25/01/2025

Bài phỏng vấn về Hoạt động của Caritas Việt Nam từ 1975 đến nay

Nhân dịp kỷ niệm 10 năm Caritas Việt Nam được Chính quyền cho phép hoạt động trở lại, Uỷ ban Truyền thông Xã hội thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam có bài phỏng vấn Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, nguyên tổng Thư ký Uỷ ban Bác ái xã hội và Giám đốc Caritas Việt Nam.

 

Bài phỏng vấn về Hoạt động

của Caritas Việt Nam từ 1975 đến nay 

Nhân dịp kỷ niệm 10 năm Caritas Việt Nam được Chính quyền cho phép hoạt động trở lại, Uỷ ban Truyền thông Xã hội thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam có bài phỏng vấn Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, nguyên tổng Thư ký Uỷ ban Bác ái xã hội và Giám đốc Caritas Việt Nam. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn.

1. Caritas là gì? Hoạt động của Caritas Việt Nam từ khi thành lập đến năm 1976

Caritas theo nguyên ngữ Latinh có nghĩa là “bác ái”, yêu thương rộng rãi. Đó là tên gọi được đặt cho tổ chức quốc tế, Caritas Internationalis, và tổ chức ở Việt Nam, Caritas Việt Nam, để thực hiện các hoạt động bác ái, trợ giúp những người nghèo khổ, bệnh tật.

Tổ chức Caritas Quốc tế được thành lập năm 1951 với 146 thành viên cấp quốc gia, trụ sở ở Roma. Tổ chức Caritas Việt Nam được Hội Đồng Giám mục Miền Nam Việt Nam lập năm 1965, trụ sở ở Sài Gòn với Đức cha Phêrô Phạm Ngọc Chi làm chủ tịch. Hiện nay, tổ chức này có 162 thành viên.

Năm 1972, Đức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Chủ tịch Uỷ ban Bác ái Xã hội, phụ trách Caritas Việt Nam. Năm 1974, Cha Phêrô Trương Trãi, Gp. Nha Trang, làm Giám đốc. Năm 1975, tôi làm Phó Giám đốc.

Công việc chính của Caritas Việt Nam lúc đó là lo ổn định đời sống cho khoảng hơn 500.000 người từ khắp các nơi ở miền Trung và cao nguyên đổ về Sài Gòn. Họ cắm trại dọc theo các xứ đạo vùng Hố Nai Biên Hoà. Chúng tôi nhận nhiệm vụ lo ăn uống, thuốc men cho những người sống trong các trại tạm trú từ ngày 25/3/1975 đến ngày 28/4/1975. Cho tới nay, thú thật chúng tôi không biết gạo, thực phẩm, nước uống, thuốc men cho nửa triệu người mỗi ngày lấy từ đâu.

Nhiều người nghĩ rằng Đức cha Phanxicô Xaviê đã nhận được rất nhiều tiền và giữ nhiều cây vàng để lo cho họ. Nhưng thật ra đây là phép lạ của Chúa Quan Phòng, phép lạ của tình yêu khi đồng bào ở miền Nam chia sẻ bát cơm, manh áo, viên thuốc cho nhau trong cơn hoạn nạn.

Kể từ 30/4/1975 đến 2/9/1976, Caritas Việt Nam tập trung vào việc giúp đỡ cả triệu người, đang tạm trú ở Sài Gòn tìm sự an ninh, có được phương tiện trở về quê hương hay đi vùng kinh tế mới theo sự khuyến khích của chính quyền lúc đó. Mỗi gia đình hay nhóm gia đình đều được Caritas Việt Nam giúp đỡ gạo ăn và các đồ dùng cần thiết như chén bát, nồi, chậu… Từng nhóm lớn còn được tặng bộ đồ mộc gồm cưa tay, bào, đục, kìm, búa, đinh… để có dụng cụ làm giường tủ, bàn ghế ở nơi vùng mới đến. Nhiều nhóm nhận được cả bộ hớt tóc gồm tondeuse và kéo… Sau khi Đức Tổng giám mục Phanxicô bị chính quyền bắt giữ ngày 15/8/1975, chúng tôi vẫn còn tiếp xúc với ngài tại nhà giam ở Cây Vông, Nha Trang, để tiếp tục các chương trình cứu trợ của Caritas Việt Nam. Chúng tôi phải nhắc lại với lòng tri ân các tổ chức Caritas quốc tế đã tích cực giúp đỡ Việt Nam trong sự kiện rúng động toàn cầu từ tháng 4 năm 1975 với hàng trăm ngàn người đi tìm tự do bất chấp nguy hiểm trên mặt biển. Những chuyến tầu chở hàng cứu trợ rất lớn cập bến Đà Nẵng được Chính quyền tiếp quản.

Ngày 2/9/1976, chính quyền mời cha Trương Trãi và tôi lên họp ở Trung tâm Công giáo, với sự có mặt của Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình, Đức cha Emmanuel Lê Phong Thuận, ông Nguyễn Đình Đầu, người liên lạc với chính quyền, để thông báo chấm dứt hoạt động của Caritas Việt Nam. Các công tác xã hội lo cho đồng bào từ nay hoàn toàn do Nhà nước quản lý.

2. Caritas Việt Nam làm gì trong thời kỳ 1976-2000

Dù Caritas Việt Nam không còn được phép hoạt động chính thức, nhưng hoạt động của Uỷ ban Bác ái Xã hội trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam vẫn tiếp tục hoạt động trong âm thầm với sự quan tâm đặc biệt của các giám mục Miền Nam, sự cộng tác của Toà Thánh Vatican và các tổ chức quốc tế.

Chúng tôi trợ giúp các giáo phận sau những lần Nhà nước đổi tiền vào ngày 22/9/1975, ngày 2/5/1978 và lần cuối vào ngày 14/9/1985. Toà Giám mục, chủng viện, một vài dòng tu, người nghèo lúc đó gặp rất nhiều khó khăn và Caritas Việt Nam chia sẻ để giúp vượt qua những khó khăn đó.

Chúng tôi cũng âm thầm trợ giúp chương trình giúp đỡ đồng bào thiểu số ở giáo phận Kontum. Đức cha Alexis Phạm Văn Lộc, Giáo phận Kontum, đã cùng với chúng tôi thực hiện chương trình “đổi gùi củi lấy gùi gạo” để giúp đồng bào thiểu số nghèo khổ trong hơn 20 năm qua và chỉ kết thúc gần đây, sau cái chết của Đức cha. Nói lên điều đó để những người còn sống biết đôi nét về hoạt động của những người đã khuất.

3. Hoạt động của Uỷ ban Bác ái Xã hội từ năm 2000-2008

Trong kỳ họp tháng 10/2000, Hội đồng Giám mục Viết Nam đã quyết định thành lập Uỷ ban Bác ái Xã hội do Đức cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan, Gp. Phan Thiết, làm chủ tịch và Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn là Tổng Thư ký, để thực hiện công khai các hoạt động bác ái xã hội và tiến tới việc tái lập Caritas Việt Nam. Uỷ ban Bác ái Xã hội đã hoạt động rất nhiều trong mọi lĩnh vực xã hội để đạt được sự công nhận và an tâm cho phép của chính quyền đối với Caritas Việt Nam.

Chúng tôi tổ chức nhiều khoá huấn luyện giúp đỡ các người khuyết tật, trẻ mồ côi, trẻ tự kỷ (7 khoá: 4 ở TP.HCM, 3 ở Hà Nội) qua việc cộng tác với Hội Bảo trợ Người Khuyết tật và Trẻ Mồ côi TP.HCM. Cộng tác với Viện Y Dược học Dân tộc, do Bác sĩ Trương Thìn làm viện trưởng, để cắt cơn nghiện và giúp đỡ những người nghiện ma tuý, nhiễm HIV với 17 khoá Phục Sinh. Cộng tác với các đại học, khoa tâm lý và các bệnh viện ở Tp.HCM, Trung tâm Điều dưỡng Tâm thần Thủ Đức, Trung tâm Sức khoẻ Tâm thần Bến Hàm Tử để mở các khoá cai nghiện rượu bia, thuốc lá, trò chơi trực tuyến, phim đồi truỵ, khoá điều trị tâm lý cho các bà mẹ phá thai, các em học sinh nghiện ngập, các người bệnh tâm thần.

Uỷ ban Bác ái Xã hội cũng tổ chức nhiều đoàn cứu trợ đến các vùng bị bão lụt ở Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Huế, Nha Trang, Kontum để giúp đồng bào bị thiên tai về thuốc men, nước uống, thực phẩm, vật dụng…

Song song với các hoạt động từ thiện trong nước, Uỷ ban Bác ái Xã hội liên lạc nối kết với các tổ chức bác ái ngoài nước như Caritas Đức, Caritas Hàn Quốc, Đài Loan, tổ chức Secours Catholic của Pháp, Misereor của Đức, các liên đoàn Công giáo Việt Nam ở Mỹ, Đức, Ý để đón nhận nguồn lực cho các dự án của mình, cũng như giúp đỡ đồng bào bị thiên tai ở Hoa Kỳ dịp bão Katrina, sóng thần ở Indonesia và Ấn Độ.

Quan trọng hơn cả là Uỷ ban Bác ái Xã hội, dưới thời Đức cha Đa Minh Nguyễn Chu Trinh làm chủ tịch khoá X (2007-2010), đã xây dựng cơ cấu tại 26 giáo phận với văn phòng và nhân viên được đào tạo về các lĩnh vực chuyên môn như tổ chức, soạn thảo kế hoạch, báo cáo thực hiện kế hoạch, kiểm toán. Chúng tôi biên soạn Quy chế Caritas Việt Nam và Linh đạo Caritas Việt Nam để tạo thành một tổ chức do chính các tín hữu giáo dân trong mỗi giáo xứ tham gia và hoạt động bác ái theo gương Chúa Giêsu. Nhiều đồng bào ngoài Kitô giáo cũng đã đóng góp nguồn lực và cộng tác với Uỷ ban Bác ái Xã hội trong các hoạt động từ thiện.

Ngày 2-7-2008, Ban Tôn Giáo Chính Phủ đã gửi Công văn số 941TGCP-CP chấp thuận cho HĐGMVN tái lập Caritas ở cấp quốc gia và cấp Giáo phận. Nhà nước chính thức công nhận và cho phép tổ chức Caritas Việt Nam hoạt động như một pháp nhân chính thức. Đây quả là một hồng ân lớn lao của Thiên Chúa ban cho Giáo hội Việt Nam. Tất cả mọi hoạt động của Uỷ ban Bác ái Xã hội và Caritas Việt Nam đều là những ơn lành của Chúa ban cho Việt Nam và chúng ta hết lòng cảm tạ Ngài.

4. Trong tinh thần bác ái, hiện nay cha đang có những hoạt động nào?

Hiện nay, dù không còn tham dự vào cơ cấu tổ chức Caritas Việt Nam, tôi vẫn tiếp nối tinh thần bác ái hoà nhập của Caritas Việt Nam: nối kết với mọi người thiện chí để hoạt động từ thiện. Trong tư cách là Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ Người Khuyết tật và Trẻ Mồ côi TP.HCM – Trưởng Ban Y tế Xã hội từ năm 2010 đến nay, chúng tôi đang có 54.000 người khuyết tật và 13.000 trẻ mồ côi phải lo về y tế xã hội. Chúng tôi tổ chức mỗi năm nhiều đoàn bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ để khám sức khoẻ định kỳ, khám chữa bệnh, chữa răng, phát thuốc cho người nghèo, khuyết tật, trẻ mồ côi ở TP.HCM và một số vùng phụ cận.

Chúng tôi cũng trợ giúp lương thực, quần áo, xe lăn, học bổng và dạy nghề cho các đối tượng này. Từ hai năm nay chúng tôi có thêm chương trình chữa trị cho trẻ tự kỷ và người tâm thần ở Việt Nam bằng phương pháp phản hồi thần kinh (Neurofeedback) trên hệ thống máy Brainmaster do các nhà bác học Hoa Kỳ phát minh và có nhiều kết quả đáng khích lệ.

Lời kết

Tất cả là hồng ân của Thiên Chúa cũng như từ tình yêu của con người chia sẻ cho nhau, chúng tôi hết lòng tạ ơn Chúa và cảm ơn mọi người. Xin Chúa trả công bội hậu cho tất cả các tổ chức cũng như những nhà hảo tâm đã giúp đỡ Uỷ ban Bác ái Xã hội và Caritas Việt Nam trong những năm qua.

Cầu chúc tất cả luôn an lành, hạnh phúc và dồi dào ơn Chúa.

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

Nguyên Giám đốc Caritas Việt Nam – Tổng Thư ký UBBAXH