25/12/2024

Sứ điệp ĐTC nhân Ngày Lương thực Thế giới

ĐTC kêu gọi các chính quyền, các tổ chức và mọi người gia tăng gấp đôi nỗ lực để không một ai bị thiếu lương thực cần thiết, về lượng cũng như về phẩm.

 Sứ điệp ĐTC nhân Ngày Lương thực Thế giới

 

 

Ngày Lương thực Thế giới tại FAO (ANSA)

ĐTC kêu gọi các chính quyền, các tổ chức và mọi người gia tăng gấp đôi nỗ lực để không một ai bị thiếu lương thực cần thiết, về lượng cũng như về phẩm.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong sứ điệp gửi đến Giáo sư José Graziano de Silva, Tổng Giám đốc Tổ chức Lương nông Quốc tế, gọi tắt là FAO, nhân Ngày Lương thực Thế giới, cử hành hôm 16-10-2018.

Nạn đói trở nên trầm trọng hơn

Trong sứ điệp, ĐTC báo động vì số người đói trên thế giới lại tiếp tục gia tăng, trong khi tình liên đới quốc tế dường như đang trở nên nguội lạnh. Và rất tiếc là những giải pháp kỹ thuật và các dự án, kể cả những dự án tinh vi nhất, không có khả năng đối phó với sự buồn sầu và cay đắng của những người đang chịu đau khổ vì không thể nuôi sống bản thân đầy đủ và lành mạnh.

Cần động viên đạt tới mục tiêu xoá đói vào năm 2030

ĐTC nhắc đến đề tài Ngày Thế giới về Lương thực năm nay là “Những hành động của chúng ta là tương lai của chúng ta. Một thế giới không còn người đói vào năm 2030 là điều có thể”, chủ đề này là một lời kêu gọi cấp thiết trách nhiệm của tất cả những tác nhân chia sẻ đối tượng trong chương trình hành động cho tới năm 2030 về sự phát triển dài hạn, một lời mạnh mẽ kêu gọi hãy ra khỏi tình trạng “ngái ngủ” thường làm cho chúng ta bị tê liệt và bị cản trở. Ngày này không phải chỉ là thêm 1 ngày lương thực, trong đó chúng ta thu thập các thông tin hoặc thoả mãn sự hiếu kỳ của chúng ta..

ĐTC viết: “Chúng ta thông thể yên hàn vì đã đương đầu với những hoàn cảnh khẩn trương và những tình trạng tuyệt vọng của những người túng thiếu. Tất cả chúng ta đều được mời gọi đi xa hơn nữa. Chúng ta có thể và phải làm hơn nữa cho những người kém may mắn, bị thiệt thòi. Điều này phải tiến tới hành động để nạn đói hoàn toàn bị tiêu diệt. Nó cũng đòi phải có những chính sách cộng tác phát triển, hướng về những nhu cầu cụ thể của những người túng thiếu, như chương trình hành động 2030 của Liên Hiệp Quốc đã chỉ rõ.”

Cần đi từ các tuyên ngôn đến thực hành

ĐTC cũng nhấn mạnh: “Điều không thể thiếu được là, để đương đầu hữu hiệu với những nguyên nhân gây nên nạn đói, không phải những tuyên ngôn long trọng có thể vĩnh viễn xoá bỏ tai ương đói kém. Cuộc chiến đấu chống nạn đói quyết liệt đòi phải có sự tài trợ quảng đại, loại bỏ các hàng rào thương mại, và nhất là gia tăng khả năng phục hồi đứng trước sự thay đổi khí hậu, những cuộc khủng hoảng kinh tế và những cuộc xung đột chiến tranh.”

ĐTC đưa ra nhận xét: “Có thể có người nói rằng chúng ta còn 12 năm nữa để thực hiện chương trình xoá bỏ nạn đói vào năm 2030, nhưng người nghèo không thể chờ đợi. Tình trạng thảm thương của họ không cho phép họ chờ đợi như vậy. Vì thế, cần cấp thiết hành động, có phối hợp và có hệ thống…”

Cần có những quyết tâm chính trị


“Chúng ta có những phương thế thích hợp và một khuôn khổ tham chiếu để những lời đẹp đẽ và những ý định tốt lành được biến thành một chương trình hành động thực sự, dẫn tới cao điểm là bài trừ được nạn đói trong thế giới ngày nay. Để làm cho chương trình ấy trở thành thực tại, cần có sự hiệp sức, cần tâm hồn cao thượng và mối quan tâm liên lỉ quyết liệt coi vấn đề của người khác cũng là của mình. Tuy nhiên, cũng như trong các vấn đề lớn của nhân loại, thường thường chúng ta gặp phải những chướng ngại hết sức lớn lao, những hàng rào không thể tránh được, kết quả của những thái độ không quyết định hoặc chậm trễ, thiếu quyết tâm của các giới hữu trách chính trị, bao nhiêu lần họ chỉ bận tâm đến những lợi lộc tranh cử hoặc bị mắc kẹt vì những ý kiến sai lệch, coi rẻ hoặc hẹp hòi. Thực sự là thiếu ý chí chính trị.”

Cần có những xác tín về luân lý đạo đức


Về điểm này, ĐTC nhấn mạnh: “Cần phải thực sự muốn chấm dứt nạn đói, và điều này, xét cho cùng và trên hết, không thể thực hiện được nếu không có xác tín về luân lý đạo đức, là điều chung cho mọi dân tộc và các quan điểm tôn giáo khác nhau, đặt thiện ích toàn diện của con người ở trung tâm bất kỳ sáng kiến nào, và hệ tại làm cho tha nhân điều mà chúng ta muốn được làm cho chính chúng ta. Đây là một hành động dựa trên tình liên đới giữa tất cả các dân nước và là những biện pháp biểu lộ cảm thức của dân chúng.” (Rei 16-10-2018)
 
 
 

G. Trần Đức Anh OP