22/01/2025

Thao thức và quan tâm của Giáo hội Việt Nam về tệ nạn ma tuý

Việt Nam hiện nay (năm 2017) đang có khoảng 220.000 người nghiện ma tuý có hồ sơ được chính quyền quản lý, trong đó có tới 130.000 người ở độ tuổi từ 18-35 và tỷ lệ gia tăng hằng năm là 10%. Đây là một thực trạng đáng cho Giáo hội Việt Nam thao thức và quan tâm.

 

Thao thức và quan tâm của Giáo hội Việt Nam

về tệ nạn ma tuý

 

Lời mở

Đêm 16/9/2018, sau khi tham dự Nhạc hội mùa Thu với chủ đề Journey to the Moon (Hành trình tới Mặt trăng) ở Công viên Nước Hồ Tây, quận Tây Hồ, Hà Nội, 7 nạn nhân đã tử vong và 5 người hôn mê sâu. Tất cả đều do sốc ma tuý. Các nạn nhân đều rất trẻ, tuổi đời chỉ từ 19 đến 30. Đây chỉ là một vụ điển hình trong hàng trăm vụ tương tự xảy ra khi Việt Nam hiện nay (năm 2017) đang có khoảng 220.000 người nghiện ma tuý có hồ sơ được chính quyền quản lý, trong đó có tới 130.000 người ở độ tuổi từ 18-35 và tỷ lệ gia tăng hằng năm là 10%.

 

 

Đây là một thực trạng đáng cho Giáo hội Việt Nam thao thức và quan tâm.

Chúng ta sẽ tìm hiểu niềm thao thức và mối quan tâm đó thể hiện như thế nào trong thời trước đây để tìm ra những liệu pháp hữu hiệu giúp đỡ người nghiện ma tuý trong thời đại hiện nay.

1. Thao thức trước tệ nạn ma tuý

Trong kỳ họp tháng 10/2000, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã quyết định chính thức thành lập Uỷ ban Bác ái Xã hội, do Đức cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan, Giám mục Giáo phận Phan Thiết, làm chủ tịch và Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn làm tổng thư ký. Ngoài những thiên tai và các tệ nạn xã hội khác như phá thai, bài bạc, nghiện rượu bia, thuốc lá, nghiện games on line, nghiện phim sex… Uỷ ban Bác ái Xã hội phải đối đầu với tệ nạn ma tuý và dịch bệnh HIV/AIDS hết sức căng thẳng ở Việt Nam vào thời điểm đó.

1.1. Thao thức về tệ nạn xã hội: nghiện ma tuý – nhiễm HIV

Số người nghiện ma tuý vào năm 2002 ở Việt Nam khoảng 180.000 người, trong đó có 112.000 người có hồ sơ quản lý[1]. Chỉ trong vòng 1 năm , đã gia tăng 30.000 người.

– Chỉ tính riêng trong 130 giáo xứ của TGP.TPHCM có báo cáo về tình trạng xã hội thì đã có  trên 2.000 người nghiện ma tuý. Sự thật này đã khiến Đức TGM Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn tổ chức nhiều hoạt động để gây ý thức xã hội về tệ nạn này cũng như để thúc đẩy các hoạt động giúp đỡ người bệnh cai nghiện.

– Do chích chung kim tiêm và lây qua đường tình dục, nhiều người nghiện ma tuý bị nhiễm HIV. Vào cuối năm 2002, số người nhiễm HIV cả nước là khoảng 147.000, trong đó đa số (70%) thuộc lứa tuổi thanh niên[2].

1.2. Quan tâm và tìm phương cách chữa trị

Đứng trước những người nghiệm ma tuý và nhiễm HIV, nhiều tín hữu Công giáo, linh mục cũng như tu sĩ, giáo dân, không biết phải làm gì để cứu giúp những con người khốn khổ ấy. Đây là một lĩnh vực quá mới mẻ nên chưa có trường lớp nào đào tạo phương cách chống nghiện, chống lây nhiễm và chữa trị.

Nhóm anh chị em chúng tôi, gồm một vài linh mục, tu sĩ và tín hữu quan tâm đến vấn đề, đành tìm đến những người có kinh nghiệm để xin chỉ dạy và học hỏi như Bác sĩ Trương Thìn, Viện trưởng Viện Y Dược học Dân tộc TP.HCM; tiến sĩ Lê Trường Giang, Phó Chủ tịch Uỷ ban Phòng chống AIDS, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM và các chuyên viên y tế, xã hội, tâm lý khác.

Kỷ niệm khó quên:

Tôi còn nhớ ngày đầu tiên gặp gỡ Bs. Trương Thìn, lúc đó là người nổi tiếng nhất về kinh nghiệm cai nghiện ma tuý, vì Viện Y Dược học Dân tộc có mở khoá Điều trị Lạm dụng Thuốc và cắt cơn nghiện cho nhiều người. Ba người chúng tôi gồm nữ tu Nguyễn Thị Hồng Quế, Bs. Lan Hải và tôi xin hẹn gặp hơn 1 tháng trước, nhưng mãi tới ngày 6/8/2000 mới nhận được lời mời tới gặp tại Viện Y Dược học Dân tộc TP.HCM, số 273 Nguyễn Văn Trỗi, quận Phú Nhuận, vào lúc 9 giờ sáng.

Vừa giáp mặt, Bs. Thìn xin lỗi đã để chúng tôi đợi lâu mới hẹn gặp, vì hơn tháng nay bác sĩ bị bệnh, do đau nên bác sĩ phải bỏ không tham dự hội nghị Nghiện Ma tuý ở Brazil, và nói buổi hẹn này cũng chỉ tiếp chúng tôi được 15 phút.

Tôi đánh bạo đề nghị bác sĩ cho phép tôi 1 phút cầu nguyện cho bác sĩ.

Một thoáng ngạc nhiên với đôi mắt mở lớn, ông bình tĩnh trả lời rất lịch sự: “Vâng, xin linh mục cứ tự nhiên”.

Tôi đứng sau lưng ông, đặt hai bàn tay trên đầu ông và đọc kinh Chúa Thánh Thần, kinh Lạy Cha, kinh Kính Mừng, kinh Sáng Danh.

Khi tôi cầu nguyện xong, ông rất ngạc nhiên vì thấy cơ thể khoẻ hẳn, vì từ hơn một tháng nay người ông rất mệt mỏi, nên hỏi tôi: “Linh mục vừa làm gì cho tôi?”.

Tôi trả lời: “Tôi chỉ cầu nguyện xin Chúa chuyển thông sức khoẻ của tôi sang bác sĩ vì bác sĩ cần nó để lo cho các bệnh nhân hơn tôi”.

Sau đó ông mời chúng tôi thăm các khoa của Viện, rồi lên phòng châm cứu của khoa Lạm dụng Thuốc biểu diễn châm cứu cắt cơn nghiện cho chúng tôi xem. Tiếp đến, ông mời chúng tôi về lại phòng làm việc của ông, ông vẽ tặng cho chúng tôi mỗi người một bức hoạ và đánh đàn ghita cho chúng tôi nghe.

Bác sĩ Lan Hải nói với tôi: “Kể từ lúc cha đặt tay cầu nguyện, Bs. Thìn không còn ho hay chảy nước mũi nữa. Ông hoàn toàn đổi khác”.

Chúng tôi rời phòng họp với Bs. Trương Thìn lúc 12g30, dù dự tính chỉ gặp nhau 15 phút.

Sự kiện này như một dấu hiệu của Chúa thúc đẩy chúng tôi dấn thân lo cho các anh chị em nghiện ngập. Kể từ hôm đó, Bs Trương Thìn rất quý mến chúng tôi và dành cả khoa Điều trị Lạm dụng Thuốc của Viện Y Dược học Dân tộc TP.HCM cho chúng tôi sử dụng để tổ chức các khoá Phục Sinh cắt cơn cai nghiện. Chúng tôi có phòng dâng thánh lễ mỗi ngày, phòng sinh hoạt riêng và tiếng Thánh ca từ đó vang trong một bệnh viện y học của Nhà nước. Bác sĩ thường xuyên xuống động viên, chỉ dạy chúng tôi cách châm cứu, cắt cơn, giúp đỡ bệnh nhân và nhiều khi còn sinh hoạt văn nghệ bằng chiếc đàn ghita thùng quen thuộc của ông.

Các khoá Phục Sinh

Khoá cắt cơn nghiện ma tuý đầu tiên của Uỷ ban Bác ái Xã hội thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam được tổ chức từ ngày 8/8 đến ngày 17/8/2000, tại dòng Anh Em Đức Mẹ Người Nghèo, số 30/13 Đường 9, P. Hiệp Bình Chánh, Q. Thủ Đức, TP.HCM. Khoá được đặt tên là Phục Sinh vì mời gọi các anh chị em nghiện ngập kết hợp với Chúa Giêsu Phục Sinh để vượt qua thử thách cam go của đời mình.

Số người tham dự để cắt cơn gồm 12 nam, hầu hết là thanh niên dưới 30 tuổi, có một ông 53 tuổi, ở Hố Nai, với 31 năm dùng thuốc phiện. Các người khác dùng Heroin. Trong số đó có 6 người nhiễm HIV.

Các người tham gia chữa trị gồm có 2 sơ dòng Đa Minh Tam Hiệp: Hồng Quế, Hồng Hà; 2 y sĩ Đông y, trong đó có anh tên Lễ; Bs Lan Hải và tôi.

Cha bề trên của dòng Anh Em Đức Mẹ Người Nghèo đã cho chúng tôi mượn cơ sở của dòng để giúp cho các học viên khoá đầu tiên và các anh chị em hướng dẫn viên có chỗ ăn nghỉ để cắt cơn nghiện ở đây. Căn nhà thuỷ tạ giữa hồ nước kê 8 chiếc giường và 2 căn nhà nhỏ bên cạnh, mỗi căn kê 2 chiếc giường, cho 12 học viên. Hai nữ tu ở chung với nhau trong một căn chòi nhỏ. Nơi cử hành thánh lễ, cầu nguyện, hội họp, chia sẻ là một kiốt gần bờ sông có 1 chiếc bàn nhỏ, nhiều ghế ngồi và có sẵn cả mấy chiếc võng mắc vào các cột gỗ.

Phương pháp chúng tôi dùng để cắt cơn nghiện lúc đó gọi là “Liệu pháp nhân bản tâm linh”. Phương pháp này đã được trình bày khá chi tiết trong Tập san Bác ái Xã hội, số 2, của Uỷ ban Bác ái Xã hội thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, tháng 6 năm 2003, từ trang 102-127.

Trong cơn khủng hoảng của xã hội trước tệ nạn ma tuý lúc đó có nhiều phương pháp cai nghiện ma tuý và nhiều bài thuốc được sử dụng như phương pháp của Malaysia, phương pháp cai nghiện mới theo y học hiện đại ở Liên Xô và các nước Âu Mỹ, các bài thuốc thường dùng, châm cứu cắt cơn và thang thuốc dưỡng âm của Bs Trương Thìn, phương thuốc cai nghiện của cụ Lang Đàng ở Hà Tây, của lương y Nguyễn Hữu Cấn, của Hoa Đà, của Trung Quốc, của lương y Nguyễn Hữu Khai với bài thuốc BALOK…[3]

Trong 40 cơ sở cai nghiện ma tuý ở Hà Nội và TP.HCM[4], người ta áp dụng nhiều phương pháp khác nhau như phương pháp cai khô, phương pháp giảm dần ma tuý, phương pháp thuỵ miên (gây ngủ), phương pháp thay thế (dùng methadone), phương pháp choáng điện, phương pháp phẫu thuật thuỳ trán, phương pháp đối kháng ma tuý (như dùng naltrexone), phương pháp giải độc, phương pháp y học cổ truyền, phương pháp tâm linh[5].

Tuy nhiên, tất cả các phương pháp cắt cơn nghiện ma tuý nêu trên cũng chỉ giúp cho người nghiện cắt cơn nghiện, phục hồi sức khoẻ, thoát khỏi hội chứng nghiện ma tuý (21 hội chứng chính)[6]. Còn việc người nghiện có tái nghiện hay không đòi hỏi nhiều yếu tố khác trong giai đoạn hậu cai như chữa trị về mặt tâm lý, đào tạo ý chí vững mạnh, sống trong môi trường lành mạnh không bị các bạn bè xấu rủ rê sử dụng lại chất gây nghiện, được gia đình và xã hội quan tâm và quản lý chặt chẽ, vì thật ra không có loại thuốc nào chống tái nghiện cả.

Khi áp dụng liệu pháp nhân bản tâm linh để giúp cho người nghiện trong khoá Phục Sinh đầu tiên, chúng tôi hơi quá lý tưởng và lạc quan về con người và chỉ tin tưởng hoàn toàn vào ơn lành của Chúa Giêsu Phục Sinh. Chúng tôi cũng chẳng có hiểu biết và kinh nghiệm về hội chứng HIV và căn bệnh AIDS hiểm nghèo khi thoải mái tiếp xúc với bệnh nhân, dùng tay không hốt những bãi nôn của người bệnh, không đeo khẩu trang gì cả. Cũng may Thiên Chúa gìn giữ nên cho tới hôm nay (2018), chưa ai trong số anh chị em phục vụ bị nhiễm HIV.

Kỷ niệm tôi còn nhớ mãi về em Lê Quốc Dũng[7]: sau thánh lễ khai mạc khoá vào trưa ngày 8/8/2000, vào buổi chiều là các anh em đi vào hội chứng đói thuốc, toàn thân đau nhức, vật vã, cảm thấy như hàng ngàn con dòi rúc rỉa xương thịt của mình. Đêm đầu tiên các người đồng hành gắng thức suốt đêm để xoa bóp an ủi các em. Nhưng đến đêm thứ hai thì tất cả kiệt sức. Tôi yêu cầu các nữ tu, y sĩ về phòng ngủ để dưỡng sức. Còn lại một mình với 12 con người đang co rút, quằn quại, rên rỉ, tôi chỉ còn biết cậy trông vào Chúa Giêsu, Mẹ Maria. Một tay lần chuỗi Mân Côi, một tay giữ chặt em Lê Quốc Dũng là người chơi ma tuý nặng đô nhất. Tôi không biết phải làm thế nào để giảm cơn đau đớn cho anh em.

Đột nhiên, cây Thánh giá gắn trên tường ở đầu giường em Lê Quốc Dũng rơi xuống đúng tay tôi. Tôi liền cầm cây Thánh giá dí vào trán 12 anh em đang rên la, lăn lộn trên giường để xin Chúa cứu chữa. Lập tức tất cả đều im lặng nằm ngủ yên cho đến sáng hôm sau. Quả thật lúc đó tôi rất lo sợ vì nếu các anh em lăn xuống hồ thuỷ tạ, cách giường nằm chỉ hơn 1 mét, thì tôi không biết cấp cứu thế nào. Hoặc nếu có ai bị co giật, tăng huyết áp, ngất xỉu, tôi cũng không biết cứu chữa ra sao vì bác sĩ Lan Hải đã về nhà từ 4 giờ chiều. Sau này, khi nghĩ lại biến cố, tôi mới thấy mình thật liều lĩnh.

Một sự việc nữa khiến tôi xác tín vào ơn Chúa và phương pháp tâm linh, đó là sau khi sức khoẻ tất cả 12 người đã ổn định từ ngày thứ tư, chúng tôi bắt đầu tổ chức các buổi cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa, đào tạo các năng lực tinh thần, củng cố ý chí. Các người nghiện dần dần tỉnh táo và chú ý lắng nghe, tham gia tích cực các buổi cầu nguyện và học tập. Chỉ riêng có một ông 53 tuổi, người gốc Hố Nai, là có một thái độ kỳ lạ. Mỗi khi chúng tôi kể chuyện vui, ông rất tỉnh táo và tích cực tham gia. Nhưng khi tôi vừa nhắc đến tên Giêsu là ông gục đầu vào hai cánh tay khoanh lại trên bàn và ngáy to tiếng.

Tôi cho rằng ông lớn tuổi, lại dùng thuốc phiện lâu năm, nên đặc cách cho ông nằm võng cho thoải mái, thay vì ngồi ở bàn ghế. Tuy nhiên, chỉ một vài giây sau khi bắt đầu buổi cầu nguyện là ông ngáy rất to. Các bạn bè nhắc nhở tôi giục ông xưng tội và làm phép xức dầu trừ tà cho ông. Tôi nghe lời. Sau khi được xức dầu trừ tà, ông hoàn toàn tỉnh táo. Từ đó chúng tôi hiểu rằng những người nghiện ma tuý chịu một áp lực rất nặng nề của thần dữ hay Satan. Họ chỉ thoát khỏi ách kiềm chế và nô lệ của quỷ dữ, tà ma nếu họ xưng thú tội lỗi và quyết tâm xa lánh ma tuý nhờ sức mạnh chữa lành của Chúa Giêsu và nhờ Thánh Thần Tình yêu của Người. Đó là khía cạnh tâm linh mà từ đó cho đến nay, các trường trại cai nghiện của chính quyền hay của tư nhân ở Việt Nam không quan tâm.

Mười ngày sau, ngày 17/8/2000, cả 12 anh em đã hồi phục hoàn toàn để trở về với gia đình mà chúng tôi không phải dùng một mũi tiêm an thần hay viên thuốc ngủ nào.

Bác sĩ Trương Thìn đã mời chúng tôi mở các khoá Phục Sinh tiếp theo tại khu Điều trị Bệnh nhân Lạm dụng Thuốc và tạo tất cả các phương tiện hỗ trợ của Viện để giúp đỡ chúng tôi. Chúng tôi đã mở thêm 16 khoá Phục Sinh tiếp theo, mỗi khoá khoảng 10-12 học viên để cắt cơn nghiện cho các bạn trẻ này.

Phương pháp chữa trị tâm linh được áp dụng đặc biệt trong một cơ sở ở Pháp, gần Trung tâm Hành hương Đức Mẹ Lộ Đức. Chúng tôi đã đến thăm cơ sở đó nhân dịp Hội đồng Giám mục Việt Nam đi Ad Limina và họp ở Rôma năm 2007. Đức cha Đa Minh Nguyễn Chu Trinh, Chủ tịch Uỷ ban Bác ái Xã hội, đã dẫn cha Tôma Vũ Đình Hiệu[8] và tôi đến thăm cơ sở này. Cơ sở gồm vài chục thành viên tự quản lý nhau, lao động chân tay, mỗi ngày dành nhiều giờ cầu nguyện, viếng Thánh Thể, lần hạt. Sau một vài tuần, tất cả đều được khoẻ mạnh an lành. Những thành viên này là những người nghiện ngập đủ loại: bài bạc, ma tuý, rượu bia nặng. Tất cả đều tự nguyện đến sống dưới sự che chở và chữa lành của Chúa và sự chuyển cầu của Đức Mẹ Lộ Đức.

2.5. Giai đoạn hậu cai đầy khó khăn

Sau khi được cắt cơn tại Viện Y Dược học Dân tộc, các học viên được đưa đến một nơi xa thành phố để sống chung với nhau, để được đào tạo thêm về đời sống đạo đức với các mối tương quan xã hội, để huấn luyện ý chí thêm vững mạnh và làm chủ được bản thân, lao động chân tay cũng như học thêm văn hoá để có thể tái hoà nhập vào trong xã hội và gia đình.

Chúng tôi đã mua những miếng đất ở giáo xứ Bù Đăng, Bình Phước cho các em nhiễm HIV trú ngụ và ở giáo xứ Tân Thành, tỉnh Bà Rịa, cho các em không có HIV.

Tháng 2/2002, chúng tôi được một linh mục cho mượn khu đất 4 mẫu trên Sóc Bombo, tỉnh Bình Phước để vừa dạy các em lao động, vừa đào tạo con người. Nhưng chỉ được hơn 1 tháng, chính quyền địa phương yêu cầu giải tán, lấy lý do: đó là xã anh hùng, không thể có người nghiện ma tuý! Chúng tôi đành phải chuyển các em về mảnh vườn tại ấp Xuân Sơn, xã Ngãi Giao, Bình Giã. Dân chúng quý mến vì thấy các em hiền hoà, giúp đỡ họ dọn vệ sinh trong các đường làng, nhưng anh phó trưởng công an xã không chấp nhận cho tạm trú, vì Xuân Sơn cũng là xã anh hùng.

Tháng 6/2002, chúng tôi chuyển các học viên ra tạm trú ở huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa. Riêng những người nhiễm HIV, chúng tôi xây dựng 3 căn nhà cho họ trong một khu vườn cây ăn trái khá rộng tại Long Điền, Phước Long, tình Bình Phước, nhưng vị linh mục ở đây nhất định không chấp thuận cho các em đến lao động, dù vườn cây ở rất xa xứ đạo, nên chúng tôi đành phải chuyển về xã Tóc Tiên, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Cuối cùng, gia đình em Lê Quốc Dũng mua được miếng đất ở Hắc Dịch, huyện Tân Thành, rộng hơn 4000m2 để các em sống chung với nhau.

Chúng tôi rất mong ước được có Thánh Thể trong nhà nguyện riêng của các em như ở Trung tâm Cai nghiện Lộ Đức, Pháp, nhưng đức giám mục sở tại không cho phép, dù chúng tôi năn nỉ nhiều lần. Chắc hẳn là ngài sợ chúng tôi có hành động bất kính với Chúa Giêsu Thánh Thể. Rất may là cha xứ địa phương ở đó đã quan tâm, săn sóc nên các em được dự Thánh lễ mỗi ngày trong nhà thờ giáo xứ, tham gia ca đoàn và các việc bác ái phục vụ giáo xứ.

 

Dù đã có Nghị định 56 của Thủ tướng Chính phủ, năm 2001, do ông Phan Văn Khải ký, ban hành về việc tổ chức cai nghiện ma tuý tại gia đình và cộng đồng, nhưng chúng tôi vẫn gặp rất nhiều khó khăn từ phía chính quyền và ngay cả sự thiếu thông cảm từ phía giáo quyền. Tuy nhiên, ơn Chúa đã chiến thắng và giúp cho rất nhiều học viên chúng tôi trở thành những con người hữu ích cho xã hội.

Trong giai đoạn 2002-2007, Đức cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan, Chủ tịch Uỷ ban Bác ái Xã hội, cũng đã tìm đất ở Phan Thiết để đưa các em về canh tác, lao động. Chúng tôi đến một vài vườn cây trồng măng Mạnh Tông để mua, nhưng giá đất quá cao nên chúng tôi đành bỏ dở chương trình này. Những mảnh đất chúng tôi trú ngụ hầu hết là nhờ lòng hảo tâm của cha mẹ các học viên cho chúng tôi mượn sử dụng để giúp đỡ các em.

Ngày 10/3/1998, Toà Thánh đặt Đức cha Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn làm Tổng Giám mục TPHCM. Giai đoạn từ năm 1998-2003, nạn dịch ma tuý và nhiễm HIV bùng phát dữ dội ở TP.HCM cũng như trên cả nước Việt Nam. Các nước Âu Mỹ cũng đã tích cực giúp đỡ để giải quyết nạn dịch, nhất là quỹ của nhà tỷ phú Bill Gates cho những bệnh nhân HIV, nhưng họ đòi có sự tham gia của các tôn giáo, nhất là Công giáo. Vì thế, Đức Tổng Gioan Baotixita đã kêu gọi nhiều dòng tu tham gia hoạt động bác ái để giúp đỡ các bệnh nhân. Một số dòng tu đã cử người cộng tác trong việc đồng hành với bệnh nhân AIDS ở Bệnh viện Nhân Ái, tỉnh Bình Phước, nhưng không được tham gia vào việc giúp các học viên trong các trại tập trung.

Ngày 18/4/2003, các vị lãnh đạo TP.HCM đã quyết định phải tập trung hết các người nghiện vào các cơ sở cai nghiện. Tính đến ngày 13/4/2003, TP.HCM đã tập trung được 21.699 đối tượng nghiện ma tuý trong các cơ sở ở Củ Chi, Bình Phước. Thành phố cũng kiên quyết không để cho các người cai nghiện hết 24 tháng được trở về gia đình mà phải được tiếp tục rèn luyện lao động trong một vài năm trước khi hoà nhập cộng đồng[9].

Tuy nhiên, giải pháp tập trung này không có kết quả cao, vì tâm trạng bất an của học viên nên các cuộc trốn trại thường xuyên xảy ra. Nguy cơ lây nhiễm HIV cao vì cả ngàn người sống chung với nhau trong các điều kiện thiếu thốn về vệ sinh. Hơn nữa, do thiếu phân loại, nên những tay anh chị, bọn đầu gấu sống lẫn lộn với các học viên mới nghiện, càng làm cho các người yếu kém, mới vào bị hư hỏng, bất mãn, hận đời. Chưa kể một số cán bộ, giáo viên không được đào tạo về tâm lý học, xã hội học, không đủ tư cách đạo đức, có người còn đem cả ma tuý vào bán cho học viên, khiến cho cộng đồng càng bị băng hoại. Cuối cùng, vì các hoạt động tôn giáo không được chấp thuận trong hầu hết các trại cai nghiện nên các học viên thiếu nâng đỡ tinh thần. Kết quả là số học viên chết nhiều trong các trại vì HIV, vì đâm chém lẫn nhau và hầu như tái nghiện 100%[10].

Tính từ năm 2002 có 112.000 người nghiện có hồ sơ quản lý trong số 180.000 nghiện trong xã hội, năm 2017 có 220.000 người nghiện có hồ sơ quản lý, trung bình mỗi năm tăng thêm 10%, thì chúng ta có thể tính ra số người nghiện còn nhiều trong xã hội: ước tính hiện nay khoảng hơn 300.000 người, không kể có khoảng 150.000 đã chết vì nhiễm HIV và các bệnh liên quan đến nghiện trong vòng 15 năm qua. Đó là những con số đáng lý phải được các nhà xã hội và lãnh đạo tôn giáo, nhất là Công giáo, quan tâm để tìm những phương cách giúp người yếu kém, bị gạt ra ngoài lề xã hội này. Tuy nhiên, số tín hữu Công giáo tham gia trong lĩnh vực này hãy còn quá ít. Chúng tôi hy vọng sẽ có nhiều người dấn thân hơn do được tình yêu của Chúa Kitô thúc đẩy!

3. Đối mặt với tệ nạn ma tuý hiện nay

3.1. Hiện trạng nghiện ma tuý

Số người nghiện ma tuý vẫn tăng đều đều hằng năm khoảng, nhưng tình trạng hiện nay có vài đặc điểm là tuổi họ trẻ hơn và chất liệu ma tuý khác nhiều so với những năm 2000-2005. Trước đây 70-80% người dùng Heroin. Hiện nay số người dùng ma tuý tổng hợp tăng cao: khoảng 70, 80% so với ma tuý truyền thống. Lý do là vì ma tuý tổng hợp thường là những viên thuốc dễ nuốt, dạng kẹo dễ dùng (không cần phải kim tiêm, ống chích, nước cất), vui hơn (bóng cười), cho nhiều ảo giác mạnh và lâu hơn (methamphetamine – ma tuý đá). Nhiều bạn chơi ma tuý tưởng lầm rằng ma tuý tổng hợp không gây nên hội chứng nghiện, lúc thiếu thuốc không cảm thấy như dòi bò, lúc nào thích thì chơi và có thể làm chủ được mình để không bị nghiện. Nhưng họ đã lầm!

 

 

Tổng kết tội phạm về ma tuý: chỉ trong 9 tháng, từ 16/11/2017 đến 15/8/2018, lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý phối hợp với các lực lượng chức năng đã phát hiện 19.712 vụ với 28.579 đối tượng liên quan đến tội phạm ma tuý, thu giữ hơn 1.367kg Heroin, 686,8kg và 1.142.905 viên ma tuý tổng hợp, 81,128kg thuốc phiện, 962,69kg cần sa tươi, 119kg cocain. Đây là số liệu tổng kết 9 tháng đầu năm 2018, ngày 5/9/2018, trong Hội nghị của Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma tuý ở Hà Nội[11]. Vậy còn bao nhiêu ma tuý đang sử dụng trong xã hội không bị bắt giữ!

 

   

 

Với số ma tuý này, chúng ta cũng có thể hình dung tệ nạn ma tuý vẫn còn khá nặng nề ở Việt Nam và cần sự đóng góp của nhiều anh chị em tín hữu Công giáo, nhất là các linh mục, tu sĩ nam nữ của Giáo hội Công giáo Việt Nam qua lời giảng dạy trong các Thánh lễ, qua bài giáo lý, sinh hoạt cho các hội đoàn, qua việc đào tạo chủng sinh tu sĩ trong các chủng viện và tu viện, nhất là qua các hoạt động cụ thể của Uỷ ban Bác ái Xã hội thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam. Tiếng kêu cứu của những người này vang thấu trời xanh và máu nhiều người đổ ra vì ma tuý cũng đã vọng đến tai Thiên Chúa!

3.2. Những hướng nghiên cứu mới về nghiện ma tuý

Theo lời mời của tiến sĩ Armin Kuhr, Viện trưởng Viện Tham vấn Điều trị Tâm lý Dinklar, ở Đức, từ ngày 4/9-24/6/2012, tôi cùng tiến sĩ tâm lý Anna Nguyễn Thị Loan, OP. và thạc sĩ Nguyễn Thanh Hằng, phó trưởng khoa Tâm lý Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM đã sang thăm và làm việc tại các cơ sở điều trị tâm lý cho các trẻ tự kỷ, người nghiện ma tuý ở Đức. Ngày 13/9/2012 chúng tôi đến thăm bệnh viện Berolina vùng Lohne Bad Oeynhausen với hướng điều trị sức khoẻ toàn diện gồm 4 yếu tố: thể lý, tâm thần, tâm lý và tâm linh. Chúng tôi nghĩ rằng đó sẽ là hướng cho các việc điều trị mới ở Việt Nam, nhất là cho các người nghiện ma tuý và bệnh tâm thần. Chúng ta cần nhìn người nghiện ma tuý như một người bệnh cần phục hồi sức khoẻ toàn diện với 4 lĩnh vực: thể xác và tinh thần, nội tâm và ngoại giới, tự nhiên và siêu nhiên, cá nhân và tập thể thay vì chỉ cho ăn và bắt lao động cật lực để quên đi nỗi nhớ nhung ma tuý, kèm theo ít bài học nhân bản hay đạo đức sáo rỗng như trong nhiều cơ cở cai nghiện hiện nay. Con người còn có 4 mối tương quan căn bản: với Đấng Tối cao là nguồn mọi hiện hữu, với người khác trong đó có gia đình và xã hội, với vạn vật quanh mình, và với chính mình để biết làm chủ bản thân, sử dụng hiệu quả thời giờ, những tài năng tinh thần, khả năng thể chất.

Tháng 1/2016, trong chuyến công tác ở Hoa Kỳ, chúng tôi biết đến phương pháp phản hồi thần kinh (Neuro-feedback) với hệ thống máy Brainmaster (Quản lý Bộ não) do các nhà khoa học của Cơ quan Không gian Hoa Kỳ NASA (National Aeronautics and Space Administration) phát minh để chữa trị thần kinh cho các nhà du hành vũ trụ khi trở về trái đất. Khi dùng các tia ánh sáng phóng vào bộ não ta sẽ nhận được phản hồi để biết được phần não nào của bệnh nhân có hoạt động bình thường hay không bình thường và nhờ đó dùng chương trình điều trị để phục hồi. Chúng tôi đã đặt máy ở Đại học Hoa Sen TP.HCM và cùng các chuyên viên nghiên cứu trong 2 năm qua và thấy rằng có thể áp dụng phương pháp này để điều trị cho các bệnh nhân nghiện ma tuý, vì đối với nhiều bệnh nhân dùng các loại ma tuý tổng hợp, nhiều phần não của họ có dấu hiệu bị tổn thương. Các chuyên gia đã thấy rằng những bệnh nhân nghiện ma tuý tổng hợp chưa có phương pháp chữa trị thích hợp và hiệu quả. Chúng tôi đã giúp đỡ cho một vài bệnh nhân nghiện ma tuý và nhận được kết quả tốt.

      

 

Vào giữa tháng 5/2016, ông Lê Thanh Hải, Bí thư Thành uỷ của TP.HCM, có gửi người chị ruột đến với tôi hai lần, mang theo đồ án về việc xây dựng Bệnh viện Lê Đại Nam ở TP.HCM và một bệnh viện chữa cho người nghiện ma tuý ở Nha Trang để mời tôi tham gia vào hội đồng quản trị của bệnh viện cùng với gia đình. Đây là mối quan tâm rất đáng trân trọng của một người lãnh đạo chính quyền trước tệ nạn ma tuý và bệnh tật của cộng đồng xã hội. Tôi đã trả lời cho ông là trong tư cách linh mục, tôi không được phép tham gia lĩnh vực kinh tế và hứa với ông là tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu về chữa trị nghiện ma tuý để giúp cộng đồng. Bài viết này cũng là dịp để hoàn thành lời hứa đó.

3.3. Cơ chế nghiện và hướng giải trừ

Từ năm 1970, y học hiện đại đã phát hiện những độc tố ma tuý opioid gắn vào các thụ thể cảm giác (receptor) của các tế bào thần kinh tạo thành “opioid receptor” hay “thụ thể ma tuý” được lưu trữ trong não, trong tuỷ của người nghiện. Nhưng cho đến nay y học vẫn bế tắc về phương pháp hoá giải[12].

Những nghiên cứu mới về bộ não cho chúng ta hiểu hơn về cơ chế gây nghiện và hướng giải trừ. Thật ra những nạn nhân chết vì ma tuý là do chất ma tuý đã tạo nên triệu chứng nhiễm độc cao khiến rối loạn nhịp tim, ngưng thở. Còn các triệu chứng rối loạn cảm xúc, ảo giác, hoang tưởng, loạn thần, rối loạn hành vi như cởi bỏ quần áo, leo lên các tầng cao, đâm chém người thân… đều là những rối loạn từ não bộ phát ra.

Chúng ta nên biết rằng hệ thần kinh người được cấu tạo từ ba phần chính: trung ương, ngoại biên và tự động. Hệ thống thần kinh trung ương gồm có não trong hộp sọ và tuỷ sống chạy dọc theo bên trong cột sống là trung tâm điều hành tối cao của cơ thể. Hệ thần kinh ngoại biên bao gồm 12 cặp thần kinh sọ từ não và 31 cặp thần kinh tuỷ sống đi ra từ tuỷ sống liên quan đến các hành động có chủ ý của con người được thực hiện với ý thức và tự do. Hệ thần kinh tự động, trước đây gọi là hệ thần kinh thực vật, liên quan đến các hoạt động tự động, không bị kích thích hay giám sát của não, nghĩa là ngoài sự ý thức của con người. Thí dụ như: hoạt động của dạ dày, ruột và đường tiết niệu, nhịp tim, sự hô hấp, nhiệt độ cơ thể, nồng độ hoá chất[13].

Hệ thần kinh có vẻ như tập trung trong não và tuỷ sống, nhưng thật ra các tế bào thần kinh phân bố khắp cơ thể tạo nên mạng lưới dây thần kinh trong hệ thần kinh ngoại biên. Từ kích thước dày cỡ ngón tay, chúng phân nhánh xuống còn mỏng hơn một sợi tóc, uốn lượn vào trong, xung quanh và giữa gần như mọi mô và cơ quan từ da đầu cho tới ngón chân. Não có ít nhất 100 tỷ neuron (tế bào thần kinh). Nhưng con số này thật ra rất nhỏ so với số neuron trong hệ thần kinh ngoại biên.

Mỗi tế bào thần kinh gồm phần thân tế bào với nhân, có nhiều nhánh gọi là đuôi gai và một nhánh dài duỗi thẳng ra gọi là sợi trục. Các đuôi gai thu thập tín hiệu thần kinh từ các neuron khác. Trong vỏ não, một neuron có thể tạo khớp thần kinh nối với hơn 200.000 neuron khác nhờ các thụ thể cảm giác (receptor)[14]. Tận cùng của sợi trục là các đầu khớp thần kinh có nhiệm vụ vận chuyển tín hiệu thần kinh sang các tế bào khác qua một khoảng trống nhỏ  (synnap) (1/5000 chiều ngang một sợi tóc người, khoảng 20 nanomet). Trong thực tế, một số neuron có thể dài tới 1 mét[15].

Các thông điệp thần kinh được truyền dọc theo các dây thần kinh của neuron dưới dạng các xung động điện rất nhỏ, khoảng 100mV, gọi là các tín hiệu thần kinh. Mỗi xung động đều làm cho các túi bằng màng chứa các chất dẫn truyền thần kinh là các phân tử dạng hoá học vượt qua khe khớp thần kinh trong vài phần ngàn của giây và gắn vào vị trí tiếp nhận là màng sau khớp thần kinh của neuron tiếp nhận. Rồi thông tin lại được truyền tiếp. Vào bất cứ thời điểm nào, hoạt động của một neuron đều chịu ảnh hưởng bởi tổng số lượng và loại tín hiệu mà nó tiếp nhận và bởi vị trí của các tín hiệu này trên các đuôi gai và thân tế bào của neuron và có lẽ cả trên sợi trục của một số neuron[16].

Những người nghiện thường bị rối loạn cảm xúc. Cảm xúc là những thái độ rung cảm của con người trước những sự vật hay hiện tượng có liên quan đến việc thoả mãn hay không thoả mãn những nhu cầu cá nhân. Cảm xúc thể hiện qua cử chỉ, hành vi, điệu bộ và những phản ứng về mặt sinh lý. Thí dụ: khi giận dữ người ta thường nhíu mày và trừng mắt, đôi môi mím lại; hoặc khi vui vẻ thì người ta cười tự nhiên với nếp nhăn ở đuôi mắt, gò má nâng lên, thay đổi các cơ ở vùng mặt và não tiết ra chất endorphine. Xét về lĩnh vực sinh lý, “não cảm xúc” là một thuật ngữ thường áp dụng cho hệ viền là một nhóm các phần nằm trên đỉnh của thân não, gồm: hạnh nhân, đồi thị, vùng dưới đồi, vòm và các thể núm, các vùng hướng vào trong của vỏ não và hồi đai. Hệ viền chi phối khi có các cảm giác sâu kín và phản ứng mãnh liệt trong những lúc xúc động mạnh và lý trí khó có thể kiểm soát. Đặc biệt là vùng dưới đồi, nối não với hệ thống hormon, là trung tâm của những nỗ lực, bản năng, phản ứng cảm xúc và tình cảm. Thí dụ: khi giận, tuyến thượng thận tiết ra chất adrenalin để thúc đẩy hành động bất ngờ.

 

 

Nhiều phần của hệ viền có liên quan đến việc hình thành ký ức. Vì thế, khi có cảm xúc mạnh, người ta có ký ức mạnh ngay lúc đó và lại có cảm xúc trước đây khi ký ức này được gợi lại[17]. Điều này khiến ta hiểu vì sao những cảm xúc mạnh như ngày đầu tiên đi học, lần đầu đi xe đạp, nụ hôn đầu đời, lần đầu tiên phê ma tuý, kỷ niệm ngày cưới… khiến người ta nhớ mãi. Hoặc một người chứng kiến cha mẹ mình bị tai nạn, mỗi khi trở lại cung đường xảy ra tai nạn, thường nhớ lại hình ảnh, có những cảm xúc như khóc ngất do không làm chủ được mình. Đây là lĩnh vực cần lưu ý đối với những người nghiện ma tuý vì cảm xúc mạnh khi dùng ma tuý được các thụ thể cảm giác lưu trữ trong ký ức sẽ làm cho người nghiện nhớ lại và cứ tiếp tục sử dụng ma tuý. Cần phải tác động vào phần vỏ não bằng những bài học nhân văn để gây ý thức mới mẻ, tốt đẹp và cũng cần cả ơn Chúa để có thể thanh luyện tâm trí khỏi những cảm xúc xấu xa, những cám dỗ của quỷ dữ qua tinh thần của con người. Đây là lĩnh vực mới mẻ của khoa điều trị nghiện ma tuý cách toàn diện trong y học hiện đại của những bện viện tiên tiến trên thế giới như bệnh viên Berolina ở Đức.

 

Trong lĩnh vực tôn giáo người ta thường có những cảm xúc mạnh qua những buổi cầu nguyện đông người, những bài thánh ca vang động mạnh mẽ vào tai họ, những cuộc hành hương, những ơn lành của Chúa, của Trời Phật mà họ thiết tha cầu khẩn… Nhờ đó mà nhiều tín hữu giữ được “niềm tin tôn giáo”. Tuy nhiên những cảm xúc đó cần phải được nâng lên mức độ nhận thức thì mới phát triển được lòng đạo đức chân thực, lâu dài. Trong lĩnh vực chữa trị người nghiện cũng thế. Những buổi cầu nguyện, những chuyến hành hương, những nghi lễ tôn giáo cũng góp phần xây những những cảm xúc mới mẻ, tích cực thay cho những cảm xúc tiêu cực do ma tuý tạo nên.

Bộ não con người với các phần khác nhau lưu trữ và gợi nhớ các sự kiện bao gồm đủ mọi loại thông tin, sự việc, kinh nghiệm và hoàn cảnh – từ tên người đến khuôn mặt và nơi chốn – có liên quan đến trạng thái cảm xúc của ta vào thời điểm đó, đồng thời giúp chúng ta cảm nhận thế giới bên ngoài. Tất cả các phần vỏ não như vùng Broca, Wernicke, Geschwind, thính giác, thị giác, vận động và cảm giác thân thể phối hợp với các phần dành cho trí nhớ và cảm xúc ở vùng viền đều gửi thông tin về vùng điều hành trung tâm ở trước trán để tổng hợp, điều phối và lập ra kế hoạch hành động[18]. Khi dùng hệ thống Bainmaster chúng tôi có dịp quan sát và nhận ra những phần yếu kém của bộ não người nghiện và sử dụng chương trình điều trị cho bệnh nhân.

Điều khiến chúng ta kinh ngạc về bộ não của con người và đặt câu hỏi là những nhận thức về mối quan hệ với đối tượng mình thích bắt nguồn từ đâu, nhận thức về hoàn cảnh, những phân biệt giữa các tình cảm đủ loại bắt nguồn từ đâu? Những chức năng như tổng hợp, phân tích, điều phối, thích nghi đến từ nơi nào? Bởi vì nếu ta phân tích việc truyền tín hiệu thần kinh trong các neuron, chúng ta sẽ chỉ thấy đó là dạng các xung động điện rất nhỏ. Các xung động thần kinh di chuyển dọc theo các sợi trục của neuron. Xung động này tác động vào các túi bằng màng chứa các chất dẫn truyền thần kinh đến từ thân tế bào của neuron. Các chất dẫn truyền này ở dạng hoá học, sẽ vượt qua các khe nhỏ xíu ở các điểm nối giữa các neuron, gọi là khớp thần kinh, trong vòng vài phần ngàn của giây, để truyền tín hiệu sang neuron tiếp nhận[19].

Những xung động điện và các chất dẫn truyền trong bộ não của con người có thể nói là giống nhau, nhưng mức độ nhận thức về tình cảm nơi mỗi người lại rất khác nhau. Có người yêu cha mẹ vì hiểu được rằng cha mẹ sinh thành, dưỡng dục mình chứ không phải chỉ cho ăn (ở mức độ cảm giác), hay chiều chuộng theo ý thích của mình (ở mức độ cảm xúc). Nếu đi xa hơn về nhận thức, người đó yêu cha mẹ vì là hình ảnh của Thiên Chúa, vâng theo điều răn của Thiên Chúa “Hãy thảo kính cha mẹ”, dù cha mẹ họ già yếu, bệnh tật, khó tính, bất công với họ. Tất cả những nhận thức đó đều cần thiết để giúp cho con người nâng cao giá trị hành động của mình. Vì thế việc giáo dục và đào tạo tình cảm cho người nghiện là rất cần thiết để tạo lại những tình cảm trong sáng, tích cực, tốt lành thay cho những tình cảm tiêu cực, đen tối mà người nghiện thường dùng ma tuý để chạy trốn chúng.

Điều chúng tôi ghi nhận ở đây là trong bộ não của con người, chúng ta không thấy có chỗ nào chứa đựng nhận thức về tự do, hạnh phúc, tình yêu… Tất cả chỉ là những xung điện và những chất dẫn truyền thần kinh dưới dạng các phân tử hoá học. Vậy thì tư tưởng, nhận thức, tình yêu… của con người đến từ đâu và bắt nguồn từ đâu? Câu trả lời không thể tìm thấy nơi con người và khoa học hiện đại nhưng phải tìm về nguồn của mọi hiện hữu là Thiên Chúa, là Chúa Trời, là Ông Trời như nhiều người đang tin tưởng. Chỉ có Đấng đó mới giải nghĩa được tình yêu, hạnh phúc, tự do và các giá trị cao quý nơi con người và vạn vật trong vũ trụ.

Chính vì thế, chúng tôi đề nghị liệu pháp nhân bản tâm linh để giúp cho những người nghiện cảm nhận được tình yêu thương của người thân, của cộng đồng xã hội thay vì hận thù, ghen ghét, áp bức lẫn nhau trong các trại tập trung cai nghiện như hiện nay.

Chúng tôi cũng đề nghị những bài học căn bản về giá trị của đời sống từ việc ăn uống, ngủ nghỉ, làm việc, thở khí tự nhiên và siêu nhiên, cho đến các giá trị tinh thần cao hơn như tình yêu, hạnh phúc, hoà bình… để tăng thêm độ nhận thức của người bệnh vì phần vỏ não rất quan trọng trong việc đào tạo nhận thức của con người.

Cuối cùng, chúng tôi hiểu rằng những mối tương quan của người nghiện cần được phục hồi và phát triển, nhất là mối tương quan với Thiên Chúa là nguồn của mọi hiện hữu và ân phúc. Người bệnh một khi có lòng tin vào một Đấng linh thiêng, họ sẽ cảm nhận được sức mạnh nâng đỡ giúp họ chiến thắng thần dữ và vượt qua chính mình.

Lời kết

Chúng tôi chân thành cảm ơn tất cả bạn bè và những nhà hảo tâm đã giúp đỡ chúng tôi trong hơn 20 năm qua, kể từ lúc chúng tôi bắt đầu giúp đỡ cho những anh chị em nghiện ma tuý và nhiễm HIV đến nay. Chúng tôi muốn gửi tới tất cả các bạn lời cầu chúc bình an, hạnh phúc và dồi dào ơn lành của Thiên Chúa, vì Ngài luôn yêu thương và cứu độ chúng ta.



[1] X. Báo Công An TP.HCM, ngày 6/5/2003.

[2] X. Báo cáo của Bộ Y tế, Báo Tuổi Trẻ, ngày 12/11/2002, tr.2.

[3] X. Lương y Nguyễn Hữu Khai, Tôi học cai nghiện ma tuý, NXB Lao Động, 2001, tr.61-87.

[4] X. Tập san Bác ái Xã hội, số 2, 6/2003, tr.177-179.

[5] X. Tập san Bác ái Xã hội, số 2, 6/2003, tr.64-67.      

[6] X. Tập san Bác ái Xã hội, số 2, 6/2003, tr.53-54.

[7] X. Tập san Bác ái Xã hội, số 2, 6/2003, tr.145-147.

[8] Nay là Giám mục Giáo phận Bùi Chu và Chủ tịch Uỷ ban Bác ái Xã hội.

[9] X. Báo Tuổi Trẻ, ngày 19/4/2003, tr.3.

[10] X. Tập san Bác ái Xã hội, số 2, 6/2003, tr.20-38.

[11] X. website của Bộ Công an, ngày 5/9/2018, internet.

[12] X. Nguyễn Hữu Khai, Tôi học Cai nghiện Ma tuý, NXB Lao Động, Hà Nội, 2001, tr.5.

[13] X. A.Roberts, Atlas Giải phẫu Cơ thể Người, NXB Y Học, tr. 296.

[14] X. A.Roberts, Atlas Giải phẫu Cơ thể Người, NXB Y Học, tr. 301 và 304.

[15] X. A.Roberts, Atlas Giải phẫu Cơ thể Người, NXB Y Học, tr. 299.

[16] X. A.Roberts, Atlas Giải phẫu Cơ thể Người, NXB Y Học, tr. 301.

[17] X. A.Roberts, Atlas Giải phẫu Cơ thể Người, NXB Y Học, 2015, tr.306.

[18] X. A.Roberts, Atlas Giải phẫu Cơ thể Người, NXB Y Học, 2015, tr.305-310.

[19] X. A.Roberts, Atlas Giải phẫu Cơ thể Người, NXB Y Học, 2015, tr.300.