TPHCM sẽ ‘phạt nguội’ hành vi xả rác, tiểu bậy
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Huỳnh Cách Mạng cho biết sẽ giao thẩm quyền kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính đối với các hành vi xả rác nơi công cộng cho các đội quản lý trật tự đô thị và đội thanh tra xây dựng địa bàn.
TPHCM sẽ ‘phạt nguội’ hành vi xả rác, tiểu bậy
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Huỳnh Cách Mạng cho biết sẽ giao thẩm quyền kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính đối với các hành vi xả rác nơi công cộng cho các đội quản lý trật tự đô thị và đội thanh tra xây dựng địa bàn. Đồng thời, dùng hình ảnh trích xuất từ camera an ninh để “phạt nguội” các hành vi xả rác, tiểu tiện bừa bãi.
Ít phường xử phạt hành vi xả rác nơi công cộng, “tè bậy”
Ngày 14/10, HĐND TPHCM tổ chức chương trình lắng nghe và trao đổi với chủ đề “xử phạt vi phạm hành chính về môi trường ở nơi công cộng và khu dân cư: thực trạng và giải pháp”.
Tại đây, ông Trương Lâm Danh – Trưởng Ban pháp chế HĐND TPHCM cho biết, quy định pháp luật về xử phạt hành chính đối với hành vi xả rác nơi công cộng, khu dân cư đã có đầy đủ (Nghị định 155 và Nghị định 167), trong đó quy định rõ thẩm quyền xử phạt.
“Tuy nhiên, qua khảo sát thì Ban Pháp chế HĐND TPHCM thấy rất ít phường, xã, thị trấn thực hiện. Có một số ít phường phạt 4 vụ là cao nhất, còn lại chỉ phạt 1 vụ hoặc không xử phạt”, ông Danh nói.
Theo Trưởng Ban pháp chế HĐND TP, điều này thể hiện rõ cán bộ địa phương chưa nhận thức hết tầm quan trọng của việc xử phạt.
“Người đi đường quăng chai nước, vứt trái dừa, cô bán hàng rong xả thải… có ai bị xử phạt đâu. Chúng ta vô hình trung tạo điều kiện cho thói quen xả rác của một số người từ đó lây lan, không ai xử phạt thì có quyền xả rác”, ông Danh nói.
Theo Trưởng Ban pháp chế, vấn đề ô nhiễm môi trường càng trở nên trầm trọng nếu cơ quan thẩm quyền không kiên quyết xử phạt các hành vi xả rác ra môi trường song song với công tác tuyên truyền.
Tại chương trình, cử tri khắp thành phố cũng phản ánh thực trạng xả rác bừa bãi tại địa phương và đề xuất các giải pháp chấn chỉnh tình trạng này.
Cử tri Đinh Văn Huệ cho biết, việc vi phạm ô nhiễm môi trường ở khu dân cư đã gây bức xúc như phóng uế, tiểu tiện bừa bãi, xả rác… Tại nơi ông sinh sống, chính quyền địa phương từng trả lời với người dân rằng do thiếu người nên không có khả năng xử phạt.
Theo ông, hành vi xả rác vào sáng sớm hoặc ban đêm rất khó bị phát hiện, người vãng lai vứt rác cũng khó bắt xử phạt. Do đó, ông kiến nghị nghiên cứu bổ sung chức năng cho bảo vệ dân phố được lập biên bản hành vi xả rác để trình người có thẩm quyền ký quyết định xử phạt.
“Tôi đề nghị giao thêm quyền hạn cho bảo vệ dân phố lập biên bản xử phạt. Đây là lực lượng tại chỗ và không tăng biên chế”, ông Huệ nói.
Trong khi đó, cử tri Nguyễn Thanh Tú (quận Gò Vấp) cho rằng việc kiểm soát hành vi đổ rác là rất khó, nhất là hành vi đổ lén vào ban đêm. Do đó, ông đề nghị trích xuất hình ảnh từ camera để làm cơ sở xử phạt.
Đồng quan điểm, cử tri Lý Thúy Mai (quận 1) cho rằng hiện nay camera an ninh được lắp đặt ở nhiều nơi trên địa bàn thành phố. Đây là thiết bị hỗ trợ hữu hiệu khi trích xuất hình ảnh để làm chứng cứ xử phạt. Ngoài ra, bà đề nghị bổ sung thêm hình thức lao động công ích đối với người không có khả năng đóng phạt.
Cử tri Nguyễn Văn Sảo (quận Bình Tân) cho rằng phải có 2 hình thức xử phạt mới tăng được tính răn đe. Ngoài phạt nóng khi bắt quả tang thì phải “phạt nguội” từ hình ảnh camera an ninh. “Việc này cũng phải được duy trì chứ không làm theo thời vụ, theo mùa”, ông Sảo nói.
Trích xuất hình ảnh camera để “phạt nguội”
Bà Triệu Lệ Khánh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM cũng đánh giá nhiều nơi công cộng trên địa bàn thành phố còn mất mỹ quan do hành vi xả rác, tiểu tiện không đúng nơi quy định, thậm chí có thùng rác nhưng nhiều người thiếu ý thức vẫn bỏ rác bừa bãi ra ngoài. “Nhiều sự kiện diễn ra nơi công cộng còn phổ biến tình trạng người đi, rác ở lại”, bà Khánh nói.
Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường TPHCM Nguyễn Thị Thanh Mỹ, các hành vi vi phạm về vệ sinh môi trường nơi công cộng bị xử phạt theo Nghị định 155 năm 2016. Thế nhưng, việc triển khai thực hiện còn nhiều hạn chế, chưa nâng cao vai trò của cơ quan địa phương trong việc phát hiện, xử lý vi phạm.
Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã lập biên bản, xử phạt hơn 450 trường hợp vi phạm với số tiền phạt hơn 1,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm vẫn còn phổ biến.
Vì vậy, bà Mỹ đề xuất giao thẩm quyền kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính về vệ sinh nơi công cộng cho đội quản lý trật tự đô thị và đội thanh tra xây dựng địa bàn. Nguồn tiền xử phạt vi phạm được dùng để hỗ trợ kinh phí, duy trì hoạt động của lực lượng này.
Ngoài ra, Sở Tài nguyên – Môi trường TP cũng đề xuất cơ chế “phạt nguội” thông qua thiết bị ghi hình. Cụ thể, cơ quan chức năng địa phương được sử dụng hình ảnh trích xuất từ hệ thống camera an ninh, camera giao thông để lập biên bản vi phạm hành chính về vệ sinh nơi công cộng.
Tại chương trình, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Huỳnh Cách Mạng cho biết quy định của pháp luật về lĩnh vực bảo vệ môi trường hiện nay chưa đầy đủ, chưa đồng bộ và người dân cũng chưa hiểu hết.
Ngoài ra, lực lượng thường trực có chức năng kiểm tra xử phạt không đủ, trong khi đó hành vi xảy ra rất nhanh và có khi là buổi sáng sớm, buổi tối.
Theo ông Mạng, sau chương trình này, UBND TP sẽ giao thẩm quyền kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính đối với các hành vi xả rác nơi công cộng cho các đội quản lý trật tự đô thị và đội thanh tra xây dựng địa bàn. Sử dụng nguồn tiền phạt để hỗ trợ hoạt động lực lượng này.
Song song đó, thành phố sẽ nghiên cứu cho phép chính quyền địa phương dùng hình ảnh trích xuất từ camera an ninh để xử lý hành vi xả rác bừa bãi trong thời gian tới.
Dân trí