24/01/2025

Chúa Nhật XXIX TN B 2018, Ngày Thế giới Truyền giáo : Loan báo Tin Mừng với giới Trẻ

Nhân ngày Thế giới Truyền giáo lần thứ 92, ĐHG Phanxicô gửi cho toàn thể Giáo Hội sứ điệp “Cùng với giới trẻ, chúng ta hãy đem Tin Mừng cho hết mọi người”.

 Chúa Nhật XXIX TN B 2018

Loan báo Tin Mừng với giới Trẻ

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Hôm nay là ngày Thế giới Truyền giáo lần thứ 92, ĐHG Phanxicô gửi cho toàn thể Giáo Hội sứ điệp “Cùng với giới trẻ, chúng ta hãy đem Tin Mừng cho hết mọi người“. Ngài đã gợi ý cho ta hiểu rằng mỗi người “là một sứ mạng” để loan báo Tin Mừng cứu độ cho thế giới hôm nay. Thật vậy, Thiên Chúa đã chọn chúng ta từ muôn thuở, đã dựng nên ta, đặt ta vào thế giới này, đã cho Con của Ngài là Ngôi Lời trở thành người đền tội cho ta, sai ta đi loan báo Tin Mừng cứu độ cùng với Con của Ngài, ban cho ta biết bao ân sủng để ta hoàn thành sứ mạng ấy.

1. Hiện trạng loan báo Tin Mừng

Trước hết, Đức Thánh Cha kêu mời chúng ta hãy nhìn vào hiện trạng thế giới và hoạt động truyền giáo của Giáo Hội để nhận ra sứ mạng cao đẹp của mình và cùng với giới trẻ loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu cho thế giới.

Trong bài huấn dụ mở đầu Thượng hội đồng Giám mục về giới trẻ bắt đầu từ ngày 3 tháng 10 vừa qua, ĐTC đã mời gọi các nghị phụ “hãy can đảm nói thẳng, hãy lắng nghe người khác, hãy biết phân định, vượt thắng những thành kiến, tuyệt đối tránh xu hướng giáo sĩ trị, tự mãn, tự phụ và hãy làm tươi nở hy vọng”.

ĐTC mời gọi chúng ta trước hết hãy nhìn vào tình trạng của thế giới, của Giáo Hội hiện nay để nhận ra người ta đang đói khát Tin Mừng như thế nào và chúng ta phải phân định để biết mình cần phải làm gì.

Tôi đã có hơn 20 lần công tác ở nước ngoài. Sang các nước Âu Châu, rất nhiều ngôi thánh đường lớn, (có thể nói lớn gấp nhiều lần ngôi thánh đường nhỏ bé của mình đây), nhưng nhìn vào những thánh lễ cử hành, người ta không thấy giới trẻ đâu cả, chỉ lèo tèo vài chục người cao tuổi trong một góc nhỏ của nhà thờ, vị linh mục dâng thánh lễ trên bàn thờ phụ. Người ta không cử hành thánh lễ ở bàn thờ chính, vì tiền sưởi ấm cả nhà thờ rất mắc, tốn điện, tốn rất nhiều thứ mà lại không có ai tham dự. Ngay cả đền thờ thánh Phêrô ở Rôma, vào đúng ngày 2 tháng 11, lễ lớn như vậy mà cũng chỉ vài ba chục người tham dự, trong khi 3, 4 ngàn người đi rảo quanh lòng đền thờ để ngắm các tượng và hoạ phẩm!

Vì thế, ĐTC mời gọi chúng ta hãy cùng với giới trẻ đem Tin Mừng cho mọi người. Tại sao? Vì nhiều người lớn chúng ta đang loan báo Tin Mừng một mình, bỏ quên người trẻ. ĐTC cũng mời gọi chúng ta, nhất là các giám mục, linh mục, hãy vượt qua xu hướng giáo sĩ trị, bởi vì hình như các vị ấy cứ chỉ thị cho người khác phải loan báo Tin Mừng kiểu này kiểu nọ mà quên đi rằng cần phải lắng nghe Chúa Thánh Thần để gặp gỡ được chính Đức Giêsu. Tìn Mừng là của Chúa Giêsu chứ không phải của ai khác!

Nhìn vào Giáo hội Việt Nam hiện nay, rất nhiều người vẫn hãnh diện rằng còn rất đông tín hữu tham dự thánh lễ, còn nhiều ơn gọi làm linh mục và tu sĩ, nhiều dòng tu nước ngoài đến Việt Nam để tìm ơn gọi. Nhưng, chính Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, đã nói trước mặt ĐTC Phanxicô vào ngày 5/3/2018, khi Hội đồng Giám mục Việt Nam gặp ĐTC trong dịp đi Ad Limina,: “Thưa ĐTC, Giáo hội Việt Nam chúng con đang rơi vào cuộc chiến an thân, số tín hữu Công giáo Việt Nam vẫn giữ nguyên từ nhiều chục năm nay”. Thật ra theo thống kê tính từ năm 1885 đến nay, người tín hữu Việt Nam vẫn giữ nguyên tỷ lệ khoảng 7% dân số, không tăng được 1% nào: so với lúc vừa mới hết bị bách hại (1885), lúc đó vẫn còn khoảng 8,0% dân số Công giáo.

Người ta quên mất người trẻ. Một số hoạt động của các hội đoàn như Thiếu nhi Thánh Thể, Hùng tâm Dũng chí, Giới trẻ Con Đức Mẹ, … không thu hút được các người trẻ. Trong những thánh lễ, bí tích, đời sống xứ đạo… người ta không quan tâm đến người trẻ đang cần gì, đang gặp những nguy hiểm nào, để đào tạo, huấn luyện cho họ. Người ta vẫn giữ nguyên những bài giáo lý, những kiểu sinh hoạt vui chơi, những kiểu băng reo, cắm trại trước đây 40-50 năm mà tôi đã từng tham dự. Đi một lần thì vui, lần thứ hai thấy chán, lần thứ ba thì ngán! Nói thẳng nói thật thì nhiều vị lãnh đạo mất lòng!

2. Vài yêu cầu cần thiết

ĐTC mời gọi chúng ta phải phân định: “Phân định không phải là một khẩu hiệu quảng cáo, cũng không phải là mode của triều đại giáo hoàng này, nhưng là một thái độ nội tâm ăn rễ sâu trong một hành vi đức tin. Phân định là phương pháp, đồng thời là mục đích chúng ta nhắm tới, nó dựa trên xác tín rằng Chúa đang hoạt động trong lịch sử thế giới, trong các biến cố của cuộc sống, nơi những người chúng ta gặp và họ nói với chúng ta. Vì thế, chúng ta được kêu gọi đặt mình lắng nghe điều Chúa Thánh Thần soi sáng cho chúng ta trong những thể thức và trong những đường hướng mà nhiều khi chúng ta không lường trước được. Phân định cần không gian và thời gian.“. Vì thế, ĐTC quy định trong mỗi cuộc họp trong Thượng hội đồng này, cứ 5 bài phát biểu thì tất cả các nghị phụ và những người họp giữ thinh lặng khoảng 3 phút để đi vào chiều sâu và lãnh hội những gì gây ấn tượng cho mình hơn cả. Sự chú ý nội tâm này là chìa khoá để thể hiện hành trình nhận thức, giải thích và chọn lựa.

Mỗi người chúng ta cũng được mời gọi để phân định cuộc sống của mình, hành vi của mình để cùng cộng tác với người trẻ loan báo Tin Mừng cho thế giới. ĐTC mời gọi chúng ta hãy vượt thắng những thành kiến, tránh tự mãn, tự phụ và hãy giúp cho người trẻ cùng với chúng ta mơ ước, hy vọng và mở ra những chân trời mới.

Chúng tôi muốn chia sẻ với anh chị em một kinh nghiệm với giới trẻ mà một số người cùng với chúng tôi vừa mới trải qua vào sáng nay nhân ngày Thế giới Truyền giáo. Chúng tôi dẫn đoàn bác sĩ, nha sĩ đến trường Mẫu giáo Thanh Lịch ở quận 9, của Tu hội Bác ái Cao Thái, để khám sức khoẻ, khám chữa bệnh, khám chữa răng, phát thuốc cho khoảng gần 1000 người, trong đó có vài trăm em khiếm thị của mái ấm Nhật Hồng, các học sinh trong những lớp học tình thương ở quận Thủ Đức, khoảng hơn 600 đồng bào Công giáo nghèo ở các xứ chung quanh quận 9. Cùng hoạt động với chúng tôi hôm nay có 34 bác sĩ ở các bệnh viện khác nhau, hơn 30 nha sĩ với một dàn 10 ghế nha, 16 dược sĩ, các bác sĩ Đông y, Cơ xương khớp 15 người, các điều dưỡng của các bệnh viện (khoảng 20 người) và một số chuyên viên để siêu âm, đo điện tim, phụ khoa. Tổng cộng 168 người phục vụ, trong số đó phần lớn là những người trẻ và chỉ có 15% là người Công giáo.

Chúng tôi hiểu được rằng tất cả có cùng một mơ ước, cùng chung một niềm hy vọng, đó là phục vụ những con người khốn khổ, bệnh tật, nghèo đói quanh ta. Chúng tôi cùng muốn cho những con người đó khoẻ mạnh hơn, sống tốt đẹp hơn nên chúng tôi liên kết với nhau. Đó là kinh nghiệm mà tôi hiểu được rằng ĐTC kêu gọi chúng tôi hãy cùng với người trẻ đem Tin Mừng cứu độ cho mọi người.

Chúng tôi cảm nghiệm được Tin Mừng thực sự như thế nào. Đó là những gói xôi, những tấm bánh mì, những chai nước uống và cả ngàn người được chia sẻ. Đó là những viên thuốc, những bộ quần áo, những túi gạo mà những ân nhân mang đến cho người bệnh, người nghèo. Đó là cả trăm bác sĩ sẵn sàng hy sinh một ngày nghỉ để phục vụ những bệnh nhân.

Khi có 15 người bị nhiễm HIV đột ngột đến khám bệnh, chúng tôi cố gắng thu xếp để cho họ được khám mà không lây nhiễm cho người khác. Chúng tôi dự định trình diễn xiếc, ảo thuật để giúp vui cho các em và mọi người, nhưng hôm nay tôi xin hai nghệ sĩ không thực hiện xiếc và ảo thuật bởi vì có hơn 100 em khiếm thị ở trường Nhật Hồng. Nếu chúng tôi diễn thì các em ấy sẽ bị xúc phạm vì không nhìn thấy, rồi những tiếng trầm trồ, cười nói của những người khác sẽ làm cho các em đau khổ bởi tật nguyền của mình. Các nghệ sĩ đã vui vẻ chấp nhận lời đề nghị và cùng đồng cảm với các em.

Lời kết

Đó là bài học chúng tôi cảm nghiệm được trong Ngày Thế giới Truyền giáo về Tin Mừng cứu độ. Chúng tôi hiểu được rằng Chúa Giêsu đang hiện diện ở giữa chúng tôi, Người đang làm phép lạ hoá bánh ra nhiều, chữa lành bệnh nhân và nâng cao giá trị con người. ĐTC muốn chúng ta hãy cùng với giới trẻ đem Tin Mừng cứu độ đó cho hết mọi người.