dù Người chỉ dâng một lần nhưng hiệu quả tế lễ tồn tại đến muôn đời.

    Bằng cách so sánh, tác giả thư Do Thái cho thấy chức tư tế của Đức Kitô hoàn toàn trổi vượt chức tư tế truyền thống Lêvi cả về phẩm chất của vị tư tế, tính ưu việt của của lễ và cả hiệu quả vĩnh viễn của việc dâng lễ tế.

3. Bài Tin Mừng:

    Nhân câu hỏi của vị kinh sư, một bậc thầy về nghiên cứu và giải thích Sách Thánh, Chúa Giêsu tóm gọn rất nhiều điều luật trong Do Thái giáo thành điều răn quan trọng nhất là yêu Chúa và yêu người.

    Trước hết, yêu mến Thiên Chúa là điều răn mới mẻ trong sách Đệ Nhị Luật, theo đó Thiên Chúa đòi buộc dân Israel đi từ thái độ “kính sợ Đức Chúa” (Đnl 6,2.24; 10,12; 14,23) đến mối tương quan “yêu mến Đức Chúa” (x. Đnl 6,5; 11,1.13.22; 19,9). Thiên Chúa không chỉ là Đấng đáng tôn thờ, kính sợ mà còn là Đấng đáng mến yêu. Dẫu vậy, Chúa Giêsu còn đi xa hơn đòi hỏi của Thiên Chúa đối với dân Israel khi buộc phải yêu mến Thiên Chúa không chỉ “hết lòng, hết sức lực” (x. Đnl 6,5), mà còn phải hết linh hồn và hết trí khôn” (Mc 12,30), nghĩa là với tất cả con người.

    Hơn nữa, Chúa Giêsu xem đòi buộc “yêu người thân cận như chính mình” là điều răn thứ hai, nhưng không phải là điều răn thứ yếu, mà là điều răn gắn liền với điều răn thứ nhất là “yêu mến Thiên Chúa”. Chúa Giêsu đã khéo léo kết hợp đòi buộc “yêu mến Thiên Chúa” trong sách Đệ Nhị Luật (6,5) với đòi buộc “yêu mến người thân cận” trong sách Lêvi (19,18b) và đặt hai đòi buộc này ở cùng một cấp độ quan trọng hàng đầu.   Như thế, đối với Chúa Giêsu, tương quan chiều dọc đối với Thiên Chúa chỉ trọn, nếu “yêu mến Thiên Chúa” đòi buộc phải “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực” thì “yêu người thân cận” cũng đòi buộc phải “như yêu chính mình”.

    Sau cùng, khi lặp lại lời dạy của Chúa Giêsu về một Thiên Chúa duy nhất (Mc 12,32) và sự kết hợp giữa yêu mến Thiên Chúa và yêu người thân cận, thì cao quý hơn mọi thứ của lễ dâng theo lề luật (Mc 12,33), vị kinh sư cho thấy sự xác tín của ông nơi giáo huấn mới mẻ của Chúa Giêsu, trong đó đặt tình yêu lên hàng đầu. Khi xác tín như vậy, ông được Chúa Giêsu chứng thực là “không còn xa Nước Thiên Chúa” (Mc 12,34). Thật vậy, việc tuyên xưng đức tin vào một Thiên Chúa duy nhất chưa đủ, mà còn cần phải thực thi giới răn yêu thương trong tương quan với Thiên Chúa và tha nhân nữa. Đó mới là tiêu chuẩn của công dân Nước Thiên Chúa.

II. GỢI Ý ÁP DỤNG:

1/ Tuyên xưng Thiên Chúa là Đấng duy nhất và ngoài Người ra không có thần nào khác nữa; yêu mến Thiên Chúa với tất cả tấm lòng và khả năng, đồng thời dạy cho con cháu ghi nhớ và thực hiện qua mọi thế hệ là xác tín căn bản của mọi người dân Israel. Chỉ tôn thờ một mình Thiên Chúa và yêu mến Người với tất cả tấm lòng và khả năng cũng là nền tảng căn bản của đời sống Kitô hữu. Giữa bao nhiêu thứ thụ tạo mà con người ngày nay vẫn tôn là thần để thờ, dành mọi khả năng và sức lực để đạt được với tất cả sự say mê, thì việc tôn thờ và yêu mến chỉ một mình Thiên Chúa vẫn là một thách đố cho con người trong thời đại hôm nay. Mỗi Kitô hữu được lời Chúa hôm nay nhắc nhở để cảnh giác với mọi loại thờ ngẫu tượng.

2/ Tác giả thư Do Thái cho thấy vị thế trổi vượt của Đức Kitô thượng tế, Đấng thánh thiện, vẹn toàn, vô tội, nhưng đã chấp nhận chết để dâng của lễ là chính mình một lần duy nhất mà vĩnh viễn đem lại ơn tha tội cho những ai tin. Giờ đây Người hằng ở bên hữu Thiên Chúa để chuyển cầu hiệu quả cho những ai nhờ Người mà đến gần Thiên Chúa. Mỗi Kitô hữu đều được chuộc bằng giá máu của Đức Kitô thượng tế đổ ra để ban ơn tha tội. Những lúc yếu đuối, bất toàn, tội lỗi, người Kitô ý thức sâu xa về giá trị vô giá của máu Đức Kitô đổ ra vì mình.

3/ “Yêu mến Thiên Chúa” và “yêu người thân cận” đều là những đòi buộc của lề luật trong Cựu ước đối với dân Israel, nhưng Chúa Giêsu đã kiện toàn lề luật đó khi đặt hai đòi buộc này bên cạnh nhau và ngang hàng với nhau. Hai điều răn được kết hợp thành một điều răn duy nhất: điều răn yêu thương. Người ta không thể nói mình yêu mến Thiên Chúa mà lại không yêu thương anh chị em mình (x. 1 Ga 4,20). Mỗi người Kitô hữu đều thuộc lòng điều răn đứng đầu này và theo thánh Phaolô, chỉ cần thực hiện điều răn yêu thương này thôi thì cũng đủ cho đời sống Kitô hữu, vì “yêu thương là chu toàn lề luật vậy” (Rm 13,10).

 

III. LỜI NGUYỆN CHUNG:

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Kính mến Thiên Chúa hết lòng hết sức và yêu thương mọi người như chính mình là hai đòi hỏi không thể tách rời của giới răn quan trọng nhất. Với quyết tâm thực thi luật Chúa, cộng đoàn chúng ta cùng sốt sắng dâng lời cầu xin:

1. Hội thánh có sứ mạng loan báo và thực thi giới luật yêu thương. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các vị chủ chăn trong Hội thánh luôn nhiệt tâm chu toàn sứ mạng ấy: hết lòng thờ kính Thiên Chúa và tận tình chăm sóc đoàn chiên.

2. Hận thù, chia rẽ và bạo lực là mầm mống gây biết bao đau thương cho con người. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho các dân tộc luôn đoàn kết thuận h, cho mọi người biết yêu thương tha thứ, hầu góp phần xây dựng một thế giới h bình thịnh vượng.

3. Nhiều người trên thế giới và ngay tại Việt Nam đang trải qua khó khăn thử thách. Chúng ta cùng cầu xin cho họ nhận được sự quan tâm trợ giúp kịp thời của cộng đồng, để họ thêm xác tín rằng: mọi người luôn hiệp thông trong sự sống và tình yêu của Thiên Chúa.

4. “Mến Chúa hết lòng và yêu tha nhân như chính mình thì hơn mọi lễ vật hy sinh”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta biết liên kết hy tế bàn thờ với nỗ lực sống giới luật yêu thương trong cuộc sống hằng ngày.

Chủ tế: Lạy Chúa là Cha toàn năng, Con Một Chúa là Đức Giêsu Kitô đã dạy chúng con phải kính mến Chúa và yêu thương nhau. Xin nhận lời chúng con cầu nguyện và ban sức mạnh Thánh Thần, giúp chúng con thực hành lời Người dạy. Người hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.