27/11/2024

Tan nát rừng phòng hộ Sóc Sơn

Bên cạnh những công trình sai phạm nhiều năm nay chưa xử lý thì tại nhiều khu vực quy hoạch rừng phòng hộ thuộc các xã Minh Trí, Minh Phú (H.Sóc Sơn, Hà Nội) hiện nay có thể ví như một đại công trường.

 

Tan nát rừng phòng hộ Sóc Sơn

Bên cạnh những công trình sai phạm nhiều năm nay chưa xử lý thì tại nhiều khu vực quy hoạch rừng phòng hộ thuộc các xã Minh Trí, Minh Phú (H.Sóc Sơn, Hà Nội) hiện nay có thể ví như một đại công trường.

 

 

 

Khu sinh thái có tên Thiên Phú Lâm ở gần hồ Đồng Đò 
được xây dựng trên đất rừng phòng hộ đặc dụng của xã Minh Trí 
 ///  Ảnh: Sơn Quân

Khu sinh thái có tên Thiên Phú Lâm ở gần hồ Đồng Đò được xây dựng trên đất rừng phòng hộ đặc dụng của xã Minh Trí  ẢNH: SƠN QUÂN

 

 
“Đại công trường” giữa rừng phòng hộ
 
 
Tan nát rừng phòng hộ Sóc Sơn - ảnh 1
 
Để xây những biệt thự như thế này phải mất cả ngàn mét vuông, nhân với số tiền là ra cả tỉ, chục tỉ đồng thì dân địa phương 
làm gì có, đa phần là dân ở Hà Nội lên
Tan nát rừng phòng hộ Sóc Sơn - ảnh 2
 
Ông Dương Văn Chuốt (69 tuổi, xã Minh Trí, H.Sóc Sơn)
 

Rừng phòng hộ Sóc Sơn trải rộng trên địa bàn 11/26 xã, thị trấn thuộc H.Sóc Sơn. PV Thanh Niên ghi nhận thực tế ngày 18.10 tại hồ Đồng Đò (thôn Minh Tân, xã Minh Trí) có một công trình thuỷ lợi nằm sâu trong vùng quy hoạch rừng phòng hộ. Nơi đây như một đại công trường bởi hàng chục căn biệt thự, khu nghỉ dưỡng đang trong quá trình hoàn thiện hoặc đang xây dựng.

Đường vào thôn Minh Tân dọc theo hồ Đồng Đò với chiều dài khoảng 3 km ngổn ngang vật liệu xây dựng, các xe vận tải vận chuyển vật liệu vẫn chạy ầm ầm. Hai bên hồ là dãy các công trình kiên cố, lưng tựa vào núi, mặt hướng ra hồ.
 
Chủ các công trình này đã cho máy móc san bạt núi, như Hoàng Lê Gia Garden, một quần thể kiến trúc rộng hàng ngàn mét vuông bao gồm nhiều tòa nhà kiên cố cao 2 – 3 tầng, có đường nội bộ, sân vườn, tiểu cảnh… Chủ khu đất còn bạt núi để làm kè đá ta luy trên sườn núi và trồng cây để chống sạt lở. Chưa hết, tại hồ Đồng Đò còn có những công trình mọc ngay giữa hồ, chủ công trình này đã làm kè bê tông và cho xe đổ đất lấn ra hồ với chiều dài cả trăm mét.
 

Tan nát rừng phòng hộ Sóc Sơn - ảnh 3

Khu sinh thái có tên Thiên Phú Lâm ở gần hồ Đồng Đò được xây dựng trên đất rừng phòng hộ đặc dụng của xã Minh Trí

ẢNH: SƠN QUÂN

 
 
Càng đi sâu vào bên trong hồ Đồng Đò, mức độ san núi và lấp hồ diễn ra phổ biến với mức độ khủng khiếp. Có những đoạn, hồ Đồng Đò dường như đã bị lấp hẳn và trên đó mọc lên các công trình xây dựng, đa phần là nhà ở kiên cố. Tại khu vực đồi Mang Cá, khu vực nằm cuối hồ Đồng Đò đã bị san bạt thành những mặt phẳng rộng cả ngàn mét vuông. Tại đây, có cả điện lưới cao thế được kéo lên để phục vụ dân sinh sau này.
Nhà của “dân Hà Nội”
 
 
Theo một lãnh đạo H.Sóc Sơn, theo rà soát của huyện thì chưa hộ sử dụng đất nào ở khu vực ven hồ Đồng Đò được cấp sổ đỏ, kể cả công trình có tên Hoàng Lê Gia Garden được xây dựng hoành tráng ven hồ.
Vị lãnh đạo UBND H.Sóc Sơn còn khẳng định đã chỉ đạo dừng tất cả hoạt động xây dựng các công trình quanh khu hồ Đồng Đò. Tuy nhiên, ghi nhận ngày 18.10, chúng tôi vẫn thấy máy móc, công nhân xây dựng thi công xây dựng nhiều công trình ở ven hồ Đồng Đò. Thấy vậy, vị này bối rối trả lời sẽ cho kiểm tra lại.
 

Tại xã Minh Phú, các hoạt động xâm lấn rừng phòng hộ diễn ra phổ biến tại khu vực lâm trường, với hàng chục căn biệt thự, nhà nghỉ cuối tuần, các dự án du lịch… Đây cũng là nơi có công trình nhà ở của ca sĩ Mỹ Linh.

Theo ông Dương Văn Chuốt (69 tuổi, xã Minh Trí), các hoạt động san núi, lấp hồ ở thôn Minh Tân diễn ra ồ ạt từ giữa năm 2017 cho đến nay. Hiện đất ở hồ Đồng Đò, Minh Tân cũng như Minh Phú đang được các cò đất hét với giá từ 3 – 5 triệu đồng/m2 tùy theo vị trí. “Để xây những biệt thự như thế này phải mất cả ngàn mét vuông, nhân với số tiền là ra cả tỉ, chục tỉ đồng thì dân địa phương làm gì có, đa phần là dân ở Hà Nội lên”, ông Chuốt cho hay.
 
Dẫn Thanh Niên đi khảo sát tại 2 xã Minh Trí và Minh Phú, ông Lê Duy Kiên (44 tuổi, thôn Lập Trí, xã Minh Trí) cũng cho biết chủ các biệt thự, nhà nghỉ cuối tuần này đều là các “đại gia” ở Hà Nội. Ông Kiên nêu tên không ít người là quan chức của xã và H.Sóc Sơn hoặc làm trong các cơ quan nhà nước ở Hà Nội, nhưng PV chưa nêu vì chưa đủ điều kiện xác minh.
 
Ông Dương Văn Nhuận, Chủ tịch UBND xã Minh Trí, thừa nhận có hiện tượng xẻ thịt rừng phòng hộ để xây biệt thự, nhưng ông phân bua rất khó xử lý bởi “tính chất lịch sử”. Theo ông Nhuận, từ những năm 1980, người dân đã vào sinh sống, làm nhà ở tại hồ Đồng Đò nhưng gần đây nhà nước mới có quy hoạch rừng phòng hộ.
 
Có thể đề nghị công an vào cuộc

Tan nát rừng phòng hộ Sóc Sơn - ảnh 4

Biệt thự của ca sĩ Mỹ Linh được chỉ rõ sai phạm nhiều năm nhưng chưa bị xử lý

 
Chiều 18.10, một lãnh đạo UBND H.Sóc Sơn cho biết đã báo cáo đề nghị lãnh đạo đình chỉ điều hành công việc của Chủ tịch xã Minh Phú để ông này tập trung xử lý vấn đề xây dựng trái phép trên đất rừng phòng hộ đặc dụng tại địa bàn. Đồng thời, đề nghị kỷ luật Chủ tịch xã Minh Phú vì để xảy ra sai phạm gây bức xúc trên địa bàn.
 
Cũng theo vị này, diện tích đất rừng phòng hộ đặc dụng tại xã Minh Phú do quyền quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ đặc dụng Hà Nội thuộc Sở NN-PTNT. Ban quản lý này giao đất lại cho các hộ dân rồi các hộ dân tự ý chuyển nhượng cho những người khác nhiều lần. Chính quyền địa phương cấp xã có xác nhận việc chuyển nhượng này. UBND H.Sóc Sơn đang chỉ đạo làm rõ việc xác nhận chuyển nhượng này của cấp xã là đúng hay sai để xử lý, quy rõ trách nhiệm. Không loại trừ khả năng, sau khi có kết quả thanh tra vụ này sẽ chuyển hồ sơ đề nghị cơ quan công an vào cuộc.
 
Tan nát rừng phòng hộ Sóc Sơn - ảnh 5

Tan nát rừng phòng hộ Sóc Sơn - ảnh 6

Các công trình nguy nga khu vực hồ Đồng Đò

 
Còn tại xã Minh Trí, nói về những ngôi biệt thự nguy nga mọc lên ven hồ Đồng Đò, xã Minh Trí, vị lãnh đạo trên cho hay thực tế là có người dân đã sinh sống ven hồ trước khi khu vực này được quy hoạch là rừng phòng hộ đặc dụng dù số lượng không nhiều.
 
Năm 2008, khu vực hồ Đồng Đò được phê duyệt thuộc rừng phòng hộ đặc dụng. Bên cạnh đó, từ năm 2002, dự án xây dựng công trình chứa nước Đồng Đò, thôn Minh Tân đã được thu hồi giải phóng mặt bằng nhưng UBND xã Minh Trí, UBND H.Sóc Sơn không lưu giữ hồ sơ. Dự án công trình thủy lợi hồ chứa nước Đồng Đò không có các mốc giới xác định cắm ngoài thực địa nên không xác định được ranh giới sử dụng đất của các hộ tiếp giáp với hồ. Do đó không có cơ sở xác định việc lấn chiếm hồ Đồng Đò, không có cơ sở thiết lập hồ sơ vi phạm theo quy định.
 
Tuy nhiên, vị lãnh đạo UBND H.Sóc Sơn không phủ nhận trách nhiệm của chính quyền địa phương khi để xảy ra tình trạng san lấp mặt hồ, lấn ven hồ để xây dựng biệt thự.
 
Vì sao không xử lý được vi phạm ?

Tan nát rừng phòng hộ Sóc Sơn - ảnh 7

Năm 2016, PV Thanh Niên đã thâm nhập thực tế phản ánh tình trạng rừng phòng hộ Sóc Sơn bị “băm nát”

 
Ngày 17.4.2006, Thanh tra Chính phủ đã có Kết luận số 754 đối với việc mua, bán đất rừng trái phép diễn ra tại 9 xã có rừng và Lâm trường Sóc Sơn (nay đã giải thể), yêu cầu UBND H.Sóc Sơn kiểm điểm trách nhiệm của UBND các xã có rừng và lãnh đạo Lâm trường Sóc Sơn để xảy ra tình trạng chuyển nhượng và xây dựng trái phép trên đất rừng đã được quy hoạch; đồng thời rà soát các trường hợp đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) vào đất quy hoạch rừng phòng hộ, rừng đặc dụng ở khu vực bị thanh tra, điều chỉnh đúng hạn mức trước đây đã cấp sổ đỏ vượt qua với quy định; thu hồi toàn bộ diện tích cấp đất ở không đúng, trong đó có 47 hộ nhận khoán vườn quả của Lâm trường Sóc Sơn.
 
Theo kết luận của Thanh tra Sở TN-MT Hà Nội, sau khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ, UBND H.Sóc Sơn đã phối hợp với Sở TN-MT bóc tách được 974,21 ha đất ở của các hộ gia đình, cá nhân sử dụng trước ngày 15.10.1993 nằm trong vùng trùng lấn với quy hoạch rừng năm 1998 được UBND TP phê duyệt; lập bản đồ trùng lấn quy hoạch rừng năm 1998 do quy hoạch rừng trùng các khu dân cư có trước năm 1983 (dân có trước, rừng có sau), sau đó đã điều chỉnh, bóc tách phần đất đã rõ nguồn gốc này của dân ra khỏi quy hoạch.
 
Cùng với đó, Sóc Sơn cũng đã cấp sổ đỏ cho 229 hộ gia đình, cá nhân trên diện tích rừng phòng hộ và rừng đặc dụng, trong đó có 123 sổ đỏ nằm trên diện tích rừng phòng hộ do Công ty TNHH MTV đầu tư và phát triển nông nghiệp Sóc Sơn quản lý. Số sổ đỏ này được cấp quá so với diện tích quy định (tối đa 400 m2), Thanh tra Chính phủ yêu cầu hiệu chỉnh, nhưng đến năm 2013 Sóc Sơn mới hiệu chỉnh được 32 sổ, tiến độ được cho là rất chậm. Đến nay, Sóc Sơn chưa có cập nhật mới về việc hiệu chỉnh số sổ đỏ này. Các công trình gây tranh cãi như nhà ca sĩ Mỹ Linh nằm trong diện này (ca sĩ Mỹ Linh được cấp sổ đỏ trên diện tích 600 m2).
 
Kết quả thanh tra của Sở TN-MT cũng cho thấy có những hộ dân được cấp sổ đỏ trên diện tích hàng nghìn mét vuông. Đơn cử tại xã Minh Phú (đất Lâm trường Sóc Sơn cũ được giao quản lý, hiện nay do BLQ rừng đặc dụng và rừng phòng hộ Hà Nội, Sở NN-PTNT quản lý), hộ ông Ngô Văn Cam, được giao diện tích 126 ha rừng, tự ý xây dựng công trình diện tích 1.200 m2, nhà hàng, nhà nghỉ 4 tầng kiên cố. Ông Cam cho biết được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 1.200 m2 (vi phạm, vì tối đa được cấp là 400 m2); hộ ông Đặng Phan Cường – được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 4.984 m2 đất ở, ông xây dựng nhà 2 tầng kiên cố; ông Vũ Văn Tụng, nguyên Phó giám đốc Lâm trường Sóc Sơn được cấp sổ đỏ 4.342 m2 đất ở; sau đó H.Sóc Sơn điều chỉnh sổ đỏ của ông xuống 400 m2 đất ở, còn lại là đất vườn rừng tự nhiên, nhưng sau đó ông Tụng vẫn sử dụng sổ đỏ cũ cấp năm 1997 với toàn bộ diện tích trên là đất ở.
 
Cũng như Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Sở TN-MT kết luận Công ty TNHH MTV đầu tư và phát triển nông lâm nghiệp Sóc Sơn đã thiếu sâu sát trong quản lý, để khu dân cư lâm nghiệp xây dựng nhà văn hóa, sân thể thao trên diện tích 3.000 m2, để các hộ gia đình mua bán chuyển nhượng đất lâm nghiệp, tự chuyển đổi mục đích sử dụng và xây dựng nhà ở, sân, hàng rào kiên cố.
 
Hôm qua, ông Phạm Xuân Phương, Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn cho biết tình trạng xâm lấn rừng phòng hộ đã tồn tại từ rất nhiều nhiệm kỳ trước đây. Việc xử lý tồn tại chưa dứt điểm, theo ông Phương, có nhiều lý do: “Nguồn gốc đất chưa rõ ràng, vì có lịch sử là dân vào ở trước, đất rừng có sau. Năm 1985 tôi đang là cán bộ Sở Tư pháp Hà Nội, được đặc trách theo dõi Sóc Sơn, tôi đã lên và lúc đó toàn bộ là đồi trọc, chưa có rừng. Sau đó mới kêu gọi người dân một số xã lên làm kinh tế mới, người ta trồng rồi mới thành rừng. Ranh giới giữa rừng và đất người dân lên khai hoang làm kinh tế là chưa rõ. Qua sự việc này, chúng tôi mong muốn các cấp cũng sẽ ngồi lại để có một phân định rạch ròi để người dân đỡ khổ mà chính quyền quản lý cũng dễ”.
Thái Sơn – Lê Quân – Vũ Hân

 

THÁI SƠN – LÊ QUÂN – VŨ HÂN