Cặp sư tử con đầu tiên chào đời bằng thụ tinh nhân
Đây là thành quả mang tính đột phá của đội ngũ chuyên gia sau hơn 18 tháng nghiên cứu và thử nghiệm.
Cặp sư tử con đầu tiên chào đời bằng thụ tinh nhân
Đây là thành quả mang tính đột phá của đội ngũ chuyên gia sau hơn 18 tháng nghiên cứu và thử nghiệm.Bộ đôi sư tử con chào đời bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo AFP
“Đây là hai sư tử con đầu tiên trên thế giới chào đời bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo”, theo AFP mới đây dẫn tuyên bố của Đại học Pretoria (Nam Phi), nơi các nhà khoa học đang nỗ lực tìm hiểu cơ quan sinh sản của sư tử cái châu Phi. Giám đốc Andre Ganswindt của Viện Nghiên cứu động vật có vú – Đại học Pretoria cho hay hai sư tử con, đực và cái, mới khoảng 1 tuần tuổi (sinh ngày 25.8) biểu hiện hoàn toàn bình thường, khoẻ mạnh. Chúng là thành quả mang tính đột phá của đội ngũ chuyên gia sau hơn 18 tháng nghiên cứu và thử nghiệm.
“Chúng tôi thu thập tinh trùng từ một sư tử đực khoẻ mạnh”, ông Ganswindt cho biết. Kế đến, khi lượng hormone ở sư tử cái ở mức phù hợp, tinh trùng được bơm vào. “May mắn là chúng tôi đã thành công”, theo giám đốc viện nghiên cứu. Dù trải qua một số lần thất bại, nhưng các chuyên gia Nam Phi tỏ ra ngạc nhiên vì mọi chuyện diễn ra dễ dàng hơn dự kiến. Thành công đến bất ngờ đã tạo nên tâm lý phấn khởi cho các chuyên gia, và họ hy vọng kỹ thuật này có thể cứu lấy những động vật họ mèo lớn đang trong danh sách bị đe doạ tuyệt chủng. Sư tử đã biến mất hoàn toàn tại 26 nước châu Phi, và số lượng các cá thể trong tự nhiên giảm mạnh đến 43% trong hai thập niên vừa qua, với chỉ khoảng 20.000 con còn sót lại, theo Liên minh Bảo tồn tự nhiên quốc tế (IUCN). Sư tử châu Phi bị liệt vào nhóm sắp nguy cấp.
Giám đốc Ganswindt cho hay thay vì di dời các sư tử cho hoạt động thụ tinh, biện pháp này cho phép các nhân viên bảo tồn chỉ cần vận chuyển tinh trùng đến nơi ở trong tự nhiên của các sư tử cái. Phát hiện mới là một phần của cuộc nghiên cứu do chuyên gia phẫu thuật thú y người Tây Ban Nha, Isabel Callealta triển khai trong lúc theo học nghiên cứu sinh tại Đại học Pretoria. Toàn bộ quá trình được diễn ra tại Trung tâm bảo tồn Ukutula, cách Pretoria khoảng 80 km về hướng tây bắc.
PHI YẾN