18/11/2024

Chúa Nhật XXVII TN B 2018 – Lễ Đức Mẹ Mân Côi: Tình yêu thương của Mẹ Mân Côi

Mân Côi không phải là tràng chuỗi mà chúng ta đọc đi đọc lại những lời kinh quen thuộc và tự hào rằng mỗi ngày mình lần được bao nhiêu, mà là phương tiện để đưa ta kết hợp vào đời sống của Chúa Giêsu và Mẹ với những mầu nhiệm kỳ diệu trong cuộc đời các Ngài

 

Chúa Nhật XXVII TN B 2018 – Lễ Đức Mẹ Mân Côi

Tình yêu thương của Mẹ Mân Côi

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

 

Lời mở

Ngày lễ Đức Mẹ Mân Côi hôm nay như mời gọi chúng ta nhìn vào Người Mẹ Thánh để thấy sự hiện diện của Mẹ trong suốt dòng lịch sử nhân loại cũng như vũ trụ, nhằm tìm được niềm vui, bình an và nhất là tình yêu thương cứu độ của Thiên Chúa. Từ đó chúng ta mới có thể trở thành hình ảnh sống động của Mẹ cho mọi người mọi vật quanh mình.

1. Người Mẹ của nhân loại và vũ trụ

Ngay từ lúc khởi đầu trong cuộc tạo dựng con người và vũ trụ, Đức Maria đã hiện diện, qua hình ảnh của người phụ nữ sẽ đạp dập đầu con rắn và dòng dõi người phụ nữ sẽ cứu thoát toàn thể nhân loại (x. St 3,15). Đó là lời hứa của Thiên Chúa về tình yêu cứu độ được thực hiện qua Đức Maria. Khi “thời gian đến hồi viên mãn”, Thiên Chúa đã sai Con của mình đi vào lịch sử rõ ràng với không gian và thời gian cụ thể. Ngôi Lời Thiên Chúa đã trở thành người, trở thành Đức Giêsu Nazareth cách chúng ta hai ngàn năm, được thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần trong lòng Trinh nữ Maria để thực hiện lời hứa của  Cha Người (x. Gl 4,4-7). Mẹ Maria đã thay mặt cho toàn thể nhân loại và vũ trụ dâng hiến tất cả những gì thuộc về nhân tính của mình, linh hồn cũng như thể xác, để kết hợp với thần tính của Ngôi Con. Bài Tin Mừng (x. Lc 1,26-38) kể lại cho chúng ta mầu nhiệm kỳ diệu ấy.

Từ đó, sự hiện diện của Mẹ luôn trải dài trong suốt dòng lịch sử của Giáo Hội, cũng như của nhân loại, nhất là khi Mẹ đứng dưới chân thập giá đón nhận sứ mạng làm Mẹ nhân loại qua hình ảnh người môn đệ Gioan (x. Ga 19,25-27). Mẹ đã yêu quý từng người chúng ta, Mẹ muốn cho ta trở thành con thật của mình để cùng với Mẹ tiếp tục công trình cứu độ của Chúa.

Trong bài sách Công vụ (x. Cv 1,12-14), chúng ta thấy Mẹ đã kết hợp với những thành phần Giáo Hội đầu tiên đó là “11 tông đồ với những người phụ nữ và những anh em của Chúa Giêsu”, để xin Chúa Thánh Thần hiện xuống. Mẹ còn kết hợp với mọi người chúng ta trong đời sống cầu nguyện để tất cả trở thành Trinh nữ Giáo Hội sinh ra những người con mới cho Thiên Chúa, giống như Mẹ là người trinh nữ đầu tiên đã kếp hợp với Chúa Thánh Thần sinh ra Chúa Giêsu Kitô. Đời cầu nguyện đó được cụ thể hoá trong Kinh Mân Côi khi ta cùng Mẹ suy niệm và sống lại những mầu nhiệm của Chúa.

Nhờ ân sủng Chúa Thánh Thần, chúng ta sẽ thực hiện sứ mạng vừa là trinh nữ vừa là mẹ của Đức Maria để cứu độ thế giới. Sự cứu độ này đã thể hiện cách cụ thể hơn trong ngày lễ hôm nay để kỷ niệm cuộc chiến thắng của đoàn quân Công giáo vào đúng ngày mùng 7 tháng 10 năm 1571. Thời đó, những chiến thuyền hùng mạnh Thổ Nhĩ Kỳ, do anh em Hồi giáo phát động, muốn chiếm toàn thể Âu châu, nhưng Đức Thánh Cha Piô V đã yêu cầu toàn thể Giáo Hội hướng về Đức Maria để xin Mẹ cứu giúp qua lời kinh Mân Côi. Đoàn quân thiện chiến Thổ Nhĩ Kỳ đã bị đánh tan bởi một đoàn quân Công giáo yếu kém với những chiến thuyền nhỏ bé.

Nhắc lại cuộc chiến thắng ở vịnh Lepante không phải là chúng ta muốn khơi dậy lòng thù hận giữa anh em Hồi giáo và Công giáo vì Mẹ chỉ muốn cho mọi người, đều là con cái của mình, hiểu được tình yêu vô bờ của Thiên Chúa. Thiên Chúa không muốn cho những đứa con của Ngài tranh chấp, xung đột, giết hại lẫn nhau. Qua tình mẫu tử của Mẹ, chúng ta cảm nghiệm được tình yêu thương ấy qua tất cả những ơn lành Chúa ban cho thế giới cũng như mọi loài trong vũ trụ này, qua lời chuyển cầu của Mẹ Mân Côi.

2. Người Mẹ của dân tộc Việt Nam

Trong suốt dòng lịch sử của dân tộc Việt Nam, có thể nói Mẹ Maria là hình ảnh của những thần mẫu, từ Thánh Mẫu Liễu Hạnh Công Chúa, Mẫu Thoải, Mẫu Thượng Ngàn ở miền Bắc đến Tứ Vị Thánh Nương, Bà Ngũ Hành, Thiên Y A Na ở miền Trung hay Bà Chúa Xứ, Bà Thiên Hậu hoặc Đức Quán Thế Âm Bồ Tát ở miền Nam (x. Hội Đồng Giám mục Việt Nam, Niên Giám 2016 GHCGVN, tr.470). Mẹ ẩn hiện trong hình ảnh của người mẹ dân tộc, cho đến khi các vị thừa sai diễn tả cho chúng ta biết người mẹ đó thật sự là Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, với tất cả quyền năng của Người. Từ đó, người Việt Nam, dù là lương hay giáo, dù ở bất cứ nơi nào trong đất nước hay trên thế giới, đều chạy đến với Mẹ Maria.

Người Công giáo Việt Nam chúng ta còn có những kỷ niệm rất đẹp về Mẹ, vì từ năm 1615, các nhà truyền giáo Dòng Tên đến Việt Nam, đã dạy cho chúng ta về một nền văn hoá mới. Thời đó, hầu hết các dân tộc trên thế giới, nhất là ở châu Á, theo chế độ quân chủ chuyên chế, với nhà vua có toàn quyền sinh sát trong tay vì là thiên tử, là Con Trời. Nhưng người Công giáo lại được loan báo rằng Thiên Chúa yêu thương con người, đã cho Con Một của Ngài chết cho con người, hoà giải mọi người với Chúa và với nhau, nên mọi người đều bình đẳng với nhau, dù là vua hay quan, nam hay nữ, giàu hay nghèo.

Các ngài dạy cho dân ta về gia đình một vợ một chồng thay vì chế độ đa thê, về khoa học kỹ thuật thay vì lạc hậu để sống an lành, khoẻ mạnh. Các nhà truyền giáo còn sáng tạo cả chữ quốc ngữ dựa trên chữ cái Latinh để phiên âm tiếng Việt thay vì dùng chữ Hán, chữ Nôm, nhờ đó người Việt mới dễ dàng mở ra cho nền văn hoá và văn minh thế giới.

Cha Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) trong cuốn sách tiếng Việt đầu tiên, in năm 1651 ở Roma, gọi là Phép Giảng Tám Ngày để dạy giáo lý cho người Việt, đã nhắc đến Mẹ Maria vào ngày thứ Năm với tất cả những quyền năng và ân phúc. Vào thời đó, phép lạ ở vịnh Lepante còn đang loan truyền rộng rãi trong Giáo Hội, bởi vì mới xảy ra mấy chục năm trước, nên người dân Việt Nam tha thiết cầu nguyện với Mẹ Mân Côi. Người Công giáo Việt Nam luôn mang theo tràng chuỗi đeo trên cổ để cho đồng bào lương dân biết rằng mình là người con của Mẹ Maria, có nhiệm vụ truyền giảng một nền văn hoá mới cho dân tộc (x. Sđd, tr. 472-473).

Quả thật, tác động của Người Mẹ Thánh đã thực hiện trong suốt dòng lịch sử dân tộc Việt Nam, không phải chỉ cho những người tín hữu cầu nguyện trong rừng sâu núi thẳm ở La Vang năm 1798 khi bị bách hại dữ dội. Đặc biệt qua sự che chở cứu thoát của Mẹ Mân Côi ở giáo xứ Trà Kiệu, vào tháng 9 năm 1885, khi chỉ có vài trăm người Công giáo với phụ nữ, trẻ con, phải đối phó với vài ngàn quân triều đình có voi trận, súng thần công bắn trực diện cách một vài trăm mét trong suốt 10 ngày đêm. Ngay sau đó không một đội quân nào, một tổ chức lương dân nào dám bách hại giáo xứ Công giáo nữa. Từ đó người tín hữu Công giáo mới được tự do giữ đạo.

3. Người Mẹ của chúng ta

Chúng ta hiểu được rằng Người Mẹ Thánh đó đang tác động vào cuộc đời chúng ta, muốn ta trở thành hình ảnh sống động của Mẹ cho dân tộc cũng như cho gia đình nhân loại và vũ trụ qua lời kinh Mân côi.

Ngày lễ Mân Côi hôm nay không phải chỉ nhắc nhở ta về những công ơn của Người Mẹ Thánh, nhưng mời gọi chúng ta kết hợp với Mẹ trong các mầu nhiệm Mân Côi. Mân Côi không phải là tràng chuỗi mà chúng ta đọc đi đọc lại những lời kinh quen thuộc và tự hào rằng mỗi ngày mình lần được bao nhiêu, mà là phương tiện để đưa ta kết hợp vào đời sống của Chúa Giêsu và Mẹ với những mầu nhiệm kỳ diệu trong cuộc đời các Ngài: mầu nhiệm Vui, Sáng, Thương, Mừng. Hai mươi mầu nhiệm ấy còn được mở rộng ra nữa trong sự soi sáng của Chúa Thánh Thần đối với cuộc đời của từng người.

Rồi chỉ kết hợp với Chúa Thánh Thần như Người Mẹ Thánh, ta mới có thể diễn tả lời kinh bằng tâm tình của người con đối với Cha Trên Trời bằng hai tiếng “Abba”, khi ý thức mình là một người con được Cha và Mẹ Thiên Chúa yêu quý dường nào.

Lời kết

Khi gắn bó với Chúa Thánh Thần như Mẹ, ta mới đón nhận những ân sủng của Chúa để tác động vào xã hội hôm nay, làm cho mọi người cảm nghiệm được tình thương của Chúa và Mẹ. Như thế lời Kinh Mân Côi mới thật sự hiệu quả trong cuộc đời của ta cũng như trong Giáo Hội.